Tổng cục Thuế yêu cầu kiểm tra việc kê khai, nộp thuế các hoạt động thương mại điện tử (Hình từ internet)
Cụ thể, theo Công điện 01/CĐ-TCT, nhằm nâng cao năng lực quản lý thu thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; tiếp tục mở rộng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:
Triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm... đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,...
Như vậy, sẽ kiểm tra toàn diện về việc kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phổ biến hiện nay như tiếp thị liên kết, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử,…
- Người nộp thuế có các quyền sau đây:
+Từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra thuế;
+ Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra thuế; thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Nhận biên bản kiểm tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra thuế;
+ Bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế;
+ Khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
+ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra thuế.
- Người nộp thuế có các nghĩa vụ sau đây:
+ Chấp hành quyết định kiểm tra thuế của cơ quan quản lý thuế;
+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thuế; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
+ Ký biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra;
+ Chấp hành kiến nghị tại biên bản kiểm tra thuế, kết luận, quyết định xử lý kết quả kiểm tra thuế.
(Điều 111 Luật Quản lý thuế 2019)
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định kiểm tra thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Chỉ đạo thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra thuế;
+ Áp dụng biện pháp quy định tại Điều 122 Luật Quản lý thuế 2019;
+ Gia hạn thời hạn kiểm tra;
+ Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền kết luận, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế;
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
- Công chức quản lý thuế khi thực hiện kiểm tra thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra thuế;
+ Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra thuế;
+ Lập biên bản kiểm tra thuế; báo cáo kết quả kiểm tra với người đã ra quyết định kiểm tra thuế và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của biên bản, báo cáo đó;
+ Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với người có thẩm quyền ra kết luận, quyết định xử lý vi phạm về thuế.
(Điều 112 Luật Quản lý thuế 2019)
Lê Nguyễn Anh Hào