Chính sách mới >> Tài chính 13/03/2012 14:18 PM

Tín phiếu trong bài toán kiềm chế lạm phát và hạ lãi suất

13/03/2012 14:18 PM

Việc phát hành tín phiếu có thể giúp lãi suất huy động giảm nhưng phải cần một vài tháng mặt bằng lãi suất cho vay mới có thể hạ ở mức tương ứng.

Trong bối cảnh giá cả của nhiều hàng hoá thiết yếu đang tăng mạnh, cụ thể giá gas liên tục tăng từ đầu năm, giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng 10%, thì điều thị trường lo lắng là việc hạ các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động có gây ra áp lực lạm phát trong thời gian tới hay không. Giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ làm tăng giá thành đầu vào cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế. 

Tuy nhiên, sự dịch chuyển toàn bộ hay một phần mức tăng giá thành sản xuất sang mức tăng giá bán, tức tăng chỉ số giá tiêu dùng, lại phụ thuộc mạnh vào mức độ nới lỏng của tổng cầu. Để tiếp tục kiềm chế lạm phát, NHNN cần thực thi những biện pháp tiền tệ thắt chặt để tiếp tục kiểm soát tổng cầu.

Trong khi các công cụ điều hành chính sách tiền tệ hiện tại đang tỏ ra không còn phát huy tác dụng trong việc hạ mặt bằng lãi suất, thì tín phiếu sẽ được coi là một công cụ mạnh để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hạ lãi suất huy động.

Khó hạ mặt bằng lãi suất huy động

Cả ba công cụ truyền thống ­– thị trường mở, trần lãi suất huy động, và tái cấp vốn – để điều hành thị trường tiền tệ của NHNN hiện nay đều rơi vào tình trạng không thể phát huy hiệu quả trong việc hạ mặt bằng lãi suất huy động, do hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam hiện nay đang bị phân hoá mạnh thành hai nhóm: nhóm khó khăn về thanh khoản và nhóm dư thừa thanh khoản.

Thị trường mở và thị trường liên ngân hàng không còn có nhiều ý nghĩa trong việc giải quyết thanh khoản của hệ thống trong thời điểm hiện tại. Tổng dư nợ mà các NHTM vay của NHNN qua kênh thị trường mở chỉ dao động quanh mức 10.000 tỉ đồng trong vài tuần qua. Nhu cầu vay thêm của các NHTM cũng thường xuyên thấp hơn lượng chào ra của NHNN. Nguyên nhân là do các NHTM thừa thanh khoản có thể vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường mở. Mức lãi suất liên ngân hàng hiện đang dao động từ 9 – 12%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Tuy nhiên, những NHTM khó khăn về thanh khoản thì lại khó có thể tiếp cận được mức lãi suất liên ngân hàng thấp như trên, và cũng khó có thể vay được tiền từ thị trường mở do không có trái phiếu chính phủ.

Trần lãi suất huy động 14% hiện cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc giúp các ngân hàng yếu kém cải thiện thanh khoản. Nhóm NHTM này vẫn phải huy động tiền bằng mọi cách do không thể vay từ nhóm các ngân hàng lớn cũng như vay từ thị trường mở. Tình trạng vượt trần lãi suất đối với những NHTM này đang dần phổ biến qua việc trả chênh lệch lãi suất trần bằng nhiều cách khác nhau. Mặc dù nhóm NHTM có thanh khoản tốt không cần phải huy động bằng mọi giá và đang dần có những động thái hạ lãi suất huy động xuống dưới 14%, nhưng để giữ khách hàng, một số NHTM lớn cũng vẫn có những hình thức khuyến mãi vượt trần cho một số nhóm khách hàng.

Công cụ tái cấp vốn hiện đang được NHNN sử dụng thường xuyên để hỗ trợ các ngân hàng thiếu thanh khoản. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tái cấp vốn mà không có nguồn tiền thu về thì sẽ dư thừa cung tiền, gây áp lực lạm phát. Rõ ràng đây là điều mà NHNN không muốn. Đặc biệt trong thời gian qua NHNN đã phải bơm ra một lượng tiền đồng tương đối lớn, ước tính khoảng 50.000 – 60.000 tỉ đồng từ đầu năm 2012, để mua vào một lượng lớn USD, qua đó nâng dự trữ của NHNN tăng khoảng 20% so với cuối năm 2011. Vì vậy, NHNN phải tìm biện pháp khác để rút tiền về trong khi vẫn có thể hỗ trợ được thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém thông qua công cụ tái cấp vốn.

Giải pháp phát hành tín phiếu

Dựa trên tình hình dư thừa tiền tại các NHTM lớn, NHNN có thể phát hành tín phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn lợi tức trái phiếu chính phủ sắp đáo hạn giao dịch trên thị trường thứ cấp để hút tiền dư từ các NHTM lớn. Các NHTM này thay vì đẩy mạnh cho khách hàng vay hoặc cho vay liên ngân hàng với lãi suất thấp thì có thể “tự nguyện” mua tín phiếu của NHNN nhờ mức lãi suất hấp dẫn này. Lượng tiền mà NHNN hút được sau khi các NHTM mua tín phiếu có thể được NHNN điều hoà trở lại cho các NHTM nhỏ thiếu thanh khoản qua biện pháp tái cấp vốn. Điều này sẽ giúp cho các NHTM nhỏ không phải huy động bằng mọi giá đồng thời cũng không phải vay trên thị trường liên ngân hàng. Mặt bằng lãi suất huy động do vậy sẽ được duy trì ở mức thấp hơn và công cụ trần 13% sẽ có tác dụng dẫn dắt lãi suất trong toàn bộ hệ thống NHTM.

Tuy việc phát hành tín phiếu có thể giúp lãi suất huy động giảm nhưng phải cần một vài tháng mặt bằng lãi suất cho vay mới có thể hạ ở mức tương ứng. Thứ nhất, lượng tiền huy động với lãi suất cao trước đây cần phải được các NHTM giải ngân hết trước khi chuyển sang mặt bằng mới. Thứ hai, do nguồn tiền dư từ các NHTM thanh khoản tốt bị NHNN hút về để điều hoà sang các NHTM yếu kém nên các NHTM có thanh khoản tốt này vẫn tiếp tục chỉ cung ứng tín dụng cho nhóm khách hàng ưu tiên để tránh rủi ro nợ xấu. Hay nói cách khác, chỉ một số nhóm khách hàng mới được hưởng mức lãi suất thấp hơn.

Như vậy, công cụ phát hành tín phiếu trong trường hợp này có ý nghĩa như là công cụ điều hoà thanh khoản hệ thống ngân hàng để giúp mặt bằng lãi suất giảm mà không phải nới lỏng cung tiền. Mặt bằng giá cả trong nền kinh tế sẽ không bị tác động nhiều khi lãi suất huy động hạ. Ở đây, NHNN đứng ra làm cầu nối trung gian trong việc dịch chuyển dòng vốn giữa các NHTM thông qua kênh tín phiếu và tái cấp vốn. Cung tiền cơ sở không tăng, mà chỉ chuyển từ NHTM thừa vốn sang NHTM thiếu vốn. NHNN vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát bằng chính sách cung tiền thắt chặt theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, để tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất một cách bền vững thì NHNN cần có thêm biện pháp mới nhằm tạo ra những chuyển biến trong hệ thống NHTM, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Kết quả tốt của quá trình sáp nhập các ngân hàng yếu kém sẽ giúp hệ thống tự vận hành dòng tiền một cách hiệu quả, từ đó trả lại tính hữu hiệu của các công cụ điều hành truyền thống của NHNN.

Theo Nguyên Minh Cường
SGTT

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,280

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn