Chính sách mới >> Tài chính 20/03/2024 15:45 PM

Chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với những trường hợp không đáp ứng được chỉ tiêu an toàn tài chính năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/03/2024 15:45 PM

Cho tôi hỏi chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tố chức kinh doanh chứng khoán được quy định như thế nào? – Minh Anh (Phú Thọ)

Chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với những trường hợp không đáp ứng được chỉ tiêu an toàn tài chính

 

Chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với những trường hợp không đáp ứng được chỉ tiêu an toàn tài chính (Hình từ internet)

Chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tố chức kinh doanh chứng khoán

Theo Điều 92 Luật Chứng khoán 2019, an toàn tài chính là một trong những điều kiện bắt buộc đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam.

Để được xem là an toàn tài chính, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán phải đáp ứng các chỉ tiêu sau:

- Chỉ tiêu về vốn khả dụng được quy định chi tiết tại các Điều 4, 5, 6 và 7 Thông tư 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020.

- Chỉ tiêu về các giá trị rủi ro được quy định chi tiết tại các Điều 8, 9 và 10 Thông tư 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020.

- Chỉ tiêu về tỷ lệ vốn khả dụng và chế độ báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng được quy định chi tiết tại các Điều 11, 12 Thông tư 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020.

Biện pháp xử lý đối với những trường hợp không đáp ứng được chỉ tiêu an toàn tài chính

Biện pháp cảnh báo

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng cảnh báo trong các trường hợp sau:

- Tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong ba (03) tháng liên tục; hoặc

- Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%; hoặc

- Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.

**Tổ chức kinh doanh sẽ được xem xét đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong ba (03) tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và tổ chức kinh doanh chứng khoán có báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc khắc phục tình trạng cảnh báo.

(Điều 13 Thông tư 91/2020/TT-BTC)

Biện pháp kiểm soát

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát trong các trường hợp sau:

- Tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong ba (03) tháng liên tục; hoặc

- Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 120% đến dưới 150%; hoặc

- Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150%.

Thời hạn kiểm soát sẽ không quá 12 tháng. Trong vòng 4 tháng sau khi đặt vào tình trạng kiểm soát, Sở giao dịch Chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần giao dịch của công ty chứng khoán thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát.

**Tổ chức kinh doanh sẽ được xem xét đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong ba (03) tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và tổ chức kinh doanh chứng khoán có báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc khắc phục tình trạng cảnh báo.

(Điều 14 Thông tư 91/2020/TT-BTC)

Biện pháp kiểm soát đặc biệt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:

- Tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dưới 120%; hoặc

- Không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn mười hai (12) tháng quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 91/2020/TT-BTC; hoặc

- Không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong hai (02) kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không thực hiện kiểm toán hoặc soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư 91/2020/TT-BTC; hoặc

- Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.

Thời hạn kiểm soát tối đa là 04 tháng. Sau thời hạn này, Sở giao dịch Chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần giao dịch của công ty chứng khoán thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát. Việc đình chỉ giao dịch của công ty chứng khoán thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán kết thúc khi công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát.

**Tổ chức kinh doanh sẽ được xem xét đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong ba (03) tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và tổ chức kinh doanh chứng khoán có báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc khắc phục tình trạng cảnh báo.

Sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu tổ chức kinh doanh vẫn chưa khắc phục được tình trạng của mình thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

(Điều 16 Thông tư 91/2020/TT-BTC)

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,743

Bài viết về

lĩnh vực Chứng khoán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]