BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 25/VBHN-BCT
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 10 năm 2024
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI
Nghị định số 14/2018/NĐ-CP
ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 01 năm 2018, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số
122/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy
định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 12 năm 2024.
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý
ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị
định quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.[1]
Chương
I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định
chi tiết các hoạt động thương mại biên giới quy định tại Điều 53 và Điều 54 Luật
Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư
dân biên giới; các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và các hoạt động liên
quan đến mua bán, trao đổi hàng hóa quy định trong điều ước quốc tế giữa nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
2. Hoạt động tạm nhập,
tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu và quá cảnh không thuộc phạm vi điều
chỉnh của Nghị định này.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Thương nhân, các tổ chức,
cá nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới.
2. Các cơ quan, tổ chức
quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới.
3. Các cơ quan, tổ chức,
cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thương mại biên giới.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các
từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nước có chung biên giới
là nước có chung đường biên giới đất liền với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, bao gồm: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và
Vương quốc Cam-pu-chia.
2. Cửa khẩu khác và nơi mở
ra cho qua lại biên giới là cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định của
pháp luật về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
3.[2] Cư dân biên giới thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này
là công dân Việt Nam có nơi thường trú tại xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị
hành chính tương đương có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới
quốc gia trên đất liền.
4. Chợ biên giới bao gồm
chợ hoặc khu, điểm chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu
nằm trên địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc khu vực hành chính tương đương có một
phần địa giới hành chính trùng với biên giới quốc gia trên đất liền, đồng thời
có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân
và cư dân biên giới.
5. Hoạt động mua bán, trao
đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
theo quy định của pháp luật.
Điều
4. Thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới
1. Hoạt động thương mại
biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng
tiền của nước có chung biên giới.
2[3]. Phương thức thanh toán
a) Thanh toán qua ngân
hàng;
b) Thanh toán bù trừ giữa
hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch
thanh toán qua ngân hàng);
c) Thanh toán bằng tiền mặt
chỉ áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Điều
4a. Tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới[4]
Hàng hóa trong hoạt động
mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải
đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các
điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
Chương
II
HOẠT ĐỘNG
THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI CỦA THƯƠNG NHÂN
Điều
5. Thương nhân mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới
1. Thương nhân được thực
hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt
Nam, bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh
doanh theo quy định của pháp luật.
2. Thương nhân có vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết
của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên.
Điều
6. Cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên
giới của thương nhân
1. Cửa khẩu biên giới thực
hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân thực hiện
theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương.
2. Trường hợp hoạt động
mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới thực hiện qua cửa khẩu phụ, lối mở
biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa
khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng
hóa sau khi trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc đảm bảo có
đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật
phục vụ quản lý nhà nước.
3. Bộ Công Thương chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét,
cho phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các địa điểm khác
không phải là cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại khoản 1, khoản 2
Điều này. Trên cơ sở ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh
biên giới thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc đảm bảo có đủ lực lượng
kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản
lý nhà nước.
Điều
7. Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân
1. Hàng hóa mua bán, trao
đổi qua biên giới của Thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại
thương và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa
quốc tế.
2. Bộ Công Thương chủ
trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới
ban hành Danh mục hàng hóa được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở
biên giới của thương nhân trong từng thời kỳ.
Điều
8. Kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa
mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân
Hàng hóa mua bán, trao đổi
qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật, điều ước
quốc tế về kiểm dịch y tế; kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch thủy sản; kiểm
tra chất lượng hàng hóa; kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Điều
9. Hình thức thỏa thuận trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới
của thương nhân
1. Hoạt động mua bán,
trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện trên cơ sở thỏa
thuận giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân hoặc cá nhân của nước có chung
biên giới bằng một trong các hình thức sau:
a) Hợp đồng bằng văn bản.
b) Trường hợp không xác lập
hợp đồng bằng văn bản thì thương nhân phải lập bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi
qua biên giới. Thương nhân Việt Nam ký tên, đóng dấu và tự chịu trách nhiệm trước
pháp luật về tính xác thực của bảng kê, có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng.
2. Bảng kê mua bán, trao
đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại điểm b khoản 1 Điều này
thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều
10. Chính sách thuế, phí và lệ phí
1. Thương nhân hoạt động
mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về
thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
2. Hàng hóa mua bán, trao
đổi qua biên giới được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật và các điều ước
quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Hàng hóa xuất khẩu dưới
hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại
Nghị định này được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
4. Thuế, phí và lệ phí
trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được
thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương
III
HOẠT ĐỘNG
MUA BÁN, TRAO ĐỔI HÀNG HÓA CỦA CƯ DÂN BIÊN GIỚI
Điều
11. Cửa khẩu biên giới thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới
Hoạt động mua bán, trao đổi
hàng hóa của cư dân biên giới được thực hiện qua các cửa khẩu, lối mở biên giới
quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Điều
12. Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới
1. Hàng hóa của cư dân
biên giới là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hoặc nước có chung biên giới
do cư dân biên giới mua bán, trao đổi ở khu vực biên giới hai nước để phục vụ
các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới.
2. Bộ Công Thương ban
hành Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới quy định tại khoản
1 Điều này.
Điều
13. Thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới
1. Cư dân biên giới mua
bán, trao đổi hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân
biên giới do Bộ Công Thương ban hành theo quy định tại khoản 2
Điều 12 Nghị định này được hưởng định mức miễn thuế theo quy định tại Phụ lục
V Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
2. Phần giá trị hàng hóa
vượt định mức quy định tại khoản 1 Điều này phải chịu thuế nhập khẩu và các loại
thuế, phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Điều
14. Quản lý mua gom hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới
1. Hàng hóa trong định mức
theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này nhưng cư dân
biên giới không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng phải nộp thuế theo quy định của
pháp luật.
2. Thương nhân được thực
hiện mua gom hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này tại khu vực chợ biên giới
và phải lập bảng kê mua gom hàng hóa.
3. Hàng hóa mua bán, trao
đổi của cư dân biên giới quy định tại khoản 1 Điều này khi mua gom phải thực hiện
kiểm dịch, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng theo quy định tại
Điều 8 Nghị định này.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn,
quy định việc thu thuế đối với hàng hóa trong định mức nhưng không sử dụng cho
sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều
15. Kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm trong hoạt động
mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới
1. Hàng hóa mua bán, trao
đổi của cư dân biên giới không phải thực hiện kiểm dịch y tế, trừ Trường hợp cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo có dịch bệnh truyền nhiễm, nguy cơ dịch bệnh
truyền nhiễm xảy ra thì phải kiểm dịch y tế.
2. Hàng hóa thuộc diện phải
kiểm dịch động vật, thực vật và kiểm dịch thủy sản do cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền công bố trong từng thời kỳ phải được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
3. Hàng hóa mua bán, trao
đổi của cư dân biên giới không phải kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, an toàn
thực phẩm, trừ Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định
này.
Chương
IV
CHỢ BIÊN GIỚI
Điều
16. Chủ thể hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới
1.[5] Thương nhân, công dân mang quốc tịch Việt Nam đã đăng ký
cư trú tại khu vực biên giới.
2.[6] Thương nhân, công dân mang quốc tịch của nước có chung đường
biên giới, có Hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu và thị thực,
trừ trường hợp được miễn thị thực, còn giá trị sử dụng theo điều ước quốc tế mà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh,
quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa
đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14 và Luật số 23/2023/QH15;
thương nhân, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh của nước có chung đường
biên giới đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật
của nước có chung đường biên giới.
3. Thương nhân, hộ kinh
doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh của nước có chung biên giới chỉ được phép
mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới và phải thực hiện theo các quy định
của pháp luật Việt Nam.
Điều
17. Hoạt động kinh doanh tại chợ biên giới
Hoạt động kinh doanh tại
chợ biên giới thực hiện theo các quy định sau:
1. Nghị định số
02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý
chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của
Chính phủ về phát triển, quản lý chợ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan.
2. Các điều ước quốc tế
giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
Điều
18. Hàng hóa được mua bán, trao đổi tại chợ biên giới
1. Hàng hóa được mua bán,
trao đổi tại chợ biên giới phải là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường
Việt Nam theo các quy định của pháp luật.
2. Hàng hóa mua bán, trao
đổi qua biên giới để kinh doanh tại chợ biên giới phải tuân thủ các quy định của
Nghị định này.
Điều
19. Kiểm dịch đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới
1. Hàng hóa mua bán, trao
đổi tại chợ biên giới thuộc đối tượng phải kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật,
thực vật, thủy sản theo quy định của pháp luật về kiểm dịch y tế, kiểm dịch động
vật, thực vật, thủy sản.
2. Hàng hóa mua bán, trao
đổi tại chợ biên giới phải kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm.
3. Khi hàng hóa được nhập
khẩu từ nước có chung biên giới đưa vào chợ biên giới phải thực hiện kiểm dịch
với cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa
xuất khẩu từ chợ biên giới sang nước có chung biên giới thực hiện kiểm dịch
theo quy định của pháp luật.
Điều
20. Quy định về thuế, phí, lệ phí đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ
biên giới
Thương nhân, tổ chức, hộ
kinh doanh và cá nhân có đăng ký kinh doanh trong chợ biên giới phải tuân thủ quy
định của pháp luật Việt Nam về thuế, phí, lệ phí: Thuế giá trị gia tăng, thuế
thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí môn bài và các loại thuế,
phí khác (nếu có).
Chương
V
XUẤT NHẬP CẢNH
NGƯỜI VÀ PHƯƠNG TIỆN TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI
Điều
21. Xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam
1.[7] Chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền, chủ phương tiện,
người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, nhân viên phục vụ trên xe, tàu,
thuyền là công dân Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của
công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật
số 23/2023/QH15.
Riêng người điều khiển
phương tiện, ngoài giấy tờ quy định nêu trên còn phải có giấy phép điều khiển
phương tiện phù hợp với loại phương tiện điều khiển.
2. Chủ phương tiện, người
điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa khi vào các địa điểm tại khu vực biên
giới phải xuất trình hoặc nộp các giấy tờ theo quy định của pháp luật hiện
hành.
3.[8] Phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa
và chủ thể kinh doanh của Việt Nam được đi qua các cửa khẩu, lối mở biên giới
quy định tại Nghị định này để ra hoặc vào chợ biên giới của nước có chung đường
biên giới, phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng quản lý chuyên
ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới.
4. Việc quản lý phương tiện
của Việt Nam xuất nhập cảnh qua biên giới để giao nhận hàng hóa ngay tại khu vực
cửa khẩu, lối mở biên giới sau đó quay lại trong ngày và phương tiện vận tải của
cá nhân, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại biên giới thực hiện
theo quy định pháp luật.
5. Người và phương tiện vận
tải hàng hóa quy định tại Điều này có nhu cầu đi vào điểm chuyển tải hàng hóa
được quy định tại Hiệp định vận tải giữa Chính phủ Việt Nam và các nước có
chung biên giới để giao nhận hàng hóa thì phải thực hiện theo các quy định của
Hiệp định, Nghị định thư và các văn bản thỏa thuận khác đã ký kết giữa nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới về xuất nhập cảnh
và vận tải hàng hóa.
Điều
22. Xuất nhập cảnh người và phương tiện của nước có chung biên giới
1.[9] Chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền, chủ phương tiện,
người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, nhân viên phục vụ trên xe, tàu,
thuyền là người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu biên giới thực hiện
theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước
ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật
số 51/2019/QH14 và Luật số 23/2023/QH15.
2. Phương tiện vận tải
hàng hóa của nước có chung biên giới được qua các cửa khẩu biên giới theo quy định
của Nghị định này để vào các điểm giao, nhận hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền
của Việt Nam quy định tại khu vực biên giới.
3.[10] Phương tiện và công dân của nước có chung đường biên giới
là người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa và chủ thể kinh doanh của nước
có chung đường biên giới khi ra, vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong
Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam để vận chuyển hàng hóa phải chịu sự kiểm tra,
kiểm soát, kiểm dịch của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.
4. Phương tiện của nước
có chung biên giới vào khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của Việt Nam để giao
nhận hàng hóa sau đó quay về nước ngay trong ngày và phương tiện vận tải của cá
nhân, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại khu vực biên giới trong
ngày không phải kê khai tờ khai hải quan và nộp hồ sơ phương tiện nhưng phải chịu
sự kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
tại cửa khẩu.
5. Việc quản lý phương tiện
của nước có chung biên giới vào khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của Việt Nam
để giao nhận hàng hóa ngay tại khu vực cửa khẩu sau đó quay lại trong ngày và
phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại
biên giới thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Trường hợp người và
phương tiện của nước có chung biên giới có nhu cầu đi vào các địa điểm khác
ngoài khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới để giao nhận hàng hóa thì phải thực hiện
theo các quy định của Hiệp định, Nghị định thư và các văn bản thỏa thuận khác
đã ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung
biên giới về xuất nhập cảnh và vận tải hàng hóa.
Chương
VI
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều
23. Trách nhiệm của Bộ Công Thương
1. Chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới hướng dẫn thực hiện
Nghị định này.
2. Chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới.
3. Phối hợp với các bộ,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trong việc chỉ đạo, điều
hành, hướng dẫn hoạt động thương mại biên giới theo chức năng, nhiệm vụ được
giao.
4. Chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quy định việc thực hiện
hoạt động thương mại biên giới đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
5. Chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới điều tiết hoạt động
mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân trong trường hợp ách tắc
hoặc có khả năng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, lối mở biên giới của các tỉnh
biên giới, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp
cần thiết khác.
6. Hợp tác, trao đổi, thỏa
thuận với cơ quan có thẩm quyền của các nước có chung biên giới về cơ chế phối
hợp trong quản lý hoạt động thương mại biên giới.
7. Tổng hợp, báo cáo cấp
có thẩm quyền định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động thương mại biên giới.
Điều
24. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan
1. Bộ Quốc phòng chủ trì,
phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới chịu
trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước tại các cửa khẩu biên giới trong phạm vi
chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
2.[11] Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan
và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới:
a) Hướng dẫn thực hiện
chính sách thuế, phí và lệ phí;
b) Thực hiện thủ tục, kiểm
tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
3. Bộ Y tế chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quản lý, hướng
dẫn thực hiện công tác kiểm dịch y tế biên giới, kiểm tra về an toàn thực phẩm
theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại
biên giới.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân
dân tỉnh biên giới quản lý, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm dịch động vật, thực
vật, kiểm dịch thủy sản, về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động
thương mại biên giới.
5. Bộ Khoa học và Công
nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên
giới quản lý, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra về chất lượng hàng hóa
trong hoạt động thương mại biên giới.
6. Bộ Giao thông vận tải
chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan tạo điều
kiện phát triển về hạ tầng giao thông phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới;
hướng dẫn thực hiện các điều ước quốc tế và các quy định có liên quan đối với
phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên
giới quản lý, hướng dẫn về thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.
8. Bộ Công an theo chức
năng, nhiệm vụ cùng với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới
thực hiện quản lý cư trú khu vực biên giới; phối hợp với các bộ, ngành liên
quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới bảo vệ an ninh biên giới, giữ gìn trật tự,
an toàn xã hội khu vực biên giới, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh người, phương tiện
trong hoạt động thương mại biên giới; tăng cường hợp tác quốc tế với cơ quan chức
năng các nước trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong
hoạt động thương mại biên giới.
9. Các bộ, ngành liên
quan phối hợp với Bộ Công Thương để thống nhất hướng dẫn, chỉ đạo việc quản lý
và điều hành hoạt động thương mại biên giới thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Điều
25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới
1. Tổ chức quản lý, điều
hành hoạt động thương mại tại cửa khẩu biên giới trên địa bàn theo quy định của
pháp luật và Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
2. Thực hiện các chỉ đạo
điều hành về hoạt động thương mại biên giới của Bộ Công Thương và các bộ, ngành
có liên quan.
3. Chủ động xây dựng cơ
chế, chính sách khuyến khích thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư,
phát triển các hoạt động hỗ trợ thương mại tại khu vực cửa khẩu.
4. Chỉ đạo các sở, ngành,
cơ quan liên quan của tỉnh theo dõi sát tình hình hoạt động thương mại biên giới;
định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất báo cáo về Bộ Công Thương tình hình hoạt động
thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh.
5. Ban hành Danh mục cửa
khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị
định này.
6. Áp dụng các biện pháp
xử lý ách tắc hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật
Quản lý ngoại thương.
Điều
26. Hiệu lực thi hành[12]
1. Nghị định này có hiệu
lực thi hành từ ngày 23 tháng 01 năm 2018.
2. Bãi bỏ Quyết định số
52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản
lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
3. Các văn bản công bố cửa
khẩu phụ, lối mở được phép thực hiện hoạt động thương mại biên giới của Ủy ban
nhân dân tỉnh biên giới đã ban hành theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg và các
Thông tư ban hành theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg trước khi Nghị định này có
hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo thời hạn hiệu lực được nêu trong văn bản
đó.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công
báo);
- Bộ Tư pháp (để theo dõi);
- Văn phòng Bộ (đế đăng website BCT);
- Vụ Pháp chế (để đăng CSDLQG về VBPL);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, XNK.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Sinh Nhật Tân
|
[1]
Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy
định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới có căn cứ ban hành như sau:
"Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Quản lý ngoại
thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy
định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới."
[2]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số
122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày
23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[3]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều
1 của Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt
động thương mại biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[4]
Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số
122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày
23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động Thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[5]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số
122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày
23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[6]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều
1 của Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt
động thương mại biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[7]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 của Nghị định số
122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày
23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[8]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 của Nghị định số
122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày
23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[9]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản
6 Điều 1 của Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết
về hoạt động thương mại biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[10]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 1 của Nghị định số
122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày
23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[11]
Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định số
122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày
23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại
biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
[12]
Điều 2 của Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về
hoạt động thương mại biên giới, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024 quy
định như sau:
“Điều 2. Điều khoản thi
hành
1. Nghị định này có hiệu
lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.
2. Trong năm 2029, Bộ Tài
chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh số lần được miễn
thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua bán
trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
3. Từ ngày 01 tháng 01
năm 2029, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư
dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu.
4. Từ ngày 01 tháng 01
năm 2030, hàng hóa chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế;
cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường
chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu
song phương); lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu
biên giới, lối mở biên giới theo quy định pháp luật hiện hành và đã đạt thỏa
thuận song phương về cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
5. Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Nghị định này./.”