09/12/2011 16:19 PM

10 năm bị giam; được trả tự do sau khi VKS Tối cao kháng nghị "vô tội", 3 thanh niên mang án hiếp dâm ở Hà Đông lại vừa nhận phán quyết từ cấp cao nhất tuyên có tội. Luật sư cho biết, Quốc hội là cửa kêu oan cuối cùng của họ.

VnExpress.net đã trao đổi với luật sư Phạm Thanh Bình những vấn đề pháp lý xung quanh vụ án.

- Xin ông cho biết quy trình xét xử của một vụ án, nhất là với án đã qua phiên phúc thẩm?

- Tòa án Việt Nam thực hiện chế độ hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm. Quy định này có nghĩa, sau phiên sơ thẩm, nếu các đương sự có kháng cáo hoặc VKS ra kháng nghị thì vụ án sẽ được xét xử ở cấp phúc thẩm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bản án phúc thẩm có thể bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đây là hai trình tự xét xử đặc biệt và hoàn toàn độc lập với nhau. Cả hai đều hướng tới chung một mục tiêu là sửa chữa lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong những trường hợp đặc biệt.

3 thanh niên đang đối mặt với việc bị bắt trở lại. Ảnh: A.T
VKSND Tối cao cho rằng Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản như phán quyết của 2 cấp xét xử, nên đề nghị xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm.

Trở lại vụ án án 3 thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên (ở xã Yên Nghĩa, Hà Đông), do không có tình tiết nào mới được phát hiện có thể “làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó” nên kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao đặt vấn đề xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là đúng.

Ngày 7/12, phiên giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của VKS, theo luật sau khi có bản án, 3 thanh niên (được tạm tha) phải thi hành án ngay lập tức.

- Theo luật, cơ quan nào có quyền xem xét lại quyết định giám đốc thẩm?

- Theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm.

Do pháp luật chưa có quy định việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên đến nay, quyết định (đối với vụ án hình sự) của Hội đồng nói chung vẫn là văn bản "bất khả xâm phạm".

Còn với án dân sự, việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã được quy định tại Điều 310a và 310b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Dân sự (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012). Theo đó, việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ tiến hành “khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó…”.

- Vậy cơ hội nào cho 3 thanh niên ở Hà Đông nếu họ không đồng ý với phán quyết của phiên giám đốc thẩm, tiếp tục cho rằng bị kết án oan, thưa ông?

- Căn cứ các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự hiện hành thì không còn cách nào để sửa một quyết định giám đốc thẩm (hình sự) của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Tuy nhiên, tôi cho rằng Quốc hội có thể tiến hành hoạt động giám sát việc xét xử của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nói chung và về vụ án 3 thanh niên này nói riêng. Theo quy định tại Điều 7 Luật số 05 /2003 ngày 17/6/2003 về hoạt động giám sát của Quốc hội, Quốc hội có thể “thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định và xem xét báo cáo kết quả điều tra của Uỷ ban”...

Nếu cho rằng việc tiếp tục bị kết án là oan, 3 thanh niên vẫn có quyền gửi đơn kêu oan đến Quốc hội, đến Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao. Pháp luật không quy định thời hạn nên họ có quyền gửi đơn vào bất cứ thời điểm nào.

10 năm trước, 3 thanh niên Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Tình bị xác định là thủ phạm gây ra vụ hiếp dâm, cướp tài sản tại khu trạm bơm ở xã Yên Nghĩa, Hà Đông.

Ngày 21/1/2002, TAND tỉnh Hà Tây (cũ) đã tuyên phạt Lợi 16 năm tù do được coi là người khởi xướng, đứng đầu. Tình nhận án 14 năm và Kiên khai báo thành khẩn và có đơn tự thú, nên chỉ bị phạt 11 năm tù.

Theo đơn chống án kêu oan của các bị cáo, 3 tháng sau, phiên phúc thẩm của TAND Tối cao được mở. Cho rằng không có cơ sở xem xét kháng cáo, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Suốt 10 năm, các bị cáo và gia đình liên tục gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu VKSND Tối cao rà soát và báo cáo vụ việc.

Đầu năm 2010, VKSND Tối cao ra kháng nghị, đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tuyên 3 thanh niên không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản. Ba thanh niên được tạm tha, cho trở về nhà.

Ngày 7/12/2011, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị này.

Anh Thư thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,452

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn