03 chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 9/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
28/08/2024 08:41 AM

Hướng dẫn cơ cấu ngạch viên chức lưu trữ; điều kiện xét thăng hạng viên chức ngành y dược;… nằm trong 03 chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 9/2024.

03 chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 9/2024

Cụ thể, nội dung về 03 chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 9/2024 như sau:

Căn cứ định cơ cấu viên chức lưu trữ

Từ ngày 15/9/2024, Thông tư 09/2024/TT-BNV hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ, bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Trong đó quy định căn cứ định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc (Điều 3 Thông tư 09/2024/TT-BNV) như sau:

- Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được xác định theo quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

- Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP và các căn cứ sau:

+ Khối lượng tài liệu.

+ Số lượng, đặc điểm nguồn nộp lưu.

+ Loại hình tài liệu.

+ Tình trạng vật lý của tài liệu.

+ Đặc điểm ngôn ngữ của tài liệu.

+ Yêu cầu phát huy giá trị tài liệu.

+ Yêu cầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ.

+ Thực trạng kho lưu trữ chuyên dụng, hạ tầng thông tin và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.

- Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh không bao gồm số lượng người làm việc tại vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

03 chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 9/2024

03 chính sách mới về công chức viên chức có hiệu lực từ tháng 9/2024 (Hình từ internet)

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số

Có hiệu lực từ ngày 01/9/2024, Thông tư 11/2024/TT-BYT quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số

(1) Tiêu chuẩn, điều kiện chung:

- Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP và các điều kiện sau đây:

+ Được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

+ Đối với yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại các Thông tư, Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.

- Có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.

(2) Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y, dược từ hạng II lên hạng I:

Viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Bác sĩ cao cấp (hạng I), Bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), Y tế công cộng cao cấp (hạng I), Dược sĩ cao cấp (hạng I) phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại khoản (1) và trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động như sau:

- Được bổ nhiệm chức danh Giáo sư hoặc Phó giáo sư chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng;

- Đạt danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”;

- Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc;

- Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên;

- Chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;

- Chủ trì hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 01 đề án hoặc 01 hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực công tác được cấp bộ, cấp tỉnh ban hành;

- Chủ nhiệm ít nhất 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên.

(3) Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y, dược, dân số từ hạng III lên hạng II:

Viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Bác sĩ chính (hạng II), Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), Y tế công cộng chính (hạng II), Dược sĩ chính (hạng II), Điều dưỡng hạng II, Hộ sinh hạng II, Kỹ thuật y hạng II, Dinh dưỡng hạng II, Dân số viên hạng II phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại khoản (1) và trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động như sau:

- Được cấp bằng Chuyên khoa cấp II hoặc Tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng;

- Đạt danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”;

- Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên;

- Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên;

- Chủ nhiệm ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;

- Chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và thành viên tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;

- Chủ trì ít nhất 02 đề án hoặc hướng dẫn, quy trình kỹ thuật chuyên môn trong lĩnh vực công tác từ cấp cơ sở trở lên hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành;

- Thành viên tham gia ít nhất 02 đề án hoặc hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực công tác được cấp bộ, cấp tỉnh ban hành.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc Bộ

Theo khoản 2 Điều 18b Nghị định 123/2016/NĐ-CP ((được bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 101/2020/NĐ-CP) được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 83/2024/NĐ-CP) có quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc Bộ như sau:

- Chi cục có từ 01 đến 03 phòng được bố trí 01 cấp phó; có từ 04 phòng trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó;

- Chi cục không có phòng được bố trí không quá 02 cấp phó.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một chi cục khi chi cục đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

Thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính 24/24 giờ trong ngày theo quy định của pháp luật, phải bố trí công chức (trong đó có lãnh đạo chi cục) làm việc 3 ca/ngày và được giao từ 60 biên chế công chức trở lên;

Được giao quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện và có từ 09 phòng hoặc tổ chức tương đương trở lên thuộc cơ cấu tổ chức của chi cục theo quy định của pháp luật. (Nội dung mới bổ sung)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,881

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]