Theo đó, để được hỗ trợ chi phí đầu tư của Quỹ Hỗ trợ đầu tư thì doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;
- Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao mà công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định 182/2024/NĐ-CP;
- Doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định 182/2024/NĐ-CP nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam và hằng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 182/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 31/12/2024.