Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý (ngoại trừ thuế kinh doanh) có vốn đầu tư nước ngoài

06/08/2022 17:39 PM

“Tôi muốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý (ngoại trừ thuế kinh doanh) có vốn đầu tư nước ngoài thì cần chuẩn bị những gì?”

Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý (ngoại trừ thuế kinh doanh) có vốn đầu tư nước ngoài

Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý (ngoại trừ thuế kinh doanh) có vốn đầu tư nước ngoài (Hình từ internet)

Nhằm giúp Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý (ngoại trừ thuế kinh doanh) hiểu rõ quy trình pháp lý, hồ sơ cần thiết để thực hiện thủ tục, Luật sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH IPIC tư vấn về vấn đề này như sau:

1. Hình thức đầu tư kinh doanh tư vấn quản lý (ngoại trừ thuế kinh doanh) tại Việt Nam

Dịch vụ tư vấn quản lý (CPC 865) - ngoại trừ thuế kinh doanh được cam kết trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Cam kết như sau:

“Không hạn chế. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, cho phép thành lập chi nhánh.”.

Pháp luật Việt Nam: không quy định điều kiện đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh Dịch vụ tư vấn quản lý (ngoại trừ thuế kinh doanh), sau 3 năm được phép thành lập chi nhánh.

2. Phạm vi của dịch vụ tư vấn quản lý

Dịch vụ tư vấn quản lý bao gồm các dịch vụ sau:

a. Dịch vụ tư vấn quản lý chung

Dịch vụ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động về chính sách và chiến lược kinh doanh và hoạch định chung, cơ cấu và kiểm soát một tổ chức. Cụ thể hơn, các công việc tư vấn quản lý chung có thể đề cập tới một hoặc nhiều công việc sau đây: hoạch định chính sách, xác định cấu trúc của tổ chức (hệ thống đưa ra quyết định) để có thể thực hiện mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả nhất, tổ chức pháp lý, kế hoạch kinh doanh chiến lược, xác định hệ thống thông tin quản lý, xây dựng các báo cáo quản lý và kiểm soát, kế hoạch thay đổi kinh doanh, kiểm toán quản lý, xây dựng các chương trình tăng lợi nhuận và các vấn đề khác mà ban quản lý cấp cao của một tổ chức đặc biệt quan tâm.

b. Dịch vụ tư vấn quản lý tài chính (trừ thuế kinh doanh)

Dịch vụ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động về các lĩnh vực ra quyết định mang bản chất tài chính như vốn hoạt động và quản lý tính thanh khoản, xác định cơ cấu vốn phù hợp, phân tích các đề xuất đầu tư vốn, xây dựng hệ thống kế toán và kiểm soát ngân quỹ, đánh giá kinh doanh trước khi sáp nhập và/hoặc mua lại, v.v. nhưng loại trừ dịch vụ tư vấn về quản lý danh mục đầu tư ngắn hạn thường được các tổ chức trung gian tài chính ngắn hạng cung cấp.

c. Dịch vụ tư vấn quản lý marketing

Dịch vụ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động liên quan tới chiến lược marketing và hoạt động marketing của một tổ chức. Các công việc tư vấn marketing có thể liên quan tới một hoặc nhiều công việc sau đây: phân tích và hoạch định chính sách marketing, hoạch định chính sách về dịch vụ khách hàng và giá, quản lý bán hàng và đào tạo nhân viên, tổ chức các kênh phân phối (bán cho người bán buôn hoặc bán trực tiếp cho người bán lẻ, thư trực tiếp, nhượng quyền thương mại, v.v.), tổ chức quá trình phân phối, thiết kế đóng gói và các vấn đề khác liên quan tới chiến lược và hoạt động marketing của một tổ chức.

d. Dịch vụ tư vấn quản lý nguồn nhân lực

Dịch vụ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động liên quan tới quản lý nguồn nhân lực của một tổ chức. Các hoạt động tư vấn quản lý nguồn nhân lực có thể liên quan tới một hoặc nhiều công việc sau đây: kiểm toán chức năng nhân sự, xây dựng chính sách về nhân lực, hoạch định nguồn nhân lực, thủ tục tuyển người, chiến lược khuyến khích và khen thưởng, phát triển nguồn nhân lực, quan hệ giữa người lao động và ban quản lý, kiểm soát vắng mặt, rà soát hoạt động và các vấn đề khác liên quan tới chức năng quản lý nhân sự của một tổ chức.

e. Dịch vụ tư vấn quản lý sản xuất

Dịch vụ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động liên quan tới các phương pháp cải thiện năng suất, giảm chi phí sản xuất và tăng cường chất lượng sản xuất. Các hoạt đông tư vấn sản xuất có thể liên quan tới một hoặc nhiều công việc sau: tận dụng hiệu quả các nguyên liệu trong quá trình sản xuất, quản lý và kiểm soát lưu kho, các tiêu chuẩn hoạt động, các nghiên cứu về thời gian và chuyển động, các phương pháp về công việc và làm việc, quản lý hoạch định, thiết kế và các vấn đề liên quan tới sản xuất nhưng không bao gồm các dịch vụ tư vấn và thiết kế đối với bố trí nhà máy và các quá trình công nghiệp thường do các tổ chức tư vấn kỹ thuật cung cấp.

f. Dịch vụ quan hệ cộng đồng

Dịch vụ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động liên quan tới các phương pháp cải biến nhằm tăng cường hình hảnh và quan hệ của một tổ chức hoặc cá nhân với cộng đồng, chính phủ, cử tri, cổ đông và các đối tượng khác.

g. Các dịch vụ tư vấn quản lý khác

Dịch vụ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động liên quan tới các vấn đề khác. Các dịch vụ này bao gồm dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp, dịch vụ tư vấn phát triển du lịch, ... .

3. Quy trình thực hiện thủ tục

Bước 1: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư;

Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

4. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

4.1. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

a. Hồ sơ cần soạn thảo;

- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

- Đề xuất dự án đầu tư

- Bản thuyết minh về năng lực tài chính của Nhà đầu tư;

- Bản giải trình đáp ứng điều kiện đầu tư đối với Nhà đầu tư nước ngoài;

- Quyết định của Nhà đầu tư (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);

- Giấy ủy quyền trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đại diện thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư;

b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp;

* Tài liệu chung;

- Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của bên cho thuê địa điểm là tổ chức (có ngành nghề kinh doanh bất động sản); bản sao chứng thực Giấy phép xây dựng; bản sao chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà);

* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài;

- Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Quyết định, Giấy phép thành lập của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài;

- Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Báo cáo tài chính có kiểm toán 2 năm gần nhất của Nhà đầu tư hoặc Xác nhân số dư tài khoản Ngân hàng của Nhà đầu tư nước ngoài để chứng minh năng lực tài chính;

- Bản sao chứng thực Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài;

* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài;

- Bản sao chứng thực Hộ chiếu của nhà đầu tư;

- Bản dịch công chứng Xác nhân số dư tài khoản Ngân hàng của Nhà đầu tư để chứng minh năng lực tài chính;

4.2. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

a. Hồ sơ cần soạn thảo;

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

- Điều lệ Công ty;

- Danh sách thành viên (đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên); Danh sách cổ đông sáng lập (đối với Công ty Cổ phần);

- Quyết định của Nhà đầu tư (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);

- Danh sách người đại diện theo ủy quyền (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);

- Giấy ủy quyền trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đại diện thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp;

b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp;

* Tài liệu chung;

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Bước 4.1);

- Bản sao chứng thực Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật của Công ty dự kiến thành lập;

* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là tổ chức;

- Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Quyết định, Giấy phép thành lập của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài (mục b, Bước 4.1)

- Bản sao chứng thực Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài (tương tự mục b, Bước 4.1);

* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài;

- Bản sao chứng thực Hộ chiếu thành viên/ cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài (tương tự mục b, Bước 41);

** Văn bản pháp luật liên quan

(1) Biểu cam kết Thương mại và Dịch vụ WTO;

(2) Luật Đầu tư 2020;

(3) Luật Doanh nghiệp 2020;

(4) Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư;

(5) Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

(6) Các văn bản pháp lý có liên quan khác.

Trên đây là thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý được tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH IPIC.

  • Luật sư Nguyễn Trinh Đức
  • Bài viết được tư vấn bởi
    Luật sư Nguyễn Trinh Đức
    Xem thêm thông tin về luật sư tại đây
    Phòng 401, tòa nhà đa năng 169 Nguyễn Ngọc vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội Phòng 401, tòa nhà đa năng 169 Nguyễn Ngọc vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
    Phòng 401, tòa nhà đa năng 169 Nguyễn Ngọc vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội 0936342668

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,150

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn