Sẽ tăng mức phạt hành chính đối với vi phạm về bảo vệ môi trường (Hình từ Internet)
Ngày 08/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, Thủ tướng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt hành chính theo hướng tăng mức phạt.
- Xây dựng và ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường.
- Rà soát, xây dựng và ban hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, như di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng, di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng theo quy định, nguồn nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt.
- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cải tạo các bãi chôn lấp chất thải gây ô nhiễm.
- Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ môi trường, các công cụ kinh tế áp dụng trong bảo vệ môi trường.
- Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, dự kiến các quy định về mức phạt hành chính đối với vi phạm về bảo vệ môi trường sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt.
Xem thêm nội dung khác về Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024.
Được biết, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ thực hiện theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Trong đó, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP bao gồm: - Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường; - Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; - Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; - Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung), cụm công nghiệp, làng nghề; - Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản; - Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; - Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố chất thải; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn; - Các hành vi vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm: các quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền; - Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; quản lý thông tin, dữ liệu môi trường; cung cấp, công khai thông tin về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường; - Các hành vi cản trở trong hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định 45/2022/NĐ-CP. (Điều 1 Nghị định 45/2022/NĐ-CP) |