24/02/2012 22:52 PM

Khó khăn, chuẩn bị giải tán, thoi thóp… là những từ “cửa miệng” lúc này của giới kinh doanh địa ốc khi những tín hiệu lạc quan dù nhỏ nhất cho thị trường BĐS vẫn chưa thấy đâu. Hầu hết các DN tầm trung đến với BĐS theo trào lưu từ 2 - 3 năm nay đều tính tới phương án phân chia lại cổ phần Cty, khuyến khích nhân viên phát huy khả năng bản thân để tự lo cho đời sống nhằm tiếp tục cùng nhau “chiến đấu” trong thời kỳ đen tối của BĐS.




Tới lúc này, bên cạnh những tên tuổi lớn trong làng BĐS với bề dày kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính đang rục rịch tìm phương kế cắt giảm, chuyển hướng, sáp nhập, nhiều DN địa ốc vốn không phải xuất thân từ nghề đất cát đang như kiến bò chảo lửa bởi cơn bão khó khăn. Năm 2011 đã chứng kiến cảnh nhiều dự án đình đám, DN nhỏ thay tên, đổi chủ dù cực chẳng đã. Đáng kể nhất phải nói tới trường hợp tập đoàn Vingroup rút vốn, sang tên phần góp vốn cho đơn vị khác khỏi nhiều dự án, tiêu biểu: Dự án Sun City (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), dự án Viettronics Đống Đa và chuyển nhượng tháp B tòa Vincom Center Hà Nội (phố Bà Triệu, Q.Hai Bà Trưng)… Tuy nhiên, theo thông tin từ tập đoàn nổi đình nổi đám trong làng BĐS, việc làm này đơn giản chỉ cho mục đích tập trung toàn lực để đánh trọng điểm (đảm bảo tốt chất lượng và đúng tiến độ) một loạt dự án như Royal City, Times City, Vincom Village của đơn vị nhằm giữ uy tín với khách hàng. Như vậy, có thể thấy, bất chấp tiềm lực được đánh giá là “quá ổn” như Vincom, việc thu hồi vốn để tập trung cho các sản phẩm tiêu biểu nhằm bảo vệ thương hiệu cũng như uy tín cũng cho thấy Tập đoàn này đã phần nào dự cảm trước được thời gian khốc liệt của thị trường BĐS xuất hiện từ quý II/2011.

Khác với cách làm có phần chắc chắn như Vingroup, nhiều DN địa ốc có tầm đang lựa chọn phương án mở rộng tối đa hoạt động kinh doanh của Cty ra các mảng khác, cùng với việc co cụm, duy trì ở mức thấp nhất cho BĐS - ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký kinh doanh. Cụ thể nhất là Cty Phát Đạt. Bất chấp 12 tháng trời “sụt nhiều hơn trồi” của thị trường BĐS trong năm 2011, DN này vẫn mạnh dạn chen chân vào nghiệp trồng rừng nhằm lấy ngắn nuôi dài. Kết quả: Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Phát Đạt là người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán năm 2011 với tài sản khoảng 1.444 tỷ đồng. Đồng thời, bất chấp các dự báo liên tục đưa ra nhận đinh BĐS 2012 vẫn còn gian khó nhưng thông tin từ người lãnh đạo Cty Phát Đạt cho biết DN này đủ tiền để tiếp tục triển khai các dự án và trả lãi vay cho ngân hàng khi tiếp tục bán căn hộ ở The EverRich 2 và khu villas ở dự án The EverRich 3.

Đó là những DN “mạnh vì gạo - bạo vì vốn”, xét tới những đơn vị địa ốc vốn dĩ chen ngang vào BĐS (số lượng này chiếm phần lớn hiện nay) thì phương án “chống cháy” của họ hoàn toàn khác. Khi BĐS không còn là nguồn thu "chủ lực" của các DN, ban lãnh đạo đơn vị buộc phải tìm nguồn vốn từ nhiều cách. Điển hình đó là khuyến khích toàn bộ CBNV trong Cty đóng góp ý tưởng, chuyên môn, mối quan hệ từ trước khi tham gia ngành nghề BĐS để cùng làm - miễn sao tạo được nguồn thu dù ít ỏi để “nuôi” Cty. Điểm qua nhiều sàn BĐS kiêm chức năng đầu tư mới thấy đội ngũ ban lãnh đạo khá nhiều người mới làm quen với địa ốc từ 1 - 2 năm nay. Thôi thì đủ ngành nghề: Kỹ sư, KTS, kinh doanh tự do, buôn bán ôtô, xuất nhập khẩu, thậm chí nhân viên ngân hàng… tập hợp lại thành một DN theo dạng cổ phần góp vốn và anh - em cùng chung mối quan tâm tới đất cát. Đến thời gian khó, mới cần tới sự đa năng của mỗi thành viên. Chia sẻ như ông Nam - Giám đốc sàn BĐS TV (trên đường Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân) cho thấy rõ điều này: 5 anh em thành viên sáng lập Cty chúng tôi đang trở lại mỗi người một nghề (từ trước khi cùng góp vốn lập DN) để tự lo thu nhập cho mình và duy trì dòng vốn tối thiểu cho đơn vị tồn tại hoạt động. Chẳng lâu nữa, tình hình sẽ khá hơn, nếu bây giờ không cố, ví dụ như trong vòng tới cuối năm 2012 thị trường bình phục, khi ấy mình sẽ không phải hối hận vì rời cuộc chơi quá sớm...

Tuy nhiên, không ít DN “không chuyên” vẫn đang sống khỏe trước khó khăn dù nhiều đơn vị rậm rịch giải thể. Bí quyết chính là sự tỉnh táo nhạy bén về thị trường BĐS và kịp thời đưa ra quyết sách chuyển hướng trước khi quá muộn. Bước vào BĐS hoàn toàn không “chuyên”, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã “cảm” được khó khăn của thị trường và thực hiện chuyển hướng đầu tư từ trước bằng cách đầu tư vào cao su, thủy điện thay vì đầu tư BĐS như vài năm trước. Một trường hợp khác: Không chuyên về đầu tư BĐS, TCty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) đã tuyên bố tạm dừng đầu tư, "không xin thêm, không mở rộng" lĩnh vực "tay trái" là BĐS khi mới manh nha xuất hiện dấu hiệu khó khăn của thị trường…

Rõ ràng, khó khăn vẫn tiếp tục đè nặng lên đôi vai DN BĐS. Địa ốc chẳng biết khi nào sẽ khá lên cho dù nhiều người đang kỳ vọng chứng khoán sẽ là đòn bẩy hữu hiệu cho mãi lực thị trường đang xuống quá thấp. Lúc này, điều mà nhiều lãnh đạo đơn vị địa ốc có tâm huyết với nghề đang nung nấu, đó là thủ thế bằng mọi cách để không gục ngã quá sớm khi con thuyền BĐS vẫn đang chòng chành trước cơn bão tài chính khó khăn.

Dự báo 3 xu hướng về đầu tư BĐS trước khó khăn:

Thứ nhất, những DN BĐS có năng lực tài chính nhưng chưa phải là DN mạnh, thì buộc phải chuyển hướng sang đầu tư cho các phân khúc trung bình như nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp… để tìm kiếm nguồn tiền từ những khách hàng có nhu cầu thực. Thứ hai, các “đại gia” BĐS, những DN lớn sẽ sẵn sàng “nằm im” để nghe ngóng thị trường. Thứ ba, thị trường vẫn đối mặt với khó khăn do tác động từ tình hình kinh tế vĩ mô. Do đó, hoạt động M&A (mua bán sáp nhập) sẽ là diễn ra với tần suất và số lượng cao hơn đến khi áp lực vốn với DN được giải tỏa.



DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,275

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn