VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 78/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 02 năm 2018
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ
TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH
CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH
CHÍNH NĂM 2017, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2018
Ngày 08 tháng 02 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ,
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải
cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác
cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2018.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ,
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm
cầu, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và một số cơ
quan, đơn vị có liên quan.
Sau khi nghe Bộ Nội vụ trình bày báo cáo tình hình
thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo
cải cách hành chính của Chính phủ và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ
đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ,
Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ có ý kiến kết luận như
sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Trong năm vừa qua, công tác cải cách hành chính
tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và
toàn diện, cả sáu nhiệm vụ về cải cách hành chính đều đạt được những kết quả khả
quan.
Thể chế của nền hành chính được cải cách, hoàn thiện
thêm một bước. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành
luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước, trong số văn bản còn nợ đọng, không
có văn bản nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính đã được các bộ,
ngành quan tâm đẩy mạnh. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm đơn giản
hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện
kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; cơ chế
một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì, mở rộng giúp nâng cao chất
lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông
tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được mở rộng phạm vi áp dụng;
hệ thống tiếp nhận trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân trên Cổng
thông tin điện tử Chính phủ từ khi vận hành đã giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Hoạt
động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ
phát huy hiệu quả, góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên rà soát
nhằm sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực
thuộc; hệ thống các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà
nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện. Bản mô tả công việc và khung năng lực
của từng vị trí việc làm đã được các bộ, ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện;
cải cách tiền lương được chú trọng và đạt kết quả nhất định.
Cải cách tài chính công cũng đạt được kết quả tích
cực, Luật Quản lý nợ công được Quốc hội Khóa XIV thông qua đã tạo hành lang
pháp lý đảm bảo quản lý chặt chẽ nợ công trong giới hạn an toàn. Cơ chế tự chủ
của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực từng bước được hoàn thiện. Hạ
tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu công
việc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Như vậy, nhờ sự quyết tâm và hành động của Chính phủ,
các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết
quả quan trọng, đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của
cả nước trong năm vừa qua, góp phần đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch,
GDP năm 2017 vượt mục tiêu tăng trưởng, đạt 6.81%, môi trường kinh doanh tăng
14 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 tăng 5 bậc, chỉ số Đổi mới sáng
tạo toàn cầu tăng 12 bậc.
Phó Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của các thành
viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương đối với kết quả cải cách hành chính
đạt được trong năm 2017, đồng thời, biểu dương Bộ Nội vụ đã làm tốt vai trò cơ
quan thường trực về cải cách hành chính, biểu dương Bộ Công thương về cắt giảm điều
kiện kinh doanh, Bộ Khoa học và công nghệ về đổi mới sáng tạo, Bộ Tài chính về
cải cách thuế, hải quan, Văn phòng Chính phủ trong tham mưu, đề xuất thúc đẩy cải
cách thủ tục hành chính, phát huy tốt vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng và
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và một số bộ,
ngành địa phương sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công an; Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ
Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Bắc Giang, Lào
Cai, Khánh Hòa, Hải Phòng...
2. Bên cạnh những kết quả đó, công tác cải cách
hành chính vẫn còn một số tồn tại, như việc triển khai nhiều nội dung cải cách
còn chưa quyết liệt, đồng bộ chất lượng văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh
vực còn hạn chế, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây
khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh,
hoạt động kém hiệu quả, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên
chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra; triển khai xây dựng Chính
phủ điện tử còn chậm, kết quả còn hạn chế; ý thức phục vụ cho doanh nghiệp, người
dân theo tinh thần công bộc của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sức ỳ của bộ máy hành
chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn, còn tình trạng
trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới chưa chuyển và một bộ phận công chức
không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức, trở thành lực
cản lớn đối với công cuộc cải cách.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại
hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
5 năm 2016 - 2020, để phát huy vai trò và tầm quan trọng của cải cách hành
chính, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt những nhiệm
vụ sau đây:
1. Các bộ, ngành, địa phương
- Phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của
Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính
phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu làm chuyển biến nhận thức
trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức,
viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ là “công bộc của
dân”, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ
nhân dân, liêm, chính, kiệm, cần. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải
cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong Chương
trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; gắn kết chặt chẽ công tác cải cách
hành chính của bộ, ngành với cải cách hành chính của các địa phương để bảo đảm
tính đồng bộ, thống nhất trong cải cách hành chính của từng ngành, lĩnh vực.
- Đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn
tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân
cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh
giản biên chế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị
lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi
mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ
chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Chương
trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội
nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
- Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế,
chính sách, pháp luật, đặc biệt là thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học
công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo để tiếp cận
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh
tranh của nền kinh tế. Ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị định đã có hiệu lực, khắc phục tình trạng
nợ đọng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng cải cách thủ tục hành
chính ngay trong công tác xây dựng thể chế, rút ngắn thời gian ban hành các văn
bản hướng dẫn thi hành, đưa pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, xây dựng
xã hội thượng tôn pháp luật. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về
đầu tư, nhất là đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); sửa đổi,
bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó
tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm,
đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành,
cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; đều đặn tổ chức đối thoại
giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các đoàn
kiểm tra liên ngành để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và tháo gỡ vướng mắc trong
công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.
- Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là
các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng
dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo
hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch...;
nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên
thông, nhân rộng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả ở
các địa phương. Tiếp tục phát huy có hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản
ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy
vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ
trong việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, cải cách
thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện tốt việc
tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu
chính công ích theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của
Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ
tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương trong việc đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu các bộ,
ngành, địa phương cần lập ra tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ,
chỉ đạo đã giao bảo đảm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành việc
thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh, chế độ thông tin báo cáo.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các
bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt bản mô tả
công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức
hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng
và quản lý công chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên
chế theo quy định.
- Hoàn thành việc triển khai xác định, công bố Chỉ
số cải cách hành chính nám 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức
đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017. Sử dụng có hiệu quả
các chỉ số này để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, đáp ứng
yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ. Tăng cường công tác truyền thông,
thông tin, công khai, minh bạch để người dân được thực hiện quyền tiếp cận
thông tin, tạo sự đồng thuận của xã hội, đồng thời người dân được hưởng thụ
thành quả của công cuộc cải cách.
- Triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số
08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị
quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung
ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng
và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt, tiếp tục
triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp theo Nghị định
số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và các nghị định của Chính phủ về
cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực.
- Xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với cải
cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử,
chính quyền điện tử; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ
công trực tuyến ở mức độ 3, 4, bảo đảm tính kịp thời, công khai, minh bạch và
hiệu quả, tích hợp các dịch vụ công này với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường
xây dựng, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo
đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và kết nối thông suốt giữa Trung ương và địa
phương.
- Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được
giao tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 của Ban Chỉ đạo cải cách hành
chính của Chính phủ.
2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà
soát, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo các chủ trương,
giải pháp xử lý, giải quyết cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị mà các bộ,
ngành, địa phương đã nêu trong báo cáo và phát biểu tại cuộc họp.
3. Từng thành viên Ban Chỉ đạo sát sao đôn đốc, kiểm
tra để hoàn thành nhiệm vụ của bộ, ngành mình, bảo đảm đạt hoặc vượt mức mục
tiêu đề ra tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2018.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTgCP (để
b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Thành viên BCĐCCHC, Văn phòng BCĐCCHC;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTgCP, Các Vụ: PL, TH, TCCV QHĐP, Cổng
TTĐTCP;
- Lưu: VT, KSTT (2). NTQ
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Xuân Thành
|