Đề xuất quy định hướng dẫn mới về thủ tục đầu tư đặc biệt

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
11/12/2024 16:30 PM

Dưới đây là nội dung đề xuất quy định hướng dẫn mới về thủ tục đầu tư đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy kiến tại dự thảo Nghị định.

Đề xuất quy định hướng dẫn mới về thủ tục đầu tư đặc biệt

Đề xuất quy định hướng dẫn mới về thủ tục đầu tư đặc biệt (Hình từ internet)

Đề xuất quy định hướng dẫn mới về thủ tục đầu tư đặc biệt

Cụ thể, dự thảo Nghị định này áp dụng đối với nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư 2020, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 của Luật Đầu tư 2020, sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 của Luật số 57/2024/QH15 (Có hiệu lực từ 15/01/2025).

Dưới đây là đơn cử một số nội quy định chính đang được đề xuất lấy ý kiến:

* Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

(1) Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 36a của Luật Đầu tư 2020 và các nội dung quy định tại (2) và (3).

(2) Cam kết của nhà đầu tư tại văn bản đăng ký thực hiện dự án đầu tư gồm các nội dung sau:

- Các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy;

- Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định tại điểm a khoản này;

- Cam kết về việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định tại điểm a khoản này và trách nhiệm của nhà đầu tư trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung cam kết.

(3) Nhận dạng, dự báo các tác động đến môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tại đề xuất thực hiện dự án đầu tư gồm các nội dung sau đây:

- Hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;

- Các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư;

- Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải;

- Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

- Chương trình quản lý và giám sát môi trường;

(4) Trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư tương tự dự án đã được thực hiện ở Việt Nam hoặc nước ngoài thì nhà đầu tư có thể nộp các tài liệu, hồ sơ đã được phê duyệt của dự án đó thay cho đề xuất dự án đầu tư nhưng phải có các nội dung của đề xuất dự án đầu tư quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư 2020 và (3).

(5) Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại (1) cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (sau đây gọi chung là Ban quản lý). Ban Quản lý xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 36a của Luật Đầu tư 2020.

(6) Việc đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36a của Luật Đầu tư 2020 được thực hiện như sau:

Phương án 1: Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và khu thương mại tự do. Trường hợp dự án tại khu chức năng trong khu kinh tế thì đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch chung khu kinh tế hoặc quy hoạch chung thành phố, thị xã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn; đối với khu chức năng trong khu kinh tế có quy hoạch phân khu có hiệu lực theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn thì đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu.

Phương án 2: Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế được phê duyệt hoặc có hiệu lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.

* Thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Việc bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được thực hiện theo yêu cầu, điều kiện quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư 2020, Điều 25, 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và các quy định sau:

- Nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trước thời điểm ban hành quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).

- Hoàn trả nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án

+ Hoàn trả 50% số tiền ký quỹ hoặc giảm 50% mức bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư gửi Ban quản lý văn bản thông báo khởi công kèm theo các tài liệu quy định tại khoản 8 Điều 36a của Luật Đầu tư 2020.

+ Hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh từ số tiền ký quỹ (nếu có) hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư đã hoàn thành việc tự nghiệm thu công trình xây dựng.

Xem thêm nội dung tại dự thảo Nghị định.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 347

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]