ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 312/KH-UBND
|
Bình Phước, ngày
13 tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 04-NQ/TU NGÀY 18/5/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ
TỈNH VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định
hướng đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới
Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình
Phước;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, giải pháp,
nhiệm vụ chuyển đổi số từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện,
với ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đã được Ban chấp hành Đảng
bộ tỉnh đã đề ra.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể và làm cơ sở để các sở,
ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số đảm bảo đồng bộ,
hiệu quả; xem doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá
trình chuyển đổi số.
2. Yêu cầu
- Triển khai đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.
- Phân công rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ thời
gian để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Các nhiệm vụ trọng tâm chuyển
đổi số
1.1. Lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm và các
khu công nghiệp; cải tạo, nâng cấp mạng 4G, phủ sóng 100% diện tích của tỉnh đảm
bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi.
a) Lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm và các khu
công nghiệp. Thời gian hoàn thành: Năm 2021.
b) Nâng cấp, phủ sóng mạng 4G trên toàn tỉnh. Thời
gian hoàn thành: Năm 2021.
c) Phủ sóng điện thoại 100% diện tích của tỉnh. Thời
gian hoàn thành: Năm 2022.
Sở Thông tin và Truyền thông; các doanh nghiệp (Viễn
thông Bình Phước, Viettel Bình Phước, Mobifone Bình Phước) chủ trì, phối hợp
các sở, ngành, các đơn vị liên quan.
1.2. Phát triển hạ tầng số; nâng cao các ứng dụng
phần mềm, tính tiện ích và đơn giản, thuận lợi cho người sử dụng. Định hướng
phát triển ứng dụng phần mềm dùng chung, kết nối được với bộ, ngành Trung ương.
a) Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn
định, an toàn, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ cấp xã đến Trung ương. Thực
hiện thường xuyên.
b) Xây dựng các nền tảng dùng chung (quản lý văn bản,
điều hành tác nghiệp, Cổng dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử, app IOC -
Trung tâm Điều hành thông minh...) và cơ sở dữ liệu dùng chung. Thời gian thực
hiện: Giai đoạn 2022-2025.
c) Xây dựng hạ tầng kết nối IoT phục vụ quản lý đô
thị, giao thông, điện, nước; nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử; nền
tảng định danh và xác thực trên thiết bị di động trên địa bàn tỉnh. Thời
gian hoàn thành: Năm 2022.
d) Triển khai thí điểm các ứng dụng, dịch vụ chuyển
đổi số, từ đó phát triển nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Thời gian hoàn thành:
Năm 2022.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các
sở, ngành liên quan; các doanh nghiệp (Viễn thông Bình Phước, Viettel Bình Phước,
Mobifone Bình Phước).
1.3. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu;
thực hiện liên thông dọc và ngang giữa các cấp, các ngành để chia sẻ dữ liệu và
giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; mọi hoạt động hành chính của các cấp,
các ngành đều thực hiện trên môi trường điện tử để 100% hồ sơ công việc được số
hóa đầu vào, tạo điều kiện cho việc số hóa các bước triển khai tiếp theo.
a) Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu;
thực hiện liên thông dọc và ngang giữa các cấp, các ngành để chia sẻ dữ liệu và
giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến:
- Hoàn thiện nền tảng LGSP tích hợp, chia sẻ, liên
thông các hệ thống thông tin từ cấp xã đến bộ, ngành Trung ương. Thời gian
hoàn thành: Năm 2022.
- Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây của các cơ
quan nhà nước tại các sở, ngành kết nối nền tảng đám mây Chính phủ. Thời
gian thực hiện: Giai đoạn 2022-2025.
- Xây dựng nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động
cho mọi dịch vụ, tiện ích trong chính quyền số cho người dân và doanh nghiệp. Thời
gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2023.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các
sở, ngành liên quan; UBND cấp huyện, cấp xã; các doanh nghiệp (Viễn thông Bình
Phước, Viettel Bình Phước, Mobifone Bình Phước).
b) Mọi hoạt động hành chính của các cấp, các ngành
đều thực hiện trên môi trường điện tử để 100% hồ sơ công việc được số hóa đầu
vào, tạo điều kiện cho việc số hóa các bước triển khai tiếp theo.
Số hóa dữ liệu hành chính các cấp thực hiện trên
môi trường điện tử, trực tuyến đạt 100%. Thời gian thực hiện: Giai đoạn
2022- 2024.
Các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã chủ trì,
phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông; các doanh nghiệp, tập đoàn về công nghệ
thông tin cung cấp thiết bị, phần mềm và các dịch vụ tiện ích khác.
1.4. Xây dựng kế hoạch và chính sách thu hút, bồi
dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
a) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân
lực công nghệ thông tin. Thời gian hoàn thành: Năm 2021.
Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Giáo dục và Đào tạo.
b) Xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực công
nghệ thông tin. Thời gian hoàn thành: Năm 2021.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan.
c) Tích cực tìm kiếm đối tác (các trường đại học, tập
đoàn công nghệ) trong phối hợp đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực công nghệ thông
tin. Thời gian hoàn thành: năm 2022.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan.
1.5. Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an
ninh mạng
a) Hoàn thiện xác định cấp độ đối với các hệ thống
thông tin trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Thời
gian hoàn thành: Năm 2021.
b) Xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an
toàn mạng phục vụ Chính quyền số. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
c) Xây dựng hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố
an toàn thông tin mạng. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
d) Xây dựng hệ thống thẩm định an ninh mạng, kiểm
tra an ninh mạng, đánh giá điều kiện an ninh mạng, giám sát an ninh mạng, ứng
phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng về
an ninh quốc gia theo quy định. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; các đơn vị
liên quan; các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, về cung cấp thiết
bị, phần mềm và các dịch vụ tiện ích khác.
1.6. Triển khai các giải pháp tăng cường kỹ năng sử
dụng các ứng dụng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Thời
gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
a) Tháo gỡ cản trở về thói quen, hành vi của cán bộ,
công chức, viên chức trên môi trường số:
- Xây dựng quy chế gắn trách nhiệm người đứng đầu
trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số ở đơn vị mình phụ trách; Tiên
phong gương mẫu trong việc ứng dụng công nghệ số trong công việc và sinh hoạt.
- Tập huấn, đào tạo cho cán bộ công chức, viên chức
tăng cường kỹ năng hiểu, sử dụng các hệ thống, công cụ và ứng dụng kỹ thuật số,
từ đó nâng cao năng lực giải quyết công việc, thủ tục hành chính, giao dịch
trên môi trường số.
b) Tháo gỡ cản trở về thói quen, hành vi của người
dân trên môi trường số:
- Rà soát thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công
trực tuyến cho người dân theo hướng rõ, nhanh, dễ hiểu, dễ thực hiện.
- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho người dân về
kỹ năng số bằng nhiều hình thức phù hợp, linh động, sáng tạo;
- Hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành
chính trực tuyến, thực hiện các giao dịch thanh toán nghĩa vụ thuế, tiền điện,
nước, viễn thông... trên môi trường điện tử.
- Hỗ trợ nông dân mua bán, giao dịch trên môi trường
số.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các
sở, ngành liên quan; UBND cấp huyện.
1.7. Phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số:
- Tạo điều kiện, môi trường chính sách thông thoáng
để thúc đẩy thương mại điện tử.
- Xây dựng thí điểm các cơ chế hợp tác công tư
trong nghiên cứu, phát triển các nền tảng công nghệ thông tin, khai thác cơ sở
dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
- Xúc tiến thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo của
tỉnh; tích cực tìm kiếm đối tác hợp tác, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, thử nghiệm
các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các
sở, ngành liên quan; UBND cấp huyện. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022-
2025.
2. Các lĩnh vực ưu tiên chuyển
đổi số
2.1. Lĩnh vực quản lý Dân cư
a) Triển khai các giải pháp để bổ sung, cập nhật
thường xuyên thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, bảo đảm
thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống” một cách bền vững và lâu dài, cung cấp dữ
liệu chính xác cho các sở, ngành, địa phương.
b) Kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh với Cơ sở
dữ liệu Quốc gia về dân cư để giải quyết các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng
dịch vụ công của tỉnh phục vụ chính quyền số, kinh tế số.
Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì,
phối hợp các đơn vị liên quan. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021- 2025.
2.2. Lĩnh vực Tài nguyên, môi trường
a) Hoàn thành việc đo giải thửa, xây dựng dữ liệu đất
đai toàn tỉnh. Thời gian hoàn thành: Năm 2022.
b) Phát triển ứng dụng chuyên ngành, hoàn thiện cơ
sở dữ liệu đất đai. Thời gian hoàn thành: Năm 2022.
c) Hoàn thiện hệ thống bản đồ nền GIS làm nền tảng
phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế số, xã hội số. Thời gian thực
hiện: Giai đoạn 2022- 2024.
d) Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động ở 100% khu, cụm
công nghiệp và một số điểm cần thiết. Thời gian hoàn thành: Năm 2022.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở
Thông tin và Truyền thông; các đơn vị liên quan.
2.3. Lĩnh vực quản lý Giáo dục
a) Triển khai các nền tảng dạy và học trực tuyến; số
hóa giáo trình, chia sẻ tài nguyên giảng dạy. Phát triển các nền tảng kết nối
nhà trường và phụ huynh. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021- 2022.
b) Số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục
và Đào tạo. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2023.
c) Triển khai đề án trường học thông minh tại các cấp
học. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021- 2025.
d) Xây dựng Cổng thông tin điện tử liên thông từ
trường đến Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo. Thời gian hoàn thành: Năm 2022.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ
quan quản lý giáo dục, các trường học; các đơn vị liên quan.
2.4. Lĩnh vực quản lý Y tế
a) Phát triển dữ liệu về y tế, thực hiện số hóa
trong ngành Y tế; liên thông chia sẻ dữ liệu với các cơ sở y tế trong toàn quốc.
Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021- 2023.
b) Triển khai các nền tảng khám chữa bệnh từ xa, cấp
đơn thuốc bảo hiểm từ xa; kết nối đến các bệnh viện: Chợ Rẫy, Đại học Y dược
Thành phố Hồ Chí Minh, các hệ thống hỗ trợ từ xa của Trung ương. Thời gian
thực hiện: Giai đoạn 2021-2022.
c) Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên nền
tảng số, cơ sở dữ liệu dân cư. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2023.
d) Triển khai thí điểm bệnh viện thông minh, hệ thống
quản trị y tế thông minh. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023- 2024.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông; các đơn vị liên quan.
2.5. Lĩnh vực quản lý Tài chính - Ngân hàng
a) Nội dung thực hiện đối với Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước:
- 100% các dịch vụ công đủ điều kiện được nâng cấp
lên mức 4.
- 90% hồ sơ công việc được lưu trữ trên môi trường
mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước).
- Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát được thực
hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin ngân hàng nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước
chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan, đơn vị liên
quan. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
b) Nội dung thực hiện đối với các chi nhánh ngân
hàng trên địa bàn tỉnh
- Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép
khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; Ít nhất 50% người dân
trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
- Ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của
ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng
của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động.
- Ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được
thực hiện thông qua các kênh số.
- Ít nhất 70% hồ sơ công việc tại các tổ chức tín dụng
được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước).
Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ trì,
phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước, các đơn vị liên
quan. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
2.6. Lĩnh vực quản lý Nông nghiệp
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về thổ nhưỡng,
vùng trồng, chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp;
số hóa lĩnh vực thủy lợi nước sạch nông thôn, chăn nuôi, lâm nghiệp…các sản phẩm
nông nghiệp chủ lực của tỉnh (điều, cao su, tiêu, cà phê, cây ăn trái...), các
sản phẩm được chứng nhận OCOP. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2023.
b) Xây dựng chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã, hộ
nông dân ứng dụng công nghệ 4.0, IoT trong sản xuất, tham gia các sàn thương mại
điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021-
2022.
c) Hoàn thành thực hiện số hóa trong ngành Nông
nghiệp. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan.
2.7. Lĩnh vực quản lý Giao thông
a) Phát triển các nền tảng quản lý giao thông thông
minh, quản lý hạ tầng logistics, quản lý phương tiện và giấy phép người điều
khiển phương tiện giao thông.
b) Thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành
Giao thông vận tải. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2023.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn
vị liên quan.
2.8. Lĩnh vực Năng lượng
- Hoàn thiện hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn, cảnh
báo lũ, cảnh báo xả nước điều tiết hồ chứa thủy điện và xây dựng bản đồ số vùng
hạ du tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ số trong
lĩnh vực năng lượng nhằm quản lý tình hình sản xuất và phục vụ dự báo, giám
sát, kiểm tra, điều hành thủy điện. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022-
2023.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan.
2.9. Lĩnh vực Sản xuất công nghiệp
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về số hóa ngành công nghiệp
- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách
về chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chuyển đổi số. Thời
gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan.
3. Các mô hình thí điểm chuyển
đổi số toàn diện
Triển khai các mô hình thí điểm về chuyển đổi số
theo định hướng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó rà soát, đánh giá, lựa
chọn mô hình tiêu biểu để nhân rộng nhanh chóng, hiệu quả.
3.1. Mô hình doanh nghiệp
a) Tham mưu chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực
hiện chuyển đổi số. Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên
quan. Thời gian hoàn thành: Năm 2021.
b) Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh: Số
hóa toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh; ứng dụng các nền tảng quản trị
doanh nghiệp thông minh; từng bước triển khai nền tảng IoT vào các khâu trong sản
xuất thông minh.
c) Phát triển mô hình kinh doanh mới: dựa trên công
nghệ số, thương mại điện tử; mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại
điện tử xuyên biên giới; cung ứng các sản phẩm theo cá thể hóa ...
Công ty Cổ phần Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và
Nông nghiệp Hải Vương; Công ty Cổ phần Becamex - Bình Phước; Công ty TNHH MTV
Cao su Bình Phước; Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé; Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến
thiết và Dịch vụ tổng hợp Bình Phước chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông; các sở, ban, ngành liên quan; các doanh nghiệp, tập đoàn về công nghệ
thông tin cung cấp thiết bị, phần mềm và các dịch vụ tiện ích khác. Thời
gian thực hiện: Giai đoạn 2022- 2025.
3.2. Mô hình Hợp tác xã
Tham mưu kế hoạch triển khai mô hình Hợp tác xã thí
điểm chuyển đổi số toàn diện (Hợp tác xã Tiêu hữu cơ Lộc Quang - huyện Lộc
Ninh, Hợp tác xã Phước Thiện - huyện Bù Đốp).
Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở
Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành liên quan; các doanh nghiệp công
nghệ thông tin cung cấp thiết bị, phần mềm và các dịch vụ tiện ích khác. Thời
gian thực hiện: Giai đoạn 2021- 2022.
3.3. Mô hình cơ quan hành chính
- Xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện
các cơ quan hành chính theo mô hình chính quyền số cấp tỉnh.
Văn phòng Tỉnh ủy; Sở Thông tin và Truyền thông;
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Ban Quản lý khu Kinh tế;
các sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Giáo dục, Công
Thương, Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các doanh
nghiệp, các đơn vị liên quan.
Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021- 2023.
3.4. Mô hình cấp huyện, cấp xã
Xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số toàn
diện các cơ quan hành chính theo mô hình chính quyền số cấp huyện, cấp xã, cụ
thể:
- Cấp huyện: Thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước
Long, huyện Lộc Ninh.
- Cấp xã: Phường Tân Bình và phường Tân Phú (thành
phố Đồng Xoài); phường Long Thủy, phường Long Phước và xã Phước Bình, xã Phước
Tín (thị xã Phước Long); xã Lộc Thiện, xã Lộc Thái, xã Lộc Hưng và xã Lộc Thịnh
(huyện Lộc Ninh); phường Phú Đức, phường Phú Thịnh, Phường An Lộc, phường Hưng
Chiến và xã Thanh Lương (thị xã Bình Long); thị trấn Chơn Thành, xã Minh Hưng,
xã Minh Lập, xã Minh Thành và xã Nha Bích (huyện Chơn Thành).
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đồng Xoài, Phước
Long, Lộc Ninh, Bình Long, Chơn Thành chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông và các cơ quan liên quan. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021- 2023.
3.5. Mô hình ở các ngành, địa phương còn lại
Căn cứ vào Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ của
từng ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, đồng bộ với lộ
trình chuyển đổi số của ngành, của tỉnh và tình hình thực tế tại đơn vị.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện: 3.715 tỷ đồng (Bằng
chữ: Ba nghìn, bảy trăm mười lăm tỷ đồng), trong đó:
- Ngân sách nhà nước: 1.885 tỷ đồng. Trong đó:
+ Nguồn đầu tư công: 1.450 tỷ đồng.
+ Nguồn thu sử dụng đất: 355 tỷ đồng (chi sự nghiệp
thường xuyên).
+ Nguồn sự nghiệp: 80 tỷ đồng.
- Ngân sách Xã hội hóa: 1.830 tỷ đồng, trong đó:
+ Nguồn từ Doanh nghiệp viễn thông: 1.610 tỷ đồng.
+ Từ người dân và các thành phần kinh tế khác: 220
tỷ đồng.
* Cụ thể như sau:
- Nguồn đầu tư công giai đoạn 2021-2025:
+ Dự án đầu tư thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu
xây dựng chính quyền số, địa phương thông minh tỉnh giai đoạn 2022-2025: 446 tỷ
(Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 02/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh).
+ Dự án đầu tư hệ thống loa thông minh cho các xã,
phường, thị trấn: 60 tỷ (Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 02/7/2021 của Hội đồng
nhân dân tỉnh).
+ Dự án xây dựng hệ thống trường học thông minh
trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025: 739 tỷ đồng (Nghị quyết số
18/NQ-HĐND ngày 02/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, vốn ngân sách trung ương
hỗ trợ).
+ Dự án đầu tư hệ thống giám sát giao thông, an
ninh trên địa bàn tỉnh: 55 tỷ đồng (Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 02/7/2021 của
Hội đồng nhân dân tỉnh).
+ Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế khám chữa bệnh
và phẫu thuật từ xa: 150 tỷ đồng (Quyết định số 1791/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của
Ủy ban nhân dân tỉnh).
- Nguồn thu sử dụng đất:
+ Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính
và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2020-2022: 355 tỷ đồng (trích 10% từ
nguồn thu sử dụng đất, Quyết định số 1232/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 của Ủy ban
nhân dân tỉnh).
- Nguồn đầu tư PPP:
+ Dự kiến khoảng 100 tỷ đồng (các dự án kêu gọi
hợp tác công tư như: camera an ninh, giao thông, các bảng led quảng cáo công cộng,
các dịch vụ từ việc khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung...).
- Nguồn chi sự nghiệp hàng năm: 80 tỷ đồng (dự
kiến mỗi năm 20 tỷ đồng để chi trả cho các dịch vụ thuê hằng năm và cho các nhiệm
vụ phát sinh).
- Nguồn xã hội hóa:
+ Hạ tầng 5G: 360 tỷ đồng (khoảng 300 trạm).
+ Hạ tầng 4G: 600 tỷ đồng(khoảng 500 trạm).
+ Hạ tầng phủ sóng thông tin di động khu vực biên
giới: 150 tỷ đồng (khoảng 50 trạm).
+ Hạ tầng cáp quang tới hộ gia đình: 500 tỷ đồng
(khoảng 5.000 km cáp quang).
+ Nguồn huy động hợp pháp khác: 120 tỷ đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của
tỉnh (Ban Chỉ đạo)
Đôn đốc, điều phối chung việc triển khai thực hiện
kế hoạch này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Thực hiện vai trò thường trực Ban chỉ đạo; chủ động
tham mưu điều phối, sắp xếp, bố trí lịch trình cụ thể hàng tuần, hàng tháng của
Ban chỉ đạo để triển khai, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện Kế hoạch
đúng tiến độ, đạt hiệu quả.
- Hướng dẫn, giám sát các cơ quan, đơn vị đầu tư ứng
dụng công nghệ thông tin đảm bảo tuân thủ kiến trúc khung chính quyền điện tử của
tỉnh, việc kết nối liên thông và triển khai xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu,
tích hợp dùng chung giữa các hệ thống kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu trong cơ
quan nhà nước của tỉnh và Trung ương.
- Định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, Ủy
ban nhân dân tỉnh về tiến độ công việc hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Chú trọng
và tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo đối với lĩnh vực hoạt động
công nghệ thông tin; đảm bảo mục tiêu, nội dung, tiến độ theo kế hoạch đã đề
ra.
3. Sở Tài chính
Tùy theo khả năng thu ngân sách tỉnh tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí, thực hiện thẩm định, quyết toán đúng
theo Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí
đầu tư thực hiện đáp ứng nhu cầu đề ra hàng năm và theo giai đoạn; thực hiện thẩm
định theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
5. Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước
- Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết
số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch này.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên
địa bàn tỉnh tuyên truyền chuyển đổi số trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh
tế số, xã hội số.
6. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng các chương
trình, kế hoạch triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý.
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được
phân công, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ
liên ngành, các dự án về nền tảng công nghệ dùng chung của toàn tỉnh; đảm bảo
tính đồng bộ, kết nối, và chia sẻ dữ liệu.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền
thông và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
7. Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông
tin trên địa bàn tỉnh
- Tham gia làm nòng cốt triển khai các nhiệm vụ, giải
pháp tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội
số trong Kế hoạch này.
- Chủ động, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số
trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ
công nghệ lõi, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
- Chủ động tư vấn mô hình thí điểm chuyển đổi số
toàn diện cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
8. Các doanh nghiệp, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh
Căn cứ vào nguồn lực thực tế của doanh nghiệp, chủ
động triển khai các nội dung sau:
- Khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu phát triển,
làm chủ công nghệ lõi, xây dựng nền tảng công nghệ số dùng chung, phát triển hệ
sinh thái số cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu,
phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ số.
- Chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản
xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của doanh nghiệp.
- Chủ động triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số
toàn diện của ngành, lĩnh vực.
V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
1. Hàng tháng, các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực
hiện các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện
định kỳ hàng tháng (ngày 15 hàng tháng) gửi báo cáo về Sở Thông tin và Truyền
thông tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Sở
Thông tin và Truyền thông xếp lịch họp Ban chỉ đạo về tình hình thực hiện Kế hoạch
này.
2. Định kỳ 6 tháng (15/6), hàng năm (ngày 15/12), tất
cả các sở, ban, ngành, địa phương gửi báo cáo tình hình chuyển đổi số của cơ
quan, đơn vị về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban
nhân dân tỉnh.
3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông ban hành các mẫu
báo cáo để các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh;
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị có liên quan căn cứ Kế
hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ TT&TT;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Các cơ quan báo chí của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp viễn thông;
- LĐVP; các Phòng;
- Lưu: VT, KGVX, TD26.
|
CHỦ TỊCH
Trần Tuệ Hiền
|