Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 49/2016/TT-BGTVT xây dựng tổ chức hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ

Số hiệu: 49/2016/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Trương Quang Nghĩa
Ngày ban hành: 30/12/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ với các nội dung về xây dựng trạm thu giá đường bộ, trách nhiệm của đơn vị thu giá đường bộ, thời gian hoạt động của trạm thu giá sử dụng đường bộ, tạm dừng thu phí đường bộ.

 

1. Quy định về việc xây dựng trạm thu giá và trách nhiệm của đơn vị thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ

 
Theo Thông tư số 49 của Bộ Giao thông vận tải, việc xây mới, nâng cấp trạm thu giá sử dụng đường bộ phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và phải được phê duyệt thiết kế.
 
Trạm thu giá đường bộ phải sử dụng công nghệ thu một dừng, thu điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định hiện hành của Bộ Giao thông vận tải. Cũng theo Thông tư 49/BGTVT, công nghệ thu, thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự giao thông phải kết nối trực tuyến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Đơn vị thu giá theo Thông tư số 49 có trách nhiệm: xây dựng quy định nội bộ và quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; thông báo công khai trước 05 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu giá đường bộ khi bắt đầu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoặc trường hợp có thay đổi; nộp phí sử dụng tài sản nhà nước hoặc tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định; chấp hành việc cơ quan có thẩm quyền lắp thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát.
 

2. Tổ chức của trạm thu giá đường bộ

 
Đối với trạm thu phí đường bộ do nhà nước quản lý thì Thủ trưởng đơn vị thu giá phí sử dụng đường bộ (đối với trạm thu giá trên quốc lộ), Giám đốc Sở Giao thông vận tải (đối với trạm thu giá trên các tuyến đường địa phương) bổ nhiệm trạm trưởng, trạm phó, ca trưởng, tổ trưởng. Còn đối với trạm thu giá sử dụng đường bộ do nhà đầu tư quản lý thì thực hiện theo thẩm quyền của nhà đầu tư.
 
Thông tư 49 của Bộ Giao thông vận tải quy định Trạm trưởng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ quản lý, điều hành mọi hoạt động của trạm, có trách nhiệm phân công, sắp xếp các bộ phận, các ca làm việc, kiểm tra hoạt động thu giá phí đường bộ của từng bộ phận, từng tổ, từng ca, chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra tại trạm thu giá.
 
Người làm việc tại trạm thu phí phải mặc đồng phục do đơn vị thu giá quyết định.
 

3. Hoạt động của trạm thu giá đường bộ

 
Trạm thu giá phí đường bộ hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.
 
Đơn vị thu giá phải báo cáo doanh thu sử dụng đường bộ và lưu lượng phương tiện chậm nhất là 10 ngày sau khi kết thúc tháng, quý và chậm nhất ngày 31/01 năm tiếp theo (đối với báo cáo năm); mặt khác, theo Thông tư 49 năm 2016 còn phải báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản chậm nhất là 10/7 và ngày 10/01 năm kế tiếp đối với báo cáo năm.
 
Việc thu phí đường bộ xe ô tô được tạm dừng trong các trường sau sau theo Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT: Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ; xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông đã được yêu cầu khác phục 02 lần nhưng chưa khắc phục được; đơn vị thu giá đường bộ có các hành vi vi phạm theo quy định; khi hệ thống công nghệ, thiết bị thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ bị trục trặc, hư hỏng.
 
 
Thông tư 49/2016/TT-BGTVT có hiệu lực từ 01/3/2017 và thay thế Thông tư 05/2010/TT-BGTVT về tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2016/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập, tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường bộ ở Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi chung là trạm thu giá) là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đơn vị thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi chung là đơn vị thu giá) là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền thu hoặc cho phép thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

3. Tài sản của trạm thu giá bao gồm: nhà điều hành, nhà bán vé, cổng trạm soát vé, thiết bị kiểm soát và quản lý thu, hệ thống điện chiếu sáng, phương tiện vận tải (xe chở tiền, xe đưa đón công nhân), hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe (nếu có), hệ thống thiết bị giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (nếu có) và các công trình phụ trợ, các trang thiết bị khác phục vụ việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Điều 4. Quy định về việc xây dựng trạm thu giá

1. Trạm thu giá được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và thiết kế phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài, công nghệ thu phải được chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu và phù hợp với công nghệ chung của các trạm thu giá đang áp dụng và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

2. Trạm thu giá phải áp dụng hệ thống công nghệ thu một dừng, thu điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ Giao thông vận tải. Việc xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM THU GIÁ

Điều 5. Trách nhiệm của đơn vị thu giá

1. Tổ chức hoạt động của trạm thu giá tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này.

2. Xây dựng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp với công nghệ thu đang áp dụng tại trạm thu giá và quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố trong quá trình thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu giá để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi gian lận (không mua vé, sử dụng vé giả, quay vòng vé, vé không đúng chủng loại) trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

4. Thực hiện thông báo công khai liên tục trước 05 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu giá khi bắt đầu tổ chức thu về địa điểm trạm thu giá, thời điểm bắt đầu thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Trong trường hợp có thay đổi về mức thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, đơn vị thu giá phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu. Hình thức thông báo công khai bao gồm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và trung ương, đồng thời gửi thông báo đến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu giá phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu giá, bao gồm: tên dự án, tổng mức đầu tư của dự án (tổng mức đầu tư cập nhật theo giá trị quyết toán nếu dự án đã được quyết toán), tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm thu giá tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu giá.

5. Thực hiện quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động làm việc tại trạm thu giá trong thời gian thu và sau khi kết thúc thời gian thu theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện quản lý chặt chẽ ấn chỉ, doanh thu; báo cáo thống kê, kế toán, hạch toán, quyết toán doanh thu, kê khai và nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật.

7. Định kỳ sao lưu dữ liệu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Dữ liệu của hệ thống quản lý thu bao gồm: các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 05 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 01 năm.

8. Quản lý tài sản được giao quản lý, tài sản nhận bàn giao từ nhà nước, tài sản trạm thu giá hình thành trong quá trình đầu tư theo đúng quy định hiện hành và hợp đồng đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Trang bị tài sản, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ công tác thu; nâng cấp, hiện đại hóa trạm thu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

10. Chấp hành việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu và kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có chủ trương nâng cấp hệ thống công nghệ thu hoặc lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu vào hệ thống công nghệ quản lý thu, nếu đơn vị thu giá không chấp hành hoặc chưa thực hiện thì phải có cam kết thực hiện việc nâng cấp công nghệ thu theo quy định chung, trong đó nêu rõ thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành hoặc cam kết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu vào hệ thống công nghệ quản lý thu. Căn cứ vào báo cáo của đơn vị thu giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và quyết định việc gia hạn thời gian thực hiện.

11. Trong trường hợp hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác thu bị hư hỏng, trục trặc, đơn vị thu giá phải có văn bản báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc báo cáo đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; đồng thời khẩn trương khắc phục các sự cố của hệ thống. Thời gian khắc phục sự cố là không quá 48 giờ, kể từ thời điểm hệ thống bị hư hỏng, trục trặc. Trong thời gian khắc phục sự cố, đơn vị thu giá phải có biện pháp đảm bảo thu nhanh gọn, tránh ùn tắc và có biện pháp giám sát doanh thu sử dụng đường bộ.

12. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực trạm thu giá.

13. Nộp phí sử dụng tài sản nhà nước hoặc tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ (nếu có) theo quy định của pháp luật.

14. Bàn giao lại tài sản trạm thu giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định khi kết thúc hợp đồng. Tài sản bàn giao phải trong trạng thái hoạt động bình thường.

15. Chấp hành quyết định tạm dừng thu, dừng thu, trừ thời gian thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

16. Đơn vị thu giá có trách nhiệm không để xảy ra các hành vi sau:

a) Gian lận giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ;

b) Can thiệp vào hệ thống công nghệ thu, hệ thống giám sát, quản lý thu, hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phương tiện và tiêu cực trong lĩnh vực giám sát tải trọng phương tiện; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu sử dụng đường bộ;

c) Tổ chức bán vé, soát vé không kịp thời, sách nhiễu đối với người mua vé; không bán đầy đủ hoặc hạn chế, giới hạn thời gian bán các loại vé tháng, vé quý theo quy định; gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ tại khu vực trạm thu giá; thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không đúng quy định;

d) Nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông mà không giao vé hoặc giao vé không đúng chủng loại phương tiện lưu thông qua trạm thu giá; để phương tiện giao thông (đối tượng phải mua vé) không có vé đi qua trạm thu giá;

đ) Không thực hiện việc bảo trì tài sản của trạm thu giá; tự ý tháo dỡ, thanh lý, nhượng bán tài sản của trạm thu giá; không thực hiện việc hiệu chuẩn, kiểm định đối với nhóm thiết bị cần phải thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định.

Điều 6. Tổ chức của trạm thu giá

1. Các chức danh làm việc tại trạm thu giá bao gồm:

a) Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng;

b) Nhân viên.

2. Thủ trưởng đơn vị thu giá (đối với các trạm thu giá trên quốc lộ do nhà nước quản lý), Giám đốc Sở Giao thông vận tải (đối với các trạm thu giá trên các tuyến đường địa phương do nhà nước quản lý) bổ nhiệm và quy định tiêu chuẩn chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

3. Đối với các trạm thu giá thuộc quyền quản lý của nhà đầu tư, thực hiện theo thẩm quyền của nhà đầu tư.

Điều 7. Trách nhiệm của Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng của trạm thu giá

1. Trạm trưởng trạm thu giá là người được giao trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của trạm thu giá. Trạm trưởng có trách nhiệm:

a) Tổ chức, phân công, sắp xếp, phối hợp giữa các bộ phận, các ca làm việc để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch thu, không để xảy ra ùn tắc giao thông, giải quyết mọi công việc theo đúng quy định, đúng thẩm quyền;

b) Thường xuyên tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, từng tổ, từng ca trong hoạt động thu; nếu phát hiện có hành vi vi phạm, thực hiện ngay việc đình chỉ bộ phận, cá nhân vi phạm; đồng thời báo cáo và đề nghị đơn vị thu giá xử lý theo quy định;

c) Trạm trưởng chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị thu giá về trách nhiệm quản lý điều hành hoạt động của trạm thu giá; chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra tại trạm thu giá được giao phụ trách.

2. Các Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ do Trạm trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 8. Trang phục, phù hiệu của người lao động tại trạm thu giá

Người lao động làm việc tại trạm thu giá phải mặc đồng phục trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mẫu đồng phục của người lao động tại trạm thu giá do đơn vị thu giá quyết định nhưng phải đảm bảo có phù hiệu, biểu trưng của đơn vị thu giá, biển tên, chức danh được bố trí ở vị trí dễ nhận biết.

Điều 9. Thời gian hoạt động của trạm thu giá

1. Trạm thu giá hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.

2. Khi trạm thu giá phải ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng, đơn vị thu giá phải có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu giá; đồng thời phải báo cáo ngay cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục, đưa trạm thu giá vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Điều 10. Quy định về công tác báo cáo

1. Đơn vị thu giá có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu. Kỳ hạn và thời gian nộp báo cáo định kỳ được quy định cụ thể như sau:

a) Báo cáo doanh thu sử dụng đường bộ và lưu lượng phương tiện: đối với báo cáo tháng, quý chậm nhất là 10 ngày sau khi kết thúc tháng, quý; đối với báo cáo năm chậm nhất đến ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo;

b) Báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản: chậm nhất là 10 ngày đầu của tháng 7 đối với báo cáo 06 tháng và 10 ngày của tháng 01 năm kế tiếp đối với báo cáo năm.

2. Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu giá chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo. Riêng báo cáo cả năm về doanh thu sử dụng đường bộ phải có kiểm toán độc lập kiểm toán hoặc xác nhận của cơ quan thuế.

Điều 11. Tạm dừng thu, trừ thời gian thu và xử lý các hành vi vi phạm

1. Các trường hợp tạm dừng thu:

a) Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ. Chi tiết cụ thể về các hành vi vi phạm chất lượng bảo trì công trình được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian tạm dừng thu được tính từ khi có quyết định dừng cho đến khi doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư khắc phục xong, nhưng không ít hơn 01 ngày;

b) Doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu giá để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục 02 lần bằng văn bản (mỗi lần yêu cầu bằng văn bản cách nhau không dưới 05 ngày) nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu tối thiểu 01 ngày;

c) Đơn vị thu giá có các hành vi vi phạm điểm a và điểm b khoản 16 Điều 5 Thông tư này. Thời gian tạm dừng cho đến khi khắc phục xong hậu quả của lỗi vi phạm;

d) Đơn vị thu giá có hành vi vi phạm khoản 9, khoản 10 Điều 5 Thông tư này. Thời gian tạm dừng cho đến khi hoàn thành việc nâng cấp hệ thống công nghệ thu hoặc lắp đặt thiết bị, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu vào hệ thống công nghệ quản lý thu.

đ) Khi hệ thống công nghệ, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ bị hư hỏng, trục trặc không được khắc phục kịp thời theo quy định tại khoản 11 Điều 5 Thông tư này. Thời gian tạm dừng thu cho đến khi khắc phục xong sự cố.

2. Các trường hợp trừ thời gian thu:

a) Nhà đầu tư dự án BOT chậm nộp báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình BOT theo quy định. Thời gian thu bị trừ là 01 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ 10 đến 15 ngày; thời gian thu bị trừ là 02 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ 16 ngày đến hết 30 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo quyết toán từ ngày 31 trở đi, cứ 05 ngày chậm nộp báo cáo quyết toán thì thời gian thu bị trừ 01 ngày;

b) Đơn vị thu giá không thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu. Thời gian thu bị trừ là 02 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 10 đến 15 ngày; thời gian thu bị trừ là 04 ngày trong trường hợp không sao lưu dữ liệu từ 16 ngày đến hết 30 ngày; đối với trường hợp không sao lưu dữ liệu từ ngày 31 trở đi, cứ 05 ngày không sao lưu dữ liệu thì thời gian thu bị trừ 02 ngày;

c) Đơn vị thu giá không thực hiện việc báo cáo theo quy định tại Điều 10 Thông tư này hoặc không nộp phí sử dụng tài sản nhà nước, không nộp tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định hiện hành khi cơ quan nhà nước có thẩm quyềnvăn bản nhắc nhở 02 lần, mỗi lần cách nhau không dưới 05 ngày. Thời gian thu bị trừ tối thiểu là 01 ngày.

3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định tạm dừng thu hoặc trừ thời gian thu:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định việc tạm dừng thu hoặc trừ thời gian thu đối với các trạm thu giá trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc;

b) Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định hoặc ủy quyền quyết định việc tạm dừng thu hoặc trừ thời gian thu theo thẩm quyền đối với các trạm thu giá trên hệ thống đường địa phương và các trạm thu giá trên quốc lộ mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Thời gian do việc tạm dừng thu trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không được tính để kéo dài thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

5. Doanh thu mỗi ngày tạm dừng thu được tính bằng doanh thu bình quân một ngày của tháng sau liền kề sau khi tạm dừng thu. Đối với trường hợp đơn vị thu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 16 Điều 5 Thông tư này, ngoài việc bị tạm dừng thu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, doanh thu mỗi ngày tạm dừng thu được xác định bằng 03 lần ngày có doanh thu cao nhất của tháng sau liền kề.

6. Trong thời gian tạm dừng thu, đơn vị thu giá có trách nhiệm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, không được phép gây cản trở, ùn tắc giao thông và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương cũng như công khai tại trạm thu giá.

Điều 12. Kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm

1. Đơn vị thu giá phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm thu giá để bảo đảm hoạt động thu đúng quy định.

2. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của trạm thu giá theo quy định của pháp luật và theo quy định của hợp đồng. Thực hiện công khai kết quả kiểm tra, công khai nội dung trả lời kiến nghị của tổ chức, cá nhân về hoạt động của trạm thu giá trên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định của Thông tư này và pháp luật hiện hành.

Điều 13. Quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của trạm thu giá

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động trạm thu giá trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc.

2. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động trạm thu giá trên hệ thống đường địa phương và các trạm thu giá trên quốc lộ mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc xây dựng tổ chức và hoạt động của trạm thu giá trên hệ thống đường bộ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2017 và thay thế Thông tư số 05/2010/TT-BGTVT ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ.

2. Các quy định về việc tạm dừng thu, trừ thời gian thu và xử lý các hành vi vi phạm tại Điều 11 của Thông tư này là mức tối thiểu để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đàm phán đưa vào nội dung hợp đồng dự án.

Đối với các hợp đồng dự án đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đàm phán để bổ sung những nội dung của Thông tư này vào hợp đồng dự án.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT (5).

BỘ TRƯỞNG




Trương Quang Nghĩa

PHỤ LỤC

CÁC VI PHẠM CHẤT LƯỢNG BẢO TRÌ KHÔNG ĐƯỢC XỬ LÝ KỊP THỜI PHẢI TẠM DỪNG THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ)

TT

Hạng mục công việc có vi phạm chất lượng

Chất lượng hư hỏng, xuống cấp thuộc các trường hợp sau phải tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để khắc phục

Quốc lộ, đường tỉnh

Đường cao tốc

1

Mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe

a) Tuyến đường có từ 20% chiều dài tuyến đường trở lên có vệt hằn lún, trong đó vị trí lún sâu ≥ 2,5 cm

b) Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu hơn ≥ 2,5 cm lớn hơn 500 m, trong đó có một, một số vị trí lún sâu ≥ 5 cm

c) Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu hơn ≥ 5 cm trên 200 m

a) Tuyến đường có từ 10% chiều dài tuyến đường trở lên có vệt hằn lún, trong đó vị trí lún sâu ≥ 2,5 cm

b) Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu hơn ≥ 2,5 cm lớn hơn 200 m, trong đó có một, một số vị trí lún sâu ≥ 5 cm

c) Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu hơn ≥ 5 cm trên 100 m

2

Mặt đường bị hư hỏng cục bộ: ổ gà, sình lún, rạn nứt mai rùa

Để xảy ra hư hỏng mức độ nặng (mức H theo TCCS 07:2013/TCĐBVN gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến).

Để xảy ra hư hỏng mà không khắc phục kịp thời theo yêu cầu tại TCCS 17:2016/TCĐBVN.

3

Sơn kẻ trên mặt đường

Các chỉ tiêu kỹ thuật của vạch sơn theo Bảng 3 và Bảng 4 TCVN 8791:2011 nhỏ hơn 70%.

4

Đối với cầu

Cầu hư hỏng, xuống cấp xuất hiện nguy cơ sự cố công trình dẫn đến mất an toàn

5

Hệ thống thoát nước mặt đường, cống, rãnh.

Để đọng nước lớn hơn 1/3 chiều rộng mặt đường trên mặt đường, tắc rãnh thoát nước quá 24 giờ

6

Công tác phát quang cây cối, cắt cỏ

Cây cối che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông cỏ mọc cao quá TCCS 07:2013/TCĐBVN.

7

Hệ thống biển báo, cọc tiêu, hộ lan

Biển báo, cọc tiêu, hộ lan không đảm bảo QCVN 41:2016 không đảm bảo tầm quan sát biển báo; màng phản quang chưa đảm bảo tiêu chuẩn TCVN 7887:2008 ; biển báo, cọc tiêu, hộ lan bị hư hỏng mất tác dụng.

8

Lề đường

Lề đường không đảm bảo kích thước hình học (sạt, lở ≥ 1/2 chiều rộng lề đường, sình lún, nhô cao h ≥ 15 cm).

Ghi chú: Đối với các vi phạm trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ủy quyền có văn bản nhắc nhở nhưng nhà đầu tư dự án chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm sẽ xem xét tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


14.249

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.73.248
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!