14/11/2011 09:23 AM

3 chàng trai phải ngồi tù oan 10 năm vì một vụ hiếp dâm nay đã được tự do nhưng họ vẫn đang chờ đợi một phiên tòa khác để lấy lại danh dự và niềm tin.

Án oan hiếp dâm: Nước mắt và nụ cười
Ảnh cưới của Nguyễn Đình Tình.

Chạm đến tận cùng nỗi đau

Tìm về Yên Nghĩa, Hà Đông, người tôi muốn gặp đầu tiên là Nguyễn Đình Tình, bởi anh là người bị số phận trêu ngươi nhất trong số 3 người. Cũng như hai người anh em của mình, 10 năm trong trại có khoảng thời gian anh khủng hoảng, muốn tìm đến cái chết. Nhưng rồi được sự động viên của mọi người, anh lại tiếp tục sống, làm đơn kêu oan, dù những lá đơn cứ rơi vào vô vọng. Rồi anh bị chuyển tới trại giam Tân Lập, Phú Thọ, và ở đây, cuộc đời dường như muốn đóng sập nốt cánh cửa đang le lói trước mắt anh. Chẳng là trong nhóm bạn tù thường hay đá cầu với anh, có một người bị nhiễm HIV. Và lần ấy, trong một cú va đập, cả anh và người bạn tù đó đều bị thương. Vết thương của anh đã bị tiếp xúc với máu của người bạn tù kia. Ngay từ lúc ấy, linh cảm đến 90% bị phơi nhiễm HIV đã hiện hữu trong đầu anh. Đem hy vọng về một loại thuốc chống phơi nhiễm đã được nghe ở đâu đó tâm sự với cán bộ quản giáo, nhưng anh nhận lại sự thất vọng.

Theo giải thích của người quản giáo đó thì một liều thuốc chống phơi nhiễm lúc đó có giá rất cao và cần phải uống trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Anh suy nghĩ mãi, nhà thì nghèo, nếu có vay mượn bán đất, bán nhà được chừng đó tiền đi chăng nữa, thì biết mua thuốc ở đâu (vì thuốc đó rất hiếm, chỉ được phân cho các cơ sở, trung tâm có nguy cơ lây nhiễm cao), rồi còn quãng đường hàng trăm km từ nhà đến trại, đến nơi thì đã hết giờ thăm nuôi… Nghĩ mãi rồi anh đành tặc lưỡi, phó mặc cho số phận. Suốt quãng thời gian sau đó, anh sống trong lo âu. Anh ăn uống điều độ hơn để giữ gìn sức khỏe, vì “có chết thì tôi cũng phải được tự do mới chết được”.

Ngày 5-2-2010, anh được trả tự do. “Nói mình không vui thì không phải, nhưng dù gia đình, làng xóm hôm đó vui như Tết, nhưng sau những tiếng cười, tiếng khóc ấy, tôi hụt hẫng, xót xa. Tôi luôn phải diễn kịch với gia đình, vẫn ăn, vẫn ngủ, ngày nào cũng bật karaoke để hát. Nhưng khổ nhất là những lúc một mình, lại nghĩ đến tương lại là một màu tối, lại nghĩ đến những ngày phải diễn kịch…”

Vài ngày sau, Tình rủ người anh họ đi kiểm tra và kết quả không ngoài nỗi lo của anh, anh đã bị phơi nhiễm HIV. Dù anh đã yêu cầu người anh họ không được nói với ai, nhưng cuối cùng thông tin ấy cũng đến tai họ hàng. Chỉ có duy nhất mẹ Tình là người không biết chuyện. “Một lần, bà nghe phong thanh bệnh của tôi, bà khóc rằng nếu tôi có mệnh hệ nào thì bà chết trước. Tôi đành phải nói dối mẹ là mình làm bệnh án giả để những người làm oan cho mình phải ân hận, thế là lại giấu mẹ được mấy tháng. Nhưng rồi cái kim trong bọc không được lâu, cuối cùng thì sự thật cũng đến tai mẹ tôi”.

Đạp đổ mọi rào cản

Đó là cái cách mà Tình nói về người vợ mới cưới của mình. Cũng phải thôi, nếu không phải là người đủ can đảm vượt qua mọi rào cản tâm lý, rào cản dư luận thì cô đã không dám làm đám cưới với một người chồng đã từng ở tù 10 năm và nay đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Mọi chuyện bắt đầu khi câu chuyện oan khuất của 3 chàng trai được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều độc giả đã viết thư, gọi điện về chia sẻ, động viên. Trong những lá thư gửi cho Nguyễn Đình Tình, có một lá thư được gửi đến ngay ở Hà Nội, chủ nhân của bức thư là cô gái có tên Thành Thị Thủy. Đọc xong thư, theo phép lịch sự anh gọi điện theo số điện thoại cuối thư để cảm ơn.

Sau này, chị Thủy mới kể lại rằng sau khi đọc báo, câu chuyện của Tình làm xáo trộn tâm lý của chị rất nhiều. “Tôi cứ đọc đi đọc lại, rồi nhìn sâu vào đôi mắt nhân vật, một đôi mắt u buồn, rồi cái sống mũi thẳng… Rồi tôi cầm bút viết một bức thư, cứ viết rồi lại xé, rồi lại viết… Viết xong thư thì lại đắn đo mãi không gửi. Đến một lần, tự nhiên đi đường tôi sờ vào túi quần và thấy bức thư mình viết từ bao giờ, lại đúng lúc gặp bưu điện, thế là tôi bỏ thư vào thùng. Vài ngày sau thì tôi nhận được điện thoại từ anh Tình…”. Sau cuộc điện thoại ấy là những tin nhắn qua lại, toàn là chuyện trên trời dưới biển chứ Tình không dám nói về mình vì mặc cảm xã hội, vì sự tụt hậu của mình, và điều quan trọng hơn cả là anh đang bị bệnh. Nhưng rồi, tình cảm đã nảy nở tự bao giờ… “Trong những tin nhắn, anh nói anh có một “nỗi đau” muốn chia sẻ với tôi. Tôi đã linh cảm có chuyện chẳng lành…”.

Lần đầu tiên họ gặp nhau là vào ngày sinh nhật của Thủy. Tình kể: “Tôi rủ một người bạn đi cùng, chỉ định ra nói lời cảm ơn trực tiếp và cho Thủy biết mình bị bệnh để dừng lại ở tình cảm anh em. Nhưng ra thấy sinh nhật vui quá nên tôi không nỡ phá vỡ và hẹn lần sau sẽ nói một chuyện quan trọng với Thủy”. Còn với Thủy, lần đầu tiên gặp mặt khiến Thủy hơi… thất vọng: “Tôi thấy anh gầy và đen đúa, không giống như tưởng tượng của tôi, cũng không phải hình tượng tôi thích. Anh nói có việc hệ trọng muốn nói nhưng thôi để khi khác. Tôi cứ suy nghĩ mãi, một người ở tù 10 năm, ra tù rất có thể mắc bệnh, có thể là ung thư, vô sinh hay một trọng bệnh nào đó… Thế là ngày hôm sau tôi đến nhà anh. Nhưng dù đã nghĩ đến mọi khả năng tôi vẫn không thể ngờ anh bị phơi nhiễm HIV. Tôi đã khóc rất nhiều. Thời gian sau đó, tôi biết anh Tình đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Anh không muốn đem thêm gánh nặng cho tôi vì anh không trình độ, việc làm, tương lai, không một mảnh giấy tờ bên mình, thậm chí không thể cho tôi được danh chính ngôn thuận làm vợ anh…”.

Nhưng rồi, mọi rào cản không ngăn nổi người phụ nữ ấy. “Khi tôi vượt qua được chính mình, quyết định đến với anh Tình thì lại vấp phải một rào cản lớn hơn, đó là dư luận, là gia đình. Mới đầu, tôi nói với mẹ là nhận anh Tình làm con nuôi, rồi vài ngày sau nói anh có H, rồi mãi sau mới nói với mẹ là tôi và Tình yêu nhau. Mẹ tôi gào lên ngăn cấm. Tôi đã phải giải thích cho mẹ rất nhiều, mãi sau mẹ mới xuôi. Nhưng các anh trai tôi thì quyết liệt phản đối, một anh tuyên bố phá nhà nếu tôi cưới. Mọi người phân tích với tôi rằng cưới một người tù có HIV tôi sẽ thiệt thòi rất nhiều. Khi có con, đi học người ta nhìn con tôi rồi chế giễu rằng bố nó là thằng tù, thằng HIV, liệu tôi có chịu được không. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều nữa, nhưng cuối cùng vẫn quyết tâm. Đám cưới, họ hàng nhiều người từ mặt tôi, không đến dự”.

Vẫn chờ một phiên tòa…

Hạnh phúc chớm nở của cặp đôi Tình - Thủy bề ngoài đầy viên mãn. Một gia đình luôn tràn ngập tiếng cười nói, xóm làng mừng vui vì ở tận cùng đau khổ, dù sao gia đình Tình cũng được đền đáp. Nhưng với người trong cuộc, mỗi ngày là những thử thách mới: “Cứ mỗi ngày lại có thêm những khách hàng đến trả lại thẻ, khách đến spa nơi tôi làm việc vơi dần đi. Họ nói lý do này nọ, nhưng tôi biết họ kỳ thị, họ sợ tôi bị lây bệnh từ chồng, dù tôi đã uống thuốc chống phơi nhiễm thì khả năng đó là không có” – Thủy chạnh lòng. Cuối cùng, cô phải đóng cửa spa, cái cơ nghiệp mà cô đã gây dựng từ mồ hôi, nước mắt của mình. Hôm tôi đến gia đình Tình thì cũng có một niềm vui nho nhỏ, đó là một spa khác đã đồng ý nhận Thủy làm nhân viên.

Rời nhà Nguyễn Đình Tình, tôi ghé qua nhà Lợi và Kiên. Trước khi bị bắt, Lợi đang học một khóa học sửa xe máy. Nhưng khi ra tù thì những chiếc xe phổ biến hồi đó như Simson, Cup 50, 81 đã được thay bằng những xe tay ga đời mới. Thế nên kiến thức cũ không áp dụng được. Lợi và Kiên may mắn được thầy giáo cũ ở Trung tâm Phương Nam thương tình đến tận nhà trực tiếp dạy, giúp 2 anh có một cái nghề để sống. Nhắc đến chuyện tình cảm, cả Lợi và Kiên đều ngượng ngùng. Nghe nói cả hai cũng đã có người thương, nhưng do mặc cảm và nghĩ mình chưa thể làm được cái việc là cùng vợ đi đăng ký kết hôn nên chuyện gia đình vẫn còn dang dở. Lợi và Kiên cùng cười: Muộn thì đã muộn rồi.

Nhưng nỗi đau đáu nhất mà 3 chàng trai vẫn ngày đêm mong ngóng, đó là phiên tòa Giám đốc thẩm trả lại sự trong sạch cho họ. Xin kết câu chuyện dài của họ bằng nỗi đau của những đấng sinh thành. Bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ Nguyễn Đình Lợi cứ hỏi đi hỏi lại chúng tôi, liệu có biết khi nào phiên Giám đốc thẩm sẽ diễn ra. Như con chim sợ cành cong, bà nói: “Đã 30 tuổi rồi mà lúc nào bố mẹ cũng phải trông nom như một đứa trẻ, hễ đi đâu quá 10 giờ đêm là phải gọi điện về vì nó có mảnh giấy tờ gì trong người đâu”. Còn mẹ Nguyễn Đình Tình, một phụ nữ giàu tình cảm thì xót xa: “Từ ngày ra tù, biết bị bệnh dù nó cố tỏ ra lạc quan nhưng nhiều khi không giấu được, gia đình cứ phải lựa mà đối xử. Cứ nhìn con là thấy xót xa”.

Theo Hà Loan (An Ninh Thủ Đô)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,697

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn