Nguyễn Đình Tình - một trong ba bị án đã mắc HIV trong khi bị tù.
Chỉ buộc mà không gỡ tội
Nhà nước đã giao cho TAND nhiệm vụ thay mặt Nhà nước phân xử hành vi của các bị cáo có vi phạm pháp luật hay không. Để việc phán quyết được khách quan, người được giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực buộc phải xem xét cả những chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội.
Tuy nhiên, ở vụ án này hai cấp tòa đã chỉ xem xét chứng cứ buộc tội mà không xem đến chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo. Cụ thể tại phiên sơ thẩm, tòa đặt ra 99 câu hỏi đối với bị án Lợi; 47 câu hỏi đối với bị án Tình và 34 câu hỏi đối với bị án Kiên, nhưng chỉ có 3 câu hỏi về sinh nhật chị Nguyễn Thị Doàn, không đi sâu hỏi chi tiết về thời gian, diễn biến buổi sinh nhật, những người tham dự sinh nhật, đến mấy giờ thì ba bị án ra về.
Tại phiên phúc thẩm, chủ tọa phiên toà chỉ hỏi các bị án tổng số 25 câu hỏi, không có câu hỏi nào về việc các bị án có đi sinh nhật chị Doàn hay không. Đây là điều khó chấp nhận, bởi lẽ trước khi phiên tòa được mở, anh Nguyễn Đình Cộng - nhân viên an ninh thôn Nghĩa Lộ - đã có đơn (đề ngày 25-2-2002) gửi Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao trình bày: Khoảng tháng 12-2000, anh được anh Bùi Viết Tách - Phó CA xã - giao nhiệm vụ đưa đồng chí Chiến - cán bộ Cơ quan điều tra - CA Hà Tây đi xác minh nhân chứng: Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Xuyến. Các nhân chứng đều khẳng định thời gian xảy ra vụ án hiếp dâm, Kiên, Lợi, Tình đang dự sinh nhật chị Doàn. Vậy tại sao phiên toà phúc thẩm không xem xét đến chứng cứ ngoại phạm này?
Những câu hỏi cần được giải đáp
Một trong những chứng cứ để thẩm phán Hoàng Thị Kim Oanh đưa ra kết tội 3 bị cáo tại bản án phúc thẩm số 583/HSTP - ngày 22-4-2002, đó là dựa vào lá thư do Nguyễn Đình Lợi sau khi bị bắt viết gửi về nhà. Tuy nhiên, lá thư này được thu giữ ở đâu, vào thời điểm nào và có hợp pháp hay không? Điều này rất cần phiên tòa giám đốc thẩm làm rõ.
Về nhân chứng, vật chứng, hiện trường, hành vi cướp, hiếp... có dấu hiệu vi phạm Luật Tố tụng hình sự, các số báo ra ngày 12,13,14-10-2009 chúng tôi đã nêu rõ nên không nhắc lại, nhưng cũng rất cần HĐXX xem xét lại. Phạm vi bài báo này, chúng tôi chỉ đặt ra những câu hỏi để HĐXX tìm câu trả lời trước khi đưa ra phán xét.
Tinh trùng thu được trong âm đạo bị hại sau vụ hiếp dâm không khẳng định đó là của Kiên, Lợi, Tình; vậy là của đối tượng nào? Chiếc áo phông dùng để nhận dạng không đúng với đặc điểm mà bị hại khai, vậy tại sao lại quy kết đó là của Lợi và coi đó là vật chứng vụ án? Tại sao lời khai của các nhân chứng để chứng minh sự ngoại phạm của Kiên, Lợi, Tình không được đưa vào hồ sơ vụ án? Đây có phải là sự cố tình kết tội oan hay không? Tại sao vụ án xảy ra ở Dương Nội, nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường xác định ở Yên Nghĩa?
Tại sao biên bản khám nghiệm hiện trường lại không có bị hại, không có nhân chứng? Tại sao không cho bị hại nhận dạng trực tiếp cả 3 bị án, mà chỉ cho nhận dạng một mình ảnh của Lợi, việc nhận dạng liệu có khách quan?
Quá trình điều tra, bị hại khai, sau khi ra đường đã bắt gặp một đối tượng ngồi trong hàng ăn có đặc điểm giống hệt tên đã gây ra vụ cướp, hiếp, tại sao lại không điều tra đối tượng này? Tại sao một vụ án có 3 đối tượng tham gia, mang nhiều hung khí, có 2 bị hại, tài sản bị mất nhiều như vậy mà Cơ quan điều tra lại không thu giữ được hung khí, tài sản? Với hàng loạt sai phạm như vậy mà các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Hà Tây (cũ) đã bỏ tù ba bị án, mà vẫn cho rằng không oan sai, không vi phạm tố tụng hay sao?