Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1902/QĐ-UBND 2022 Đề án chính sách tín dụng thanh niên khởi nghiệp Lâm Đồng

Số hiệu: 1902/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Đặng Trí Dũng
Ngày ban hành: 18/10/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1902/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG DÀNH CHO THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật của Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển thanh niên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lâm Đồng năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Theo đề nghị của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng; các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Ngân hàng CSXHVN;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lãnh đạo VP;
- Lưu: VT, TH3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Trí Dũng

 

ĐỀ ÁN

CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG DÀNH CHO THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành theo Quyết định số 1902/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 của y ban nhân dân tỉnh Lâm Đng)

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách tạo điều kiện cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với những chính sách đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp thành công; góp phần tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu thống kê của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 260 ngàn thanh niên (chiếm gần 20% dân số) là đoàn viên, hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hội viên Hội Sinh viên Việt Nam. Đây là nguồn nhân lực lớn tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thanh niên Lâm Đồng có tinh thần năng động, sáng tạo, xung kích, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, tiên phong trong việc triển khai các mô hình kinh tế mới, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Thực hiện Luật Thanh niên, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên; tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; kết nối, kêu gọi, khuyến khích các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 100 doanh nghiệp trẻ, mô hình câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên; trong đó có khoảng trên 30% các doanh nghiệp, mô hình, cơ sở sản xuất, trang trại do thanh niên làm chủ.

Triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, hàng năm Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đều tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” từ đó tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh, trao thưởng cho các ý tưởng, dự án tiềm năng, góp phần hiện thực hiện hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đồng thời cung cấp các kiến thức về khởi nghiệp và xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến đông đảo các tầng lớp sinh viên, thanh niên, tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế được các cấp, các ngành quan tâm; tính đến nay, tổng số vốn ủy thác cho vay qua Đoàn thanh niên toàn tỉnh trên 683.000 triệu đồng với gần 15.000 hộ vay. Trong đó, dự án thanh niên phát triển kinh tế được thụ hưởng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 83.000 triệu đồng với hơn 1.300 lao động là thanh niên; góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế, như:

- Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh thời gian qua mới dừng ở tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, tổ chức các sự kiện, tọa đàm, hội nghị, hội thảo kết nối. Mặc dù nhận thức đã được nâng lên đáng kể nhưng kết quả đạt được quy mô còn hạn chế, còn mang tính phong trào, công tác hỗ trợ chưa đi vào thực chất.

- Hoạt động hỗ trợ cho ý tưởng khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới chưa được quan tâm và phần lớn các ý tưởng đều khó khăn về nguồn vốn để triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Nguồn lực của các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp để triển khai ý tưởng còn yếu cần nhiều thời gian, công sức và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ mới có thể thực hiện được.

- Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do thanh niên làm chủ đa số là sản xuất nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu; chưa có nhiều mô hình sản xuất theo hướng chuyên môn, hàng hóa, chưa đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa; khả năng liên kết, xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa sâu rộng; đầu ra của sản phẩm còn khó khăn.

- Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho Đoàn thanh niên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho thanh niên đầu tư phát triển kinh tế.

Chính vì những lý do trên có thể thấy rằng để khởi nghiệp thành công, cần phải xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp, sự kết hợp của nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ, trong đó giải pháp hỗ trợ tài chính thông qua kênh tín dụng ưu đãi đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, việc xây dựng ban hành Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ” là cần thiết để hỗ trợ vốn cho thanh niên, doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển.

II. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Thanh niên ngày 16 tháng 6 năm 2020;

- Các Nghị định của Chính phủ: số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

- Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”; số 1331/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2021 ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030;

- Quyết định số 1113/QĐ-BNV ngày 17 tháng 10 năm 2021 của Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030;

- Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển thanh niên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030;

- Kế hoạch số 9025/KH-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025”

- Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lâm Đồng năm 2022;

- Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Mục tiêu của Đề án

2.1. Mục tiêu chung:

Hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho thanh niên vay để khởi nghiệp, lập nghiệp, qua đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên; khuyến khích khát vọng làm giàu chính đáng của tuổi trẻ trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình du lịch mới, đa dạng nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Năm 2022: hỗ trợ cho khoảng 60 thanh niên vay vốn để sản xuất, kinh doanh trong đó có ít nhất 05 dự án khởi nghiệp.

b) Giai đoạn 2023 - 2025: mỗi năm hỗ trợ cho 300 thanh niên vay vốn để sản xuất, kinh doanh trong đó có ít nhất 20 dự án khởi nghiệp.

c) Giai đoạn 2026 - 2030: mỗi năm hỗ trợ cho 500 thanh niên vay vốn để sản xuất, kinh doanh trong đó có ít nhất 50 dự án khởi nghiệp.

3. Phạm vi áp dụng

Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh; đặc biệt, tập trung tại các vùng nông thôn, đô thị có đông thanh niên; các lĩnh vực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

4. Cơ chế cho vay

4.1. Đối tượng cho vay:

a) Thanh niên Lâm Đồng đang sinh sống, học tập, lao động trong tỉnh có nhu cầu khởi nghiệp, có ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo; ưu tiên những dự án đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp (cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên), những dự án có sản phẩm mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới..., riêng các dự án phục vụ cộng đồng ưu tiên người lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

b) Các tổ chức do thanh niên thành lập và làm chủ (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh...) có nhu cầu vay vốn để thực hiện ý tưởng lập nghiệp, sản xuất kinh doanh.

4.2. Điều kiện vay vốn:

a) Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do thanh niên làm chủ (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh):

- Được thành lập và hoạt động hợp pháp;

- Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, duy trì hoặc thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;

- Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

- Có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có).

b) Đối với cá nhân thanh niên:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp, có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

- Cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

4.3. Mức cho vay:

a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án;

b) Đối với cá nhân thanh niên (người lao động), mức vay tối đa là 200 triệu đồng;

c) Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

4.4. Điều kiện bảo đảm tiền vay:

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có mức vay trên 200 triệu đồng trở lên phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.

4.5. Lãi suất cho vay:

a) Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động là thanh niên bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ nghèo.

b) Các trường hợp sau đây được cho vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay theo quy định tại điểm a khoản này:

- Người lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

c) Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

4.6. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

4.7. Phương thức cho vay và thẩm quyền phê duyệt hồ sơ vay vốn

a) Phương thức cho vay

- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh hoặc trụ sở Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện.

- Đối với người lao động là thanh niên: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp đến người lao động có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua tổ chức Đoàn thanh niên và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.

b) Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ vay vốn: Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay xem xét, phê duyệt.

4.8. Thủ tục và quy trình cho vay

Thực hiện các quy định về phương thức cho vay, hồ sơ cho vay, bảo đảm tiền vay, quy trình, thủ tục cho vay, thu nợ, thu lãi tiền vay, kiểm tra, đối chiếu nợ, cho vay lưu vụ, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy trình cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

4.9. Quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay, xử lý nợ bị rủi ro

Thực hiện theo Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

5. Nguồn vốn thực hiện Đề án

Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay thực hiện Đề án; Nguồn xã hội hóa, hỗ trợ phát triển hợp tác xã (nếu có).

6. Lộ trình thực hiện Đề án

Năm 2022 thực hiện thí điểm các Đoàn cấp xã (phường, thị trấn) có ít nhất 01 thanh niên được vay vốn khởi nghiệp và toàn tỉnh có ít nhất 05 ý tưởng khởi nghiệp trong cuộc thi đã được hội đồng giám khảo chấm đạt kết quả cao để thực hiện thí điểm cho vay. Từ năm 2023 trở đi tổng kết, đánh giá kết quả, triển khai nhân rộng các ý tưởng khởi nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Hiệu quả kinh tế

a) Khi được triển khai, Đề án sẽ có tác động trực tiếp đến đông đảo thanh niên có khát vọng khởi nghiệp là cơ sở để tạo việc làm cho thanh niên, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương; đặc biệt, là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ hoạt động hiệu quả sẽ được tạo ra, làm động lực cho các thanh niên làm giàu ngay tại chính mảnh đất quê hương; từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

b) Đề án là cơ sở kích thích khát vọng làm giàu chính đáng, xung kích trong phát triển kinh tế của thanh niên.

c) Đề án sẽ phát huy vai trò xây dựng tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp mới sáng tạo, đổi mới phương thức kinh doanh - sản xuất của thanh niên; hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, nâng cao vị thế của thanh niên trong việc góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng giàu mạnh.

2. Hiệu quả xã hội

a) Tạo ra kênh dẫn vốn tín dụng chính sách nhanh nhất, gần nhất đến với thanh niên đang thiếu vốn để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình, tác động tích cực đến tính năng động, sáng tạo của thanh niên.

b) Bổ sung nguồn vốn để thực hiện khởi nghiệp, lập nghiệp góp phần thực hiện, lồng ghép các nhiệm vụ chính trị tại địa phương có hiệu quả, tạo thêm sức mạnh cho thanh niên xung kích, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn lựa chọn, thẩm định các dự án sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân thanh niên để cho vay khi Đề án được phê duyệt.

b) Tổng hợp, nhu cầu cho vay đối với tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp gửi Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 7 hàng năm.

c) Hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

d) Tổ chức triển khai cho vay, thu hồi nợ vay theo đúng quy định.

đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Tỉnh đoàn Lâm Đồng

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền tới đoàn viên thanh niên trên toàn tỉnh về chương trình khởi nghiệp, lập nghiệp, chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với thanh niên khởi nghiệp; kết nối giữa thanh niên có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp với doanh nghiệp, doanh nhân và cơ quan quản lý nhà nước.

b) Xây dựng các kênh thông tin, website nhằm cung cấp thông tin trực tuyến hỗ trợ thanh niên trong quá trình thực hiện Đề án này.

c) Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học cho thanh niên.

d) Rà soát đối tượng vay vốn, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay tổ chức thẩm định dự án, phương án vay vốn theo quy định.

đ) Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc tiếp tục triển khai Đề án trong giai đoạn tiếp theo.

3. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp.

b) Thẩm định hồ sơ vay vốn bị rủi ro, để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đối với trường hợp quy mô của đợt xoá nợ vượt quá số dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác địa phương.

c) Kiểm tra việc phân phối, sử dụng lãi cho vay thu được từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn Lâm Đồng hỗ trợ:

- Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên về tư vấn hoàn thiện ý tưởng sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung để phát triển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo do thanh niên làm chủ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung;

- Tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, áp dụng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng;

- Tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về khởi nghiệp; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.

b) Tổ chức và tham gia giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp các cấp nhằm lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trình Hội đồng xét chọn ý tưởng, phương án khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm căn cứ hỗ trợ; hướng dẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng điều kiện để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

5. Sở Công thương

a) Hỗ trợ thanh niên xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thị trường; hỗ trợ thanh niên trong việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, các hoạt động xuất nhập khẩu.

b) Hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tỉnh tham gia các kênh bán lẻ, phân phối, hệ thống các siêu thị, hệ thống cửa hàng, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Đẩy mạnh việc hỗ trợ thanh niên trong trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận các cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến, sản xuất hàng hóa nông nghiệp; hỗ trợ việc thành lập, xây dựng các trang trại, cơ sở sản xuất tại các làng nghề theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa.

b) Thúc đẩy, xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của thanh niên.

c) Cử cán bộ tham gia thành viên Tổ tư vấn (hoặc Hội đồng chuyên gia tư vấn) hỗ trợ thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về khởi nghiệp và lập nghiệp nói chung và khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên nói riêng.

b) Phối hợp với Tỉnh Đoàn xây dựng cơ sở dữ liệu về ý tưởng, mô hình khởi nghiệp trong thanh niên.

8. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên.

b) Tổ chức công tác tập huấn, hướng dẫn thanh niên về nội dung và cách thức lập dự án khởi nghiệp theo hướng tập trung vào các ngành nghề có tiềm năng và khai thác thế mạnh của địa phương.

9. Sở Nội vụ

Phối hợp các sở, ban, ngành triển khai thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch kiểm tra, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện Đồ án.

10. Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa doanh nhân thành đạt, doanh nhân trẻ tiêu biểu với thanh niên, sinh viên vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hàng năm; kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp với thanh niên có khả năng, nhu cầu, ý tưởng khởi nghiệp.

b) Hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý, phát triển doanh nghiệp, đỡ đầu hoạt động của các câu lạc bộ thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, các cá nhân có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp được phê duyệt.

c) Vận động hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

d) Giới thiệu doanh nhân trẻ tiêu biểu tham gia Tổ tư vấn (Hoặc Hội đồng chuyên gia tư vấn) hỗ trợ thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp cho thanh niên.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với thanh niên; hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các cộng đồng thanh niên khởi nghiệp trong các lĩnh vực được xem là thế mạnh của địa phương để giao lưu, trao đổi, học hỏi và hỗ trợ nhau hoàn thiện các ý tưởng, các sản phẩm khởi nghiệp.

b) Hỗ trợ thanh niên trong đăng ký sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đầu tư.

c) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra sử dụng vốn, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng vốn đảm bảo hoàn thành kế hoạch thông báo; không để tình trạng tồn đọng vốn, xâm tiêu, chiếm dụng tiền gốc, tiền lãi các chương trình tín dụng ưu đãi. Đánh giá cụ thể kết quả đạt được khi triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ tín dụng chính sách cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn:

- Xác nhận đối với dự án, phương án vay vốn đảm bảo đúng qui trình, đúng đối tượng thụ hưởng.

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên tại địa phương về chủ trương, chính sách pháp luật về khởi nghiệp.

- Chịu trách nhiệm xác nhận trên dự án, phương án vay vốn và các hồ sơ liên quan đến vay vốn.

- Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Đoàn Thanh niên, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; kiểm tra hộ vay vốn bị rủi ro trên địa bàn.

- Có ý kiến về đề nghị xử lý rủi ro của người vay.

12. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng

a) Phối hợp với Tỉnh đoàn Lâm Đồng xây dựng phóng sự, tin, bài về các hoạt động khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh; nêu gương những doanh nghiệp trẻ, thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi.

b) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình về giới thiệu các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên, nghiên cứu phát sóng trên “khung giờ vàng” của Đài; kết nối với các Đài Truyền hình Trung ương giới thiệu các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên Lâm Đồng.

Trên đây là Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời phản ánh (báo cáo) về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1902/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 phê duyệt Đề án “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.053

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.207.115
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!