Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 306/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Lê Minh Thông
Ngày ban hành: 23/05/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 306/KH-UBND

Nghệ An, ngày 23 tháng 5 năm 2019

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC TRỌNG ĐIỂM CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2019 - 2023

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 Ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số 14/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 Ban hành quy định chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; Thông tư số 20/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 Ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; Chương trình hành động số 33- CTr/TU ngày 27/10/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW.

Thực hiện Thông báo số 1308-TB/TU ngày 24/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2023 (sau đây gọi là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thí điểm xây dựng một số trường trung học trở thành trường trọng điểm chất lượng cao nhằm:

a. Xây dựng mô hình tiên tiến, hiện đại và hội nhập, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; tiếp cận được với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế, đảm bảo bản sắc dân tộc.

b. Tham gia đào tạo đội ngũ học sinh năng động, có năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học, đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

c. Tạo điều kiện để một số cơ sở giáo dục trở thành nhân tố tiên phong, nòng cốt, đi đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến các trường trung học trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu giáo dục của tỉnh nhà.

d. Góp phần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục; thực hiện cơ chế tự chủ trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.

2. Yêu cầu

a. Lựa chọn một số trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) đã đạt chuẩn Quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi, chất lượng giáo dục tốt, đội ngũ đảm bảo về phẩm chất, trình độ, năng lực, đại diện cho các vùng, miền để xây dựng thành trường trọng điểm chất lượng cao trên tinh thần tích cực, tự nguyện của các đơn vị.

Cụ thể có 05 trường THPT: chuyên Phan Bội Châu; Dân tộc nội trú tỉnh; Nguyễn Duy Trinh, Đô Lương 1; Quỳ Hợp và 09 trường THCS: Đặng Thai Mai (TP Vinh); Lý Nhật Quang (Đô Lương); Cao Xuân Huy (Diễn Châu); Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu); Tôn Quang Phiệt (Thanh Chương); Anh Sơn (Anh Sơn); Nguyễn Trãi (Tân Kỳ); Hòa Hiếu 2 (Thái Hòa); Bạch Liêu (Yên Thành).

b. Tập trung thí điểm đổi mới về chương trình giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, năng khiếu của người học; cơ chế thu hút và xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đảm bảo thực hiện mô hình giáo dục tiên tiến; cơ chế tự chủ trong tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường.

c. Kết thúc thời gian thí điểm, mỗi trường trung học đạt được các tiêu chí sau:

Tiêu chí 1. Xác định sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của nhà trường

Mỗi nhà trường xác định được sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi cụ thể dưới dạng các thông điệp ngắn gọn, xuyên suốt, có tính định hướng hoạt động trong nhà trường.

Tiêu chí 2. Chương trình giáo dục

2.1. Đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục chung của cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phù hợp với chức năng, nhiệm vụ điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương.

2.2. Có chương trình giáo dục tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Chương trình giáo dục tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực học sinh bao gồm:

- Nội dung dạy học tăng cường Ngoại ngữ và Tin học đối với tất cả các đối tượng học sinh. Tùy đặc điểm, mức độ học sinh để bổ sung thêm các chuyên đề Tin học định hướng nghề nghiệp; nội dung tăng cường năng lực tiếng Anh; nội dung dạy học các môn Toán, Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh; tổ chức các hoạt động giao lưu với học sinh cùng cấp của một số nước trong khu vực và trên thế giới; nội dung dạy học Ngoại ngữ 2; Đối với trường THPT Chuyên có một số nội dung giáo dục được tham khảo từ chương trình giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới để học sinh có thể tham gia thi A-level, SAT, Cambridge,,.. thi chứng chỉ quốc tế (MOS).

- Nội dung dạy học gắn với thực tiễn (dạy học gắn với di sản, dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, giáo dục STEM, giáo dục địa phương, tìm hiểu, giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa con người Nghệ An...);

- Nội dung giáo dục kỹ năng mềm (kỹ năng tự học, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lập kế hoạch...);

- Nội dung dạy học phát triển năng khiếu theo môn học; phát hiện, phát triển năng khiếu thể dục thể thao (cầu lông, bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, võ thuật...), Âm nhạc (đàn guitar, đàn organ, sáo, tiêu, đàn nguyệt, hát, múa, nhảy hiện đại...), Mĩ thuật (vẽ, điêu khắc, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang,...)

Tiêu chí 3. Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá

3.1. Phương pháp dạy học

- Kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực (dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, dạy học nhóm, kỹ thuật mảnh ghép, sơ đồ tư duy...) có sự hỗ trợ của các thiết bị và phần mềm dạy học phù hợp với đặc thù môn học, phù hợp với đối tượng học sinh.

- Dạy học sinh phương pháp tự học (kỹ năng thu thập, khai thác, xử lý và sử dụng tài liệu, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ học tập), phương pháp tư duy; bồi dưỡng khả năng tự học, độc lập suy nghĩ, tư duy phản biện, khả năng phối hợp trong làm việc;

- Dạy học có sự kết nối giữa kiến thức phổ thông với thực tiễn: Thực hiện giáo dục STEM; sử dụng các phương pháp dạy học mở để học sinh có khả năng trải nghiệm, khám phá và làm quen với công tác nghiên cứu khoa học.

3.2. Hình thức tổ chức dạy học

Bên cạnh hình thức dạy học truyền thống có các hình thức để tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng gắn với thực tiễn, tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh (thực hành, thí nghiệm, câu lạc bộ, dự án nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu thực tế, sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng...).

3.3. Phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá

- Kết hợp đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ đối với mỗi học sinh, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên. Đánh giá định kỳ theo 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Đánh giá thường xuyên (đánh giá trong quá trình học tập) thực hiện thông qua các hình thức đánh giá như: đánh giá các hoạt động trên lớp; qua hồ sơ học tập, sản phẩm học tập (kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, bài thuyết trình dưới các dạng bài viết, bài trình chiếu, video...). Kết quả đánh giá thường xuyên theo các hình thức trên thay thế cho các bài kiểm tra hiện hành.

- Đảm bảo các nguyên tắc: Đánh giá đúng thực chất, khách quan, trung thực, công bằng và coi trọng sự tiến bộ của mỗi học sinh.

Tiêu chí 4. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

4.1. Cán bộ quản lý

- Đủ về số lượng; tâm huyết, năng động, sáng tạo, có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục một cách hiệu quả; được tín nhiệm cao trong đơn vị công tác;

- 100% đối với cấp THCS, trên 50% đối với THPT có trình độ chuyên môn trên chuẩn đào tạo; đã hoàn thành các yêu cầu về bồi dưỡng quản lý giáo dục, chính trị theo quy định;

- 100% được đánh giá từ mức khá trở lên theo Chuẩn Hiệu trưởng; có ít nhất 25% là cán bộ quản lý cốt cán cấp huyện/tỉnh.

4.2. Giáo viên

- Đủ số lượng giáo viên các môn học/hoạt động giáo dục để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ; có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, đảm bảo các quy định ở mức tốt về phẩm chất nhà giáo theo quy định tại Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT .

- Trên 90 % đối với cấp THCS, 50% đối với THPT có trình độ chuyên môn trên chuẩn đào tạo;

- 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong đó có ít nhất 50% đạt mức khá; có ít nhất 20% giáo viên là giáo viên cốt cán chuyên môn cấp huyện/tỉnh;

- Có ít nhất 30% đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh;

- 100% giáo viên có kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học, xây dựng và thực hiện được đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến kinh nghiệm; có khả năng hướng dẫn học sinh thực hiện được các đề tài nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống; có kiến thức về các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết để giáo dục và hỗ trợ phụ huynh giáo dục học sinh phát triển toàn diện;

- 100% giáo viên tiếng Anh cấp THCS đạt trình độ bậc 4 (B2) và 100% giáo viên tiếng Anh cấp THPT đạt trình độ bậc 5 (C1). 100% giáo viên tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT nâng cao.

- Có đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hỗ trợ chuyên môn các nội dung về chương trình phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; có các nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương hỗ trợ tổ chức các hoạt động trải nghiệm, dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh; có giáo viên dạy được song ngữ một số môn khoa học tự nhiên.

- Có Hội đồng tư vấn bao gồm cán bộ, giáo viên, chuyên gia có kỹ năng tư vấn giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tâm lý, nghề nghiệp tương lai, sức khỏe giới tính, phương pháp học tập, phát triển bản thân...

4.3. Nhân viên

Các vị trí công việc phục vụ đều xem xét bố trí nhân viên phụ trách theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT. Các nhân viên phục vụ được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ chuẩn theo vị trí việc làm phân công; hàng năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiêu chí 5. Tài chính; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

5.1. Tài chính

- Thực hiện tự chủ về tài chính: Tự đảm bảo một phần chi thường xuyên;

- Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo theo quy định hiện hành;

- Thực hiện đúng quy chế công khai tài chính.

5.2. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

- Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định chung

+ Khuôn viên nhà trường được xây dựng riêng biệt, có tường rào, cổng trường, biển trường, đủ diện tích sử dụng để đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục (các trường khu vực thành phố, thị xã có diện tích sử dụng ít nhất từ 6 m2/học sinh; các trường khu vực còn lại có diện tích sử dụng ít nhất từ 10 m2/học sinh), có sân chơi, bãi tập, chỗ thực hành ngoài trời theo quy định. Các khu vực trong nhà trường được bố trí hợp lý, luôn sạch, đẹp.

+ Có đủ số phòng học cho mỗi lớp học. Phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an toàn, có đủ không gian để thực hiện các hoạt động học tập; diện tích phòng học, bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, bảng đúng quy cách.

+ Phòng học bộ môn đạt tiêu chuẩn, đầy đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

+ Khối hành chính quản trị và thư viện đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định;

- Cơ sở vật chất, thiết bị phòng học, thiết bị dạy học phù hợp với chương trình tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

+ Phòng lớp học: Được trang bị bảng di động, bàn ghế dễ di chuyển phù hợp với hình thức làm việc nhóm; thiết bị nghe, nhìn hiện đại.

+ Phòng bộ môn: Đủ phòng học bộ môn và thiết bị dạy học để đảm bảo tối thiểu 70% số tiết Tin học, Ngoại ngữ và 100% số tiết thực hành của các môn Khoa học tự nhiên, học sinh được học tại phòng học bộ môn. Có đủ thiết bị để dạy của giáo viên và thiết bị để thực hành của học sinh đối với các môn học và hoạt động giáo dục khác.

+ Phòng thí nghiệm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học; cơ sở hoặc khu vực thực hành, trải nghiệm, khu luyện tập thể chất (hồ bơi, sân vận động, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ...) phù hợp với chương trình giáo dục của nhà trường theo hình thức đầu tư xây mới hoặc liên kết, hợp đồng.

+ Phòng tư vấn học sinh có đủ các trang thiết bị phù hợp.

+ Thư viện trường học xây dựng theo hướng linh hoạt, thân thiện, phù hợp với điều kiện nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên, học sinh khai thác các nguồn tri thức.

+ Hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học; có website của nhà trường hoạt động thường xuyên, hỗ trợ có hiệu quả cho công tác dạy học và quản lý nhà trường.

Tiêu chí 6. Môi trường và chất lượng giáo dục

6.1. Môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, khuyến khích phát triển bản thân

- Học sinh được tư vấn, hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong học tập cũng như trong cuộc sống;

- Định kỳ có trao đổi bằng các hình thức khác nhau giữa giáo viên với phụ huynh; giữa nhà trường với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị- xã hội ngoài nhà trường;

- Hàng quý học sinh được tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động tình nguyện; các câu lạc bộ theo nhu cầu, sở thích bản thân, phù hợp với chương trình giáo dục của nhà trường;

- Có hệ thống quy chế, quy định về xây dựng lối sống, nếp sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường;

- Học sinh vi phạm được giáo dục bằng phương pháp kỷ luật tích cực.

6.2. Chất lượng giáo dục

- Đảm bảo đạt được yêu cầu về chuẩn kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

- Có được những phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và sống có trách nhiệm,...

- Có được các năng lực: Tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; tự kiểm soát thái độ, hành vi; thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội; điều chỉnh, hóa giải mâu thuẫn; đề xuất, lựa chọn giải pháp; sử dụng ngoại ngữ, tin học,...

- Kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm: Đạt tối thiểu từ Mức 3 trở lên theo Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT- BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GDĐT.

- Học sinh giỏi cấp tỉnh về các môn văn hóa đạt tỷ lệ từ 70% trở lên đối với số học sinh dự thi của trường, trong đó có từ 80% số học sinh đạt giải. Hàng năm có học sinh nghiên cứu khoa học - kỹ thuật đạt giải từ cấp tỉnh trở lên. Riêng trường THPT chuyên Phan Bội Châu học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế đạt tỷ lệ 90% trở lên số học sinh tham gia dự thi, đứng vào tốp đầu cả nước.

- Tỷ lệ học sinh vào học các trường trung học phổ thông và trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp kỹ thuật, trung cấp nghề...) sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở: 100%; Tỷ lệ học sinh vào Đại học, Cao đẳng và học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt từ 90% trở lên. Riêng trường Chuyên tỷ lệ học sinh vào Đại học đạt 100%; có từ 5% số học sinh sau khi học xong chương trình THPT có học bổng du học.

Trình độ Tin học cuối mỗi cấp học:

+ Đối với cấp THCS

Học sinh sử dụng được các thiết bị, phần mềm thông dụng và mạng internet để tìm kiếm, thu thập, chia sẻ thông tin một cách an toàn và hợp pháp, phù hợp với mục tiêu học tập; thao tác được với phần mềm và môi trường lập trình trực quan để bước đầu có tư duy thiết kế và điều khiển hệ thống.

+ Đối với cấp THPT

Học sinh có khả năng khai thác thông tin một cách hiệu quả, an toàn và hợp pháp; sử dụng được các công cụ tin học để tổ chức, chia sẻ dữ liệu và thông tin trong quá trình học tập; sử dụng được một số phần mềm hỗ trợ học tập; Biết phối hợp sử dụng được đúng cách các hệ thống kỹ thuật số thông dụng; có khả năng viết được chương trình, tạo được trang webside đơn giản.

Riêng với trường Chuyên có từ 20% học sinh đạt chứng chỉ quốc tế (MOS) trong số học sinh đăng ký dự thi kỳ thi chứng chỉ quốc tế môn Tin học.

- Trình độ Ngoại ngữ cuối mỗi cấp học:

Cấp THCS: 100% học sinh học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; 100% số học sinh sử dụng được tiếng Anh (cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) đạt trình độ bậc 2 (A2) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. Đối đối với học sinh học chương trình tăng cường tăng cường Tiếng Anh: 20% trở lên số học sinh các trường thuộc thành phố Vinh đạt trình độ tiếng Anh B2 (tương đương IELTS 5.5 điểm, trình độ FCE của Cambridge và TOEFL iBT 65 điểm) và 20% trở lên số học sinh các trường không thuộc thành phố Vinh đạt trình độ tiếng Anh B1 (tương đương IELTS 4.5 điểm, trình độ PET của Cambridge và TOEFL iBT 53 điểm) theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu.

Cấp THPT: 100% học sinh lớp 10 được học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; 30% trở lên số học sinh sử dụng được tiếng Anh (cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) đạt trình độ bậc 3 (B1) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam; 100% số học sinh chuyên Anh của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đạt trình độ tiếng Anh B2 (tương đương IELTS 5.5 điểm, trình độ FCE của Cambridge và TOEFL iBT 65 điểm), trong đó có 30% đạt trình độ tiếng Anh C1 (tương đương IELTS 6.5 điểm, trình độ CAE của Cambridge và TOEFL iBT 79 điểm) theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu; 20% số học sinh các trường thực hiện chương trình tăng cường tiếng Anh đạt trình độ tiếng Anh B1 (tương đương IELTS 4.5 điểm, trình độ PET của Cambridge và TOEFL iBT 53 điểm) theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu.

- Trên 90% số học sinh các học tập gắn với thực tiễn, hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng, thường xuyên tham gia rèn luyện thể chất. Nhà trường đạt các giải thể thao trong Hội khỏe Phù đổng do huyện, tỉnh tổ chức.

- Học sinh có khả năng dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật cấp trường trở lên. Trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ do Sở, Bộ tổ chức học sinh có các tiết mục đạt giải.

Căn cứ hệ thống các tiêu chí, các trường trung học được chọn thí điểm để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; các cơ quan quản lý căn cứ để đánh giá kết quả thí điểm; các trường trung học còn lại phấn đấu để từng bước đạt được các tiêu chí, trở thành trường trọng điểm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, hội nhập quốc tế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền

a. Nội dung tuyên truyền: Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng GD&ĐT có các trường thí điểm xây dựng nội dung tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, các tiêu chí, giải pháp thực hiện của trường trung học trọng điểm chất lượng cao. Các trường thí điểm tổ chức tuyên truyền về sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi; chương trình giáo dục nhà trường; các điều kiện đảm bảo thực hiện; các cơ chế, chính sách về tuyển sinh; chất lượng giáo dục của nhà trường qua từng năm học.

b. Hình thức tuyên truyền: Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, website của nhà trường, facebook... để chuyển tải các nội dung tuyên truyền đến đông đảo phụ huynh, học sinh, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương nhằm tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cao nhất.

2. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn

a. Xây dựng chương trình giáo dục nhà trường

- Đối với các nhà trường:

+ Căn cứ chương trình và yêu cầu cần đạt theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với mỗi cấp học; nhu cầu và nguyện vọng của học sinh; điều kiện thực tế đáp ứng, nhà trường xây dựng chương trình giáo dục bao gồm chương trình giáo dục chung theo quy định của Bộ GD&ĐT và chương trình giáo dục tăng cường đảm bảo yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, năng khiếu học sinh và khả năng tổ chức thực hiện.

+ Chương trình giáo dục tăng cường phải rõ về nội dung, thời lượng dạy học, phương thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và mức học phí dự kiến đối với mỗi nội dung, hoạt động giáo dục. Nội dung chương trình giáo dục của nhà trường xây dựng theo định hướng phát triển năng lực học sinh: Giáo dục toàn diện; có sự “phân hóa”, hướng tới từng cá nhân người học; thể hiện quan điểm tích hợp.

+ Huy động, vận dụng sự tham gia, hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên có kinh nghiệm, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan để xây dựng chương trình nhà trường.

- Đối với Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT:

Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT phê duyệt chương trình giáo dục tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đối với các đơn vị trực thuộc trước khi trình Ban chỉ đạo phê duyệt kế hoạch; chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp cho các tổ, nhóm chuyên môn trong quá trình xây dựng chương trình môn học; tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thông qua hội nghị, hội thảo, giao lưu giữa các nhà trường.

b. Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá

- Đối với các nhà trường:

+ Triển khai các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh, các hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.

+ Triển khai hiệu quả các văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT: Công văn số 3535/BGDĐT-GDTrH ngày 27/5/2013; Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT- BVHTTDL ngày 16/01/2013 của liên Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các văn bản của Bộ GDĐT về hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và thi khoa học, kỹ thuật.

+ Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học và phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; kết hợp giữa đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết cuối kì, cuối năm học, trong đó chú trọng đánh giá quá trình.

+ Tiếp tục thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường nhằm tạo cơ hội, điều kiện trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ các kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.

+ Xây dựng các điển hình về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.

- Đối với Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT:

+ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản trị hoạt động đánh giá kết quả học tập và rèn luyện học sinh cho cán bộ quản lý. Tổ chức tập huấn đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực.

+ Tổ chức các Hội thảo, chuyên đề về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học gắn với việc thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục; chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường.

+ Tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và hiệu quả tác động đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường.

3. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

a. Đối với các nhà trường

- Rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo yêu cầu Tiêu chí 4 của kế hoạch để xây dựng phương án, lộ trình bồi dưỡng một cách phù hợp. Các nội dung bồi dưỡng tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Tin học, Ngoại ngữ, kiến thức xã hội, kỹ năng tư vấn...

- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Giới thiệu cán bộ quản lý cốt cán, giáo viên cốt cán các bộ môn theo chuẩn; ưu tiên bố trí việc học tập, bồi dưỡng theo quy định của ngành đối với cán bộ quản lý cốt cán, giáo viên cốt cán.

- Tổ chức và tham gia các kỳ thi phát triển năng lực giáo viên, đánh giá giáo viên các cấp nhằm tiếp tục khẳng định chất lượng đội ngũ giáo viên.

- Tăng cường mối liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục trong cùng địa bàn để sử dụng tối đa nguồn nhân lực (như giáo viên cốt cán các môn học giữa các cấp học, giáo viên có kinh nghiệm đã nghỉ hưu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương...), cơ sở vật chất (sân chơi, bãi tập, các công trình đa chức năng, khu luyện tập...) để thực hiện các nội dung dạy học theo chương trình nhà trường.

- Liên kết trên tinh thần thỏa thuận với các cơ sở, Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ để đảm bảo có các chuyên gia giảng dạy một số nội dung dạy học nâng cao; chuẩn bị đội ngũ giáo viên trợ giảng để chủ động trong việc thay thế các chuyên gia về sau.

- Có các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục, phát huy trí tuệ và khả năng đóng góp cho sự phát triển của nhà trường. Tự chủ tài chính tiết kiệm chi để có nguồn động viên, khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong các nhà trường theo hướng: rõ chức năng, nhiệm vụ, công việc và trách nhiệm; giảm thiểu công tác hành chính, sự vụ; tập trung xây dựng hệ thống quy chế nội bộ theo hướng đúng luật, dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp; điều hành thực hiện các hoạt động trong nhà trường một cách hiệu quả.

- Thực hiện đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên gắn với vị trí việc làm, nhiệm vụ được phân công, trong điều kiện cụ thể, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy chế. Tham mưu với cơ quan quản lý trực tiếp xây dựng quy chế sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường thí điểm hướng tới việc rà soát, luân chuyển đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

b. Đối với Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT:

- Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; văn bản quy định của UBND tỉnh về chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc được tỉnh giao hàng năm tham mưu bố trí đủ định biên, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Bố trí giáo viên dạy liên trường đối với một số môn học/hoạt động giáo dục đảm bảo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ dạy học.

- Bố trí và tạo điều kiện cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường tham gia các chương trình bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn của Bộ GD&ĐT; bồi dưỡng trình độ quản lý giáo dục, trình độ chính trị để đạt các yêu cầu theo quy định.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo về các kỹ năng quản trị nhà trường, các biện pháp, kế hoạch thực thi triển khai chương trình giáo dục nhà trường cho cán bộ quản lý. Tập huấn, bồi dưỡng về các nhiệm vụ, nghiệp vụ nhằm triển khai nội dung dạy học, hoạt động giáo dục cho giáo viên theo yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay.

- Tiếp tục nâng cao năng lực giáo viên ngoại ngữ (ưu tiên môn tiếng Anh), giáo viên tin học. Bố trí, tạo điều kiện để giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực tiếng Anh ở các cấp độ theo yêu cầu được bồi dưỡng theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Tiếp tục chỉ đạo đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học trong các cơ sở giáo dục trung học. Tăng cường triển khai các hoạt động chuyên môn, nội dung tập huấn trên trang mạng "Trường học kết nối" để hỗ trợ hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường; các hội thảo, hội nghị chuyên môn cấp Phòng/Sở dưới các hình thức trực tiếp và trực tuyến theo hướng dẫn tại các công văn của Bộ GD&ĐT.

4. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

a. Đối với các nhà trường

- Trên cơ sở chương trình giáo dục; rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, nhà trường xây dựng kế hoạch trang bị bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo từng môn học/hoạt động giáo dục, đảm bảo tổ chức dạy học theo yêu cầu. Việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định và các thiết bị dạy học bổ sung phù hợp để triển khai chương trình giáo dục nhà trường.

- Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nhằm phát huy hết công năng, hiệu suất cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có. Khuyến khích giáo viên, học sinh tự làm đồ dùng dạy học; Vận dụng và phát huy tối đa các cơ sở vật chất, di sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh, học liệu... trong cộng đồng, theo hướng tại chỗ của địa phương để phục vụ cho các hoạt động giáo dục của nhà trường.

- Xây dựng kế hoạch để huy động các nguồn tài trợ theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/08/2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

b. Đối với Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT

- Tham mưu UBND tỉnh, UBND các huyện, thành, thị bố trí đủ diện tích khuôn viên nhà trường đạt Mức 3 theo Thông tư số 18/2018/TT- BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT; tham mưu cân đối các nguồn kinh phí để xây dựng, nâng cấp phòng học, phòng học bộ môn và mua sắm thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu của Bộ GD&ĐT quy định.

- Tiếp tục tham mưu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trong giai đoạn 2021 - 2023 cho các trường thí điểm.

5. Một số cơ chế tăng tính tự chủ

Các trường trung học thí điểm được thực hiện các cơ chế sau:

a. Xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục: Được tự chủ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục nhà trường (bao gồm chương bành theo quy định của Bộ GD&ĐT và chương trình giáo dục tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực), phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và điều kiện thực tế của nhà trường.

b. Công tác tuyển sinh

- Đối tượng tuyển sinh: Được mở rộng phạm vi tuyển sinh theo hướng nâng cao chất lượng đầu vào ngoài việc thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo đúng quy chế về tuyển sinh các lớp đầu cấp của Bộ GD&ĐT, đảm bảo yêu cầu thực hiện tốt công tác phổ cập trên địa bàn.

- Phương án tuyển sinh: Được tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế nhằm tuyển được học sinh có chất lượng.

c. Thu hút đội ngũ

- Được mời các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên giỏi đã nghỉ hưu, nghệ nhân tiêu biểu,... tham gia giảng dạy một số nội dung thuộc chương trình tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

- Được xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn đối với giáo viên được tuyển dụng, luân chuyển về trường nếu giáo viên có nguyện vọng. Đối với trường dân tộc nội trú, quan tâm đến việc tuyển dụng, bố trí giáo viên là người dân tộc thiểu số nếu có các điều kiện tương đương các giáo viên khác.

- Được tăng tỷ lệ giáo viên được xét chiến sĩ thi đua cơ sở hàng năm, tỷ lệ tham gia các hội thi, kỳ thi các cấp; ưu tiên chỉ tiêu thi, xét nâng hạng giáo viên nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

- Cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập trong hoặc ngoài nước.

d. Huy động nguồn lực

- Được huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ, tài trợ cho việc tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

- Các trường phổ thông chất lượng cao được chủ động xây dựng mức thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo theo chương trình giáo dục tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực; đảm bảo tính tự nguyện, thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường; thực hiện Quy chế công khai do Bộ GD&ĐT quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tiến độ thực hiện

a. Năm học 2018 - 2019

Các đơn vị được chọn thí điểm xây dựng kế hoạch triển khai, trình Ban chỉ đạo phê duyệt. Việc xây dựng kế hoạch và phê duyệt hoàn thành trước 31/7/2019.

b. Từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2021 - 2022

- Triển khai đồng bộ các nội dung của Kế hoạch: Xây dựng chương trình giáo dục nhà trường và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; triển khai các giải pháp, cơ chế tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; rà soát nhu cầu để tham mưu các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục theo chương trình đã được phê duyệt.

- Hàng năm có sơ kết, đánh giá; Trong năm học 2020 - 2021 thực hiện sơ kết việc triển khai thực hiện kế hoạch.

c. Năm học 2022 - 2023

Tiếp tục thực hiện kế hoạch và tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch vào cuối năm học. Trên cơ sở đó xem xét việc nhân rộng hoặc không nhân rộng.

2. Kinh phí thực hiện

a. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch

- Nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ; nguồn ngân sách nhà nước bố trí hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, dự án, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nguồn ngân sách địa phương; nguồn thu của các cơ sở GDĐT; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa khác.

b. Tổng nhu cầu kinh phí: 85,692 tỷ đồng

(có phụ lục số 04 kèm theo)

Dự kiến cơ cấu nguồn kinh phí như sau:

- Nguồn kinh phí thực hiện đề án tin học và ngoại ngữ thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020: 7,25 tỷ đồng;

- Nguồn kinh phí đã dự kiến trong Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An: 50,41 tỷ đồng;

- Nguồn ngân sách (tỉnh và địa phương), nguồn thu của các cơ sở GDĐT, nguồn tài trợ và nguồn huy động hợp pháp khác để xây dựng 8 nhà đa chức năng (02 trường THPT và 6 trường THCS): 28,032 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách nhà nước xem xét hỗ trợ 50%: 14,016 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% đối với khối THPT: 3,504 tỷ đồng; Ngân sách huyện hỗ trợ 50% đối với khối THCS: 10,512 tỷ đồng);

+ Nguồn thu của các cơ sở GDĐT, nguồn xã hội hóa và nguồn huy động hợp pháp khác 50%: 14,016 tỷ đồng.

3. Phân công trách nhiệm

a. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

- Hướng dẫn các đơn vị tham gia thí điểm xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đã được Ban chỉ đạo phê duyệt.

- Hàng năm phối hợp các huyện rà soát nhu cầu bổ sung, thay thế cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tham mưu UBND tỉnh bổ sung.

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng từ nguồn đầu tư công trung hạn theo phân kỳ đầu tư, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn kinh phí thường xuyên.

- Chỉ đạo các trường được chọn xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trình UBND huyện/thành phố/thị xã (đối với các trường THCS) và Sở GD&ĐT (đối với các trường THPT) phê duyệt.

- Hằng năm tổ chức rà soát tiến độ, kết quả thực hiện, đối chiếu các yêu cầu của kế hoạch để tự đánh giá, đồng thời báo cáo UBND huyện/thành phố/thị xã (đối với các trường THCS) và Sở GD&ĐT (đối với các trường THPT).

- Huy động hiệu quả, đúng quy định về nguồn lực để thực hiện thành công kế hoạch có hiệu quả.

- Định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, phân công các thành viên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo từng đơn vị thí điểm; phối hợp các địa phương thực hiện sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện.

b. Sở Nội vụ

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp với Sở GD&ĐT để thực hiện Kế hoạch.

c. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn từng giai đoạn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn theo phân kỳ đầu tư và nghiên cứu lồng ghép các chương trình để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch.

d. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở GD&ĐT tạo căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh và nhiệm vụ của UBND tỉnh giao để tham mưu trình UBND tỉnh kinh phí thực hiện Kế hoạch.

e. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh bố trí đảm bảo quỹ đất cho các trường thực hiện Kế hoạch.

g. Sở Thông tin - Truyền thông

Phối hợp với Sở GD&ĐT tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, các tiêu chí, giải pháp thực hiện của trường trung học trọng điểm chất lượng cao nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân và các tổ chức xã hội; tuyên truyền về kết quả đạt được từ việc thí điểm nhằm khích lệ, động viên, tạo động lực các trường trung học khác tiếp tục phấn đấu.

h. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các phòng GDĐT hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đã được Ban chỉ đạo phê duyệt.

- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý trường THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn đảm bảo thực hiện thành công Kế hoạch. Hàng năm tổ chức đánh giá kết quả của việc thực hiện kế hoạch; xây dựng quy chế sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường thí điểm thuộc địa bàn quản lý.

- Giao tự chủ cho các cơ sở giáo dục theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Bố trí đủ định mức số lượng người làm việc cho các trường THCS thí điểm theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Huy động nguồn lực và cân đối nguồn kinh phí cấp huyện để thực hiện Kế hoạch.

Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch nếu có những vấn đề khó khăn, vướng mắc các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện báo cáo về Sở GD&ĐT để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- TTr tỉnh ủy (b/c)
- TTr HĐND tỉnh (b/c)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PVP VX UBND tỉnh
- Các Sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CV: VX, TH;
- Lưu: VT. UB (toàn).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Thông

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 306/KH-UBND ngày 23/05/2019 triển khai thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2023

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


19

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.155.253
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!