Chính sách đất đai, tài chính có hiệu lực từ tháng 4/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
03/04/2024 09:37 AM

Trong tháng 4/2024, có những chính sách đất đai, tài chính nào bắt đầu có hiệu lực thi hành? – Hồng Hạnh (Tiền Giang)

Chính sách đất đai, tài chính có hiệu lực từ tháng 4/2024

Chính sách đất đai, tài chính có hiệu lực từ tháng 4/2024 (Hình từ internet)

Chính sách đất đai có hiệu lực từ tháng 4/2024

Từ ngày 01/4/2024, có 2 quy định của Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực thi hành là Điều 190 và Điều 248. Đơn cử tại Điều 190 Luật Đất đai 2024 quy định về hoạt động lấn biển như sau:

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

**Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

- Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị;

- Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;

- Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

(Xem chi tiết tại đây)

Chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 4/2024

Theo đó, chính sách tài chính có hiệu lực trong tháng 4/2024 gồm có:

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức

Thông tư 13/2024/TT-BTC hướng dẫn xác định nguồn kinh phí và lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã.

Kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế được thực hiện như sau:

(1) Đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (trong trường hợp quy định về cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đã bao gồm kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế): Sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP.

(2) Đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù; các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù nhưng trong cơ chế đặc thù không có quy định về chi thực hiện chính sách tinh giản biên chế:

- Cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao hàng năm (ngoài phần kinh phí ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế quy định tại điểm b khoản này) để chi trả các chế độ sau:

+ Trợ cấp một lần bằng 03 tháng tiền lương hiện hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6, điểm a khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP;

+ Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người trong diện tinh giản biên chế trong độ tuổi quy định có nguyện vọng đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP;

+ Tiếp tục trả nguyên tiền lương hiện hưởng trong thời gian đi học nghề và trợ cấp khoản kinh phí học nghề cho đối tượng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP;

- Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ còn lại (ngoài chế độ tại điểm a khoản này) tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định 29/2023/NĐ-CP theo nguyên tắc:

+ Đối với đối tượng cán bộ, công chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ thuộc, trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây viết tắt là các bộ, cơ quan trung ương) thì ngân sách trung ương đảm bảo bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho các bộ, cơ quan trung ương;

+ Đối với các đối tượng cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp huyện, xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Điều 8 và khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định 29/2023/NĐ-CP), người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ thuộc, trực thuộc các đơn vị do địa phương quản lý thì ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Thời hạn báo cáo thông tin về nợ công

Thông tư 05/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 84/2018/TT-BTC quy định về mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

Theo đó, sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo thông tin về nợ công như sau:

(1) Báo cáo định kỳ:

- Báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 của năm báo cáo. Các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 31 tháng 07 hằng năm;

- Báo cáo năm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 hằng năm. Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 15 tháng 02 của năm sau;

(2) Báo cáo phục vụ lập kế hoạch vay trả nợ 5 năm và hàng năm:

- Báo cáo phục vụ lập kế hoạch vay trả nợ 5 năm được tính từ năm n+1 đến n +5 (n: là năm báo cáo). Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) cùng thời gian với kỳ lập kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm.

- Báo cáo kế hoạch vay trả nợ hàng năm được tính từ năm n+1 đến năm n+3 (n: là năm báo cáo). Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 15/7 hằng năm.

(3) Báo cáo đột xuất: Trường hợp cần báo cáo đột xuất để thực hiện yêu cầu về quản lý nhà nước đối về nợ công, cơ quan yêu cầu báo cáo phải đề nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ kỳ báo cáo, tiêu chí báo cáo, số liệu, thông tin cụ thể, thời hạn gửi báo cáo.

(4) Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định có liên quan.

So với trước đây, Thông tư 05/2024/TT-BTC bãi bỏ quy định: “Việc công bố thông tin về nợ công theo mẫu biểu quy định tại Điều 4 Thông tư này được thực hiện mỗi năm 2 kỳ; số liệu có độ trễ 6 tháng so với thời điểm công bố.”

Một số chính sách về bất động sản có hiệu lực tháng 4 tại một số địa phương

Trong tháng 4/2024, một số chính sách về bất động sản tại một số địa phương bắt đầu có hiệu lực thi hành, có thể kể đến như:

- Quyết định 14/2024/QĐ-UBND ngày 20/3/2024 về giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

- Quyết định 13/2024/QĐ-UBND ngày 15/3/2024 về Quy định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

- Quyết định 04/2024/QĐ-UBND ngày 20/3/2024 sửa đổi Quyết định 30/2021/QĐ-UBND quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất tách thửa và các trường hợp không được tách thửa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

- Quyết định 10/2024/QĐ-UBND ngày 19/3/2024 quy định về giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa tỉnh Gia Lai, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

- Quyết định 03/2024/QĐ-UBND ngày 19/3/2024 về Giá dịch vụ đo đạc; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (không bao gồm phí và lệ phí) trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

- Quyết định 13/2024/QĐ-UBND ngày 07/3/2024 về Quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,033

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn