Uống rượu bia gây tai nạn giao thông: Pháp luật hình sự xử lý thế nào?

16/09/2022 09:58 AM

Pháp luật hình sự xử lý thế nào về hành vi gây tai nạn giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn? - Quỳnh Giao (Trà Vinh)

Uống rượu bia gây tai nạn giao thông: Pháp luật hình sự xử lý thế nào?

Uống rượu bia gây tai nạn giao thông: Pháp luật hình sự xử lý thế nào?

Hiện nay, tình trạng điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say xỉn đang thực sự là một vấn nạn nhức nhối và phổ biến trong xã hội và hầu như chưa có phương án giải quyết để giảm bớt các vụ tai nạn giao thông phát xuất từ nguyên nhân này.

Tuy nhiên, biện pháp xử phạt thật nặng theo quy định trong Bộ luật Hình sự đối với người uống rượu bia mà vẫn tham gia điều khiển phương tiện giao thông và gây tai nạn nghiêm trọng thực sự là một biện pháp đáng xem xét và có khả thi trên thực tế.

Theo Luật sư Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Nam Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều xử phạt rất nặng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.

Theo đó, hành vi uống rượu bia và vẫn lái xe là một hành vi cố ý khinh thường mạng sống của chính mình và người khác, khi xảy ra hậu quả làm chết người thì không khác gì một hành vi giết người với lỗi cố ý.

Một ví dụ điển hình cho vấn đề này đó là hồi tháng 4/2019, chính phủ Thái Lan đã yêu cầu buộc tội giết người đối với những người say rượu lái xe gây tại nạn chết người trong dịp lễ năm mới Songkhran.

Đối chiếu với quy định hiện tại trong BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người có hành vi gây tai nạn giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, người gây tai nạn sẽ bị xử phạt theo điểm b, khoản 2 Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

Theo quy định trên, người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định và gây ra thiệt hại: làm chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt cao nhất chỉ là 10 năm tù.

Theo đó, mức xử phạt như vậy khi đối chiếu với tính chất nguy hiểm của hành vi say rượu mà vẫn cố tình lái xe và gây hậu quả làm chết người là quá nhẹ và chưa hề có tác dụng răn đe và phòng, chống đối với loại hành vi này.

Theo Luật sư Nguyễn Thành Trung, đối với tình tiết “trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” nên được xem xét sửa đổi để định khung hình phạt tại khoản 3 của điều luật này, với mức án cao nhất là 15 năm tù hoặc thậm chí nên quy định tại khoản 4 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu uống rượu bia gây tai nạn làm chết từ 03 người trở lên.

Đồng thời, khi phân tích quy định tại điểm b, khoản 2 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như trên, ta thấy Pháp luật hình sự hiện hành vẫn chưa thống nhất quy định khi đối chiếu với những văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, theo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia năm 2019 quy định tại khoản 6, Điều 5: “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Đồng thời theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các mức phạt tiền khác nhau tùy theo loại xe đã điều khiển khi tham gia giao thông đường bộ, kể cả xe đạp.

Theo đó, Bộ luật hình sự nên được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo chiều hướng rằng đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn và gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị áp dụng theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự, chứ không cần phải có tình tiết “nồng độ cồn vượt quá mức quy định” như hiện hành.

Đồng thời, nên tăng mức hình phạt quy định đối với hành vi này, việc phạt thật nặng các lái xe say xỉn mà vẫn lái xe hoàn toàn là một biện pháp có khả thi trên thực tế để phòng, chống và giảm bớt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng phát xuất từ nguyên nhân này.

  • Luật sư Nguyễn Thành Trung
  • Bài viết được tư vấn bởi
    Luật sư Nguyễn Thành Trung
    Xem thêm thông tin về luật sư tại đây
    Lầu 1 Tòa nhà EMC, 141 Nguyễn Thị Nhung, KĐT Vạn Phúc, Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Lầu 1 Tòa nhà EMC, 141 Nguyễn Thị Nhung, KĐT Vạn Phúc, Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
    Lầu 1 Tòa nhà EMC, 141 Nguyễn Thị Nhung, KĐT Vạn Phúc, Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP.HCM. 0985511299

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,030

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]