Những hệ lụy khi chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thanh Lợi
02/07/2020 11:01 AM

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật là trường hợp người lao động (NLĐ) đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại Điều 35 và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại Điều 36 và 37 của Bộ luật lao động 2012.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (Ảnh minh họa)

Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật sẽ mang đến những hệ lụy nhất định đối với NLĐ, NSDLĐ, cụ thể như sau:

1. Hệ lụy đối với NLĐ chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

- NLĐ sẽ không được trợ cấp thôi việc; không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điểm a Khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013).

- NLĐ phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ.

- Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì NLĐ phải bồi thường cho NSDLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước.

- Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho NSDLĐ (nếu có). Trong đó, chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp NLĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

2. Hệ lụy đối với NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

(1) NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

(2) Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường theo điểm (1) kể trên, thì NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định.

(3) Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường theo điểm (1) kể trên, và trợ cấp thôi việc theo quy định, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.

(4) Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường theo điểm (1) kể trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.

(5) Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước.

Ghi chú: Tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là tiền lương theo HĐLĐ tại thời điểm NSDLĐ hoặc NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,027

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn