5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/12/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
22/12/2024 16:27 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung 5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/12/2024

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/12/2024

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 (Hình từ internet)

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/12/2024

Dưới đây là 05 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/12/2024:

1. Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại

Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo điểm e khoản 3 Điều 23, điểm b khoản 3 Điều 27 và khoản 10 Điều 82 Nghị định 147/2024/NĐ-CP thì trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.

Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội thì cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung mà trẻ em đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội.

2. Chế độ tiền thưởng đột xuất với sĩ quan Quân đội, quân nhân chuyên nghiệp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 95/2024/TT-BQP ngày 11/11/2024 hướng dẫn thực hiện chế độ tiền thưởng đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Theo đó, chế độ tiền thưởng đột xuất với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định tại Điều 4 Thông tư 95/2024/TT-BQP như sau:

- Tiêu chí thường

Các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư 95/2024/TT-BQP (gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và công chức làm việc trong Quân đội (công chức quốc phòng); người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu tại Ban Cơ yếu Chính phủ) được hưởng chế độ tiền thưởng đột xuất khi có thành tích công tác đột xuất lập được trong hoàn cảnh không được dự báo trước, diễn ra ngoài kế hoạch hoặc ngoài nhiệm vụ thường xuyên mà cá nhân được giao đảm nhiệm.

- Mức tiền thưởng đột xuất

+ Mức tiền thưởng đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 95/2024/TT-BQP thực hiện theo quy chế tiền thưởng đột xuất của Bộ Quốc phòng.

+ Trường hợp đối tượng lập thành tích công tác đột xuất quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 95/2024/TT-BQP được cấp có thẩm quyền xét thăng quân hàm, nâng bậc lương trước thời hạn nhưng đã giữ quân hàm cao nhất của chức vụ, chức danh đảm nhận; đã giữ bậc lương cuối cùng trong loại, nhóm lương hiện hưởng hoặc nếu bảo lưu thành tích công tác đột xuất nhưng không còn đủ thời gian công tác để được thăng quân hàm, nâng bậc lương trước thời hạn hoặc đồng thời có các thành tích khác đù điều kiện để xét thăng quân hàm, nâng bậc lương trước thời hạn thì ngoài mức tiền thưởng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 95/2024/TT-BQP được xem xét thường thêm một khoản tiền bằng một tháng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tỉnh tại thời điểm lập thành tích công tác đột xuất.

+ Trường hợp cùng thực hiện một nhiệm vụ đủ điều kiện xét nhiều mức tiền thưởng thì chỉ được hưởng mức tiền thưởng cao nhất.

- Chế độ tiền thưởng đột xuất không áp dụng đối với các đối tượng được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 với các hình thức: Khen thưởng công trạng; khen thưởng phong trào thi đua, khen thưởng quá trình cống hiến; khen thưởng theo niên hạn; khen thưởng đối ngoại; khen thưởng trong sơ kết, tổng kết các cuộc vận động theo chuyên đề, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

3. Hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 76/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố, báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu theo tối thiểu một trong các hình thức sau:

- Văn bản giấy;

- Văn bản điện tử;

- Đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phát hành.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin theo hình thức văn bản điện tử cho Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tại Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

4. Quy định mới về gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa của Campuchia qua Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 24/2024/TT-BCT ngày 08/11/2024 sửa đổi Thông tư 27/2014/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của Campuchia qua lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, việc gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa của Campuchia qua lãnh thổ Việt Nam được sửa đổi như sau:

- Việc gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa do cơ quan cấp phép xem xét giải quyết đối với hàng hóa quá cảnh theo giấy phép và do cơ quan Hải quan xem xét giải quyết đối với hàng hóa quá cảnh không theo giấy phép theo quy định của pháp luật. Mỗi lần gia hạn không quá 30 (ba mươi) ngày và tối đa không quá 03 (ba) lần gia hạn.

- Đối với hàng hóa được lưu kho bãi tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất hoặc phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh bị hư hỏng trong thời gian quá cảnh cần phải có thêm thời gian để lưu kho bãi, khắc phục hư hỏng, tổn thất thì thời gian quá cảnh được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc đó.

5. Nội dung định mức KT-KT dịch vụ tổ chức văn hóa văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 10/2024/TT-BVHTTDL ngày 11/06/2024 quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ; hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng; tuyên truyền lưu động; cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trong đó, quy định nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:

- Hao phí nhân công: là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các hạng lao động bình quân để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn của dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công. Mỗi công tương ứng với thời gian làm việc 01 ngày làm việc (08 giờ) của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Mức hao phí của lao động gián tiếp tính bằng tỷ lệ 15% tổng hao phí lao động trực tiếp tương ứng trong cùng một bảng định mức;

- Hao phí về máy móc, thiết bị sử dụng: là thời gian sử dụng cần thiết từng loại máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí máy móc, thiết bị trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng trên tổng thời gian khấu hao máy với 01 ngày làm việc (08 giờ) theo quy định của pháp luật về lao động;

- Hao phí vật liệu sử dụng: là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí trong định mức được tính bằng số lượng từng loại vật liệu cụ thể. Mức hao phí vật liệu phụ được tính bằng 10% tổng giá trị hao phí vật liệu trong cùng bảng định mức.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 700

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]