Tội phạm công nghệ cao bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
26/08/2022 15:54 PM

Hiện nay, tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp. Vậy tội phạm công nghệ cao bị xử lý thế nào? - Tấn Tài (Bình Định)

Tội phạm công nghệ cao bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Tội phạm công nghệ cao bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là tội phạm công nghệ cao?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao.

(Hiện hành, đang áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)).

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý:

- Xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc

- Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức

- Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân

- Xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự. 

Bên cạnh đó, Nghị định 25/2014/NĐ-CP cũng định nghĩa vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao là hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Các loại tội phạm công nghệ cao theo Bộ luật Hình sự

Tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể như sau:

- Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285)

- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286)

- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287)

- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288)

- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289)

- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290)

- Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291)

- Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293)

- Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294)

Mức phạt tù cao nhất của tội phạm công nghệ cao là 20 năm (đối với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).

3. Mức phạt hành chính một số hành vi vi phạm sử dụng cao nghệ cao

3.1. Vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản

Người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. cụ thể: 

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;

+ Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;

+ Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2.000.000 đồng.

Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bi áp dụng phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

3.2. Vi phạm quy định về gây nhiễu có hại

Theo Điều 71 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm quy định về gây nhiễu có hại sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có bức xạ vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không tuân thủ hoặc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện và quản lý tương thích điện từ.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không tuân thủ các điều kiện kỹ thuật hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại cho thông tin vô tuyến dẫn đường, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh khi đã có yêu cầu ngừng sử dụng thiết bị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ các hành vi tại điểm đ khoản 6 Điều 71 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện từ 01 tháng đến 03 tháng, trừ các hành vi được quy định tại khoản 1, 2, 3 về điểm đ khoản 6 Điều 71 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,885

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]