Thời giờ làm việc của doanh nghiệp nhà nước theo Thông tư 23

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
10/08/2024 18:00 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về thời giờ làm việc của doanh nghiệp nhà nước theo Thông tư 23/1999/TT-BLĐTBXH .

Thời giờ làm việc của doanh nghiệp nhà nước theo Thông tư 23 (Hình từ internet)

1. Thời giờ làm việc của doanh nghiệp nhà nước theo Thông tư 23

Thông tư 23/1999/TT-BLĐTBXH áp dụng đối với cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước;

- Cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp kinh tế, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng các quy định theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước.

Các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở sản xuất-kinh doanh, dịch vụ nói trên, sau đây gọi chung là doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp tự quyết định việc thực hiện giảm giờ làm việc trong tuần từ 48 giờ trong 6 ngày xuống 40 giờ trong 5 ngày hoặc 44 giờ trong 5,5 ngày; bố trí ca, kíp hợp lý để nghỉ 2 ngày hoặc 1,5 ngày trong tuần và chịu trách nhiệm về quyết định của doanh nghiệp;

Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch sản xuất- kinh doanh, doanh nghiệp quyết định việc giảm giờ làm việc trong tuần hoặc giữ nguyên chế độ tuần làm việc 48 giờ trong 6 ngày.

Bên cạnh đó, khi thực hiện giảm giờ làm việc trong tuần, doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Hoạt động sản xuất - kinh doanh phải bảo đảm hiệu quả, lợi nhuận và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước;

- Bảo đảm tiền lương và thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành;

- Không tăng đơn giá tiền lương, giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông;

- Tiền lương ngày để trả lương làm thêm giờ, làm đêm, phụ cấp lương, trả trợ cấp bảo hiểm xã hội thay lương v.v.., vẫn thực hiện theo quy định hiện hành;

- Tổng số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ theo quy định hiện hành;

- Nơi làm việc theo ca thì phải bảo đảm thực hiện thời gian nghỉ giữa ca, nghỉ chuyển tiếp giữa hai ca đối với người lao động theo quy định hiện hành; bảo đảm người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù các ngày lễ, tết và tổ chức thực hiện những ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng và các chế độ nghỉ khác theo quy định hiện hành;

- Chế độ rút ngắn thời giờ làm việc trong ngày đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư 16/LĐTBXH-TT ngày 23/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Như vậy, theo quy định nêu trên, doanh nghiệp được tự quyết định giờ làm việc trong tuần theo 1 trong 3 mốc sau đây: 

- 48 giờ trong 6 ngày;

- 40 giờ trong 5 ngày;

- Hoặc 44 giờ trong 5,5 ngày

Tuy nhiên phải bố trí ca, kíp hợp lý để nghỉ 2 ngày hoặc 1,5 ngày trong tuần và chịu trách nhiệm về quyết định của doanh nghiệp;

2. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức nào?

- Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

(1) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

(2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm (1) bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm (2) bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

(Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,225

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]