Có lộ trình phù hợp thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27
Kết luận 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Tại Kết luận 50-KL/TW ngày 28/02/2023 đề cập nội dung: Chuẩn bị nguồn lực, có lộ trình phù hợp thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Còn tại Nghị quyết 27 quy định: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội.
Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương;
Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết 27 cũng đã chỉ ra: Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Theo thiết kế cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Cụ thể, tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 do Chính phủ ban hành:
Trong phần nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ yêu cầu: “... trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách.”
Hiện hành, tiền lương công chức được tính như sau:
Mức lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương.
Hệ số lương của cán bộ công chức được quy định tại bảng 2 ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2013/NĐ-CP.
Còn Lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên thành 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023 giúp lương của nhóm đối tượng trên cũng tăng theo.
Ví dụ: Đối với cán bộ, công chức hưởng hệ số lương nhóm A3.1 bậc 6 thì tiền lương nhận được hiện nay sẽ là 1.490.000 x 8.0 = 11.920.000 đồng.
Từ ngày 01/7/2023, tiền lương của cán bộ, công chức hưởng hệ số lương nhóm A3.1 bậc 6 nhận được là 1.800.000 x 8.0 = 14.400.000 đồng/tháng.