BỘ
CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/2024/TT-BCT
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2024
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ THÔNG TƯ CỦA BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG THƯƠNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỀU ĐỘ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA VÀ THỊ
TRƯỜNG ĐIỆN
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
ngày 20 tháng 11 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
Luật Đầu tư; Luật Nhà ở; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật
Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022;
Căn cứ Nghị định
số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công
Thương; Nghị định số 105/2024/NĐ-CP ngày 01
tháng 8 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công
Thương và Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28
tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện
lực Việt Nam;
Căn cứ Nghị định
số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
Theo đề nghị của
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực;
Bộ trưởng Bộ
Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ
Công Thương liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia và thị trường
điện.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 45/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và
sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương
quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán
điện (sau đây viết tắt là Thông tư số 45/2018/TT-BCT)
1. Sửa đổi khoản 4 Điều 17 như sau:
“4. Trước
ngày 25 tháng 10 hằng năm, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có
trách nhiệm lấy ý kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị phát điện, đơn vị mua
buôn điện về kế hoạch vận hành thị trường điện năm tới.
Các đơn vị
trên có trách nhiệm gửi ý kiến về kế hoạch vận hành thị trường điện năm tới cho
Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trước ngày 05 tháng 11 hằng năm.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường
điện hoàn thiện tính toán và trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định và thông
qua kế hoạch vận hành thị trường điện năm tới (bao gồm kết quả tính toán, các số
liệu đầu vào và thuyết minh tính toán) trước ngày 15 tháng 11 hằng năm.
2. Bổ sung khoản 12 Điều 52 như sau:
“12. Các ràng buộc
về bao tiêu nhiên liệu của các nhà máy điện BOT do Tập đoàn Điện lực Việt Nam
cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.”.
3. Bổ sung khoản 11 Điều 58 như sau:
“11. Các ràng buộc
về bao tiêu nhiên liệu của các nhà máy điện BOT do Tập đoàn Điện lực Việt Nam
cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.”.
4. Sửa đổi khoản 3 Điều 72 như sau:
“3. Đơn vị
mua buôn điện có trách nhiệm thu thập số liệu đo đếm giao nhận trong phạm vi quản
lý bao gồm cả việc cung cấp số liệu điện mặt trời mái nhà và gửi về kho số liệu
đo đếm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị
trường điện.”.
5. Bổ sung Điều 132a như sau:
“Điều
132a. Trách nhiệm của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện
1. Đầu tư,
xây dựng, lắp đặt và nâng cấp Hệ thống thông tin thị trường điện và các phần mềm
phục vụ thị trường điện phù hợp với yêu cầu quy định tại Thông tư này.
2. Thực hiện
kiểm tra và công nhận các chức danh tham gia công tác vận hành thị trường điện
của đơn vị đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo
các quy định có liên quan.
3. Hướng dẫn
các đơn vị thành viên thị trường điện về trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thị
trường điện theo quy định tại Thông tư này và nâng cấp Trang thông tin điện tử
thị trường điện để các đơn vị phát điện nộp hồ sơ đăng ký tham gia thị trường
điện theo hình thức trực tuyến.”.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 40/2014/TT-BCT
ngày 05 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quy trình điều
độ hệ thống điện quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2014/TT-BCT)
1. Sửa đổi khoản 8 Điều 3 như sau:
“8. Chứng
nhận vận hành là giấy chứng nhận do Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia,
cấp điều độ có quyền điều khiển hoặc điều độ cấp trên cấp cho các chức danh tại
các cấp điều độ, trạm điện, nhà máy điện và trung tâm điều khiển tham gia trực
tiếp công tác điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia sau khi được đào tạo và
kiểm tra.”.
2. Sửa đổi khoản 1 Điều 5 như sau:
“1. Cấp điều
độ quốc gia là cấp chỉ huy, điều độ cao nhất trong công tác điều độ hệ thống điện
quốc gia. Cấp điều độ quốc gia do Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia đảm nhiệm.”.
3. Sửa đổi khoản 4 Điều 6 như sau:
“4. Đối với
các trường hợp đặc thù, tùy theo tình hình thực tế, Đơn vị điều độ hệ thống điện
quốc gia phân cấp cụ thể quyền điều khiển, quyền kiểm tra.”.
4. Sửa đổi khoản 5 và bổ sung khoản 7, khoản 8 Điều 26
như sau:
“5. Quản
lý vận hành hệ thống SCADA/EMS, hệ thống viễn thông, thông tin và các hệ thống
khác thuộc tài sản của cấp điều độ quốc gia.
7. Thực hiện
ký kết thỏa thuận về hệ thống rơ le bảo vệ và tự động theo Quy định Hệ thống điện
truyền tải và Quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công Thương ban hành.
8. Thực hiện
ký kết thỏa thuận điều độ vận hành đường dây liên kết trong trường hợp mua bán
điện qua biên giới.”.
5. Bổ sung khoản 10 Điều 31 như sau:
“10. Thực
hiện trang bị, lắp đặt các mạch liên động, sa thải phụ tải, sa thải đặc biệt
theo yêu cầu của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia để đảm bảo vận hành an
toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia.”
6. Bổ sung khoản 10 Điều 32 như sau:
“10. Thực
hiện trang bị, lắp đặt các mạch liên động, sa thải phụ tải, sa thải đặc biệt
theo yêu cầu của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia để đảm bảo vận hành an
toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia.”
7. Sửa đổi Điều 36 như sau:
“Điều 36.
Tính toán phương thức vận hành hệ thống điện năm tới
Việc tính
toán phương thức vận hành hệ thống điện năm tới bao gồm các nội dung chính sau:
1. Kế hoạch
đưa công trình mới vào vận hành.
2. Sơ đồ kết
dây cơ bản hệ thống điện.
3. Dự báo
phụ tải hệ thống điện.
4. Đánh giá an
ninh hệ thống điện; thông báo khả năng thiếu hụt công suất, sản lượng điện
năng.
5. Kế hoạch
bảo dưỡng, sửa chữa nguồn điện và lưới điện.
6. Kế hoạch
thử nghiệm, thí nghiệm trong quá trình vận hành thiết bị.
7. Kế hoạch
huy động nguồn điện cho ít nhất hai kịch bản thủy văn.
8. Kế hoạch
huy động tổ máy phát điện cung cấp dịch vụ phụ trợ (nếu có).
9. Kế hoạch
cung cấp khí cho phát điện.
10. Kế hoạch
vận hành lưới điện truyền tải, phân phối thuộc quyền điều khiển.”.
8. Sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 37 như sau:
“2. Đối với
việc tính toán phương thức vận hành hệ thống điện tháng tới, tuần tới, ngày tới,
giờ tới, Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia lựa chọn các nội dung tính toán
cho phù hợp với thay đổi của các yếu tố đầu vào nhằm đảm bảo an ninh hệ thống
điện.
3. Phương thức
vận hành hệ thống điện quốc gia
a) Phương thức
vận hành hệ thống điện quốc gia năm tới
- Phương thức
vận hành hệ thống điện quốc gia năm tới là cơ sở cho công tác điều hành, giám
sát đảm bảo cung cấp điện, bao gồm các nội dung chính sau: dự báo nhu cầu phụ tải
điện; kế hoạch huy động nguồn điện; kế hoạch vận hành lưới điện truyền tải; các
ràng buộc nguồn, lưới điện và cung cấp nhiên liệu;
- Trước
ngày 15 tháng 10 hàng năm, Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm
hoàn thành và trình Cục Điều tiết điện lực phương thức vận hành hệ thống điện
quốc gia năm tới;
- Trước
ngày 15 tháng 11 hàng năm, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm trình Bộ Công
Thương phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia năm tới;
b) Phương thức
vận hành hệ thống điện quốc gia tháng tới, tuần tới và các phương thức đặc biệt
do cấp điều độ quốc gia lập và trình Cục Điều tiết điện lực thông qua;
c) Phương thức
vận hành hệ thống điện quốc gia ngày tới do cấp điều độ quốc gia lập và phê duyệt.”.
9. Sửa đổi khoản 4 và khoản 7 Điều 41 như sau:
“4. Trước
ngày 20 tháng 11 hàng năm, cấp điều độ quốc gia có trách nhiệm phê duyệt và
công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của mình sơ đồ kết dây cơ bản của
hệ thống điện quốc gia để áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm tới.
7. Trong quá
trình vận hành, khi xét thấy sơ đồ kết dây cơ bản không còn phù hợp, các
cấp điều độ lập sơ đồ kết dây mới của hệ thống điện thuộc quyền điều khiển gửi
cho điều độ cấp trên trực tiếp để xem xét và có ý kiến. Đơn vị Điều độ hệ thống
điện quốc gia có trách nhiệm phê duyệt sơ đồ kết dây mới của hệ thống điện quốc
gia trong phương thức vận hành tháng và tuần; Đơn vị phân phối điện có trách
nhiệm phê duyệt sơ đồ kết dây mới của hệ thống điện phân phối thuộc quyền điều
khiển của cấp điều độ phân phối tỉnh trong phương thức vận hành tháng và tuần.”.
10. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 114 như sau:
“1. Đơn vị
Điều độ hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm quản lý công tác kiểm tra và cấp
Chứng nhận vận hành cho các chức danh trực tiếp tham gia công tác điều độ, vận
hành theo quy định tại Quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận vận hành cho các chức
danh trực tiếp tham gia công tác điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia do Cục
Điều tiết điện lực ban hành.
2. Cấp điều
độ quốc gia có trách nhiệm tổ chức kiểm tra và cấp Chứng nhận vận hành cho các
chức danh trực tiếp tham gia công tác điều độ, vận hành tại Cấp điều độ quốc
gia, cấp điều độ miền, nhà máy điện, trạm điện thuộc quyền điều khiển theo quy
định tại Quy trình Kiểm tra và cấp chứng nhận vận hành cho các chức danh trực
tiếp tham gia công tác điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia do Cục Điều tiết
điện lực ban hành.”.
11. Sửa đổi khoản 2 Điều 115 như sau:
“2. Sau khi thực
hiện đào tạo đầy đủ nội dung và thời gian theo quy định, Cấp điều độ quốc gia
có trách nhiệm tổ chức kiểm tra và cấp Chứng nhận vận hành cho các chức danh trực
tiếp tham gia công tác điều độ, vận hành trước khi công nhận chức danh cụ thể
cho nhân viên vận hành thuộc cấp điều độ quốc gia.”
12. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 135 như sau:
“b) Tổ chức
kiểm tra và giám sát việc thực hiện đào tạo và cấp Chứng nhận vận hành của các
cấp điều độ và Đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại Chương
VII Thông tư này và Quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận vận hành cho các
chức danh trực tiếp tham gia công tác điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia
do Cục Điều tiết điện lực ban hành;
13. Sửa đổi khoản 2 Điều 135 như sau:
“2. Các đơn vị
được quy định tại Điều 2 của Thông tư có trách nhiệm thực
hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Thông tư này.”.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 23/2017/TT-BCT
ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình
tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện
1. Sửa đổi khoản 5 Điều 2 như sau:
“5. Đơn vị
điều độ hệ thống điện quốc gia.”.
2. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 10 như sau:
“1. Tập
đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các Đơn vị phân phối điện đánh
giá nhu cầu thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện theo quy định tại
Thông tư này.
2. Trách nhiệm
của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia:
a) Đánh giá nhu cầu
thực hiện điều chỉnh phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện
miền và các Đơn vị phân phối điện cho năm tới, tháng tới và tuần tới. Nội dung
đánh giá nhu cầu thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong hệ thống
điện quốc gia và hệ thống điện miền là một phần của kế hoạch vận hành hệ thống
điện quốc gia năm tới, tháng tới và tuần tới được lập theo Quy định hệ thống điện
truyền tải và Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban
hành;
b) Báo cáo Cục
Điều tiết điện lực kết quả đánh giá nhu cầu thực hiện điều chỉnh phụ tải điện
trong hệ thống điện quốc gia năm tới, tháng tới và tuần tới trong kế hoạch vận
hành hệ thống điện quốc gia được lập theo Quy định hệ thống điện truyền tải và
Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành;
c) Thông báo cho
các Đơn vị phân phối điện kết quả đánh giá nhu cầu thực hiện điều chỉnh
phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện miền trong kế hoạch vận
hành hoặc phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia năm tới, tháng tới và tuần
tới theo Quy định hệ thống điện truyền tải và Quy trình điều độ hệ thống điện
quốc gia do Bộ Công Thương ban hành.”
3. Bổ sung khoản 5 Điều 11 như sau:
“5. Tập
đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các Đơn vị phân phối điện xây dựng
kế hoạch thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện theo quy định tại
Thông tư này, xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình điều chỉnh phụ
tải điện cho năm tới và báo cáo Cục Điều tiết điện lực trước ngày 15 tháng 12
hàng năm.”
Điều 4. Sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư số 25/2016/TT-BCT
ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về hệ thống điện
truyền tải (sau đây viết tắt là Thông tư số 25/2016/TT-BCT)
1. Sửa đổi khoản 17 Điều 3 như sau:
“17. Đơn vị
vận hành hệ thống điện và thị trường điện là đơn vị chỉ huy, điều khiển quá
trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia
và điều hành giao dịch trên thị trường điện.”.
2. Bổ sung khoản 7 Điều 60 như sau:
“7. Trong trường
hợp có khả năng thừa nguồn, cấp điều độ có quyền điều khiển có quyền thực hiện
ngay việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đang phát lên lưới theo
đúng các quy định hiện hành đảm bảo tần số hệ thống điện nằm trong dải quy định,
hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.
Mức điều
tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện và loại hình nhà máy điện phải
tiết giảm do cấp điều độ có quyền điều khiển tính toán và công bố phù hợp với
cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng miền, mức dự
phòng dịch vụ phụ trợ cần thiết tại thời điểm phải tiết giảm theo nguyên tắc
minh bạch giữa các loại hình nguồn điện.”.
3. Sửa đổi khoản 3 Điều 92 như sau:
“3. Đánh giá an
ninh hệ thống điện bao gồm các nội dung tính toán, phân tích và công bố
tổng công suất nguồn khả dụng dự kiến, dự báo nhu cầu phụ tải của hệ thống điện,
đánh giá độ tin cậy và khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phụ tải hệ thống điện,
các cảnh báo an ninh hệ thống điện và các yêu cầu khác về an ninh hệ thống điện.
Đánh giá an ninh hệ thống điện bao gồm đánh giá an ninh trung hạn và ngắn hạn
được quy định như sau:
a) Đánh giá an
ninh hệ thống điện trung hạn bao gồm:
- Đánh giá an
ninh hệ thống điện tháng tới và các tháng còn lại của năm: Được thực hiện
để đánh giá khả năng đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia cho tháng tới và
các tháng còn lại của năm, đơn vị thời gian tính toán là tháng;
- Đánh giá an
ninh hệ thống điện năm tới (năm N+1) có xét đến 1 năm tiếp theo: được thực
hiện để đánh giá khả năng đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia cho năm tới
(N+1) và một năm tiếp theo (năm N+2), đơn vị thời gian tính toán là tháng;
- Đánh giá an
ninh hệ thống điện tới năm N+5: được thực hiện để đánh giá khả năng đảm
bảo an ninh hệ thống điện quốc gia cho năm N+3, năm N+4 và năm N+5, đơn vị tính
toán là năm.
b) Đánh giá an
ninh hệ thống điện ngắn hạn:
- Đánh giá an
ninh hệ thống điện ngày: được thực hiện để đánh giá khả năng đảm bảo an ninh
hệ thống điện quốc gia cho 14 ngày tới, đơn vị tính toán là giờ;
- Đánh giá an
ninh hệ thống điện tuần: được thực hiện để đánh giá khả năng đảm bảo an
ninh hệ thống điện quốc gia trong các tuần còn lại của tháng hiện tại và các tuần
của tháng tới, đơn vị thời gian tính toán là tuần.”.
Điều 5. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 22/2017/TT-BCT
ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định khởi động đen
và khôi phục hệ thống điện quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 22/2017/TT-BCT)
1. Sửa đổi khoản 2 Điều 3 như sau:
“2. Cấp
điều độ quốc gia là cấp chỉ huy, điều độ cao nhất trong công tác điều độ hệ
thống điện quốc gia.”.
2. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 9 như sau:
“1. Tham gia góp
ý, xây dựng Phương án khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia
do cấp điều độ quốc gia lập hoặc cập nhật, sửa đổi.
2. Chỉ đạo
các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện Phương án khởi động đen và khôi phục
hệ thống điện quốc gia do Cấp điều độ quốc gia lập và đã được Cục Điều tiết điện
lực thông qua.”.
3. Sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 10 như sau:
“2. Hằng
năm, lập Phương án khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia có cấp điện
áp từ 220 kV trở lên và cập nhật, sửa đổi khi có thay đổi lớn về nguồn điện và
lưới điện làm thay đổi đáng kể các phương án này, lấy ý kiến của Tập đoàn Điện
lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan trước khi báo cáo Cục Điều tiết điện lực
thông qua.
3. Lập, bổ
sung danh sách các nhà máy điện cung cấp dịch vụ khởi động đen phù hợp với
Phương án khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia; loại bỏ những nhà
máy điện không thể duy trì khả năng khởi động đen và không còn cần thiết trong
Phương án khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia, cung cấp thông tin
cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và báo cáo Cục Điều tiết điện lực để xem xét
trình Bộ Công Thương công bố danh sách các nhà máy điện cung cấp dịch vụ khởi động
đen.”.
Điều 6. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 34/2011/TT-BCT
ngày 07 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc lập và
thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện
(sau đây viết tắt là Thông tư số 34/2011/TT-BCT)
1. Sửa đổi khoản 2 Điều 2 như sau:
“2. Đơn vị
Điều độ hệ thống điện quốc gia.”.
2. Sửa đổi khoản 6 và khoản 7 Điều 3 như sau:
“6. Đánh giá
an ninh hệ thống ngắn hạn được quy định tại Quy định hệ thống
điện truyền tải do Bộ Công Thương ban hành.
7. Đánh giá an
ninh hệ thống trung hạn được quy định tại Quy định hệ thống
điện truyền tải do Bộ Công Thương ban hành.”.
3. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 9 như sau:
“a) Thực
hiện tiết giảm điện đối với khách hàng sử dụng điện trừ các khách hàng sử dụng
điện quan trọng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;”.
4. Sửa đổi Điều 10 như sau:
“Điều 10.
Kế hoạch phân bổ sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia năm tới
1. Căn cứ
kế hoạch vận hành hệ thống điện năm tới được duyệt, trường hợp hệ thống điện quốc
gia có nguy cơ thiếu điện năng, Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm
tính toán kế hoạch phân bổ sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia năm tới
theo tháng cho các tổng công ty điện lực theo phương pháp quy định tại Điều 5 Thông tư này và gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời
báo cáo Cục Điều tiết điện lực để theo dõi và giám sát thực hiện.
2. Kế hoạch
phân bổ sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia năm tới gồm các nội dung sau:
a) Thời
gian dự kiến áp dụng phân bổ sản lượng điện;
b) Nhu cầu
sản lượng điện đầu nguồn của từng tổng công ty điện lực trong các tháng hệ thống
điện quốc gia thiếu điện năng;
c) Điện
năng khả dụng của hệ thống điện quốc gia từng tháng trong giai đoạn hệ thống điện
quốc gia thiếu điện năng;
d) Sản lượng
điện phân bổ theo tháng cho từng tổng công ty điện lực trong giai đoạn thiếu điện
năng tương ứng với điện năng khả dụng của hệ thống từng tháng.”.
5. Sửa đổi khoản 1 Điều 11 như sau:
“1. Căn cứ
kế hoạch phân bổ sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia năm tới do Đơn vị Điều
độ hệ thống điện quốc gia tính toán, các Tổng công ty điện lực Miền Bắc, Miền
Trung, Miền Nam có trách nhiệm tính toán, phân bổ sản lượng điện theo tháng cho
các công ty điện lực cấp tỉnh trực thuộc theo phương pháp quy định tại Điều 6 Thông tư này, đồng thời báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt
Nam và Cục Điều tiết điện lực để theo dõi và giám sát thực hiện.”.
6. Sửa đổi khoản 1 Điều 12 như sau:
“1. Căn cứ
phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng tới được duyệt, trường hợp
tháng tới hệ thống điện quốc gia thiếu điện năng, Đơn vị Điều độ hệ thống điện
quốc gia thực hiện phân bổ sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia tháng tới
theo tuần cho các tổng công ty điện lực và gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng
thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để theo dõi và giám sát thực hiện.
Trường hợp
tháng tới hệ thống điện quốc gia hoặc hệ thống điện miền bị thiếu công suất,
Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm xác định công suất khả dụng
của hệ thống, tổng công suất cực đại đầu nguồn phân bổ cho các tổng công ty điện
lực theo tuần theo phương pháp quy định tại Điều 7 Thông tư
này.”.
7. Sửa đổi Điều 13 như sau:
“Điều
13. Kế hoạch cung ứng điện tại địa phương tháng tới
1. Trường
hợp tháng tới hệ thống điện quốc gia thiếu điện năng, căn cứ trên kế hoạch phân
bổ sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia tháng tới, Tổng công ty điện lực
Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam phải thực hiện phân bổ sản lượng điện từng tuần
trong tháng tới cho các công ty điện lực cấp tỉnh trực thuộc theo phương pháp
quy định tại Điều 6 Thông tư này, công bố trên trang thông
tin điện tử của đơn vị, đồng thời báo cáo Tập đoàn điện lực Việt Nam và Cục Điều
tiết điện lực để theo dõi và giám sát thực hiện.
2. Trường
hợp tháng tới hệ thống điện quốc gia thiếu điện năng, căn cứ trên kế hoạch cung
ứng điện tại địa phương năm được duyệt theo quy định tại Điều 11 Thông tư này
và sản lượng điện được Tổng công ty điện lực miền phân bổ trong tháng tới, các
công ty điện lực cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch cung ứng điện tại địa
phương trong tháng tới trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
3. Trường
hợp tháng tới hệ thống điện quốc gia thiếu điện năng, căn cứ trên kế hoạch cung
ứng điện tại địa phương năm được duyệt theo quy định tại Điều 11 Thông tư này
và kế hoạch phân bổ sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia tháng tới được
duyệt, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội và Tổng công ty điện lực thành phố
Hồ Chí Minh có trách nhiệm lập kế hoạch cung ứng điện tại địa phương trong
tháng tới trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
4. Kế hoạch
cung ứng điện tại địa phương trong tháng tới được lập theo nguyên tắc quy định
tại Điều 9 Thông tư này và phải bao gồm các nội dung sau:
a) Danh sách
khách hàng sử dụng điện quan trọng;
b) Sản lượng
điện phân bổ cho các thành phần phụ tải điện và các khách hàng lớn sử dụng điện
phân phối và các đơn vị phân phối và bán lẻ điện;
c) Phương thức
điều hoà, tiết giảm điện đối với các thành phần phụ tải điện và các khách hàng
sử dụng điện lớn.
5. Sở Công
Thương có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố
kế hoạch cung ứng điện tại địa phương trong tháng tới.”.
8. Sửa đổi Điều 14 như sau:
“Điều
14. Lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện tuần tại địa phương
1. Trường
hợp hệ thống điện quốc gia thiếu điện năng, trước 11h00 ngày thứ Sáu tuần W,
căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia tuần được duyệt, Tổng công ty
điện lực miền có trách nhiệm hoàn thành việc lập kế hoạch phân bổ sản lượng điện
cho các công ty điện lực cấp tỉnh trực thuộc trong tuần W+2 và cập nhật, điều
chỉnh kế hoạch phân bổ sản lượng điện tuần W+1 nếu cần thiết, đồng thời báo cáo
Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Điều tiết điện lực để theo dõi và giám sát thực
hiện.
2. Trường
hợp hệ thống điện quốc gia thiếu điện năng, trước 16h00 ngày thứ Sáu tuần W,
căn cứ kế hoạch phân bổ sản lượng điện của Tổng công ty điện lực miền, công ty
điện lực cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn thành kế hoạch cung ứng điện cho tuần W+2
và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện tuần W+1 nếu cần thiết, báo cáo
Sở Công Thương tại địa phương để theo dõi và giám sát thực hiện.
3. Trước
16h00 ngày thứ Sáu tuần W, căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia tuần
được duyệt, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty điện lực thành
phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm hoàn thành kế hoạch cung ứng điện cho tuần W+2
và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện tuần W+1 nếu cần thiết, báo cáo
Sở Công Thương tại địa phương để theo dõi và giám sát thực hiện.
4. Kế hoạch
cung ứng điện tuần tại địa phương được lập theo nguyên tắc quy định tại Điều 9
Thông tư này và căn cứ trên kế hoạch cung ứng điện tháng tại địa phương đã được
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, có xét đến những thay đổi về nhu cầu phụ tải
điện tại địa phương trong các tuần trước đó.
5. Kế hoạch
cung ứng điện tuần tại địa phương bao gồm các nội dung sau:
a) Sản lượng
điện được phân bổ cho tuần W+1 và tuần W+2;
b) Kế hoạch
cung ứng điện hàng ngày trên địa bàn tỉnh, thành phố bao gồm:
- Sản lượng
điện phân bổ cho các thành phần phụ tải;
- Danh mục
khách hàng sử dụng điện lớn bị tiết giảm điện;
- Sản lượng
điện bị tiết giảm hàng ngày đối với các thành phần phụ tải điện, các khách hàng
lớn sử dụng lưới điện phân phối và đơn vị phân phối và bán lẻ điện;
- Các khu vực
bị tiết giảm điện;
- Thời
gian dự kiến tiết giảm điện.”.
9. Sửa đổi Điều 15 như sau:
“Điều 15.
Kế hoạch phân bổ công suất của hệ thống điện quốc gia
1. Trường
hợp hệ thống điện quốc gia có nguy cơ thiếu công suất theo kết quả đánh giá an
ninh hệ thống ngắn hạn, Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm:
a) Xác định
công suất khả dụng của hệ thống điện quốc gia từng ngày trong 02 tuần tới, mức
thiếu hụt công suất hàng ngày và khoảng thời gian thiếu hụt công suất;
b) Tính toán kế
hoạch phân bổ công suất cho các tổng công ty điện lực theo phương pháp quy định
tại Điều 7 Thông tư này, thông báo cho Tập đoàn Điện lực Việt
Nam, các tổng công ty Điện lực và báo cáo Cục Điều tiết điện lực, đồng thời
công bố trên trang thông tin điện tử hệ thống điện tình trạng thiếu công suất
và kế hoạch phân bổ công suất cho các tổng công ty điện lực.
2. Kế hoạch
phân bổ công suất cho các tổng công ty điện lực bao gồm các nội dung sau:
a) Khoảng
thời gian hệ thống điện quốc gia thiếu công suất;
b) Công suất
khả dụng của hệ thống điện quốc gia từng ngày trong tuần;
c) Công suất
phân bổ cho các tổng công ty điện lực;
d) Ước
tính lượng công suất sẽ tiết giảm hàng ngày toàn hệ thống.”.
10. Sửa đổi Điều 16 như sau:
“Điều 16.
Lập và thực hiện kế hoạch tiết giảm công suất tại địa phương
1. Trường hợp
hệ thống điện quốc gia thiếu công suất, trước 9h00 ngày thứ Sáu tuần W, căn cứ
trên tính toán kế hoạch phân bổ công suất do Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc
gia công bố, các Tổng công ty điện lực Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam có
trách nhiệm hoàn thành việc thực hiện phân bổ công suất cho tuần W+2 và cập nhật,
điều chỉnh mức công suất phân bổ tuần W+1 cho các công ty điện lực cấp tỉnh trực
thuộc theo phương pháp quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Trước
16h00 ngày thứ Sáu tuần W, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty
điện lực thành phố Hồ Chí Minh và các công ty điện lực cấp tỉnh có trách nhiệm
hoàn thành kế hoạch tiết giảm công suất tại địa phương cho tuần W+2 và cập nhật,
điều chỉnh kế hoạch tiết giảm công suất tuần W+1 theo nguyên tắc quy định tại
Điều 9 Thông tư này và báo cáo Sở Công Thương tại địa phương để theo dõi và
giám sát thực hiện theo quy định.
3. Trường
hợp công suất thực tế vận hành theo giờ của các tổng công ty điện lực và các
công ty điện lực cấp tỉnh lớn hơn công suất phân bổ theo kế hoạch thì Đơn vị Điều
độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị điều độ hệ thống điện miền được phép thực
hiện các biện pháp sa thải phụ tải khẩn cấp để đảm bảo an ninh hệ thống điện.”.
11. Sửa đổi Điều 17 như sau:
“Điều
17. Phân bổ công suất và tiết giảm điện khi xảy ra thiếu công suất cục bộ
1. Trường
hợp có nguy cơ xảy ra nghẽn mạch trên lưới điện truyền tải dẫn đến thiếu công
suất cục bộ hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn vận hành hệ thống điện, Đơn vị điều độ
hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm:
a) Xác định
các khu vực thiếu công suất cục bộ và các khu vực có nguy cơ không đảm bảo tiêu
chuẩn vận hành hệ thống điện, khoảng thời gian xảy ra thiếu công suất cục bộ;
b) Xác định
công suất cực đại có thể cung cấp cho khu vực thiếu công suất và ước tính lượng
công suất thiếu hụt;
c) Tính toán kế
hoạch phân bổ công suất tại khu vực thiếu công suất cục bộ cho các tổng công ty
điện lực chịu ảnh hưởng, đồng thời gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và báo cáo Cục
Điều tiết điện lực để theo dõi và giám sát thực hiện.
3. Trước
9h00 ngày thứ Sáu tuần W, các tổng công ty điện lực miền trong khu vực thiếu
công suất cục bộ có trách nhiệm hoàn thành việc thực hiện phân bổ công suất cho
tuần W+2 và cập nhật, điều chỉnh mức công suất phân bổ tuần W+1 cho các công ty
điện lực cấp tỉnh trực thuộc chịu ảnh hưởng căn cứ kế hoạch phân bổ công suất tại
khu vực thiếu công suất cục bộ được duyệt, đồng thời báo cáo Tập đoàn Điện lực
Việt Nam để theo dõi và giám sát thực hiện.
4. Trước
16h00 ngày thứ Sáu tuần W, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty
điện lực thành phố Hồ Chí Minh và các công ty điện lực cấp tỉnh trong khu vực
thiếu công suất cục bộ có trách nhiệm hoàn thành kế hoạch tiết giảm công suất tại
địa phương cho tuần W+2 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch tiết giảm công suất tuần
W+1 theo nguyên tắc quy định tại Điều 9 Thông tư này và báo cáo Sở Công Thương
tại địa phương để theo dõi và giám sát thực hiện.
5. Trong quá
trình điều độ vận hành hệ thống điện, Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc
gia và các đơn vị điều độ hệ thống điện miền được phép thực hiện các biện pháp
sa thải phụ tải khẩn cấp để đảm bảo an ninh hệ thống điện trong các trường hợp
sau đây:
a) Trong trường
hợp khẩn cấp khi xảy ra nghẽn mạch trên lưới điện truyền tải dẫn đến nguy cơ
thiếu công suất cục bộ hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn vận hành hệ thống điện;
b) Công suất
thực tế vận hành theo giờ của các tổng công ty điện lực và các công ty điện lực
cấp tỉnh lớn hơn công suất được phân bổ theo kế hoạch.”.
Điều 7. Sửa đổi khoản
6 Điều 1 của Thông tư số 39/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện truyền tải, Thông tư số
39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
hệ thống điện phân phối và Thông tư số 30/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2019
sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện truyền tải và Thông tư
số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
hệ thống điện phân phối như sau:
“6. Sửa đổi
khoản 18 Điều 1 như sau:
“18. Sửa đổi
Điều 74 như sau:
“Điều 74.
Xác định nhu cầu dịch vụ phụ trợ
1. Nguyên tắc
chung để xác định nhu cầu dịch vụ phụ trợ, bao gồm:
a) Đảm bảo
duy trì mức dự phòng điện năng và công suất của hệ thống điện để đáp ứng các
tiêu chuẩn vận hành và an ninh hệ thống điện;
b) Đảm bảo
chi phí tối thiểu phù hợp với các điều kiện, ràng buộc trong hệ thống điện quốc
gia.
2. Đơn vị
vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm xác định và trình nhu
cầu dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện quốc gia theo Quy trình xác định nhu cầu
và vận hành dịch vụ phụ trợ do Cục Điều tiết điện lực ban hành.”.
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 46/2018/TT-BCT
ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 21/2015/TT-BCT ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương quy định phương pháp xác định giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện,
trình tự kiểm tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện
1. Sửa đổi, bổ sung khoản
9 Điều 1 như sau:
“9. Sửa đổi,
bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều
14. Tổ chức thực hiện
1. Cục Điều
tiết điện lực có trách nhiệm:
a) Thẩm định,
trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt giá dịch vụ phụ trợ của nhà máy điện
cung cấp dịch vụ phụ trợ khởi động nhanh, dịch vụ phụ trợ vận hành phải phát
thường xuyên để đảm bảo an ninh hệ thống điện, dịch vụ phụ trợ điều chỉnh điện
áp và dịch vụ phụ trợ khởi động đen;
b) Kiểm
tra Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ;
c) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện Thông tư này và giải quyết các tranh chấp phát sinh
liên quan.
2. Tập
đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:
a) Thỏa
thuận, thống nhất giá dịch vụ phụ trợ của nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ
với Đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định giá
dịch vụ phụ trợ đã thỏa thuận với Đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ;
b) Đàm phán, ký kết
hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ với Đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ; trình Cục
Điều tiết điện lực kiểm tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ.
3. Đơn vị
vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm:
a) Lập
danh sách nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ;
b) Thỏa
thuận và phê duyệt lịch sửa chữa cho nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ trên
cơ sở thời gian sửa chữa thực tế hạng mục tương tự của nhà máy và tiêu chuẩn của
nhà chế tạo thiết bị.
4. Đơn vị
cung cấp dịch vụ phụ trợ khởi động nhanh, dịch vụ phụ trợ vận hành phải phát để
đảm bảo an ninh hệ thống điện, dịch vụ phụ trợ điều tần, dịch vụ phụ trợ điều
chỉnh điện áp, dịch vụ phụ trợ khởi động đen có trách nhiệm:
a) Đàm phán, ký kết
hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ;
b) Cung cấp
đầy đủ các thông tin; đảm bảo tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu, tài
liệu cung cấp cho các đơn vị, cơ quan liên quan trong quá trình đàm phán và kiểm
tra hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ.”.”.
2. Sửa đổi khoản 11 Điều 1 như sau:
“11. Sửa đổi
khoản 2 Điều 2 Hợp đồng mẫu cung cấp dịch vụ phụ trợ ban hành
kèm theo Thông tư số 21/2015/TT-BCT như sau:
“2. Thời hạn
Hợp đồng
Trừ khi
gia hạn hoặc chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn quy định tại Điều
9 Hợp đồng này, Hợp đồng có thời hạn do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy
định của pháp luật.”.”.
Điều 9. Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, điểm, khoản của Thông tư số
45/2018/TT-BCT , Thông tư số 24/2019/TT-BCT , Thông tư số 22/2017/TT-BCT , Thông
tư số 34/2011/TT-BCT và Thông tư số 25/2016/TT-BCT
1. Bãi bỏ khoản 5 Điều 17, khoản 2, khoản 3 Điều 132 và khoản 3 Điều 133
Thông tư số 45/2018/TT-BCT.
2. Bãi bỏ khoản 3 Điều 9 Thông tư số 22/2017/TT-BCT.
3. Thay thế
cụm từ “Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia” tại phần “Nơi nhận” của Thông
tư số 24/2019/TT-BCT thành cụm từ: “Đơn vị Điều
độ hệ thống điện quốc gia”.
4. Thay thế
cụm từ “Tập đoàn Điện lực Việt Nam” tại Điều 20 Thông tư số
34/2011/TT-BCT thành cụm từ “Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia”.
5. Thay thế
cụm từ “Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia” tại khoản 2
Điều 2 và phần “Nơi nhận” của Thông tư số 34/2011/TT-BCT thành cụm từ “Đơn
vị điều độ hệ thống điện quốc gia”.
6. Bãi bỏ Điều 93, Điều 94 và Điều 95 Thông tư số 25/2016/TT-BCT.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
2. Giấy chứng
nhận vận hành và quyết định về việc công nhận các chức danh tham gia công tác
điều độ, vận hành hệ thống điện, thị trường điện được cấp theo quy định tại
Thông tư số 40/2014/TT-BCT và Thông tư số 45/2018/TT-BCT trước khi Thông tư này có hiệu lực
tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn đã được cấp.
3. Trong thời hạn 06 tháng tính từ ngày ban hành Thông tư này, Đơn vị vận
hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm căn cứ vào các quy định tại
Điều 1 Thông tư này để rà soát, hiệu
chỉnh các quy trình quy định tại khoản 1 Điều 132 Thông tư
số 45/2018/TT-BCT và trình Cục Điều tiết điện
lực xem xét ban hành.
4. Trong quá
trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
phản ánh về Cục Điều tiết điện lực để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc
báo cáo Bộ Công Thương giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ
tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao;
- Toà án Nhân dân Tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Các Tổng công ty Điện lực;
- Lưu: VT, ĐTĐL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trương Thanh Hoài
|