05 điều cần biết về sĩ quan dự bị

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
29/07/2022 17:00 PM

Sĩ quan dự bị là thành phần quan trọng của lực lượng dự bị động viên, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội. Sau đây là những quy định cần biết về sĩ quan dự bị.

05 điều cần biết về sĩ quan dự bị

05 điều cần biết về sĩ quan dự bị (Hình từ Internet)

1. Đối tượng đăng ký sĩ quan dự bị

Những cá nhân sau đây phải đăng ký sĩ quan dự bị:

- Sĩ quan, cán bộ là quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện của sĩ quan dự bị;

- Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan khi thôi phục vụ tại ngũ và hạ sĩ quan dự bị đã được đào tạo sĩ quan dự bị;

- Cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của quân đội, đã được đào tạo sĩ quan dự bị.

(Theo Điều 39 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014).

2. Độ tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị

Theo Điều 38 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014) thì hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị quy định như sau:

Cấp úy: 51;

Thiếu tá: 53;

Trung tá: 56;

Thượng tá: 57;

Đại tá: 60;

Cấp Tướng: 63.

3. Trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan dự bị

Căn cứ Điều 42 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014) quy định trách nhiệm của sĩ quan dự bị sau đây:

- Đăng ký, chịu sự quản lý của chính quyền và cơ quan quân sự địa phương nơi cư trú hoặc công tác và đơn vị dự bị động viên;

- Tham gia các lớp huấn luyện, tập trung kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong lực lượng dự bị động viên;

- Vào phục vụ tại ngũ theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014).

Căn cứ Điều 43 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014) quy định quyền lợi của sĩ quan dự bị sau đây:

- Được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở quân y và được hưởng các chế độ khác do Chính phủ quy định; được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích;

- Sĩ quan dự bị được gọi vào phục vụ tại ngũ trong thời bình, khi hết thời hạn được trở về cơ quan hoặc địa phương trước khi nhập ngũ và tiếp tục phục vụ trong ngạch dự bị; trường hợp quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ tiêu chuẩn thì được chuyển sang ngạch sĩ quan tại ngũ. 

4. Phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị

Cụ thể từng trường hợp  phong, thăng và thăng quân hàm trước thời hạn của sĩ quan dự bị:

*Trường hợp phong quân hàm sĩ quan dự bị: (Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 78/2020/NĐ-CP)

- Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm Thiếu úy sĩ quan dự bị;

- Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức; tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị loại khá trở lên, kết quả rèn luyện tốt thì căn cứ vào chức vụ được bổ nhiệm trong các đơn vị dự bị động viên và mức lương đang hưởng để xét phong cấp bậc quân hàm sĩ quan dự bị tương xứng.

*Trường hợp thăng quân hàm sĩ quan sĩ bị: (Theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 78/2020/NĐ-CP)

Sĩ quan dự bị có đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì được xét thăng quân hàm:

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt; trình độ kiến thức năng lực tương ứng với chức vụ đảm nhiệm; trong thời hạn xét thăng quân hàm thực hiện tốt các quy định về đăng ký, quản lý, huấn luyện, sinh hoạt và lệnh huy động, động viên của cấp có thẩm quyền;

- Chức vụ đang đảm nhiệm trong đơn vị dự bị động viên và chức vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có nhu cầu cấp bậc quân hàm cao hơn cấp bậc quân hàm hiện tại;

- Đủ thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan dự bị quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014).

*Trường hợp thăng quân hàm sĩ quan dự bị trước thời hạn: Sĩ quan dự bị có công trình nghiên cứu, có sáng kiến giá trị phục vụ cho quốc phòng hoặc có thành tích xuất sắc, có hành động dũng cảm trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn được tặng thưởng huân chương thì được xét thăng quân hàm trước thời hạn.

Ngoài ra, thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan dự bị dài hơn 2 năm so với thời hạn của mỗi cấp bậc quân hàm sĩ quan tại ngũ quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014).

5. Các trường hợp miễn nhiệm chức vụ, giải ngạch sĩ quan dự bị

Cụ thể tại Điều 19 Nghị định 78/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp miễn nhiệm chức vụ sĩ quan dự bị như sau:

- Khi có quyết định thay đổi tổ chức, biên chế hoặc giải thể đơn vị dự bị động viên của cấp có thẩm quyền, không còn nhu cầu biên chế chức vụ của sĩ quan dự bị đang đảm nhiệm.

- Sĩ quan dự bị được cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp, bổ nhiệm trong các đơn vị dự bị động viên hoặc được bầu giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc diện miễn gọi nhập ngũ thời chiến.

- Sĩ quan dự bị có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc sức khỏe giảm sút từ loại 4 trở lên, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ hiện tại.

- Sĩ quan dự bị được cấp có thẩm quyền quyết định giải ngạch thì đương nhiên miễn nhiệm chức vụ.

- Sĩ quan dự bị được bổ nhiệm chức vụ trong đơn vị dự bị động viên, khi ra nước ngoài học tập, lao động, làm việc thời gian từ một năm trở lên hoặc thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú, chấp hành không nghiêm lệnh gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ thấp thì xem xét miễn nhiệm.

Đối với trường hợp giải ngạch sĩ quan dự bị, thì được quy định tại Điều 23 Nghị định 78/2020/NĐ-CP như sau:

- Hết tuổi phục vụ theo quy định tại Điều 38 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014)

- Không còn đủ tiêu chuẩn của sĩ quan hoặc không đủ tiêu chuẩn sức khỏe gọi vào phục vụ tại ngũ.

- Sĩ quan dự bị phải thi hành án phạt tù.

- Xuất cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

>>> Xem thêm: Đối tượng nào được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị? Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị bao gồm những gì? Thời gian đào tạo sĩ quan dự bị là bao lâu?

Sĩ quan dự bị có thuộc đối tượng ưu tiên khi tuyển dụng viên chức không? Nếu có, được cộng bao nhiêu điểm ưu tiên?

Chế độ chính sách với sĩ quan dự bị được gọi vào phục vụ tại ngũ? Những đối tượng nào được đăng ký sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam?

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 44,680

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn