09 biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Phá sản

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/06/2022 13:51 PM

Khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán tài sản có thể bị phá sản. Do đó, nhằm để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thì một số chủ thể có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Dưới đây là 09 biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Phá sản

09 biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Phá sản (Ảnh minh họa)

1. Biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì?

Biện pháp khẩn cấp tạm thời được hiểu là biện pháp được Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự (bao gồm phá sản) nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

2. Ai có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thuộc về các đối tượng sau:

- Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014

- Quản tài viên;

- Doanh nghiệp quản lý;

- Thanh lý tài sản

(khoản 1 Điều 70 Luật Phá sản 2014)

Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

3. Các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

STT

Biện pháp khẩn cấp tạm thời

1

Cho bán hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ;

Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.

2

Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

3

Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại ngân hàng;

Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

4

Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp, hợp tác xã.

5

Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

6

Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

7

Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định.

8

Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

9

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.

(khoản 1 Điều 70 Luật Phá sản 2014)

4. Nội dung văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chủ yếu sau:

- Ngày, tháng, năm;

- Tên, địa chỉ của người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Tên, địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án nhân dân chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

(Khoản 2 Điều 70 Luật Phá sản 2014)

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,248

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn