Giải đáp vướng mắc về tranh chấp quyền sử dụng đất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Hình từ Internet)
Ngày 09/9/2024, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 3854/VKSTC-V9 về việc giải đáp vướng mắc về kiểm sát về giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Theo đó, nội dung vướng mắc và giải đáp vướng mắc về việc thực hiện Luật Đất đai 2013 được Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời như sau:
* Nội dung vướng mắc:
Câu 15. Đối với tranh chấp quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng điều kiện khởi kiện đã qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, tuy nhiên trong thực tế có trường hợp hòa giải không có đủ thành phần theo quy định của pháp luật. Hiện có 02 quan điểm về vấn đề này như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng việc hòa giải thiếu thành phần hòa giải là không đủ điều kiện khởi kiện nên trả lại đơn khởi kiện cho đương sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng Điều 202 Luật Đất đai 2013 và Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ quy định điều kiện khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất là đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp, việc trả lại đơn khởi kiện với lý do việc hòa giải thiếu thành phần là không đúng (VKSND tỉnh Lâm Đồng).
* Trả lời:
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định:
“Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.
Theo khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi các khoản 27, 28 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
“a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành”.
Hiện nay, pháp luật không quy định nếu Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai không đủ thành phần thì cuộc họp hòa giải không được tiến hành hay việc hòa giải không có hiệu lực. Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai không đưa ra quyết định, không biểu quyết theo đa số. Hơn nữa, theo quy định trên thì Hội đồng có thành phần rất linh hoạt như “đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất; tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”. Do đó, có một số thành phần Hội đồng không mang tính bắt buộc.
Đối với tranh chấp đất đai cần qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp vì đây thuộc loại tranh chấp về quyền sở hữu (quyền sử dụng đất thuộc về ai) nên vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại nơi có đất là rất quan trọng (là nơi quản lý hồ sơ, tài liệu về nguồn gốc đất, nắm được quá trình sử dụng đất, những người sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thời điểm phát sinh tranh chấp...), đây là cơ sở để Tòa án có được thông tin để giải quyết đúng đắn vụ án.
Hơn nữa, việc hòa giải nhằm đến làm rõ quan điểm, ý chí, nguyện vọng của các bên, giúp các bên thỏa thuận, thống nhất được với nhau để chấm dứt tranh chấp; do đó, khi các bên đã hoà giải không thành và khởi kiện thì không nên đặt nặng những vấn đề mang tính hình thức của việc hoà giải mà làm chậm trễ việc giải quyết tranh chấp của các bên. Vì vậy, quan điểm thứ hai là hợp lý.
Xem thêm tại Công văn 3854/VKSTC-V9 ngày 09/9/2024.