Phương án sáp nhập các cơ quan đơn vị Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
03/12/2024 10:00 AM

Dưới đây là nội dung về phương án sáp nhập các cơ quan đơn vị Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được đề cập mới đây.

Phương án sáp nhập các cơ quan đơn vị Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng

Cụ thể, theo phương án nghiên cứu sắp xếp bộ máy đối với một số cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó dự kiến sẽ nghiên cứu sáp nhập, tinh gọn đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ như sau:

 Rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.

Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Trước đó, tại Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ban Chấp hành Trung ương đã nêu nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng, trong đó có việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức; kiên quyết cắt giảm số lượng ban, phòng có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả; sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Thực hiện thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi đủ điều kiện.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế; xây dựng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản của tổ chức công đoàn phù hợp với điều kiện mới.

Quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao.

Phương án sáp nhập các cơ quan đơn vị Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng

Phương án sáp nhập các cơ quan đơn vị Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng (Hình từ internet)

Quy định về tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay

(1) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức ở trung ương và các đơn vị hành chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(2) Cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức như sau:

- Ở trung ương có Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

(3) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

(Điều 6 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 83,513

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]