Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 10147/QĐ-BCT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Lê Dương Quang
Ngày ban hành: 30/12/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10147/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI CÁC HUYỆN ĐẢO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2030"

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại các huyện đảo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm phát triển

1. Phát triển công nghiệp và thương mại các huyện đảo với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, hiệu quả trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh của huyện đảo và các nguồn tài nguyên; nâng cao vai trò của ngành công nghiệp và thương mại trong phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện đảo, hỗ trợ và khai thác các tiềm năng phát triển du lịch nhằm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

2. Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở chú trọng và ưu tiên phát triển các ngành sản xuất điện, nước, công nghiệp chế biến và phục vụ chế biến thủy hải sản, công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền phục vụ nhu cầu thiết yếu của dân cư trên đảo và hoạt động trên biển, theo hướng sản xuất xanh và ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường.

3. Phát triển thương mại tại các huyện đảo trên cơ sở đa dạng về loại hình tổ chức, phương thức giao dịch và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu trên đảo và hoạt động trên biển. Đồng thời phát triển thương mại tại các huyện đảo gắn với sự phát triển của thị trường trong vùng, có chú ý phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh hiện đại, kế thừa và phát huy các loại hình thương mại truyền thống nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản về quy mô, cơ cấu và trình độ tổ chức kinh doanh, mở rộng liên kết thương mại và mở rộng thị trường giữa các huyện đảo với các tỉnh trong và ngoài vùng, từ đó vươn ra thị trường ngoài nước.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và thương mại với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển du lịch biển, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu để công nghiệp và thương mại tại các huyện đảo đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội tại các huyện đảo, kết hợp với bảo đảm an ninh quốc phòng. Tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và thương mại trong GDP của các huyện đảo, phấn đấu đến năm 2020 đưa công nghiệp và thương mại tại các huyện đảo trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh và vùng kinh tế có huyện đảo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất công nghiệp tại các huyện đảo từ 16-19% năm trong giai đoạn 2011-2020 và 17-18%/năm giai đoạn từ 2021-2030. Đối với huyện đảo công nghiệp chưa phát triển (Cô Tô) tốc độ tăng trưởng thấp hơn, đạt 10-11%/năm giai đoạn 2011-2020 và 11-12%/năm giai đoạn 2021-2030. Đối với các huyện đảo có công nghiệp khá phát triển (Phú Quốc, Vân Đồn), tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn, đạt trên 20%/năm cho các giai đoạn.

b) Đến năm 2020 về cơ bản các huyện đảo có điện, nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; có cơ sở sản xuất chế biến hải sản và các sản phẩm đặc trưng của huyện đảo; có cơ sở sản xuất nước đá và khu dịch vụ cơ khí sửa chữa tàu thuyền đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân trên đảo và hoạt động trên biển.

c) Tốc độ tăng trưởng của thương mại tăng từ 18-20%/năm giai đoạn 2011-2020 và trên 20% trong giai đoạn từ 2021-2030 tại các huyện đảo có dịch vụ tương đối phát triển hoặc có xuất phát điểm thấp (Cô Tô, Vân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc). Các huyện đảo còn lại có tốc độ tăng trưởng từ 16-18%/năm giai đoạn 2011-2020 và từ 18-20% trong giai đoạn từ 2021-2030.

d) Đến năm 2020, các huyện đảo đều có chợ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu; cửa hàng kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu; kho dự trữ hàng hóa; tại một số huyện đảo (Phú Quốc, Vân Đồn, Phú Quý) phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.

III. Định hướng phát triển

1. Định hướng phát triển công nghiệp

a) Tranh thủ tối đa các điều kiện, khả năng của từng huyện đảo, nguồn lực từ bên ngoài để phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo. Tập trung phát triển các ngành phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống của dân cư trên đảo như sản xuất điện, nước ngọt, sơ chế và chế biến hải sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch… Ưu tiên phát triển các ngành ít gây ô nhiễm môi trường và không sử dụng nhiều nước ngọt.

b) Tận dụng nguồn nguyên liệu thủy sản, nhất là các đảo có trung tâm dịch vụ nghề cá; nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở sơ chế và chế biến hải sản để sơ chế các sản phẩm đặc sản có giá trị cao, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu trong đất liền cũng như cho nhu cầu thị trường trong nước; khôi phục và phát triển các sản phẩm đã có thương hiệu của một số đảo như nước mắm cá cơm Phú Quốc, nước mắm Cái Bầu, Cát Hải…

c) Nâng cấp các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền hiện có tại Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Phú Quốc. Xây dựng một số cơ sở mới với quy mô phù hợp tại Cô Tô, Lý Sơn, đáp ứng một phần nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu cá các loại.

d) Phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề, đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ lưu niệm từ các sản phẩm biển phục vụ khách du lịch.

đ) Xây dựng các cơ sở thu gom, xử lý, tái chế các chất thải, rác thải và nước thải trên địa bàn huyện đảo với công nghệ thân thiện môi trường.

2. Định hướng phát triển thương mại

a) Phát triển các loại hình thương mại phù hợp với trình độ và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đời sống và sản xuất trên đảo và các hoạt động trên biển. Phát triển và nâng cấp các loại hình thương mại truyền thống (chợ, đại lý bán buôn, bán lẻ, cửa hàng bán lẻ…), mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu (cửa hàng trên đảo và lưu động trên biển) phục vụ hiệu quả nhu cầu của dân cư trên đảo và hoạt động trên biển.

b) Đối với các huyện đảo có nền kinh tế phát triển (Vân Đồn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc…), phát triển và nâng cấp các loại hình thương mại truyền thống, đồng thời phát triển các loại hình thương mại hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh…).

c) Phát triển kho dự trữ, kho chuyên dụng, cơ sở chế biến, dịch vụ thương mại tại các huyện đảo nhằm tối ưu hóa việc phân bố và điều chỉnh cơ cấu ngành, đặc biệt là phục vụ cho sự phát triển các ngành là thế mạnh hoặc ưu tiên phát triển của huyện đảo (ngành du lịch, dịch vụ, ngư nghiệp, nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và xây dựng…).

d) Phát triển các cơ sở đại lý, mua gom hàng hóa và sản phẩm một cách hiệu quả, tạo nguồn hàng ổn định cho hoạt động chế biến, sản xuất, thương mại trong nước và xuất, nhập khẩu.

đ) Phát triển thương mại các huyện đảo theo hướng gắn với thị trường trong đất liền, tạo dòng chảy hàng hóa và dịch vụ thông suốt giữa các huyện đảo với phần còn lại của quốc gia.

IV. Quy hoạch phát triển

1. Quy hoạch phát triển công nghiệp

1.1. Công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản và thực phẩm

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Tại huyện đảo Cô Tô, xây dựng nhà máy chế biến bột cá, công suất 350 tấn/năm.

- Tại huyện đảo Vân Đồn, phát triển công nghiệp chế biến nông, hải sản (bố trí về phía Cẩm Phả và gần Tiên Yên, sát sông Voi Lớn); ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học và nâng cao giá trị hàng hóa hải đặc sản (bố trí tại vùng đồi, ven biển ở đảo Trà Bản - xã Bản Sen).

- Tại huyện đảo Lý Sơn, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp An Hải phục vụ chế biến hải sản.

- Tại huyện đảo Phú Quốc, đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường chế biến sâu, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; tổ chức, sắp xếp lại các làng nghề chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm hiện có; hình thành các cơ sở, tổ hợp vệ tinh tận dụng và sử dụng phế phẩm, phế liệu của các cơ sở sản xuất chính, nhằm giải quyết vấn đề môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

b) Giai đoạn 2020 - 2030

Đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất hiện có và áp dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện của các huyện đảo.

1.2. Công nghiệp cơ khí, sửa chữa tàu thuyền

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Nâng cấp các cơ sở cơ khí, sửa chữa tàu thuyền tại các huyện đảo Cồn Cỏ, Cô Tô, Vân Đồn, Bạch Long Vỹ, Cát Hải, Lý Sơn, Côn Đảo, Kiên Hải.

- Tại huyện đảo Phú Quý, phát triển công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền, sửa chữa động cơ thủy và dịch vụ hậu cần dầu khí tại khu vực cụm công nghiệp Phú Quý.

- Tại huyện đảo Phú Quốc, chủ yếu phát triển cơ khí sửa chữa trang thiết bị vận tải cỡ nhỏ; các phương tiện vận chuyển đường bộ, máy nông nghiệp và xây dựng.

b) Giai đoạn 2020 - 2030

Phát triển mới và mở rộng các cơ sở cơ khí, sửa chữa tàu thuyền, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của huyện đảo nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tại địa bàn huyện đảo.

1.3. Công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng

a) Giai đoạn đến năm 2020

Tại huyện đảo Phú Quốc, phát triển công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ; thực hiện hoàn thổ hoặc cải tạo môi trường sau khai thác, đảm bảo cảnh quan môi trường và không ảnh hưởng đến phát triển đô thị. Hạn chế tối đa việc khai thác vật liệu san lấp; không khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường.

b) Giai đoạn 2020 - 2030

Đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm đã xây dựng trong giai đoạn trước, đặc biệt áp dụng biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường.

1.4. Công nghiệp điện tử, tin học

Từ năm 2020 đến năm 2030, đầu tư dây chuyền lắp ráp các sản phẩm điện tử và cơ điện tử; sản xuất, lắp ráp đồ chơi điện tử, các trang thiết bị lưu trữ điện tử trong khu phi thuế quan tại huyện đảo Phú Quốc.

1.5. Sản xuất và cung ứng điện

a) Giai đoạn đến năm 2020

- Tại huyện đảo Vân Đồn, đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho 6 xã đảo (Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Cái Chiên).

- Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, tăng cường thêm máy phát diesel (2x500kVA).

- Tại huyện đảo Cồn Cỏ, xây dựng trạm Diesel (2x500 kVA) tại trung tâm huyện Cồn Cỏ.

- Tại huyện đảo Kiên Hải, đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Hòn Tre, bổ sung nguồn Diesel cho các xã đảo Lại Sơn (2x500 kVA), xã đảo An Sơn (2x250 kVA), xã đảo Nam Du (2x250 KVA).

- Tại huyện đảo Lý Sơn, đầu tư hệ thống điện ngầm kéo từ đất liền ra đảo và đường dây 22kV trên đảo.

- Tại huyện đảo Côn Đảo, lắp đặt thêm 4 máy phát điện với 2 máy công suất 1.500kW và 2 máy công suất 2.500kW của nhà máy điện An Hội.

- Tại huyện đảo Phú Quốc, hoàn thành và đưa vào sử dụng đường cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, kéo lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo, để bảo đảm lưới điện quốc gia cấp cho đảo sẽ là nguồn cấp chính, các tổ máy Diesel sẽ đáp ứng phần phụ tải phủ đỉnh và dự phòng.

b) Giai đoạn 2020 - 2030

- Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, bổ sung 2 máy phát Diesel (2x500 kVA) thay thế 1 máy đã cũ, tổng số máy phát sẽ là 4 máy (4x500 kVA).

- Tại huyện đảo Cồn Cỏ, bổ sung 1 máy phát Diesel công suất 500kVA, tổng số máy phát sẽ là 3 máy (3x500kVA).

- Tại huyện đảo Phú Quý, bổ sung 1 máy phát Diesel công suất 1000 kVA, tổng số máy phát sẽ là 8 máy, tổng công suất 9200 kVA.

- Tại huyện đảo Kiên Hải, bổ sung 1 máy phát Diesel công suất 1000 kVA; xây dựng trạm phát điện gió tại xã Long Hải với 2 tổ máy tua bin gió công suất 2x850 kW và các hệ thống phụ trợ.

- Tiếp tục phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều tại các huyện đảo chưa có điều kiện đầu tư cấp điện quốc gia như Cồn Cỏ, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Côn Đảo, và một số xã đảo thuộc huyện đảo Kiên Giang.

1.6. Sản xuất và cung ứng nước sạch

a) Giai đoạn đến năm 2020

Tiếp tục củng cố các giếng khoan, nâng cấp các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch hiện có tại các huyện đảo, đồng thời nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế nước thải để phục vụ nhu cầu nước ngọt trên các đảo.

b) Giai đoạn 2020 - 2030

- Tiếp tục xây dựng cơ sở cung cấp nước ngọt từ nước biển tại các huyện đảo.

- Hoàn thiện quy trình xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất.

1.7. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề

a) Tại huyện đảo Cát Hải, phát triển 2 làng nghề (chạm khắc vỏ ốc biển và tiểu thủ công nghiệp chế biến thủy sản tại Đôn Lương).

b) Tại huyện đảo Côn Đảo, tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ cho phát triển du lịch.

c) Tại huyện đảo Phú Quốc, phát triển đa dạng hóa ngành nghề, nhân cấy nghề mới tạo ra các sản phẩm mang đậm nét đặc trưng và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách; phát triển làng nghề nuôi cấy và chế tác ngọc trai biển; nghề khảm trai, ốc, xà cừ; chế tác tranh ghép tre, nứa; thêu ren các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm hoa lụa, hoa giấy…

2. Quy hoạch phát triển thương mại

Giai đoạn đến năm 2020

2.1. Hệ thống chợ, chợ đầu mối

a) Tại huyện đảo Cô Tô, xây mới 1 chợ, nâng cấp chợ dân sinh hiện có.

b) Tại huyện đảo Vân Đồn, cải tạo nâng cấp 8 chợ hiện có.

c) Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, nâng cấp, cải tạo chợ Bạch Long Vỹ (thành chợ hạng 2); phát triển 1 chợ đầu mối thủy sản.

d) Tại huyện đảo Cát Hải, nâng cấp, cải tạo 5 chợ hiện có, trong đó có 1 chợ đầu mối thủy sản.

đ) Tại huyện đảo Lý Sơn, nâng cấp, cải tạo 3 chợ hiện có.

e) Tại huyện đảo Phú Quý, nâng cấp, mở rộng chợ Ngũ Phụng, xã Ngũ Phụng (thành chợ hạng 3); nâng cấp, mở rộng chợ thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (thành chợ hạng 3); giải tỏa chợ Long Hải, xã Long Hải; giải tỏa chợ Tam Thanh, xã Tam Thanh; xây mới chợ Long Hải - Khu quy hoạch xã Long Hải (chợ hạng 3); xây mới chợ Tam Thanh - Khu quy hoạch xã Tam Thanh (chợ hạng 3); xây mới chợ đầu mối hải sản tại Cảng Phú Quý.

g) Tại huyện đảo Phú Quốc, nâng cấp 2 chợ thành chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp hạng 1 (chợ thị trấn Dương Đông và chợ thị trấn An Thới); nâng cấp, cải tạo 2 chợ thành chợ hạng 3 (chợ Gành Dầu, chợ Cầu Sấu); cải tạo, nâng cấp chợ đêm thị trấn Dương Đông; di dời chợ Hàm Ninh hoặc chuyển đổi sang các loại hình khác; xây mới chợ dân sinh nông thôn ở nơi có nhu cầu; phát triển chợ ẩm thực, chợ đêm ở thị trấn An Thới, khu đô thị Dương Tơ.

h) Tại huyện đảo Kiên Hải, nâng cấp 4 chợ hiện có; xây mới 1 chợ cá (xã Lại Sơn).

2.2. Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh

a) Tại huyện đảo Cô Tô, phát triển thêm một số cửa hàng, cửa hiệu; xây dựng mới 1 siêu thị.

b) Tại huyện đảo Vân Đồn, phát triển thêm cửa hàng, cửa hiệu; xây dựng 1 trung tâm thương mại và 2 siêu thị.

c) Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, phát triển cửa hàng cửa hiệu; chưa phát triển trung tâm thương mại, siêu thị.

d) Tại huyện đảo Cát Hải, phát triển các cửa hàng, cửa hiệu; xây dựng trung tâm thương mại thị trấn Cát Bà trên cơ sở nâng cấp, mở rộng chợ huyện Cát Bà; xây mới 1 siêu thị tại thị trấn Cát Bà và 1 siêu thị tại Cát Hải.

đ) Tại huyện đảo Cồn Cỏ, phát triển cửa hàng kinh doanh bán lẻ.

e) Tại huyện đảo Lý Sơn, xây dựng mới 1 siêu thị tổng hợp và phát triển các cửa hàng bán lẻ.

g) Tại huyện đảo Phú Quý, xây dựng mới trung tâm thương mại Triều Dương, xã Tam Thanh; phát triển cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các xã.

h) Tại huyện đảo Côn Đảo, xây dựng mới 1 trung tâm mua sắm hạng 3 tại khu vực trung tâm; xây dựng 2 siêu thị hạng 3 ở khu dân cư; phát triển các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh và tổng hợp, cửa hàng bán đồ lưu niệm… ở các khu dân cư, khu du lịch.

i) Tại huyện đảo Phú Quốc, phát triển các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh và tổng hợp, cửa hàng bán đồ lưu niệm… ở khu dân cư, khu du lịch; hình thành trung tâm thương mại tại khu đô thị Dương Đông, Dương Tơ, An Thới; Xây dựng siêu thị quy mô hạng 2 và hạng 3 trong khu vực thị trấn Dương Đông, An Thới; xây mới siêu thị quy mô hạng 1, 2, 3 ở khu đô thị Dương Tơ; phát triển các siêu thị ở khu dân cư, khu đô thị mới, tại các khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung nhiều khách du lịch…

k) Tại huyện đảo Kiên Hải, nâng cấp chợ xã Hòn Tre thành trung tâm thương mại; phát triển mạng lưới cửa hàng tại các xã của huyện, đặc biệt tại xã Hòn Tre.

2.3. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu

a) Tại huyện đảo Cô Tô, xây dựng 3 cửa hàng trên bộ, 3 điểm trên biển và 5 cửa hàng bán lẻ khí hóa lỏng.

b) Tại huyện đảo Vân Đồn, xây dựng 14 cửa hàng.

c) Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, nâng cấp cửa hàng hiện có, không phát triển điểm kinh doanh mới.

d) Tại huyện đảo Cát Hải, nâng cấp, mở rộng 10 cửa hàng hiện có. Không phát triển điểm kinh doanh mới.

đ) Tại huyện đảo Lý Sơn, xây dựng mới 1 điểm kinh doanh trên biển, nâng cấp, cải tạo 6 cửa hàng hiện có.

e) Tại huyện đảo Phú Quý, xây dựng mới 2 cửa hàng trên đảo;

g) Tại huyện đảo Côn Đảo, nâng cấp cải tạo các điểm kinh doanh hiện có, xây mới 5 cửa hàng.

h) Tại huyện đảo Phú Quốc, nâng cấp, cải tạo các cửa hàng đạt tiêu chuẩn; hạn chế phát triển trong khu vực thị trấn, xóa bỏ hoặc di dời các cửa hàng, điểm kinh doanh xăng dầu không đảm bảo tiêu chuẩn.

i) Tại huyện đảo Kiên Hải, xây dựng mới 6 cửa hàng.

2.4. Hệ thống kho tàng, trung tâm logistic và hạ tầng thương mại, dịch vụ khác

a) Xây dựng kho dự trữ lương thực và hàng hóa thiết yếu tại huyện Cô Tô, Vân Đồn, Bạch Long Vỹ, Cát Hải, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý (nâng cấp mở rộng kho bãi cảng Phú Quý; xây dựng mới 1 kho xăng dầu), Côn Đảo (xây mới 1 kho dự trữ hàng hóa tại Bến Đầm), Phú Quốc, Kiên Hải (tại xã Hòn Tre).

b) Tại huyện đảo Phú Quý và Phú Quốc xây dựng trung tâm logistics và bán buôn hàng hóa.

c) Xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Cát Hải, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Kiên Hải.

d) Tại huyện đảo Phú Quý và Phú Quốc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Giai đoạn 2020 - 2030

Tại các huyện đảo tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thương mại trên địa bàn nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trên đảo và các hoạt động trên biển, cũng như nhu cầu của khách du lịch;

Phát triển sản phẩm chủ lực, hình thành hệ thống bán buôn bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện đảo;

Phát triển các sản phẩm xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn các huyện đảo.

V. Giải pháp và chính sách chủ yếu

1. Giải pháp về vốn và đầu tư

Tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn để thu hút đầu tư, tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Phát huy nguồn nội lực, huy động nguồn vốn tại chỗ trong dân cư. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, doanh nhân, hộ gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề… Lựa chọn danh mục ưu tiên đầu tư trên địa bàn, để có chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư.

2. Giải pháp về thị trường

a) Xây dựng và thực thi chính sách, chế độ ưu đãi thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đầu tư và hoạt động lâu dài tại huyện đảo.

b) Củng cố và nâng cao uy tín sản phẩm đã có thương hiệu và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm mới; phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của huyện đảo; hoàn thiện các trang Web để chủ động quảng bá, giới thiệu hình ảnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế.

3. Giải pháp về thu hút và đào tạo nguồn nhân lực

a) Hoàn thiện chính sách di dân, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại các huyện đảo, cũng như chính sách đối với người dân định cư và làm việc tại các huyện đảo. Gắn chặt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững chủ quyền, bảo vệ an ninh quốc phòng trong công tác di dân và định cư.

b) Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo về kiến thức, kỹ năng biển, đảo cho người dân. Cải tiến phương pháp và hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng lao động trên địa bàn huyện đảo.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ

a) Đầu tư khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong sản xuất công nghiệp. Hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao cho công nghiệp chế biến thủy sản. Nâng cao năng lực sửa chữa tàu thuyền, kỹ thuật sơ chế và bảo quản hải sản phục vụ đánh bắt xa bờ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

b) Tăng cường đầu tư khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy, hải sản để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, công nghệ sạch trong sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, bộ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho hàng hóa, nhất là hàng hóa phục vụ du lịch và du khách trên đảo.

c) Khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ ứng dụng trong sản xuất công nghiệp xây dựng và kinh doanh thương mại hiện đại, đặc biệt trong phát triển những ngành công nghiệp sản xuất và cung ứng điện, nước, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (là những hạng mục thiết yếu cho đời sống và phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ) trên địa bàn huyện đảo.

d) Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh sử dụng thiết bị kinh doanh hiện đại, quy trình, công nghệ kinh doanh tiên tiến.

đ) Nghiên cứu, khảo sát và thi công dự án về năng lượng tổng hợp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gió, thủy triều, mặt trời,..).

5. Giải pháp về vùng nguyên liệu

a) Khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ để khai thác có hiệu quả nguồn lợi hải sản ngoài khơi. Giảm dần khai thác ven bờ; đầu tư đồng bộ dịch vụ hậu cần nghề cá để tạo điều kiện cho đánh bắt thủy sản, nhằm tăng cường nguồn nguyên liệu thủy sản đánh bắt. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, triển khai ứng dụng, triển khai diện rộng các dự án về giống cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là giống hải sản;

b) Phát triển nuôi trồng thủy sản với đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi và dịch vụ hậu cần nghề cá, tận dụng tiềm năng mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản; phổ cập các tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất, ứng dụng rộng rãi công nghệ vi sinh trong khai thác, chế biến; giải quyết tốt đầu vào và đầu ra cho đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.

6. Giải pháp về tổ chức quản lý, điều hành vĩ mô

a) Xây dựng quy trình làm việc mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục. Công khai quy trình giải quyết công việc để giảm phiền hà cho các nhà đầu tư, cho người dân và dễ dàng giám sát hoạt động của bộ máy hành chính huyện, xã đảo. Phổ cập tin học hóa công tác quản lý hành chính.

b) Xây dựng và thực hiện dự án nâng cao năng lực điều hành, lãnh đạo, quản lý của các cấp trên địa bàn huyện đảo, đặc biệt năng lực giải quyết và ứng phó với mọi tình huống và tác động từ nhiều tác nhân đến kinh tế, môi trường, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng tại các huyện đảo. Thành lập các Ban quản lý khu cụm công nghiệp, khu thương mại, khu du lịch…

7. Giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường

a) Phân vùng nuôi trồng thủy sản và vùng phát triển du lịch để đảm bảo môi trường biển. Quản lý chặt chẽ các phương pháp nuôi trồng thủy sản (loại thức ăn và lượng sử dụng). Khuyến khích hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

b) Tuyên truyền để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường đối với nhà sản xuất, nhà kinh doanh và người tiêu dùng. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên để giảm thiểu tác động đến môi trường.

c) Quy định về phân công trách nhiệm, phối hợp quản lý giữa các ban, ngành trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường đối với các ngành sản xuất và thương mại, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường. Tăng cường vai trò của hệ thống tổ chức bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở.

d) Xây dựng các mô hình quản lý môi trường đối với các cơ sở thương mại, đặc biệt là hệ thống chợ đầu mối. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh thương mại áp dụng hệ thống quản lý môi trường.

đ) Có chính sách hỗ trợ và kiểm soát đặc biệt đối với một số ngành có tác động trực tiếp đến môi trường như nông nghiệp, khai thác và chế biến thủy hải sản, lâm sản, khoáng sản… Khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng hệ thống quản lý môi trường.

e) Nâng cao năng lực thẩm định dự án đầu tư của cơ quan cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng bao gồm cả năng lực thẩm định về tác động môi trường của dự án. Tăng cường kiểm tra, khảo sát chất lượng môi trường tại các khu công nghiệp, khu du lịch, các nhà máy và cơ sở sản xuất.

g) Đối với hoạt động thương mại tại các huyện đảo, cần xây dựng, thiết kế các công trình thương mại phù hợp với phân bố không gian chung, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên ở từng khu vực. Xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động thương mại gây ra, ô nhiễm do hoạt động vận chuyển, lưu giữ hàng hóa. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện đảo. Đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và chống gây ô nhiễm môi trường đối với các điểm kinh doanh xăng dầu trên đảo và trên biển.

h) Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại các huyện đảo, đặc biệt là những huyện đảo có sản xuất công nghiệp và thương mại phát triển như Phú Quốc, Phú Quý, Kiên Hải, Cát Hải… Thu gom rác xây dựng và rác sinh hoạt và tập trung đúng nơi quy định của ngành vệ sinh môi trường để ngành xử lý. Thực hiện xử lý nước thải, rác thải của sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trước khi thải ra môi trường.

8. Giải pháp về cơ chế, chính sách

a) Nghiên cứu hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật tại các huyện đảo (dự án cung cấp năng lượng điện gió, điện mặt trời, nước sạch; mở rộng hệ thống giao thông trên đảo; kè mở rộng diện tích một số đảo; nâng cao năng lực giao thông vận tải giữa huyện đảo với đất liền).

b) Khuyến khích thành lập chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tại các huyện đảo. Ban hành chính sách miễn giảm thuế doanh thu và lợi tức đối với các nhà đầu tư tham gia sản xuất và kinh doanh lâu dài tại địa bàn huyện đảo.

c) Nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (theo mức độ khó khăn của các xã thuộc huyện đảo) vào danh mục các vùng khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Nghiên cứu, đề xuất các chính sách và cơ chế khuyến khích xây dựng các kho dự trữ hàng hóa tại địa bàn các huyện đảo.

đ) Tăng cường hỗ trợ vốn vay phát triển thương mại và công nghiệp tại huyện đảo.

e) Duy trì và ban hành bổ sung một số chính sách trợ giá đối với các loại hàng hóa chủ lực; đối với phát triển thương mại tại các hải đảo, cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về miễn, giảm thuế, lãi suất tín dụng; trợ giá, trợ cước…

g) Hỗ trợ ngư dân có điều kiện đầu tư nâng cao trình độ kỹ thuật sơ chế và bảo quản hải sản phục vụ đánh bắt xa bờ, đảm bảo chất lượng sản phẩm; có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là các dịch vụ cung cấp điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của cư dân trên đảo, tạo điều kiện phát triển sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đối với hoạt động khoa học công nghệ tại các huyện đảo nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa và Đà Nẵng công bố "Quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại các huyện đảo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành công nghiệp và thương mại.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện quy hoạch công nghiệp và thương mại huyện đảo thuộc tỉnh mình quản lý, nhằm phát triển ngành công nghiệp và thương mại các huyện đảo một cách hiệu quả và theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

3. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan khác phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách trong Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trung tâm thuộc Bộ;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KH (2b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 10147/QĐ-BCT ngày 30/12/2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại huyện đảo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.247

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.227.192
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!