Bãi bỏ 05 loại phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
05/10/2023 11:30 AM

Xin hỏi bãi bỏ 05 loại phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương là những loại phụ cấp nào? - Mẫn Nghi (Đồng Nai)

Bãi bỏ 05 loại phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bãi bỏ 05 loại phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương

Tại điểm d khoản 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định về việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành trong đó bãi bỏ 05 khoản phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương gồm:

(1) Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);

(2) Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);

(3) Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội;

(4) Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);

(5) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

2. Xây dựng 05 bảng lương mới theo vị trí việc làm 

Tại điểm b khoản 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

- Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc: 

+ Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;

+ Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

- Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: 

+ Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; 

+ Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;
+ Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

- Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 

+ 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);

+ 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; 

+ 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

3. Thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương?

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV vào tháng 10/2023, Chính phủ sẽ trình lộ trình và phương án cải cách tiền lương lên Quốc hội.

Mới đây, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Đây cũng là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

"Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1-7-2024".

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,723

Bài viết về

Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]