Tổng hợp những biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội (Dự kiến)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
20/04/2024 09:45 AM

Xin cho tôi hỏi dự thảo đề xuất người chưa thành niên có thể được áp những biện pháp xử lý chuyển hướng nào? - Huy Hoàng (Hải Phòng)

Tổng hợp những biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội (dự kiến) (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quốc hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (gọi tắt là Dự thảo). Theo đó, có những đề xuất về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. 

1. Mục đích xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội là gì?

Theo Điều 26 Dự thảo nêu rõ mục đích áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm mục đích:

- Đưa ra biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên. 

- Giúp người chưa thành niên tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

-  Khuyến khích người chưa thành niên nhận biết và sửa chữa sai lầm đã gây ra cho nạn nhân và cho cộng đồng. 

- Đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và nạn nhân hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng do hành vi vi phạm của người chưa thành niên. 

-  Cho phép nạn nhân tham gia vào việc đưa ra quyết định. 

- Khuyến khích cha mẹ người chưa thành niên, gia đình và những thành viên cộng đồng tham gia trực tiếp vào việc giúp người chưa thành niên tự chịu trách nhiệm, giúp đỡ nạn nhân và tạo cơ hội cho người chưa thành niên sửa chữa sai lầm của họ. 

-  Tránh sự kỳ thị và những tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên 

- Ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội lại, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội.

2. Điều kiện áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội là gì?

Người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 28 Dự thảo được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khi có đủ các điều kiện sau đây: - Có chứng cứ người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội; 

- Người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội; 

- Người chưa thành niên đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

(Điều 29 Dự thảo)

3. Tổng hợp những biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội (Dự kiến)

Căn cứ theo Điều 27 và Điều 31 đến Điều 41 Dự thảo quy định về những biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội như sau:

STT

Biện pháp xử lý chuyển hướng

Nội dung

1

Khiển trách

- Khiển trách được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại mục 2.

- Việc khiển trách đối với người chưa thành niên phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên.

- Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

+ Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

- Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ theo quy định nêu trên từ 03 tháng đến 01 năm.

2

Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại

- Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại mục 2.

- Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án ấn định khung giờ và thời gian hạn chế sinh hoạt, đi lại đối với người chưa thành niên. Thời gian áp dụng biện pháp này từ 03 đến 06 tháng.

- Gia đình và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được áp dụng cư trú phải có trách nhiệm quản lý người chưa thành niên tại khung giờ bị hạn chế sinh hoạt, đi lại.

3

Xin lỗi người bị hại

- Xin lỗi người bị hại được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại mục 2 sau khi có được sự đồng ý của người bị hại.

- Người được áp dụng biện pháp xin lỗi bị hại phải thực hiện xin lỗi công khai, thừa nhận hành vi sai trái của mình trước bị hại và có sự chứng kiến của người tiến hành tố tụng, người làm công tác xã hội, đại diện hợp pháp của mình và còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

+ Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

- Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ từ 03 tháng đến 01 năm.

4

Bồi thường thiệt hại

- Bồi thường thiệt hại được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại mục 2 và có hành vi xâm phạm 12 tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. 

- Người được áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc bồi thường theo thỏa thuận với bị hại. 

- Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án ấn định thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên và các nghĩa vụ sau: 

+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; 

+ Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. 

5

Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề 

- Khi áp dụng một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu xét thấy cần thiết phải cho người chưa thành niên học tập, học nghề thì Tòa án có thể áp dụng đồng thời biện pháp tham gia các chương trình học tập, dạy nghề. 

- Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án ấn định thời gian tham gia các chương trình học tập, dạy nghề từ 03 tháng đến 01 năm. 

6

Tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý

- Khi áp dụng một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu xét thấy cần thiết phải điều trị, tư vấn tâm lý cho người chưa thành niên thì Tòa án có thể áp dụng đồng thời biện pháp tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý. 

- Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án ấn định thời gian tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý từ 03 tháng đến 06 tháng. 

7

 Lao động công ích 

- Lao động công ích là lao động để thực hiện những công việc vì lợi ích của cộng đồng. 

- Lao động công ích được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại mục 2. 

- Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án ấn định thời gian lao động công ích không quá 80 giờ, không được làm việc vào ban đêm, không được quá 04 giờ trong 01 ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần. 

- Thời gian thực hiện nghĩa vụ lao động công ích không quá 03 tháng.

8

 Cấm tiếp xúc

- Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người chưa thành niên có hành vi phạm tội đến gần bị hại hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của bị hại.

- Cấm tiếp xúc được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại mục 2. 

- Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thẩm quyền ấn định thời gian cấm tiếp xúc đối với người chưa thành niên phạm tội từ 06 tháng đến 02 năm.

9

 Cấm đến một địa điểm

- Cấm đến một địa điểm là biện pháp cấm người chưa thành niên có hành vi phạm tội đến một số địa điểm nhất định nhằm phòng tránh khả năng người chưa thành niên tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. 

- Cấm đến một địa điểm được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội khi có đủ điều kiện quy định tại mục 2 và người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các tội quy định tại các điều 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 265, 266 và 299 Bộ luật Hình sự 2015

- Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thẩm quyền ấn định thời gian cấm đến một địa điểm từ 06 tháng đến 02 năm. 

10

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn 

- Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại mục 2. 

- Người được Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: 

+ Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; 

+ Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;

+ Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;

+ Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Dự thảo

- Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

11

Giáo dục tại trường giáo dưỡng

- Người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng khi có đủ điều kiện quy định tại mục 2 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do cố ý; 

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 134, 141, 142, 143, 144, 168, 169, 248, 249, 250, 251, 252, 299, 303 và 304 Bộ luật Hình sự 2015;

+ Các trường hợp khác, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người chưa thành niên phạm tội mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ;

+ Người đã được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khác cố ý vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên.

- Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 02 năm.

Trường hợp người đã được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khác cố ý vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên mà thời hạn thi hành áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng còn lại không đủ 06 tháng thì người đã được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khác có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi. 

- Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. 

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,452

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]