Ban hành Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương, trước 31/3/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
16/12/2023 11:12 AM

Thời gian ban hành Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 là khi nào? Có phải sẽ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm?

Trước 31/3/2024, ban hành Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương

Ban hành Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương, trước 31/3/2024 (Hình từ internet)

Trước 31/3/2024, ban hành Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 520/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Văn bản nêu, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp và Thông tư hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức.

Hiện có 20/20 bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 15/15 bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Xây dựng, quản lý vị trí việc làm là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp nhưng là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024, tạo động lực và phát huy tính sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ.

Như vậy, đề án vị trí việc là cơ sở để cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Để triển khai đồng bộ việc xây dựng, quản lý vị trí việc làm ở các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương, nguyên tắc của Trung ương, đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tinh thần là khó tới đâu gỡ tới đó, không cầu toàn nhưng không được chủ quan, hời hợt, mục tiêu là đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/3/2024.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện việc xây dựng Đề án vị trí việc làm. Trường hợp có vướng mắc thì khẩn trương tổng hợp, gửi đến Bộ Nội vụ, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trước ngày 18/12/2023 để giải đáp, hướng dẫn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác phối hợp đa chiều, dọc - ngang, trên - dưới, giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau trong triển khai thực hiện, đặc biệt là trao đổi về kinh nghiệm, về khó khăn, vướng mắc và giải pháp xử lý.

Đối với những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất, đồng bộ trong các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, Bộ Nội vụ, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động, tích cực phối hợp để có giải pháp tháo gỡ ngay trong khi chưa sửa đổi, bổ sung các Thông tư này, bảo đảm việc thực hiện được thông suốt.

Thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2024 với 5 bảng lương mới

Ngày 10/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó, có đề cập nội dung cải cách tiền lương.

Cụ thể, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ có 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm gồm:

- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.

- 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).

- 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội, chuyên môn kỹ thuật công an.

- 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,293

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn