05/12/2011 11:59 AM

Cả 3 chàng trai vụ án oan hiếp dâm, trong đó 1 người bị nhiễm HIV đang mong chờ tìm lại công bằng trong phiên xử lần 6.

Theo dự kiến, 8h ngày 7-12-2011, Hội đồng thẩm phán TANDTC tổ chức phiên họp để tiến hành xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Đình Kiên và các đồng phạm bị kết án về các tội cướp tài sản, hiếp dâm tại các bản án hình sự phúc thẩm số 583/HS-PT ngày 24-2-2002 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, do Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị tại Quyết định kháng nghị số 02 ngày 26-1-2010.

Liệu lần này cũng giống như phiên họp ngày 15-9-2011. TANDTC lại tiếp tục mời các điều tra viên, kiểm soát viên và thẩm phán đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án (?!).

Phiên giám đốc thẩm hay cuộc hội thảo?

Trở lại bản án hình sự phúc thẩm số 583 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tại Hà Nội: Khoảng 20h30 ngày 24-10-2000, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi, và Nguyễn Đình Kiên bàn nhau đi trấn lột, mang theo dao ăn Thái Lan, gậy và điếu cày. Đến bờ mương gần trạm bơm xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), cả bọn phát hiện anh N.C.H và chị N.T.H.H đang ngồi trên xe máy tâm sự. Chúng dùng dao, gậy khống chế, cướp của đôi trai gái 280.000 đồng, 1 đồng hồ điện tử, 1 khuyên tai và 1 chỉ vàng.

Không dừng lại ở đó, Tình, Lợi, Kiên còn thay nhau cưỡng hiếp chị H.H và đánh anh C.H gây thương tích 21%. Tại phiên toà phúc thẩm tháng 4-2002, Tòa phúc thẩm TANDTC vẫn quyết định giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Tây về phần tội danh cướp tài sản, hiếp dâm và hình phạt đối với ba bị cáo là: Nguyễn Đình Lợi 16 năm tù giam, Nguyễn Đình Tình 14 năm tù giam, và Nguyễn Đình Kiên 11 năm tù.

Án oan hiếp dâm:

Nguyễn Đình Tình, người bị nhiễm HIV hạnh phúc vì vẫn có người yêu thương mình.

Sau gần 10 năm dài dằng dặc, ngày 26-1-2010, ba chú cháu họ Nguyễn Đình đã nhận được quyết định số 02 của VKSNDTC về Tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 583 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Theo đó, cả 3 chú cháu được trả tự do. Nhưng thật nghiệt ngã, khi được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình, cũng là lúc Nguyễn Đình Tình phát hiện mình đã bị nhiễm HIV trong thời gian thụ án.

Quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, trong gần hai năm qua, việc tổ chức các phiên họp để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm vụ án của ba chú cháu Tình, Lợi, Kiên mới chỉ được tiến hành 5 lần họp và hoãn. Sự bất thành tại các phiên họp đều có lý do và trở thành nỗi thắc mắc, trăn trở đối với không chỉ những người “rành” pháp luật.

Sau một thời gian dài im lặng, ngày 15-9-2011, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) – TANDTC tiếp tục tổ chức phiên họp về vụ án này. Thành phần dự họp có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại diện VKSNDTC, ba ngành Tư pháp TP.Hà Nội. Điều đặc biệt trong phiên họp này là sự có mặt của tất cả các cán bộ đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án trên thuộc CQĐT, Viện kiểm soát, Tòa án tỉnh Hà Tây (cũ).

Tại phiên họp, HĐTP và các cán bộ của ba ngành Tư pháp Hà Tây (cũ) đều khẳng định tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử tuyên phạt các bị án Tình, Lợi, Kiên mức án nêu trên là đúng, không oan sai, với 3 lý do: Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội tiến hành điều tra lại vụ án này là không đúng vì vụ án đã có hiệu lực pháp luật, không thuộc thẩm quyền của Cơ quan CSĐT, Chiếc áo phông vật chứng của vụ án đã được niêm phong không thể nói là chiếc áo này không phải thu được ở hiện trường; Những nội dung mà Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội nêu trong báo cáo tại cuộc họp ba ngành tư pháp thành phố đều có trong biên bản tòa rồi.

Một cán bộ CATP Hà Nội nhận xét, đây là phiên họp không bình thường vì nó không đúng với trình tự tố tụng. TANDTC đã xét xử giám đốc thẩm, xử đi xử lại tới dăm lần, nhưng đều không đưa ra được phán quyết đối với ba bị án, để thời gian kéo dài quá lâu, bỏ qua cả quy định của Pháp luật, rồi sau đó tổ chức phiên họp mà thành phần chủ yếu là những người tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án này trước kia thì làm sao mà họ dám nhận là họ đã làm oan?

Nội dung cuộc họp không vô tư vì ba nội dung HĐTP nêu ra chỉ dựa vào hình thức mà không xem xét đến nội dung, bản chất của vụ việc. Phiên họp ngày 15-9-2011 có vẻ như một cuộc hội thảo. Và nếu là cuộc hội thảo thì tại sao TANDTC không mời các luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị án và mời các cán bộ điều tra hiện tại – những người đã trực tiếp xác minh, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, nắm rất rõ vụ việc này dự họp, có bên bảo vệ, bên phản diện để làm sáng tỏ vấn đề.

Tại sao không ba mặt một lời?

Vị cán bộ CATP Hà Nội này cũng cho rằng: “Tôi phải nói rõ rằng, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội không điều tra lại mà xác minh, xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đơn khiếu nại, tố cáo, gia đình và bản thân ba bị án nêu họ bị cán bộ điều tra tra tấn, đánh đập, bức cung nhục hình, điều tra kết luận không khách quan. Trong quá trình xem xét đơn khiếu nại tố cáo, chúng tôi phát hiện các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Tây (cũ) đã điều tra, truy tố, xét xử ba chú cháu Tình, Lợi, Kiên không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự. Với lương tâm và trách nhiệm của mình, chúng tôi không thể làm ngơ được trước nỗi oan trái của người dân lương thiện”.

Luật sư Nông Thị Hồng Hà – Công ty Luật Hồng Hà (Hà Nội) phân tích: “Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành về những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm: “Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm”. Như vậy, ngoài những thành phần bắt buộc (các Thẩm phán Tòa án, đại diện VKS cùng cấp) thì trong những trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Tuy nhiên, đây là việc làm rất ít khi Tòa án cấp Giám Đốc thẩm thực hiện”.

Vụ án của ba chú cháu Tình, Lợi, Kiên là một vụ án đang thu hút sự chú ý của đông đảo công luận, nên việc HĐTP – TANDTC coi các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án là “những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị để triệu tập họ đến phiên xét xử theo trình tự giám đốc thẩm sắp tới cũng là sự thận trọng cần thiết”. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng: Theo quy định nêu trên, chỉ khi xét thấy cần thiết thì Toà án mới triệu tập những người này. Một khi đã xét thấy cần thiết phải triệu tập rồi thì Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa. Nói cách khác, trong trường hợp này, nhất thiết phải có mặt người bị kết án, người bào chữa; còn những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị thì không nhất thiết, sự tham gia của họ chỉ là có thể.

Như vậy, việc HĐTP – TANDTC triệu tập các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án, nhưng lại không triệu tập người bị kết án, người bào chữa là không đúng quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành. Việc làm này của TANDTC khiến chúng tôi, các bị án và công luận vô cùng lo ngại về tính khách quan trong việc xét xử vụ án đặc biệt này.

Dù Viện KSNDTC đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng vô tội và trả tự do nhưng những gì ba chú cháu Tình, Lợi, Kiên phải gánh chịu gần mười năm vẫn chưa dừng lại. Dư luận chờ đợi sự công tâm của những người cầm cân nẩy mực và tin tưởng công lý được thực thi một cách chính xác.

Qua theo dõi vụ án liên quan đến 3 chú cháu Tình, Lợi, Kiên trên báo chí, tôi thấy rằng một số cơ quan tố tụng đã vi phạm ngay trong chính quy định của pháp luật, chứ chưa nói đến những sai phạm trong từng tình tiết cụ thể của vụ án mà bản kháng nghị của VKSNDTC đã nêu và được báo chí đăng tải trong suốt thời gian gần 2 năm qua.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 281 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Ủy ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án với sự tham gia của toàn thể các thành viên. Nhưng sau 1 năm 11 tháng HĐTP – TANDTC mới 5 lần xử rồi hoãn và chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.

Như vậy, HĐTP đã vi phạm, ít nhất là về mặt thời gian theo quy định của Pháp luật. Điều này không chỉ những cán bộ hiểu biết Pháp luật như chúng tôi mà ngay cảnhững người dân cũng vô cùng bức xúc, vì cách giải quyết của cán bộ toàn án, đặc biệt là ở vụ án từng gây chấn động này.

Độc giả Nguyễn Minh Thành (Quế Võ, Bắc Ninh)

Theo Nhóm phóng viên điều tra (Đời sống pháp luật)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,609

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn