Kính gửi:
|
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng
ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống
thông tin theo cấp độ;
Thực hiện Quyết định số
964/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược
An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không
gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030;
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg
ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật
và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;
Thực hiện Công điện số
33/CĐ-TTg ngày 07 tháng 4 tháng 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo
đảm an toàn thông tin mạng.
Hiện nay, nguy cơ mất an toàn
thông tin nói chung và vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày
càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Việc bảo đảm an toàn
thông tin, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của
cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chủ đề
năm 2024 trong lĩnh vực an toàn thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa
chọn là “Năm phòng chống lừa đảo trực tuyến”.
Thực hiện chức năng quản lý nhà
nước về an toàn thông tin mạng. Nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuân thủ,
bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật
và chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ tại các Chiến lược, Đề án, Quyết
định, Chỉ thị nói chung và phòng chống lừa đảo trực tuyến nói riêng; Bộ Thông
tin và Truyền thông hướng dẫn và trân trọng đề nghị Quý Cơ quan chỉ đạo đơn vị
chuyên trách về an toàn thông tin (đơn vị được giao chuyên trách về an toàn
thông tin tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Thông tin
và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tham mưu tập trung
triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về an toàn thông tin mạng trong năm 2024
thuộc phạm vi quản lý như sau:
I. CÁC VĂN BẢN
QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
Hiện nay, hành lang pháp lý về
an toàn thông tin mạng đã cơ bản hoàn thiện ở mức chi tiết, đầy đủ để các cơ
quan, tổ chức có căn cứ và hướng dẫn, tham chiếu để triển khai. Bộ Thông tin và
Truyền thông trân trọng đề nghị Quý Cơ quan chỉ đạo rà soát tổng thể và tổ chức
thực hiện để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
Chi tiết danh sách văn bản cần
rà soát, tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện xem tại Phụ lục kèm
theo.
II. CÁC NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2024
Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất
từ Trung ương tới địa phương trong việc nhận thức và triển khai thiết thực, hiệu
quả công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức
nhà nước, góp phần tăng cường bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ
Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị Quý Cơ quan chỉ đạo tập trung triển
khai một số nhiệm vụ trọng tâm về an toàn thông tin mạng trong năm 2024 thuộc
phạm vi quản lý như sau:
1. Bảo đảm
an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
Bảo đảm an toàn hệ thống thông
tin theo cấp độ là tinh thần cốt lõi của Luật An toàn thông tin mạng và hành
lang pháp lý về an toàn thông tin mạng. Đồng thời, là đặc điểm, đặc trưng riêng
của Việt Nam trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm tập trung nguồn
lực, giải pháp để bảo đảm an toàn theo mức độ quan trọng của thông tin, hệ thống
thông tin trong bối cảnh nguồn lực dành cho an toàn thông tin còn nhiều khó
khăn, hạn chế.
Dù Luật đã quy định, Thủ tướng
Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ TT&TT đôn đốc quyết liệt nhưng đến nay, theo thống
kê của Cục An toàn thông tin trên cả nước mới chỉ có 2.265 trong 3.418 hệ thống
thông tin của cơ quan, tổ chức nhà nước được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ (đạt
69,2%). Tỷ lệ phê duyệt của các bộ, ngành đạt 56%. Tỷ lệ phê duyệt của các địa
phương đạt 70%. Tỷ lệ hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an
toàn hệ thống thông tin theo cấp độ trên cả nước chỉ đạt khoảng 20,9%.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin
theo cấp độ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23 tháng
02 năm 2024 về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống
thông tin theo cấp độ và Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 07 tháng 4 tháng 2024 về
tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng. Để triển khai Chỉ thị, Công điện của
Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị Quý Cơ quan quan tâm
chỉ đạo:
1.1. Mục tiêu
- 100% hệ thống thông tin thuộc
phạm vi quản lý được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ chậm nhất trong tháng 9 năm
2024.
- 100% hệ thống thông tin thuộc
phạm vi quản lý được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông
tin theo cấp độ được phê duyệt, chậm nhất trong tháng 12 năm 2024.
1.2. Giải pháp
- Người đứng đầu cơ quan tổ chức
trực tiếp chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để tổ chức thực thi và triển khai công
tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ theo chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg và Công điện số 33/CĐ-TTg .
- Sử dụng thường xuyên, hiệu quả
Nền tảng Hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được
Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp cấp miễn phí, hướng dẫn sử dụng tại Công
văn số 2046/BTTTT-CATTT ngày 01 tháng 6 năm 2023 và Công văn số
387/CATTT-ATHTTT ngày 18 tháng 3 năm 2024.
- Phổ biến và áp dụng hiệu quả
Sổ tay Hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được ban hành tại
Công văn số 478/CATTT-ATHTTT ngày 30 tháng 3 năm 2024.
- Trong năm 2024, Bộ Thông tin
và Truyền thông sẽ triển khai: (1) Xây dựng Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin
cấp bộ, tỉnh; (2) Tiếp tục tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác bảo đảm an
toàn hệ thống thông tin của đơn vị vận hành hệ thống thông tin sau khi năm 2023
đã triển khai cho hơn 1.200 cán bộ trên cả nước.
- Định kỳ trước 20 hàng tháng,
cung cấp thông tin về tình hình, kết quả triển khai về Bộ Thông tin và Truyền
thông (Cục An toàn thông tin) thông qua Nền tảng hỗ trợ bảo đảm an toàn hệ thống
thông tin theo cấp độ.
1.3. Đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ
Bà Lê Thị Quỳnh Trang, Phòng An
toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; số
điện thoại: 0919247397; thư điện tử: [email protected].
2. Duy trì
và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”
Bảo đảm an toàn thông tin theo
mô hình “4 lớp” (Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ
chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết
nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia) được Thủ tướng Chính phủ
chỉ đạo thực hiện tại Chỉ thị số 14/CT- TTg ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số
xếp hạng của Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện tại:
công văn số 1552/BTTTT- CATTT ngày 28 tháng 4 năm 2020 về việc đôn đốc tổ chức
triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp”;
Công văn số 1598/BTTTT-CATTT ngày 28 tháng 4 năm 2022 về việc tăng cường bảo đảm
an toàn thông tin theo cấp độ và nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin
theo mô hình “4 lớp”; Công văn số 235/CATTT-ATHTTT ngày 08 tháng 4 năm 2020 của
Cục An toàn thông tin về việc hướng dẫn mô hình đảm bảo an toàn thông tin cấp bộ,
tỉnh.
Hiện nay, thống kê theo báo cáo
của các cơ quan, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã triển khai bảo đảm an
toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông thấy
rằng việc tổ chức bảo đảm an toàn thông tin theo theo mô hình “4 lớp” của các
cơ quan vẫn ở mức cơ bản, mang tính hình thức chưa thực chất và đầy đủ yêu cầu
để bảo đảm an toàn thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị Quý
Cơ quan quan tâm chỉ đạo:
2.1. Mục tiêu
100% hệ thống thông tin của cơ
quan, tổ chức được tổ chức bảo đảm an toàn thông tin thực chất, toàn diện theo
hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; nâng cao năng lực của lớp giám sát,
bảo vệ chuyên nghiệp và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc
gia.
2.2. Giải pháp
- Nâng cao năng lực lực lượng tại
chỗ đáp ứng yêu cầu mới thông qua đào tạo, tuyển dụng hoặc thuê chuyên gia, bảo
đảm mỗi đơn vị chuyên trách an toàn thông tin có tối thiểu 05 chuyên gia an
toàn thông tin mạng.
- Hoàn thành mở rộng phạm vi
giám sát, bảo vệ cho 100% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý chậm nhất
trong tháng 11 năm 2024. Đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên, khuyến
nghị tổ chức giám sát, bảo vệ đầy đủ các lớp: lớp mạng, lớp ứng dụng, lớp cơ sở
dữ liệu, lớp thiết bị đầu cuối.
- Kiểm tra, đánh giá an toàn
thông tin định kỳ theo quy định cho hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.
Rà soát danh sách các webiste (.gov.vn) bao gồm cả các sub domain để tiến hành
đánh giá an toàn thông tin định kỳ và triển khai gán nhãn tín nhiệm mạng cho
các webiste.
- Duy trì kết nối ổn định, chia
sẻ đầy đủ dữ liệu giám sát theo thời gian thực về Hệ thống giám sát quốc gia để
được hỗ trợ giám sát, phân tích, cảnh báo sớm các nguy cơ về an toàn thông tin
mạng và tấn công mạng.
- Thay đổi tư duy từ phát triển
các hệ thống thông tin, phần mềm riêng lẻ sang đầu tư các nền tảng số hoặc thuê
mua các dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng đã triển khai đầy đủ giải
pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và mô hình “4 lớp”.
2.3. Đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ
Ông Phạm Tuấn An, Phòng An toàn
hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; số điện
thoại: 0984545179; thư điện tử: [email protected].
3. Kiểm
tra tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn
thông tin mạng
Bảo đảm an toàn thông tin mạng
vừa là bảo vệ tổ chức, nhưng cũng là trách nhiệm của tổ chức. Nếu không tuân thủ,
tổ chức sẽ phải đối mặt với rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy
ra sự cố. Theo Luật, an toàn thông tin mạng là yêu cầu “bắt buộc”, không phải
là yếu tố để “lựa chọn”. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chưa nhận thức hoặc nhận thức
chưa đầy đủ vấn đề này. Vì vậy, nhận thức và mức độ tuân thủ các quy định về bảo
đảm an toàn thông tin của các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành, địa phương còn lỏng
lẻo, hạn chế, chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Đây là một trong những
nguyên nhân cơ bản khiến cho nguy cơ mất an toàn thông tin trong hoạt động của
cơ quan, tổ chức còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Theo quy định của Nghị định số
85/2016/NĐ-CP và Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT , chủ quản hệ thống thông tin và
đơn vị chuyên trách có trách nhiệm định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn
thông tin đối với các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý. Bộ Thông tin và
Truyền thông trân trọng đề nghị Quý Cơ quan quan tâm chỉ đạo:
3.1. Mục tiêu
100% bộ, ngành, địa phương tổ
chức kiểm tra, đánh giá tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin.
3.2. Giải pháp
Trong năm 2024, tổ chức tối thiểu
01 đoàn kiểm tra, đánh giá tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin
đối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Từ đó đưa hoạt
động bảo đảm an toàn thông tin trở nên quy củ, hiệu quả. Trong đó:
Ưu tiên, tập trung kiểm tra
tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
(theo Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 85/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng
dẫn) và bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân (theo quy định tại Mục
2 Chương II Luật An toàn thông tin mạng).
Ưu tiên kiểm tra, đánh giá đối
với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đang được giao quản lý, vận hành nhiều hệ
thống thông tin hoặc hệ thống thông tin quan trọng, dùng chung.
3.3. Đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ
Ông Vũ Ngọc Hưng, chuyên viên,
Phòng Pháp chế và Kiểm tra, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền
thông; số điện thoại: 0948977677; thư điện tử: [email protected].
4. Sử dụng
hiệu quả các nền tảng số
Theo đánh giá của Bộ Thông tin
và Truyền thông, hiện trạng hiện nay của nhiều các cơ quan là: thiếu nhân sự,
thiếu công cụ, thiếu kinh phí, thiếu năng lực và kinh nghiệm an toàn thông tin
để đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy, việc tận dụng tối đa năng lực của các
nền tảng số, công cụ sẽ là phương án để các tổ chức bù đắp cho những thiếu hụt
trên. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục An toàn thông tin
nghiên cứu, phát triển và cung cấp 03 nền tảng, các khóa học nâng cao kiến thức
kỹ năng, các tài liệu tuyên truyền để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và thực
thi pháp luật về an toàn thông tin hoàn toàn miễn phí cho các cơ quan, tổ chức.
Các nền tảng, tài liệu đều được thường xuyên nghiên cứu, cải tiến, cập nhật
tính năng và hiệu năng để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức vẫn chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Bộ Thông tin và Truyền thông
trân trọng đề nghị Quý Cơ quan quan tâm chỉ đạo:
4.1. Mục tiêu
100% các bộ, ngành, địa phương
triển khai áp dụng hiệu quả các nền tảng được cung cấp để thực hiện quản lý nhà
nước và thực thi pháp luật trong phạm vi quản lý, giúp chuyển đổi số và giám
sát, đo lường hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng.
4.2. Giải pháp
Chỉ đạo các đơn vị tìm hiểu kỹ
lưỡng, áp dụng hiệu quả các nền tảng được cung cấp để thực hiện quản lý nhà nước
và thực thi pháp luật trong phạm vi quản lý, bao gồm: (1) Nền tảng Hỗ trợ quản
lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; (2) Nền tảng Hỗ trợ điều phối,
ứng cứu sự cố; (3) Nền tảng Hỗ trợ điều tra số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ
thường xuyên nghiên cứu, cải tiến, cập nhật tính năng và hiệu năng các nền tảng
để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các bộ, ngành, địa phương.
Trong năm 2024, Cục sẽ cung cấp
thêm một số nền tảng để các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác bảo đảm
an toàn thông tin thống nhất, đồng bộ và thuận lợi, hiệu quả hơn nữa: (1) Nền tảng
Quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin; (2) Nền tảng Hỗ trợ
diễn tập thực chiến; (3) Nền tảng Đánh giá mức độ trưởng thành đội ứng cứu sự cố.
4.3. Đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ
Ông Trần Mạnh Thắng, Phó Trưởng
phòng, Phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và
Truyền thông; số điện thoại: 0963791366; thư điện tử: [email protected].
5. Phòng chống
lừa đảo trực tuyến
Thời gian qua, người dân Việt
Nam thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo qua mạng (lừa đảo trực tuyến),
các đối tượng xấu (đối tượng lừa đảo) tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh
vào điểm yếu nhất là con người. Chúng áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để
lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục
gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm,
lừa đảo đầu tư,…
Các kỹ thuật tấn công lừa đảo
phát triển ngày càng cao do kết hợp nhiều công nghệ mới, từ việc đơn giản là lừa
đảo mật khẩu tài khoản qua email đến kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) và giả mạo
sâu (DeepFake), thông qua mạng xã hội, thiết bị di động, thiết bị IoT (Internet
of Things) để thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi hơn. Lừa đảo trực tuyến
đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất trong thế giới số. Bộ Thông
tin và Truyền thông trân trọng đề nghị Quý Cơ quan quan tâm chỉ đạo:
5.1. Mục tiêu
100% người dân trên địa bàn được
tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua các tổ chức mạng lưới, phương tiện
thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội,…
5.2. Giải pháp
- Bộ Thông tin và Truyền thông
thành lập Liên minh Phòng chống lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng để hướng
dẫn, kết nối, cung cấp thông tin, tài liệu và triển khai các giải pháp kỹ thuật
phòng chống lừa đảo trực tuyến thông qua 04 hướng tiếp cận chính: (1) thông qua
mạng viễn thông; (2) thông qua mạng xã hội; (3) thông qua tuyên truyền, giáo dục;
(4) thông qua công nghệ.
- Các bộ, ngành, địa phương triển
khai các hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Liên
minh. Cơ quan, tổ chức liên hệ Cục An toàn thông tin hoặc truy cập Cổng không
gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn), website của Cục An toàn thông tin
(ais.gov.vn) để kịp thời nhận được cảnh báo, cung cấp miễn phí nội dung tuyên
truyền (video, tài liệu, poster, bài viết,…). Tận dụng tối đa tất cả các kênh
tuyên truyền như: sự kiện, mạng xã hội, website, hệ thống thư điện tử, tin nhắn
SMS, các ứng dụng thông minh,…Tuyên truyền thường xuyên, liên tục tới toàn thể
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan và người dân trên địa
bàn thông qua các hệ thống thông tin cơ sở (đài truyền thanh, đài truyền hình),
các Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền nhận thức, kỹ năng cho người dân,
nhất là người vùng nông thôn, vùng xa để tránh bị lừa đảo trên không gian mạng.
Khuyến nghị việc tuyên truyền qua các kênh nêu trên cần được thực hiện định kỳ
hàng tuần, tháng, Quý tùy theo nội dung để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng
thường xuyên cập nhật thông tin, tiếp nhận cảnh báo của Bộ Thông tin và Truyền
thông (Cục An toàn thông tin) để kịp thời triển khai tuyên truyền tới người sử
dụng khi có những vấn đề an toàn thông tin, hình thức tấn công mạng mới phát
sinh.
- Tổ chức xây dựng một số nội
dung tuyên truyền ấn tượng, phù hợp với đặc điểm, đặc trưng, bản sắc văn hóa của
ngành, địa phương để tạo hiệu quả cao và phạm vi tuyên truyền rộng đến mọi đối
tượng của cộng đồng.
- Tham gia hưởng ứng mạnh mẽ
Chiến dịch Tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin do Bộ Thông tin
và Truyền thông phát động.
5.3. Đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ
Ông Nguyễn Phú Lương, Trung tâm
Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin
và Truyền thông; số điện thoại: 0886682266; thư điện tử: [email protected].
6. Diễn tập
thực chiến an toàn thông tin mạng
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2022 về việc đẩy mạnh ứng cứu sự cố
an toàn thông tin mạng Việt Nam, trong đó nêu rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương: “Tổ chức diễn tập thực chiến tối thiểu 01 lần/năm đối với hệ thống
thông tin cấp độ 3 trở lên nhằm đánh giá khả năng phòng ngừa xâm nhập và khả
năng phát hiện kịp thời các điểm yếu về quy trình, công nghệ, con người.”
Năm 2022, đã tổ chức 03 diễn tập
thực chiến quy mô quốc gia và hướng dẫn 36% bộ ngành, 54% địa phương diễn tập thực
chiến. Có gần 2.500 lượt chuyên gia tham gia. Phát hiện hơn 340 lỗ hổng, điểm yếu.
Năm 2023, đã tổ chức 03 diễn tập
thực chiến quốc gia, phát hiện 488 lỗ hổng, điểm yếu. Đã có 55% bộ ngành, 83% địa
phương diễn tập thực chiến trong năm. Theo báo cáo của các cơ quan, đến thời điểm
hiện tại có khoảng 4.500 lượt chuyên gia tham gia, phát hiện 1.150 lỗ hổng, điểm
yếu.
Diễn tập thực chiến đã thực sự
đã tạo ra hiệu ứng tích cực và đạt được hiệu quả rõ ràng. Chất lượng diễn tập
thực chiến báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 cũng cũng được cải
thiện nhiều, hầu như địa phương nào cũng phát hiện ra lỗ hổng nghiêm trọng. Việc
phát hiện và xử lý kịp thời này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống
cũng như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sử dụng các hệ thống này. Điểm
đáng lưu ý là còn khoảng cách rất lớn về hiệu quả, chất lượng giữa diễn tập thực
chiến quốc gia và diễn tập thực chiến ở địa phương. Riêng số lỗ hổng nghiêm trọng/cao
trong 03 diễn tập thực chiến quốc gia đã lớn hơn 50 cuộc diễn tập của các cơ
quan, tổ chức (09 bộ, ngành, 33 tỉnh thành, và 08 tổ chức, doanh nghiệp) trên
toàn quốc cộng lại. Vì vậy, hoạt động này cần được thực hiện định kỳ, thường
xuyên.
Bộ Thông tin và Truyền thông
trân trọng đề nghị Quý Cơ quan quan tâm chỉ đạo:
6.1. Mục tiêu
100% bộ, ngành, địa phương tổ
chức diễn tập thực chiến trong năm 2024.
6.2. Giải pháp
- Mỗi bộ, ngành, địa phương tổ
chức tối thiểu 01 cuộc diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng trong năm
2024. Trong đó, đảm bảo có tổ chức diễn tập thực chiến cho các hệ thống thông
tin cấp độ 3 trở lên. Đây cũng sẽ là một trong các tiêu chí được Cục An toàn
thông tin sử dụng để đánh giá mức độ trưởng đội ứng cứu sự cố của cơ quan.
Quy trình, cách thức diễn tập
thực chiến đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cụ thể tại Quyết định
số 1429/QĐ-BTTTT ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông và Hướng dẫn số 01/HD- CATTT ngày 24 tháng 2 năm 2022 của Cục An toàn
thông tin.
Đối với các hệ thống thông tin
được sử dụng để diễn tập thực chiến, khi phát hiện ra lỗ hổng, điểm yếu hoặc sự
cố tấn công mạng, ngoài việc cập nhật bản vá, cần thực hiện săn lùng mối nguy hại
để phát hiện và xử lý hành vi xâm nhập, phá hoại đã được thực hiện trước khi lỗ
hổng, điểm yếu được phát hiện. Từ đó, loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến mất an
toàn hệ thống thông tin.
- Dự kiến Quý III/2024, Bộ
Thông tin và Truyền thông sẽ thiết lập Nền tảng Hỗ trợ diễn tập thực chiến để hỗ
trợ các bộ ngành địa phương tri thức, tình huống, phương pháp xử lý các vấn đề
và quản lý diễn tập thực chiến. Với nền tảng này, việc triển khai diễn tập thực
chiến tại các cơ quan, tổ chức sẽ dễ dàng và đạt chất lượng cao hơn, đồng bộ và
thu hẹp dần khoảng cách giữa các cơ quan cũng như với diễn tập thực chiến quốc
gia.
6.3. Đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ
Ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc,
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn
thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; số điện thoại: 0977717759; thư điện tử:
[email protected].
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng
trong hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, góp phần nâng cao năng lực bảo đảm
an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề
nghị Quý Cơ quan chỉ đạo đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin tập trung
tham mưu và tổ chức triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nêu trên.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc, trân trọng đề nghị Quý Cơ quan liên hệ với Bộ Thông tin
và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) để được hướng dẫn, hỗ trợ triển khai.
- Đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn tổng
thể các nội dung tại văn bản này: Ông Nguyễn Văn Trưởng, Phòng Quy hoạch và
Phát triển, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Số điện thoại:
0349729092. Thư điện tử: [email protected].
- Đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ chi
tiết đối với từng nhiệm vụ: chi tiết tại từng nhiệm vụ nêu trên.
Trân trọng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Đơn vị chuyên trách CNTT/ATTT của: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch
nước; Toàn án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, CATTT.QHPT.NVT
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Đức Long
|
PHỤ LỤC
DANH SÁCH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU
HÀNH LĨNH VỰC AN TOÀN THÔNG TIN
(Kèm theo Công văn số 1607/BTTTT-CATTT ngày 26/04/2024 của Bộ Thông tin và
Truyền thông)
1. Danh
sách văn bản quy phạm pháp luật
- Luật An toàn thông tin mạng
ngày 19 tháng 11 năm 2015;
- Nghị định số 85/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin
theo cấp độ;
- Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hệ thống
phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;
- Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT
ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về điều phối,
ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc;
- Thông tư số 31/2017/TT-BTTTT
ngày 15 tháng 11 năm 2017 quy định hoạt động giám sát an toàn hệ thống thông
tin;
- Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT
ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và
hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 về
bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
2. Danh
sách văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ
- Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày
10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Danh mục lĩnh vực quan trọng
cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc
gia;
- Quyết định số 1622/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh hoạt
động của mạng lưới ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận
chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc đến 2020, định
hướng đến 2025;
- Quyết định số 1017/QĐ-TTg
ngày 14 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án giám sát an
toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính
phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến 2025;
- Quyết định số 1907/QĐ-TTg
ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền,
nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 -
2025”;
- Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày
06 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát
triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”;
- Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày
01 tháng 06 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và
hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021
- 2025”;
- Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày
10 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược An toàn, An
ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến
năm 2025, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia);
- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25
tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống
phần mềm độc hại;
- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07
tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an
ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam;
- Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13
tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng
cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam;
- Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26
tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an
toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát.
- Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23
tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật và
tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
- Công điện số 33/CĐ-TTg ngày
07 tháng 4 tháng 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn
thông tin mạng.
3. Danh
sách các văn bản điều hành, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông
- Chỉ thị số 04/CT-BTTTT ngày
11 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường
phòng chống mã độc và bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng;
- Chỉ thị số 49/CT-BTTTT ngày
18 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về thúc đẩy phát
triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh;
- Chỉ thị số 60/CT-BTTTT ngày
16 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức
triển khai diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng;
- Chỉ thị số 01/BTTTT-CT ngày
20 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về định hướng phát
triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025;
- Công văn số 430/BTTTT-CATTTT
ngày 09/02/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn bảo đảm an toàn
thông tin cho hệ thống thư điện tử của cơ quan, tổ chức nhà nước.
- Công văn số 2290/BTTTT-CATTT
ngày 17 tháng 7 năm 2018 của Bộ Thông tin và và Truyền thông về việc hướng dẫn
kết nối, chia sẻ thông tin về mã độc giữa các hệ thống kỹ thuật;
- Công văn số 1694/BTTTT-CATTT
ngày 31 tháng 5 năm 2019 của Bộ Thông tin và và Truyền thông về việc hướng dẫn
yêu cầu an toàn thông tin cơ bản đối với hệ thống thông tin kết nối vào mạng
Truyền số liệu chuyên dùng;
- Công văn số 3001/BTTTT-CATTT
ngày 06 tháng 9 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn bảo
đảm an toàn thông tin cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành;
- Công văn số 2973/BTTTT-CATTT
ngày 04 tháng 9 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn triển
khai hoạt động giám sát an toàn thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước;
- Công văn số 1145/BTTTT-CATTT
ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn bộ
tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện
toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử;
- Công văn số 1552/BTTTT-CATTT ngày
28 tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc tổ chức
triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp”;
- Công văn số 2612/BTTTT-CATTT
ngày 17 tháng 7 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bổ sung bộ
tiêu chí, chỉ tiêu để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây
phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử;
- Công văn số 4258/BTTTT-CATTT
ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn tổ
chức, hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng;
- Công văn số 964/BTTTT-CATTT
ngày 16 tháng 3 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn áp
dụng tiêu chuẩn an toàn thông tin cho các cơ quan nhà nước và hệ thống thông
tin quan trọng quốc gia;
- Công văn số 1552/BTTTT-THH
ngày 24 tháng 4 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn triển
khai Đề án 06 (phiên bản 1.0);
- Công văn số 708/BTTTT-CATTT
ngày 02 tháng 03 năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về sửa đổi, thay thế
nội dung về an toàn, an ninh mạng tại Công văn số 1552/BTTTT-THH .
- Công văn số 1598/BTTTT-CATTT
ngày 28 tháng 4 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường bảo
đảm an toàn thông tin theo cấp độ và nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông
tin theo mô hình 4 lớp;
- Quyết định số 1439/QĐ-BTTTT
26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Ban hành quy
trình hướng dẫn thực hiện diễn tập thực chiến.
4. Danh
sách các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Cục An toàn thông tin
- Công văn số 713/CATTT-TĐQLGS
ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Cục An toàn thông tin về việc hướng dẫn xác định
và thực thi bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ;
- Công văn số 235/CATTT-ATHTTT
ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Cục An toàn thông tin về việc Hướng dẫn mô hình đảm
bảo an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh.
- Công văn số 486/CATTT-ATHTTT
ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Cục An toàn thông tin về việc Hướng dẫn bảo đảm an
toàn thông tin cho Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ điện tử;
- Công văn số 247/CATTT-ATHTTT
ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Cục An toàn thông tin về việc đôn đốc xác định cấp
độ an toàn hệ thống thông tin và ban hành tài liệu hướng dẫn xác định cấp độ và
xây dựng Hồ sơ đề xuất cấp độ 1, 2 và 3;
- Công văn số
793/CATTT-VNCERTCC ngày 25/6/2021 của Cục An toàn thông tin về việc hướng dẫn
quy trình ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng;
- Công văn số 166/CATTT-ATHTTT
ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Cục An toàn thông tin về việc ban hành hướng dẫn
“Khung phát triển phần mềm an toàn (phiên bản 1.0)”;
- Hướng dẫn số 01/HD-CATTT ngày
24 tháng 2 năm 2022 của Cục An toàn thông tin về việc hướng dẫn thực hiện hoạt
động diễn tập thực chiến;
- Công văn số 5099/BTTTT-CATTT
ngày 06/10/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Hướng dẫn phát triển Đội
ứng cứu sự cố cho một số lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông
tin mạng./.