UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 278/2014/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 26 tháng 6 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY
ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT
CHUYÊN MÔN TRONG NGÀNH Y TẾ BẮC NINH
UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành Văn bản QPPL của HĐND,
UBND năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày
25/04/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện
nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động,
cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám
bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;
Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày
21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh
phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Căn cứ Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày
11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với
hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Kết luận Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII,
Căn cứ Nghị quyết số 115/NQ-HĐND17 ngày
24/4/2014 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định về một số chế độ, chính sách
hỗ trợ đào tạo phát triển kỹ thuật chuyên môn trong ngành y tế tỉnh Bắc Ninh;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 121/TTr-SYT ngày
11/02/2014 của Sở Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định chi tiết một số chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo
phát triển kỹ thuật chuyên môn trong ngành y tế tỉnh Bắc Ninh theo Nghị quyết số
115/NQ-HĐND17 ngày 24/4/2014 của HĐND tỉnh. Cụ thể như sau:
1. Đối tượng, phạm vi được hỗ
trợ
Công chức, viên chức, lao động (sau đây gọi
chung là người làm công tác y tế) thuộc các đơn vị công lập trong ngành y tế Bắc
Ninh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã được cử đi đào tạo để triển khai kỹ thuật hoặc
gói kỹ thuật chuyên môn trong phân tuyến kỹ thuật đơn vị chưa thực hiện được hoặc
các kỹ thuật vượt tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
2. Chế độ hỗ trợ đối với cán
bộ đào tạo trong tỉnh (tuyến xã đào tạo tại tuyến huyện, tuyến tỉnh; tuyến huyện
đào tạo tại tuyến tỉnh).
a) Đào tạo theo hình thức mở lớp:
Đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp lập dự toán
kinh phí trong đó có kinh phí hỗ trợ cho học viên theo quy định về đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
b) Đào tạo không theo hình thức mở lớp (đơn lẻ
hoặc theo kíp kỹ thuật):
Người được cử đi học được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ 20.000 đồng/người/ngày đi học.
- Hỗ trợ tiền lưu trú hoặc chi phí đi lại với số
tiền không quá 500.000 đồng/người/tháng.
- Hỗ trợ tiền mua tài liệu với số tiền không quá
500.000 đồng/người.
3. Chế độ hỗ trợ đối với cán
bộ tuyến huyện và tuyến tỉnh được cử đi đào tạo tại các đơn vị tuyến trung ương
a) Định mức hỗ trợ:
Ngoài chi phí đào tạo trả cho cơ sở đào tạo, người
được cử đi học còn được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ 20.000 đồng/người/ngày đi học.
- Hỗ trợ tiền lưu trú với số tiền không quá
500.000 đồng/người/tháng.
- Hỗ trợ tiền mua tài liệu với số tiền không quá
1.000.000 đồng/người.
- Thanh toán 01 lượt tiền tầu xe đi, về trong cả
khóa học theo chế độ công tác phí.
b) Hình thức thanh toán:
- Đối với cơ sở đào tạo đã công khai mức thu bằng
văn bản thì thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo theo phiếu thu của cơ sở đào tạo
trên cơ sở mức thu đã được thông báo.
- Đối với cơ sở đào tạo chưa công khai mức thu bằng
văn bản thì thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo theo hợp đồng ký giữa đơn vị có
cán bộ cử đi và cơ sở đào tạo.
4. Chế độ hỗ trợ đối với hình
thức mời chuyên gia tuyến trên về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại chỗ
a) Hình thức chuyển giao:
- Chuyên gia tuyến Trung ương về chuyển giao kỹ
thuật cho tuyến tỉnh, tuyến huyện.
- Người làm công tác y tế tuyến tỉnh về chuyển
giao kỹ thuật cho tuyến huyện, tuyến xã.
- Người làm công tác y tế tuyến huyện về chuyển
giao kỹ thuật cho tuyến xã.
b) Hình thức thanh toán:
Hỗ trợ kinh phí theo hợp đồng giữa chuyên gia (đối
với trường hợp đã nghỉ hưu) hoặc giữa chuyên gia và đơn vị trực tiếp quản lý
chuyên gia với đơn vị nhận chuyển giao kỹ thuật, mức chi tính theo hợp đồng trọn
gói trên từng kỹ thuật hoặc gói kỹ thuật.
5. Chế độ hỗ trợ đối với người
được cử đi học ở nước ngoài
Hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo theo hình thức tạm
ứng kinh phí cho cán bộ được cử đi đào tạo. Bao gồm:
- Học phí và các khoản chi phí đào tạo theo quy
định của các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
- Chi phí ăn, ở.
- Chi phí đi lại (một lượt đi và về) cho cả khoá
học.
- Chi phí bảo hiểm y tế trong thời gian đào tạo
(nếu có).
- Chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh.
- Chi phí dịch vụ phải trả cho tổ chức thực hiện
dịch vụ đào tạo ở trong nước.
- Kinh phí hỗ trợ thêm đối với học viên là nữ.
6. Quyền và nghĩa vụ của người
được cử đi học
a) Nghĩa vụ:
- Trong thời gian đào tạo: Có bản cam kết triển
khai kỹ thuật và công tác lâu dài tại đơn vị sau khi kết thúc khoá đào tạo; chấp
hành quy định, nội quy, quy chế về đào tạo của Nhà nước, của tỉnh và của cơ sở
đào tạo.
- Sau khi kết thúc khoá học trở về đơn vị công
tác đúng thời gian quy định; triển khai được kỹ thuật đã cam kết.
- Phải bồi thường chi phí đào tạo trong các trường
hợp: Tự ý bỏ học, không trở về công tác hoặc trở về công tác tại cơ quan, đơn vị
cử đi học không đủ thời gian theo quy định, không triển khai được kỹ thuật đã
cam kết, bỏ việc hoặc xin thôi việc. Mức bồi thường theo quy định hiện hành của
Nhà nước.
b) Quyền lợi:
- Trong thời gian đào tạo: Được hưởng lương và
các chế độ phụ cấp theo quy định của Nhà nước. Việc chi thưởng, chi tăng thu nhập
thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Được trợ cấp kinh phí đào tạo
theo quy định.
- Sau khi tốt nghiệp được bố trí, sử dụng đúng
ngành, nghề đào tạo và được tạo điều kiện để phát huy khả năng chuyên môn.
7. Nguồn kinh phí hỗ trợ và
hình thức thanh quyết toán
a) Nguồn kinh phí hỗ trợ:
- Đối với trường hợp đào tạo để thực hiện kỹ thuật
trong phân tuyến của đơn vị: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%; kinh phí còn lại do đơn
vị hỗ trợ từ quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị.
- Đối với trường hợp đào tạo để thực hiện kỹ thuật
vượt tuyến: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%; kinh phí còn lại do đơn vị hỗ trợ từ quỹ
phát triển sự nghiệp của đơn vị.
- Đối với trường hợp đào tạo tiếp nhận kỹ thuật
mới ở nước ngoài: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 90%; kinh phí còn lại do đơn vị hỗ trợ
từ quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị.
- Trường hợp đào tạo cho tuyến xã do ngân sách của
ngành đảm bảo theo kế hoạch và dự toán kinh phí của Trung tâm Y tế cấp huyện.
- Trường hợp đào tạo ở nước ngoài:
+ Ngân sách tỉnh và đơn vị chỉ hỗ trợ trong trường
hợp có quyết định cử đi đào tạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
+ Trường hợp do các công ty, đơn vị mời đi đào tạo,
tập huấn do đơn vị mời và cá nhân tự túc toàn bộ.
b) Hình thức thanh quyết toán:
Đơn vị tạm ứng kinh phí đào tạo cho cá nhân mức
tối đa tương ứng với mức hỗ trợ của đơn vị quy định tại khoản 7.1 điều này. Sau
khi kết thúc khóa học, được Hội đồng chuyên môn của đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền
thẩm định đánh giá triển khai được kỹ thuật thì lập hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ
phần kinh phí còn lại. Thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ do Giám đốc Sở Y tế quy định
sau khi thống nhất ý kiến với Sở Tài chính.
Điều 2. Hàng năm, Sở Y tế có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch đào tạo
phát triển kỹ thuật của các đơn vị trực thuộc Sở, quyết định cử cán bộ đi đào tạo
theo kế hoạch và hướng dẫn thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí theo đúng
quy định. Đối với trường hợp cử đi đào tạo ở nước ngoài thực hiện theo quy định
về đối ngoại của UBND tỉnh.
Giao Giám đốc Sở Y tế hàng năm tổng hợp tình
hình, kết quả thực hiện Quyết định này, báo cáo UBND tỉnh xem xét và trình HĐND
tỉnh tại kỳ họp thường kỳ cuối năm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký. Bãi bỏ Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 30/8/2006 của UBND tỉnh Bắc Ninh về
việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật cao, chuyên khoa
sâu thuộc ngành y tế.
Các chế độ quy định tại Quyết định này được áp dụng
kể từ ngày 05/5/2014.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các
sở: Y tế, Tài chính, Nội vụ, Kho bạc Nhà nước Bắc Ninh và các cơ quan, đơn vị
có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi
hành./
|
TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tử Quỳnh
|