Nguyễn Đình Lợi ngồi trong cửa hàng xe máy (xã Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) bên cạnh là bà Hưng, mẹ anh với gương mặt rầu rĩ. Nghe thông tin bị bác kháng nghị cả gia đình Lợi “sốc” nặng.
Sau ngày được trả tự do, Lợi về quê mở cửa hàng sửa chữa xe máy với sự giúp đỡ của người thân. Thời gian đầu, Lợi rủ Kiên ra làm chung. Sau đó, Kiên nghỉ và đi làm công việc khác, còn Tình lấy vợ sống với nghề bán sơn. Ba anh có họ hàng, tính vai vế, Tình là chú của hai người còn lại.
“Cả phiên xử lẫn việc ra phán quyết, tôi cũng như Tình và Kiên đều nghe qua các phương tiện thông tin”, Lợi cho biết. Từ chiều 7/12, biết có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào, Lợi ăn ngủ không yên. Nhìn chiếc xe máy tháo tung trên sàn nhà, Lợi không còn tâm trạng để sửa chữa cho khách.
Lợi và mẹ ngồi buồn so khi nghĩ tới tương lai mù mịt. Ảnh: Việt Dũng. |
Bà Hưng sụt sịt: “Tôi đã khuyên Lợi lấy vợ đi, đến giờ chắc là có con rồi. Lợi lại bảo đợi cho việc phán quyết xong mới tính lập gia đình”. Dù chân tập tễnh nhưng bố của Lợi vẫn đi khắp nơi gửi đơn kêu oan cho con trai.
Căn nhà 5 tầng của gia đình ông Nghĩa, bố đẻ Nguyễn Đình Tình, người thân, hàng xóm đang tới động viên. Sau khi Tình được trả tự do và có vợ, ông Nghĩa quyết tâm bán đất, xây nhà để con trai có chỗ ở đàng hoàng hơn.
Ông Nghĩa bảo, vợ và con dâu vừa đi chùa cúng lễ, cầu xin an lành cho Tình. Con trai ông mới rời nhà sang huyện Thanh Trì lấy sơn. “Mấy ngày nay, nhà tôi như có đám, vợ khóc, con dâu sụt sịt và tôi cũng khóc”, ông nói với đôi mắt đỏ hoe.
Đáng lẽ vợ chồng và con dâu ông phải là người động viên Tình nhưng chính con trai lại khuyên nhủ bố mẹ và cô vợ trẻ. Tình cố gắng tỏ ra cứng rắn, song ông Nghĩa biết, con trai ba đêm rồi đều mất ngủ, đứng lặng lẽ trước lan can nhà.
Ông kể, gần hai năm trước, giáp ngày cúng ông Công, ông Táo, cả gia đình đón Tình về nhà. Từ đầu ngõ, hàng xóm, người thân đứng chật cứng. Không có nước chè mời khách, ông gọi người ta chở cả xe bia đến. Ba ngày liền, mọi người vẫn ùn ùn kéo đến chia vui với gia đình.
Ông Nghĩa mắt đỏ hoe khi nói về vụ việc của con trai là Nguyễn Văn Tình. Ảnh: Việt Dũng. |
Không lâu sau, ông biết việc con bị nhiễm HIV khi còn ở trại giam vì trong lúc chơi thể thao bị xước chân tay do va chạm với bạn tù. Buồn đau nhưng ông càng thương con hơn. Ông bảo, mấy ngày đầu Tình luôn tránh từ việc ngủ cùng em trai, ăn uống vệ sinh chung và chỉ nói là do thói quen có từ trong trại giam.
Thấy sự đổi khác của con trai, người mẹ đã mắng mỏ. Đến khi biết chuyện con bị bệnh bà thương Tình, khóc hết nước mắt. Tình giải thích với bố mẹ, sống như vậy giãn tình cảm của mọi người, để nếu anh không còn sống được lâu gia đình sẽ bớt đau.
Hạnh phúc ngập tràn gia đình ông khi có cô gái tốt tính đồng ý kết hôn với Tình. Ông cùng con dâu vẫn luôn nhắc Tình uống thuốc đúng giờ để chống chọi với bệnh tật. “Hơn một tuần trước, vợ chồng Tình nói sẽ vào TP HCM để làm các xét nghiệm thụ thai, đến bây giờ các em không còn tâm trạng nào nghĩ đến việc này nữa”, ông Nghĩa cho biết.
Điều lo lắng nhất với vợ chồng và con dâu ông Nghĩa là nếu Tình bị bắt giam trở lại, trong trại anh sẽ không được điều trị bệnh tật như ở nhà. Sức khỏe gần đây của Tình đang yếu, khi vào tù ông lo Tình sẽ không trụ được. Cũng giống gia đình Lợi và Kiên, đến giờ con trai ông chưa nhận được bất cứ giấy tờ hay thông báo gì từ cơ quan chức năng.
Ông Nghĩa và mọi người vẫn hy vọng vào một phán quyết công tâm để con trai có cơ hội sống cùng gia đình 5-10 năm hoặc hơn nữa. Tuy nhiên, cả gia đình ông, Kiên và Lợi cũng đã chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất bị bắt giam trở lại.
Với phán quyết vừa qua, Lợi còn hơn 6 năm, Tình hơn 4 năm, Kiên hơn 1 năm thụ án.
10 năm trước, 3 thanh niên Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Tình bị xác định là thủ phạm gây ra vụ hiếp dâm, cướp tài sản tại khu trạm bơm ở xã Yên Nghĩa, Hà Đông. Ngày 21/1/2002, TAND tỉnh Hà Tây (cũ) đã tuyên phạt Lợi 16 năm tù do được coi là người khởi xướng, đứng đầu. Tình nhận án 14 năm và Kiên khai báo thành khẩn và có đơn tự thú, nên chỉ bị phạt 11 năm tù. Theo đơn chống án kêu oan của các bị cáo, 3 tháng sau, phiên phúc thẩm của TAND Tối cao được mở. Cho rằng không có cơ sở xem xét kháng cáo, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Suốt 10 năm, các bị cáo và gia đình liên tục gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu VKSND Tối cao rà soát và báo cáo vụ việc. Đầu năm 2010, VKSND Tối cao ra kháng nghị, đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tuyên 3 thanh niên không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản. Ba thanh niên được tạm tha, cho trở về nhà. Ngày 7/12/2011, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị này |
Việt Dũng