HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2017/NQ-HĐND
|
Kon
Tum, ngày 21 tháng 7 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN
VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật
tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật
Bảo vệ và Phát triển rừng năm ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị
định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo
vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết
định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê
duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;
Căn cứ Quyết
định số 581/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê
duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020;
Căn cứ Quyết
định số 886/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình
số 78/TTr-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông
qua Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum
và Tờ trình số 82/TTr-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2017 về việc điều chỉnh, bổ sung
một số nội dung Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XI;
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông
qua Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên
địa bàn tỉnh Kon Tum
1. Quan điểm, mục tiêu phát triển
a) Quan điểm
- Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững là phát
triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, cải tạo rừng,
khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh
thái... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo vệ, phát
triển và khai thác, hưởng lợi từ rừng, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết
việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí
hậu.
- Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước,
các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội; tăng cường
sự giám sát của người dân, cộng đồng dân cư, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan
thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
b) Mục tiêu
- Mục tiêu
chung
Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát
triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng
đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái, phấn đấu đến năm 2020 duy trì và
nâng độ che phủ rừng đạt 63,75%. Sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng
theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (viết tắt là
FSC). Phấn đấu toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp
được giao và cho thuê đối với tổ chức, hộ gia đình cá nhân và cộng đồng dân cư
hướng đến cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng.
- Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
+ Khoán bảo vệ
rừng 218.000 ha cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn
(làng); khoanh nuôi phục hồi 4.200 ha rừng; cho thuê tối
thiểu 10.000 ha rừng tự nhiên để bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, kết hợp sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp, kinh
doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường theo quy định của pháp luật (trong đó cho thuê 5.000 ha rừng để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh).
+ Giao 4.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng
đồng dân cư thôn (làng), hộ gia đình, cá nhân để quản lý bảo
vệ và phát triển rừng, hưởng lợi từ rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng hướng đến cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng.
+ Trồng mới
8.400 ha rừng tập trung, 50.000 cây phân tán; khoanh nuôi trồng bổ sung 1.000
ha rừng phòng hộ, đặc dụng; nuôi dưỡng làm giàu rừng 200 ha, xây dựng vườn thực
vật rừng đặc dụng 46 ha.
+ Xây dựng thêm tối thiểu 01
phương án quản lý rừng bền vững (FSC) tại huyện Kon Plông; thực hiện việc định
giá rừng trồng để giao vốn cho 05 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp sản xuất, kinh
doanh và khai thác sử dụng hiệu quả bền vững rừng trồng theo theo tiêu chuẩn Việt
Nam (VFCC). Dự kiến khai thác 114.500m3 gỗ.
+ Chế biến khoảng 240.000 m3
gỗ các loại phục vụ nhu cầu xây dựng và nguyên liệu. Hình thành khu lâm nghiệp ứng
dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
+ Tổng giá trị sản xuất của ngành
lâm nghiệp đạt 6.830 tỷ đồng, trong đó ước thu ngân sách 195 tỷ đồng và tiền dịch
vụ môi trường rừng 679 tỷ đồng.
2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Tăng cường công tác quản lý,
bảo vệ rừng
- Đổi mới hình thức và nội dung
tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm trong
công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vận động các
tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động về quản lý, bảo
vệ và phát triển rừng, tố giác các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
- Điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng
phù hợp với quy định của Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành phải được tính toán, đánh
giá kỹ tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự
nhiên, rừng phòng hộ trước khi thực hiện. Quản lý, giám sát chặt các dự án có
chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xử lý nghiêm đối với các dự án có sai phạm hoặc
có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng
đến sản xuất và đời sống của Nhân dân; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân
vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư
các dự án chuyển đổi rừng.
- Dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên
và không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác theo
Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương và các
văn bản của Trung ương có liên quan (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc
phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).
- Đẩy nhanh tiến độ đo đạc, phân định,
đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa; giải quyết dứt điểm
tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; hoàn thành việc giao
đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho tổ chức,
cá nhân hộ gia đình và cộng đồng vào năm 2018; giải quyết đất sản xuất cho người
dân để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
- Rà soát, kiện toàn, củng cố các
tổ chức thuộc ngành lâm nghiệp và triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp,
đổi mới
và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm
nghiệp trên địa bàn. Xác định rõ cơ quan, đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm
chính; có chế tài xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan
trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.
- Thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng
liên ngành các cấp. Tăng cường công tác nắm thông tin, kiểm tra, xác minh và xử
lý dứt điểm các vụ việc vi phạm. Khuyến khích thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển
rừng cấp xã để huy động nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ
và phát triển rừng.
- Nâng cao hiệu quả công tác phối
hợp giữa lực lượng Kiểm lâm - Công an - Biên phòng và các đơn vị liên quan; thường
xuyên tổ chức các đợt diễn tập phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản
lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng các cấp.
- Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế
biến lâm sản, kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đối với các cơ sở
vi phạm theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng
các khu, cụm công nghiệp để di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm
công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố theo quy hoạch và hoàn thành trước
năm 2020. Rà soát, xử lý dứt điểm các loại phương tiện dùng để khai thác, vận
chuyển lâm sản trái pháp luật.
b) Đầu
tư phát triển rừng
- Đẩy mạnh công tác trồng, chăm
sóc, khoanh nuôi và phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng. Triển khai thực hiện có
hiệu quả các dự án, chương trình trồng rừng, nhất là trồng rừng thay thế và trồng
rừng nguyên liệu. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành lâm
nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và giá trị
gia tăng. Lồng ghép một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện thuận
lợi và khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong công tác phát
triển rừng.
- Phát triển khoa học công nghệ phục
vụ sản xuất lâm nghiệp. Nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng công nghệ có tính
đột phá như công nghệ sinh học, công nghệ chế biến lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng
thâm canh... Thực hiện tốt các khâu chọn giống, xác định cơ cấu loài cây rừng
phù hợp với các vùng sinh thái trên địa bàn để nâng cao năng suất và chất lượng
rừng trồng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường.
- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững. Kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ
hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực cải thiện sinh kế, khuyến lâm cho người
dân trên địa bàn.
c) Sử dụng có hiệu quả, bền vững
tài nguyên rừng
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả và
tiếp tục thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng (FSC và VFCC) đáp ứng yêu cầu
của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp,
hướng đến sử dụng nguồn thu từ lâm nghiệp để quản lý, bảo
vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển
công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các mặt
hàng đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường
trong nước và quốc tế.
- Tiến hành
thí điểm, nhân rộng các mô hình trồng rừng phòng hộ bán tín chỉ carbon theo cơ
chế phát triển sạch (CDM). Đẩy mạnh việc trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm
từ rừng, phát triển sâm Ngọc linh và cây dược liệu dưới tán rừng, kết hợp đẩy mạnh
phát triển hoạt động du lịch sinh thái theo hướng gắn công tác quản lý, bảo vệ
rừng với kinh doanh các sản phẩm dưới tán rừng... để tạo việc làm, phát triển
nghề rừng, nâng cao thu nhập của người dân sống gần rừng.
Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hướng ưu tiên
khoán bảo vệ rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.
- Đẩy mạnh công tác giao rừng, cho
thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng
đồng dân cư thôn, chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng, thực hiện chính sách đồng
quản lý rừng trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận giữa chủ rừng và các đối tượng
tham gia quản lý.
d) Huy
động tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp
bền vững
Huy động tối đa các nguồn lực tài
chính và lồng ghép các nguồn vốn, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên
cùng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát huy
tối đa hiệu quả nguồn tiền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tạo điều
kiện và cải thiện môi trường đầu tư đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các
thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp; sử dụng hiệu
quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài (vốn ODA, ADB và vay ưu đãi và hỗ trợ quốc
tế…) trong việc bảo vệ và phát triển rừng; phấn đấu đến năm 2025 Kon Tum trở
thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực Tây nguyên.
3. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu
tư quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp
a) Đối với chính sách của Trung
ương
Áp dụng tối đa chính sách ưu đãi,
hỗ trợ đầu tư quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp theo quy định tại
Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế,
chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền
vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020; Quyết định số
38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng,
giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản khác
có liên quan.
b) Chính sách của tỉnh Kon Tum
- Nội dung chính sách
+ Hỗ trợ 100% kinh phí lập hồ sơ
giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn (làng), hộ gia
đình và cá nhân để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hưởng lợi từ rừng, sử dụng
hiệu quả tài nguyên rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
+ Miễn phí thẩm định hồ sơ cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất và lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
quy định tại Nghị quyết số 77/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Kon Tum về phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Kon Tum đối với các tổ
chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất vào mục đích trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
+ Hỗ trợ 50% kinh phí dịch vụ đo đạc,
lập bản đồ địa chính ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có tọa độ cho các hộ
gia đình, cá nhân để làm cơ sở thuê đất thực hiện các dự án trồng rừng sản xuất
trên địa bàn tỉnh; hạn mức hỗ trợ tối đa 30 ha/dự án.
+ Hỗ trợ cho tổ chức kinh tế 30%
tiền thuê lại quyền sử dụng đất để thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai theo mô
hình “cánh đồng lớn” thực hiện các dự án trồng rừng sản xuất gỗ lớn trên địa
bàn tỉnh; hạn mức hỗ trợ không quá 02 triệu đồng/ha và tối đa 10 ha/dự án, thời
gian hỗ trợ không quá 05 năm.
+ Hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng
bền vững (FSC) cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình: 30% chi phí, tối đa
không quá 130.000 đồng/ha đối với các phương án có quy mô tối thiểu 100 ha trở
lên (phần còn lại 70% do Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại khoản
5 Điều 5 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư
hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm
nghiệp).
- Ủy ban nhân dân tỉnh phổ biến,
hướng dẫn cụ thể thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển lâm nghiệp
được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này theo thẩm quyền; hàng
năm, tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách vào dự toán ngân sách trình
Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phân bổ để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban ban nhân dân tỉnh
phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân
dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Kon Tum Khóa XI Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2017
và có hiệu lực từ ngày 31 tháng 7 năm 2017./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản pháp luật);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Pháp chế);
- Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh;
- Thường trực HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Báo Kon Tum; Đài PTTH tỉnh Kon
Tum;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Công báo UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, CTHĐ.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hùng
|