BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
03/2008/TT-BKH
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2008
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ
04/2008/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 01 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2006/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 9 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ LẬP,
PHÊ DUYỆT VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ QUYẾT ĐỊNH
SỐ 281/2007/QĐ-BKH NGÀY 26 THÁNG 3 NĂM 2007 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỊNH MỨC CHI PHÍ CHO LẬP, THẨM ĐỊNH QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU CHỈNH
QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUY HOẠCH NGÀNH VÀ QUY HOẠCH
PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CHỦ YẾU
Căn cứ Nghị định số
61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập,
phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng tể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của
Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập,
phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi
là Nghị định số 04) và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm
định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội,
quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu (sau đây gọi là Quyết định số
281) như sau:
1. Về việc
thẩm định đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
Tại khoản 17, Điều
1 của Nghị định số 04 quy định: “Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế
- xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội cấp huyện, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ
yếu cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Hội đồng
thẩm định để tổ chức thẩm định”.
Để thực hiện quy định này, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện như sau:
a) Về việc thẩm định đối với quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (gọi tắt là tỉnh):
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu
trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân tỉnh danh sách Hội đồng thẩm định. Các thành
viên Hội đồng thẩm định gồm một đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện
các Sở, ban, ngành có liên quan; đại diện các nhà khoa học và có thể mời đại diện
của một số Bộ, ngành Trung ương.
- Hội đồng thẩm định có ít nhất
là 7 người, gồm Chủ tịch, một phó chủ tịch, một thư ký và các thành viên.
- Chủ tịch Hội đồng thẩm định cử
ra 2 ủy viên làm nhiệm vụ phản biện.
- Trước khi Hội đồng thẩm định tổ
chức cuộc họp để đánh giá, thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội tỉnh đã phải có ý kiến của 2 ủy viên phản biện và ý kiến của các Bộ, ngành,
các địa phương có liên quan. Tại cuộc họp thẩm định phải có mặt ít nhất 2/3 số
thành viên, có ít nhất Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định và một ủy
viên phản biện.
- Thời gian và địa điểm tổ chức
thẩm định dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh phải được
công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người muốn
đóng góp ý kiến có thể tham dự.
b) Về việc thẩm định đối với quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
(gọi tắt là huyện):
- Ủy ban nhân dân huyện phối hợp
với Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất danh sách các thành viên Hội đồng thẩm định
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Các thành viên Hội đồng thẩm định
gồm một đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện các Sở, ban, ngành có
liên quan; đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân huyện hoặc phòng, ban của huyện;
đại diện các nhà khoa học.
- Hội đồng thẩm định có ít nhất
là 5 người, gồm chủ tịch, một phó chủ tịch, một thư ký và các thành viên.
- Chủ tịch Hội đồng thẩm định cử
ra 2 ủy viên làm nhiệm vụ phản biện.
- Trước khi Hội đồng thẩm định tổ
chức cuộc họp để đánh giá, thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội huyện đã phải có ý kiến của 2 ủy viên phản biện và ý kiến của các Sở,
ngành, các địa phương có liên quan. Tại cuộc họp thẩm định phải có mặt ít nhất
2/3 số thành viên, có ít nhất chủ tịch hoặc phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định và
một ủy viên phản biện.
- Thời gian và địa điểm tổ chức
thẩm định dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện phải được
công bố công khai các phương tiện thông tin đại chúng để những người muốn đóng
góp ý kiến có thể tham dự.
c) Về việc thẩm định đối với quy
hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh):
- Sở, ngành chủ trì lập quy hoạch
phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu phải phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư thống nhất danh sách các thành viên Hội đồng thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định. Các thành viên Hội đồng thẩm định gồm một đồng chí
lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan; đại diện
các nhà khoa học và có thể mời đại diện của một số Bộ, ngành Trung ương.
- Hội đồng thẩm định có ít nhất
là 7 người, gồm chủ tịch, một phó chủ tịch, một thư ký và các thành viên.
- Chủ tịch Hội đồng thẩm định cử
ra 2 ủy viên làm nhiệm vụ phản biện.
- Trước khi Hội đồng thẩm định tổ
chức cuộc họp để đánh giá, thẩm định quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản
phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh đã phải có ý kiến của 2 ủy viên phản biện và ý
kiến của các Sở, ngành và địa phương có liên quan. Tại cuộc họp thẩm định phải
có mặt ít nhất 2/3 số thành viên, có ít nhất chủ tịch hoặc phó chủ tịch Hội đồng
thẩm định và một ủy viên phản biện.
- Thời gian và địa điểm tổ chức
thẩm định dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh
phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để những
người muốn đóng góp ý kiến có thể tham dự.
2. Về việc
xác định ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh (cấp tỉnh) phải lập
quy hoạch
Tại khoản 3, Điều
1 của Nghị định số 04 quy định: “Căn cứ yêu cầu phát triển trong từng thời
kỳ, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định”.
Để thực hiện quy định này, Sở Kế
hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp kiến nghị của các Sở, ban, ngành và lập
báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh về danh mục các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ
yếu trên địa bàn tỉnh cần lập quy hoạch để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, quyết định.
Việc xác định ngành, lĩnh vực, sản
phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh cần lập quy hoạch phải căn cứ vào: tiềm năng, lợi
thế so sánh của tỉnh, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương
lai, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực của Trung ương dự kiến phân bố trên
địa bàn tỉnh và kết quả dự bảo vệ khả năng thị trường.
Tùy theo bối cảnh và yêu cầu của
từng giai đoạn phát triển mà danh mục các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu
trên địa bàn tỉnh phải lập quy hoạch có thể thay đổi (tăng thêm hoặc giảm đi)
và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
3. Về việc
áp dụng Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch
và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành
và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu
a) Về giá đối với việc dự toán
kinh phí cho lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch
Khung giá, định mức chi phí cho
lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ yếu được xây dựng
trên cơ sở mặt bằng giá vào thời điểm cuối năm 2006. Khi dự toán kinh phí cho
công tác lập, thẩm định quy hoạch sẽ điều chỉnh theo nguyên tắc nhân thêm với hệ
số trượt giá (tỷ lệ lạm phát) do Nhà nước công bố tại thời điểm gần nhất đối với
khi lập dự toán.
b) Về định mức chi phí cho
nghiên cứu vấn đề bảo vệ môi trường trong các dự án quy hoạch
Theo quyết định số 281, trong
khung giá, định mức chi phí đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội cấp tỉnh có 2 nội dung liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường (tại Bảng 6
và Bảng 10, Quyết định số 281):
- Xây dựng các phương án bảo vệ
môi trường: chiếm 2% chi phí đối với dự án quy hoạch và dự án điều chỉnh quy hoạch
tỉnh;
- Chi phí lập báo cáo đánh giá
môi trường chiến lược (thuộc phần Chi phí quản lý và điều hành dự án quy hoạch):
chiếm 3% chi phí đối với dự án quy hoạch tỉnh và 2,5% đối với dự án điều chỉnh
quy hoạch tỉnh.
Tại khoản 2, Điều
6, Mục 2 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính
phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ
môi trường quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi
trường hướng dẫn chế độ tài chính đối với hoạt động lập, thẩm định, giám sát thực
hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược …”. Do vậy, khoản kinh phí để lập
báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên
và môi trường hướng dẫn, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 281.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn
nội dung công việc và chi phí thực hiện đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong
các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 281
như sau:
- Đối với nội dung Xây dựng các
phương án bảo vệ môi trường: Nghiên cứu, đề xuất phương hướng bảo vệ môi trường
nước, môi trường đất, môi trường không khí, bảo vệ môi trường tại các khu vực
trọng điểm (đô thị, các khu công nghiệp …), phương hướng thu gom và xử lý chất
thải rắn, nước thải … trên địa bàn tỉnh.
- Đối với nội dung Chi phí lập
báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (thuộc phần Chi phí quản lý và điều hành
dự án quy hoạch); phần kinh phí này thực hiện các công việc sau:
+ Chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo
tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh theo ý kiến của
Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược về dự án quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh được thực hiện theo Luật Bảo vệ môi
trường;
+ Theo dõi, giám sát việc thực
hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược dự án quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội cấp tỉnh.
4. Tổ chức
thực hiện
Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu thấy
có vấn đề gì vướng mắc hoặc cần trao đổi, đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương liên hệ trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở KH&ĐT các tỉnh và TP trực thuộc TW;
- Các tổng công ty 91;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Các Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu Viện CLPT, VT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Võ Hồng Phúc
|