Ảnh: VGP/Lê Sơn
Sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 48 xem xét Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2020.
Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong ban hành và thi hành pháp luật
Báo cáo trước UBTVQH, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định.
Đó là, vẫn còn tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nguồn lực và kinh phí còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được về chất lượng, trong khi khối lượng công việc lớn, cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, ngành, địa phương còn thiếu, trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan chưa cao, cơ chế phân công phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và thi hành pháp luật chưa thực sự hiệu quả…
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Thành Long xác định một số nhiệm vụ lớn đối với công tác này thời gian tới. Đó là, tiếp tục xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Trong đó, ưu tiên tập trung cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, 2021, đặc biệt là các dự án luật về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các luật và tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 118 văn bản quy định chi tiết (32 văn bản nợ chưa ban hành và 86 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới).
Tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật
Các giải pháp căn cơ mà Bộ trưởng Lê Thành Long đưa ra là người đứng đầu các cơ quan trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác này, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản.
Đối với quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, ngay sau khi Quốc hội thông qua luật, nghị quyết, các bộ phải gửi đề xuất các văn bản quy định chi tiết cho Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lưu ý áp dụng nguyên tắc một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao; các bộ được giao xây dựng, trình hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết cần tập trung các nguồn lực để tổ chức soạn thảo đúng thời hạn. Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội.
“Ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh, triển khai thực hiện Hiến pháp và ban hành văn bản quy định chi tiết; củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Để công tác xây dựng và thi hành pháp luật ngày càng hiệu quả, Chính phủ đề nghị Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội ban hành các luật, nghị quyết trong đó ưu tiên các dự án thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, những nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp, Hiến pháp 2013 nhưng chưa được thể chế hóa; các dự án xây dựng và hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.
Bổ sung nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng, triển khai thi hành luật, pháp lệnh, hàng năm bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.
Lê Sơn
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ