Từ ngày 1/3/2012, Thông tư 183/2011/TT-BTC
có hiệu lực, cho phép loại hình quỹ mở được ra đời tại Việt Nam. Để
loại hình quỹ mở đi vào thực tế, cơ quan quản lý cần quảng bá và có
chính sách khuyến khích để tạo đà. Ông Hiramoto Hiroshi, Tổng giám đốc
CTCK Nhật Bản, người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành chứng khoán
và phát triển quỹ mở, khuyến nghị khi trao đổi với ĐTCK. Theo ông, đâu là những điểm hấp dẫn nổi bật của quỹ mở, khiến loại hình quỹ này trở nên phổ cập ở các TTCK phát triển? Quỹ mở có ít nhất 5 điểm hấp dẫn nổi bật so với các
loại hình đầu tư khác. Thứ nhất, quỹ mở luôn đảm bảo tính thanh khoản
cao, NĐT có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, với số tiền rút ra gần sát với
giá trị tài sản ròng của quỹ. Thứ hai, với một số vốn không lớn, NĐT có thể tham gia
đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các quỹ đầu tư như cổ
phiếu, trái phiếu, bất động sản… Trong khi đầu tư theo kiểu nhỏ lẻ như
hiện tại, NĐT không dễ làm được điều này, nên khó phân tán rủi ro. Đơn
cử như với thị trường trái phiếu, tuy NĐT nước ngoài, trong đó có nhiều
NĐT Nhật Bản, rất muốn đầu tư vào thị trường này từ nhiều năm nay, nhưng
không thể, do nhiều hạn chế. Khi quỹ mở đi vào hoạt động, việc đầu tư
vào thị trường trái phiếu Việt Nam của chúng tôi sẽ có cơ hội được hiện
thực hóa. Thứ ba, danh mục đầu tư của các quỹ mở thường được chọn
lọc kỹ lưỡng thông qua đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, đáng tin cậy.
Điều này góp phần đảm bảo cho khoản mục đầu tư của NĐT có cơ hội sinh
lời tốt hơn so với đầu tư nhỏ lẻ. Thứ tư, quỹ mở được vận hành bởi một ban đại diện
chuyên nghiệp, am hiểu sâu về thị trường, nên trong quá trình đầu tư họ
sẽ có sự phản ứng linh hoạt, hiệu quả hơn so với kiểu đầu tư cá nhân,
nhỏ lẻ. Với NĐT nước ngoài, lợi thế này rất quan trọng, bởi họ không đủ
thời gian, nhất là khó có điều kiện tìm hiểu sâu sắc thông tin về doanh
nghiệp, về thị trường Việt Nam để đưa ra chiến lược đầu tư hiệu quả. Thứ năm, hiện tại, đối với NĐT nước ngoài, khi khoản
tiền họ chuyển vào Việt Nam mà chưa giải ngân thì chỉ được hưởng lãi
suất không kỳ hạn, với tỷ lệ gần như không đáng kể. Tuy nhiên, khi tham
gia quỹ mở, họ có cơ hội được nhận một tỷ lệ lãi suất hấp dẫn hơn mức
lãi suất không kỳ hạn hiện nay. Cơ quan quản lý cần triển khai những biện pháp khuyến khích nào để tạo đà cho quỹ mở phát triển, thưa ông? UBCK cần ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo
tới rộng rãi NĐT, để giúp họ nhận diện rõ lợi thế của quỹ mở, đồng thời
chỉ cho họ thấy đây là một xu hướng đầu tư tất yếu trong tương lai gần.
Ngoài chú trọng giới thiệu tới NĐT các kỹ thuật đầu tư qua quỹ mở, UBCK
cần đặc biệt ưu tiên phác họa bức tranh TTCK sẽ có những điểm gì nổi bật
dưới tác động của quỹ mở. Dù tham gia bất kỳ loại hình đầu tư nào, bài
toán lợi nhuận luôn được NĐT đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, trong thời gian
đầu, để thu hút NĐT tham gia quỹ mở, cơ quan quản lý nên có chính sách
ưu đãi về thuế. Hiện nay, chính sách thu tới 25% tiền thuế với pháp
nhân và NĐT nước ngoài; 5% với cá nhân 5% tính trên lợi tức được chia từ
quỹ là quá cao, không phù hợp với một thị trường mới nổi như Việt Nam.
Nếu Chính phủ tạo điều kiện cho loại hình quỹ mở và thu hút NĐT tham gia
quỹ mở, thì không những sẽ giúp hoạt đầu tư tài chính chuyên nghiệp
hơn, mà còn tăng tính hấp dẫn của TTCK. Để gia tăng sức hấp dẫn cho quỹ mở, Việt Nam cũng cần
sớm cho phép triển khai một số sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương
lai, hợp đồng lựa chọn… Đây là những công cụ thiết yếu để giúp hoạt động
đầu tư của các quỹ, cũng như NĐT giảm thiểu rủi ro. Với triển vọng của quỹ mở như ông vừa chia sẻ, liệu
có làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam thông qua các sản phẩm của
quỹ trong thời gian tới? Điều này là khá hiện hữu trong thời gian gần, bởi thông
qua hoạt động liên kết với Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB, chúng tôi
đang nỗ lực huy động vốn để thành lập thêm một số quỹ đầu tư tại Việt
Nam trong thời gian tới, trong đó trước mắt là quỹ đầu tư trái phiếu. Nhiều rào cản mà NĐT Nhật Bản gặp phải trước thời điểm
quỹ mở tại Việt Nam được chính thức hoạt động đang dần được gỡ bỏ, nên
NĐT Nhật rất hào hứng tham gia góp vốn thành lập quỹ mở tại Việt Nam. Họ
đang đặc biệt chú ý đến cơ hội đầu tư vào các quỹ đầu tư bất động sản
và quỹ đầu tư trái phiếu. Thực tế, chúng tôi đang ưu tiên huy động vốn để sớm ra
đời hai quỹ này. NĐT Nhật Bản không còn quá ưa thích đầu tư vào cổ
phiếu, bởi họ không sẵn sàng đánh đổi rủi ro lớn để thu được lợi nhuận
cao. Thưa ông, tại Nhật Bản, mức độ phổ cập của quỹ mở như thế nào? Cũng giống như nhiều quốc gia có thị trường tài chính
phát triển ở trình độ cao, từ nhiều thập niên qua, mô hình quỹ mở đã
được nhiều NĐT Nhật Bản lựa chọn, vì nhưng ưu thế của loại hình đầu tư
này so với các mô hình đầu tư khác, nhất là so với quỹ đóng. Cùng với
các sản phẩm phái sinh phát triển đồng bộ, sức hấp dẫn của quỹ mở tại
Nhật Bản ngày một gia tăng, vì giúp NĐT giảm thiểu rủi ro trong quá
trình đầu tư và dễ dàng rút vốn khi cần thiết. Do vậy, tại Nhật Bản,
hiện mô hình quỹ mở chiếm tới 80 - 90% quỹ đầu tư. Theo quy định tại Thông tư 183 của Bộ Tài chính hướng
dẫn về thành lập và quản lý quỹ mở, thì giá mua lại một đơn vị quỹ, tức
là mức giá mà công ty quản lý quỹ phải thanh toán cho NĐT được xác định
bằng giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ tính tại ngày giao dịch
chứng chỉ quỹ trừ đi phí mua lại (nếu có). Phí mua lại, phí phát hành,
phí chuyển đổi có thể được quy định với các mức khác nhau, căn cứ vào
thời hạn nắm giữ chứng chỉ quỹ, mục tiêu đầu tư hoặc giá trị khoản đầu
tư. Các mức phí này phải được quy định tại điều lệ quỹ và công bố tại
bản cáo bạch. Phí phát hành không được vượt quá 5% giá trị giao dịch;
phí mua lại, phí chuyển đổi không vượt quá 3% giá trị giao dịch. Hữu Hòe thực hiện