Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 224/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Dương Xuân Huyên
Ngày ban hành: 06/12/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 12 năm 2023

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

1. Thông tin chung

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc; tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 8.310,18 km2, dân số 802,1 nghìn người, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 83,91%; đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh, địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại giữa các địa bàn còn khó khăn. Tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố, với 200 xã, phường, thị trấn; có 02 cửa khẩu quốc tế (đường bộ Hữu Nghị và đường sắt Ga quốc tế Đồng Đăng), 01 cửa khẩu song phương Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lạng Sơn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, là cửa ngõ giao thương về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Hệ thống khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh bao gồm: 04 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và 200 trạm y tế tuyến xã. Ngoài ra, hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang phát triển mạnh gồm 13 phòng khám đa khoa và gần 300 phòng khám chuyên khoa.

Trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách phát triển phục hồi chức năng (PHCN). Hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế ngày càng phát triển rộng khắp từ tuyến trung ương đến tuyến xã. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 bệnh viện chuyên khoa PHCN (Bệnh viện PHCN), 02 bệnh viện có khoa PHCN[1], 10 TTYT huyện có khoa hoặc liên khoa PHCN[2]. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm việc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, PHCN và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật (NKT), việc công tác quản lý và chăm sóc NKT đã trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên tại trạm y tế cấp xã. Chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh PHCN và năng lực cung cấp dịch vụ ngày càng được cải thiện.

2. Thực trạng công tác PHCN và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch quốc gia phát triển PHCN giai đoạn 2014 - 2020

2.1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

Từ năm 2014 đến nay, để bảo đảm công tác PHCN cho NKT và triển khai PHCN cho NKT, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, Chương trình theo từng năm và từng giai đoạn[3]. Theo đó, Sở Y tế và các cơ quan liên quan đã phát huy tốt công tác phối hợp nhằm bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch và tiến độ.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, Sở Y tế đã triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác PHCN đến các cơ sở khám chữa bệnh để làm căn cứ triển khai thực hiện tại đơn vị.

2.2. Triển khai PHCN dựa vào cộng đồng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13.880 NKT, chiếm 1,716% trên tổng dân số toàn tỉnh, trong đó: NKT dưới 16 tuổi có 101 người, NKT từ 60 tuổi trở lên có 4.353 người, khuyết tật về vận động có 5.888 người, khuyết tật nghe nói 978 người, khuyết tật nhìn có 1.218 người, khuyết tật thần kinh, tâm thần có 2.230 người, khuyết tật trí tuệ có 1.532 người và khuyết tật khác có 1.582 người. Theo mức độ khuyết tật: khuyết tật đặc biệt nặng có 3.485 người, khuyết tật nặng có 8.758 người và NKT tật nhẹ là 369 người.

Sở Y tế đã giao Bệnh viện PHCN là đơn vị đầu mối lập kế hoạch, triển khai Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng (DVCĐ) trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ năm 2014 - 2020, Bệnh viện PHCN triển khai chương trình khám sàng lọc đến 53 xã/10 huyện, với tổng số người được khám là 2.000 người và 1.050 NKT đã được cấp phát các dụng cụ trợ giúp. Tổng số NKT trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ cấp phát các dụng cụ trợ giúp là 2.834 người, chiếm 20,4% số NKT.

Đến nay, 100% các huyện triển khai hoạt động PHCN DVCĐ; đồng thời công tác PHCN DVCĐ được thực hiện tại 200/200 xã, phường, thị trấn lồng ghép với hoạt động thực hiện Tiêu chí quốc gia về y tế xã. Ngay từ đầu năm, các trạm y tế đã xây dựng kế hoạch khám, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ giúp cho NKT trên địa bàn quản lý. 100% các trạm y tế có cán bộ y tế thực hiện khám, phát hiện và phụ trách thống kê, tổng hợp quản lý, hướng dẫn PHCN cho NKT.

Công tác tuyên truyền được tổ chức lồng ghép chương trình PHCN DVCĐ với các chương trình mục tiêu y tế - dân số, từ đó tạo điều kiện cho NKT có khả năng hòa nhập với cộng đồng.

Công tác phối hợp liên ngành trong công tác quản lý và chăm sóc NKT: đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế, UBND cấp huyện thực hiện tuyên truyền, rà soát, tổ chức khám sàng lọc, PHCN và hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ giúp cho NKT trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp người dân biết cách chủ động phát hiện, phòng ngừa khuyết tật và những NKT được hưởng đầy đủ hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Công tác đào tạo, tập huấn công tác PHCN DVCĐ: đã tổ chức được 15 lớp tập huấn, với 513 học viên là nhân viên y tế tại các cơ sở y tế. 100% các trạm y tế được tập huấn về PHCN DVCĐ, qua đó giúp cán bộ y tế nâng cao năng lực, kỹ năng phát hiện sớm các dạng khuyết tật thường gặp, biết hướng dẫn NKT tại cộng đồng các kỹ thuật thích nghi, cách sử dụng các dụng cụ PHCN để NKT độc lập thực hiện trong sinh hoạt và có cơ hội hoà nhập xã hội.

Nguồn kinh phí thuộc Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã được triển khai trong giai đoạn 2014 - 2020 là 900 triệu đồng, trong đó:

Nguồn ngân sách nhà nước

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Trung ương

0

0

0

200

200

150

150

Địa phương

0

0

0

0

0

100

100

Tổng cộng

0

0

0

200

200

250

250

2.3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

Công tác quản lý, phát triển hệ thống, mạng lưới PHCN được quan tâm và triển khai rộng khắp tại các cơ sở y tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 04 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có 01 bệnh viện chuyên khoa PHCN với quy mô 108 giường bệnh và 02 bệnh viện có khoa PHCN[4]; 10 TTYT huyện có khoa hoặc liên khoa PHCN. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm việc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, PHCN và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT, công tác quản lý và chăm sóc NKT đã trở thành những nhiệm vụ thường xuyên tại các trạm y tế.

Căn cứ tình hình thực tế về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị vật tư các cơ sở y tế đã triển khai các dịch vụ kỹ thuật về PHCN theo quy định tại Thông tư số 24/2021/TT-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ sở PHCN:

- Tại Bệnh viện PHCN: tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN theo phân tuyến được phê duyệt/tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN đạt 92%.

- Tại 02 bệnh viện tuyến tỉnh có khoa PHCN: tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN theo phân tuyến được phê duyệt/tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN đạt khoảng 45%.

- Tại các TTYT huyện: tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN theo phân tuyến được phê duyệt/tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN đạt khoảng 27 - 45%.

Tuy nhiên, các kỹ thuật PHCN đang thực hiện chủ yếu là về vật lý trị liệu, vận động trị liệu; các kỹ thuật PHCN khác như: hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu chưa được các cơ sở y tế quan tâm và triển khai do chưa có cán bộ được đào tạo, chưa có trang thiết bị để thực hiện.

Công tác khám chữa bệnh PHCN và chăm sóc sức khỏe NKT được duy trì thực hiện thường xuyên tại các cơ sở y tế, bảo đảm đúng theo quy trình chuyên môn. Các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới được triển khai, áp dụng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh PHCN và chăm sóc sức khỏe NKT trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng NKT được tiếp cận các dịch vụ PHCN còn hạn chế do nhân lực phụ trách lĩnh vực PHCN tại tuyến cơ sở còn ít, NKT chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin để tìm kiếm các phương pháp thông qua hệ thống thông tin truyền thông.

Nhằm phát triển các kỹ thuật mới về PHCN, trong giai đoạn 2014 - 2020 đã có 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về lĩnh vực PHCN. Đây là một con số còn hạn chế thể hiện mức độ quan tâm còn thấp và chưa đánh giá cao công tác PHCN đối với sức khoẻ người bệnh.

Hàng năm, Bệnh viện PHCN đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chỉ đạo tuyến về PHCN đến các cơ sở y tế, qua đó nhiều kỹ thuật mới về PHCN được chuyển giao, chất lượng PHCN được nâng lên. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế được hướng dẫn rà soát các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến đang được triển khai, từ đó căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ kỹ thuật mới thực hiện phù hợp với mô hình bệnh tật và điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực sẵn có nhằm đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh PHCN nói chung, cũng như phát triển và nâng cao chất lượng công tác PHCN DVCĐ nói riêng.

Tuy nhiên, số lượng cơ sở y tế được trang bị các thiết bị chuyên ngành về PHCN cơ bản còn ít cả về số lượng và danh mục, các thiết bị hiện có chủ yếu là máy vật lý trị liệu (máy điện xung, kéo giãn cột sống, hồng ngoại…), do đó đáp ứng được nhu cầu điều trị chưa cao. Các thiết bị chuyên sâu về PHCN như sóng ngắn, siêu âm, laser nội mạch… hầu hết chưa được đầu tư và trang bị đồng đều ở các cơ sở y tế tuyến huyện và xã. Chưa có phần mềm quản lý về NKT, chủ yếu danh sách NKT do y tế thôn bản cung cấp, TTYT huyện, thành phố quản lý.

2.4. Về nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực luôn là vấn đề tiên quyết trong việc phát triển hệ thống PHCN đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh. Nhằm bảo đảm nguồn nhân lực PHCN đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu về hành nghề, đáp ứng xu thế phát triển PHCN trong nước, đặc biệt là nhu cầu PHCN của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận ngày càng tăng, các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ PHCN đã chủ động tăng cường cử cán bộ y tế tham gia đào tạo bác sỹ chuyên khoa PHCN, bác sỹ chuyên khoa khác có bổ sung hoạt động chuyên môn PHCN, kỹ thuật viên và điều dưỡng có đào tạo về PHCN.

Trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng số nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN là 258 người, trong đó tuyến tỉnh 30 người (12 bác sỹ, 18 kỹ thuật viên); tuyến huyện 14 người (08 bác sỹ, 06 kỹ thuật viên), tuyến xã 220 người.

Hiện tại, tổng số nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN là 293 người, trong đó tuyến tỉnh 55 người (20 bác sỹ, 27 kỹ thuật viên, 08 điều dưỡng), tuyến huyện 38 người (17 bác sỹ, 11 kỹ thuật viên, 10 điều dưỡng), tuyến xã 200 người.

3. Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Kế hoạch phát triển PHCN giai đoạn 2014 - 2020 (chi tiết tại phụ lục 01 kèm theo).

4. Đánh giá các khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

4.1. Về hành lang pháp lý

- Kế hoạch quốc gia về PHCN giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ Y tế ban hành nên phạm vi tác động chỉ dùng ở trong ngành, chưa có chiến lược quốc gia về PHCN do Chính phủ phê duyệt.

- Các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh và văn bản hướng dẫn thực hiện Luật chỉ quy định chức danh kỹ thuật y, không quy định chức danh cụ thể phù hợp với chuyên ngành PHCN như: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu…

- Tại khoản 8 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế quy định “Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và PHCN…” không được thanh toán bảo hiểm y tế, đây là rào cản đối với người bệnh trong tiếp cận dịch vụ và đối với cơ sở PHCN trong việc tạo dựng nguồn tài chính bền vững…

- Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở PHCN, trong đó quy định về nhân lực PHCN còn có những điểm chưa hợp lý khi xếp những người có bằng trung cấp và những người được đào tạo 03 tháng vào cùng một chức danh chuyên môn...

4.2. Nhân lực tham gia cung cấp dịch vụ PHCN

- Số cán bộ được đào tạo về chuyên khoa PHCN còn ít, đặc biệt là số lượng bác sỹ. Hiện tại, số bác sỹ làm việc trong lĩnh vực PHCN chủ yếu là các bác sỹ chuyên khoa khác được đào tạo sơ bộ về chuyên ngành PHCN chiếm tỷ lệ 86,5%. Nguồn nhân lực đào tạo chuyên sâu về PHCN còn hạn chế, toàn tỉnh đào tạo sau đại học có 06 bác sỹ. Tại trạm y tế xã chưa có nhân lực được đào tạo về chuyên ngành PHCN từ 03 tháng trở lên dẫn đến hạn chế triển khai công tác PHCN và chương trình PHCN DVCĐ. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhân lực về ngôn ngữ trị liệu, kỹ thuật viên chỉnh hình, kỹ thuật viên dụng cụ trợ giúp, đó cũng là một khó khăn đối với hệ thống PHCN trong giai đoạn tới.

- Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn chưa có bộ môn PHCN.

4.3. Cơ sở vật chất trang thiết bị, dụng cụ trợ giúp

- Điều kiện về trang thiết bị chuyên ngành còn thiếu, chậm được cải thiện; nhiều trang thiết bị đã cũ và hay hư hỏng. Nhu cầu về trang thiết bị của công tác PHCN cần được bổ sung và đầu tư mới là rất lớn. Thực tế để triển khai các hoạt động PHCN tại các cơ sở y tế hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân trên địa bàn, như tại Bệnh viện PHCN tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của người bệnh.

- Tỉnh chưa có cơ sở y tế có xưởng sản xuất dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình và chân tay giả.

4.4. Kinh phí cho các hoạt động PHCN

Đời sống của NKT trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, 1.432 NKT thuộc hộ nghèo. Một số NKT có việc làm chủ yếu ở khu vực nông thôn, thu nhập thấp, không đủ kinh phí mua dụng cụ trợ giúp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để triển khai Chương trình PHCN DVCĐ và Chương trình trợ giúp những NKT còn hạn hẹp nên việc khám sàng lọc, phát hiện sớm chưa triển khai đầy đủ, cũng như việc quản lý thông tin sức khoẻ và PHCN NKT chưa cập nhật kịp thời.

4.5. Khả năng cung cấp dịch vụ

- PHCN dựa vào cộng đồng còn nhiều hạn chế, các loại hình dịch vụ về PHCN chưa đa dạng, chưa toàn diện; chất lượng dịch vụ chỉnh hình PHCN còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là với các cơ sở ngoài ngành Y tế…

- Các xã ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, nên NKT đến khám chưa được đầy đủ (ước tính tỷ lệ NKT được khám trên tổng số NKT là 80%).

4.6. Quản lý thông tin dữ liệu

Chất lượng thông tin dữ liệu về NKT chưa bảo đảm, thiếu dữ liệu về cung cấp và sử dụng dịch vụ PHCN của các tuyến, các ngành, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các tuyến, các ngành…

4.7. Về tiếp cận và sử dụng dịch vụ

- Khả năng tiếp cận dịch vụ PHCN của người bệnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức về PHCN, thiếu được tư vấn và bị hạn chế về tính sẵn có. Số đông NKT sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong khi các cơ sở cung cấp dịch vụ tập trung nhiều ở tuyến tỉnh. NKT ở xa cơ sở cung cấp dịch vụ lại gặp khó khăn trong di chuyển, thiếu hiểu biết về PHCN nên thường tiếp cận muộn và vì thế thời gian trị liệu dài hơn và không hiệu quả.

- Đa số người bệnh đều gặp khó khăn trong chi trả dụng cụ trợ giúp, trong đó đòi hỏi dụng cụ trợ giúp ở mức cao mới đáp ứng được yêu cầu về PHCN; tỷ lệ người bệnh có khả năng chi trả cho điều trị PHCN và dụng cụ trợ giúp chỉ chiếm khoảng 10% - 20%. Với những dụng cụ trợ giúp được trao tặng một số người bệnh kích cỡ không phù hợp...

- Nguồn tài liệu chính thống truyền thông về PHCN còn ít, bài viết chưa phong phú để có thể tác động hiệu quả tới người dân.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHCN GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Quyết định số 569/QĐ-TTg nhằm củng cố kiện toàn hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, PHCN NKT.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, PHCN cho NKT; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đối tượng, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư và Quyết định số 569/QĐ-TTg trong công tác nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe NKT và Nhân dân.

- Đề ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế và điều kiện nguồn lực của địa phương. Bố trí ngân sách và có cơ chế, chính sách tăng cường công tác huy động nguồn lực triển khai, thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết theo quy định.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm NKT và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng bảo đảm

- Trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- Trên 90% các xã, phường, thị trấn triển khai mô hình PHCN DVCĐ.

b) Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở PHCN bảo đảm

- Trên 90% cơ sở PHCN (Bệnh viện PHCN, khoa PHCN thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh và TTYT) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.

- 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện có khoa PHCN độc lập thực hiện được từ 60% trở lên dịch vụ kỹ thuật về PHCN theo phân tuyến được phê duyệt.

c) Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN: Bệnh viện PHCN tỉnh đạt chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế.

d) Phát triển nguồn nhân lực PHCN: phấn đấu đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

- PHCN được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành Y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp bảo đảm cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện, liên tục, chất lượng.

- Đẩy mạnh hoạt động PHCN DVCĐ trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật; tiến tới triển khai PHCN DVCĐ ở tất cả tuyến xã và được tích hợp trong nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế.

- Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và kỹ thuật PHCN thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách pháp luật về PHCN

a) Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật pháp luật, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến công tác PHCN

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về PHCN NKT đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn bảo đảm cho NKT, người dân có nhu cầu được chăm sóc, PHCN.

- Xây dựng vị trí việc làm của các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực PHCN. Bảo đảm chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi cho viên chức, người lao động trong lĩnh vực PHCN theo quy định hiện hành.

b) Lồng ghép các hoạt động PHCNDVCĐ với các chương trình, đề án liên quan khác để tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở PHCN.

c) Tổ chức triển khai các quy định, chính sách pháp luật về PHCN thuộc ngành Y tế và các cơ quan liên quan.

2. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm khuyết tật, quản lý, điều trị, chăm sóc NKT và người bệnh

a) Khám, chẩn đoán, xác định nhu cầu PHCN của người bệnh

- Tăng cường công tác khám và chẩn đoán các bệnh lý cần PHCN tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động khám sàng lọc; phòng, ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- Củng cố và phát triển trạm y tế xã đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và PHCNDVCĐ.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe NKT kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân và trên phần mềm quản lý thông tin NKT của Bộ Y tế. Hướng dẫn lập hồ sơ quản lý thông tin NKT trên phần mềm quản lý của Bộ Y tế.

b) Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ PHCN và các biện pháp can thiệp khác

- Nâng cao năng lực chuyên môn PHCN qua việc tập huấn PHCN đối với từng loại bệnh cho nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện hoặc cử nhân viên y tế đi đào tạo chuyên sâu về PHCN tại các bệnh viện trung ương, đặc biệt là kỹ thuật còn mới tại tỉnh như: ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu.

- Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu qua việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kỹ thuật mới hàng năm tại các cơ sở khám chữa bệnh; phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN.

c) Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về PHCN, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn về trợ giúp xã hội và PHCN cho người bệnh, gia đình người bệnh, NKT trên địa bàn tỉnh.

- Tập huấn cho gia đình NKT về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và PHCN cho NKT; tập huấn các kỹ năng sống cho NKT hoà nhập cộng đồng.

- Hướng dẫn cách sử dụng các các dụng cụ PHCN để NKT có thể độc lập tối đa trong sinh hoạt từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng hoà nhập xã hội.

d) Điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống phù hợp với tình trạng sức khỏe

- Tạo điều kiện để NKT tiếp cận với các chương trình an sinh xã hội: bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế…

- Khuyến khích NKT tham gia học nghề để tạo việc làm, giúp họ có cơ hội hòa nhập với cuộc sống.

đ) Tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành các tài liệu tuyên truyền như: tờ rơi, áp phích; tổ chức truyền thông trực tiếp, thông qua các cuộc họp, hội nghị về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của tỉnh về bảo vệ, chăm sóc trợ giúp NKT; các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, do tai nạn thương tích và do các nguy cơ khác gây ra; phòng, chống phân biệt đối xử đối với NKT.

- Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phục hồi chức năng; đa dạng hóa phương thức, cách thức trên các kênh truyền thông.

3. Củng cố hoàn thiện hệ thống PHCN và mạng lưới PHCN DVCĐ

a) Củng cố hoàn thiện hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế

- Đầu tư cải tạo và nâng cấp Bệnh viện PHCN tỉnh bảo đảm chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Phát triển Bệnh viện PHCN tỉnh là đơn vị chuyên môn tuyến cao nhất của tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyên ngành PHCN.

- Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực bảo đảm 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện có khoa PHCN độc lập thực hiện 60% trở lên dịch vụ kỹ thuật về PHCN theo phân tuyến; phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN, chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật đáp ứng nhu cầu về PHCN của Nhân dân trên địa bàn.

- Củng cố và phát triển trạm y tế bảo đảm cung cấp dịch vụ PHCN theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và PHCN DVCĐ; duy trì 100% trạm y tế có cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN và được bồi dưỡng kiến thức về PHCN.

- Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở PHCN ngoài công lập. b) Thực hiện chương trình PHCN DVCĐ

- Thành lập Ban Chỉ đạo chương trình PHCN DVCĐ cấp tỉnh, huyện, xã.

- Phát triển mạng lưới PHCN DVCĐ và triển khai mô hình PHCN DVCĐ trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện lồng ghép các hoạt động PHCN DVCĐ với các hoạt động của các chương trình mục tiêu y tế, phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- Thực hiện PHCN tại nhà cho NKT, theo dõi, hướng dẫn PHCN cho NKT, đánh giá sự tiến bộ của NKT; tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, lao động và các hoạt động xã hội khác.

- Thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai công tác PHCN DVCĐ.

- Tiếp tục quản lý, cập nhật thường xuyên thông tin NKT trên phần mềm Hệ thống Quản lý sức khỏe và PHCN NKT tại cộng đồng.

- Đào tạo, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, cộng tác viên chương trình PHCN DVCĐ, nhân viên công tác xã hội, NKT và gia đình có NKT về PHCN DVCĐ tại tuyến xã.

4. Đào tạo nguồn nhân lực

- Tăng cường công tác đào tạo nhân lực về PHCN cho các cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế; khuyến khích các bác sỹ, nhân viên y tế học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng về PHCN phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.

- Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn nghiên cứu thành lập bộ môn PHCN, triển khai đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa PHCN cho các cơ sở y tế. Phối hợp hoặc liên kết đào tạo chuyên ngành PHCN, tổ chức các khoá đào tạo cơ bản, nâng cao chuyên ngành PHCN.

- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ PHCN cho tuyến dưới; thực hiện công tác PHCN DVCĐ tại 100% cơ sở y tế tuyến xã, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và hưởng dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe, giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên.

- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học phát triển chuyên ngành PHCN và PHCN DVCĐ, chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến; học tập, tiếp nhận kỹ thuật PHCN tiên tiến của bệnh viện đầu ngành về PHCN.

- Đẩy mạnh hợp tác về PHCN, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực đầu tư, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước hội nhập với quốc tế về công tác PHCN.

5. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, đánh giá

- Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát các hoạt động PHCN, PHCN DVCĐ, phòng ngừa khuyết tật và quản lý NKT tại các tuyến tỉnh, huyện, xã.

- Cập nhật và hoàn thiện bộ công cụ thu thập thông tin, giám sát đã được thống nhất áp dụng trên toàn quốc, kết hợp kiện toàn hệ thống thu thập thông tin báo cáo về quản lý sức khoẻ NKT.

- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở PHCN trong phòng ngừa khuyết tật, tiến độ thực hiện Kế hoạch và các chính sách liên quan.

- Hàng năm tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch, kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi Kế hoạch cho phù hợp.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn vốn

- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm của tỉnh; đồng thời thực hiện lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan khác theo quy định của pháp luật.

- Nguồn đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các tổ chức phi Chính phủ.

- Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị.

2. Dự toán chi tiết: Dự kiến tổng kinh phí là 3.216.174.000 đồng (chi tiết tại phụ lục 2 kèm theo).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch; xây dựng Kế hoạch hoạt động giai đoạn và dự toán chi tiết hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định cấp kinh phí triển khai thực hiện theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

- Tập huấn nâng cao năng lực PHCN cho đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập; chú trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về phát hiện sớm các đối tượng khuyết tật và can thiệp sớm ở trẻ sơ sinh đến trẻ 6 tuổi.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép công tác khám chữa bệnh trong việc phát hiện, can thiệp và PHCN cho người bệnh sớm ngay sau giai đoạn cấp cứu hoặc trong quá trình nằm điều trị; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, điều trị PHCN cho NKT; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe NKT kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân và trên phần mềm quản lý thông tin NKT của Bộ Y tế.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp, báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCN và triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, PHCN cho người khuyết tật, người lao động thuộc phạm vi ngành quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, NKT và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

- Khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân tiếp nhận NKT vào làm việc; tạo điều kiện trong việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất dành riêng cho NKT.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của PHCN DVCĐ; triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý PHCN cho trẻ em khuyết tật tại các trường học.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa trẻ khuyết tật (các giác quan bình thường) ở độ tuổi đi học vào học các trường, lớp bình thường như mọi trẻ khác; mở các lớp học dành riêng cho người khiếm thị; tham gia các hoạt động của Chương trình PHCN DVCĐ.

4. Sở Tài chính

Thẩm định dự toán do các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền bảo đảm kinh phí thực hiện Kế hoạch. Đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng nguồn kinh phí theo đúng quy định của pháp luật.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị đề xuất nhu cầu vốn đầu tư công của dự án thuộc Kế hoạch, chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định pháp luật về đầu tư công.

6. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động NKT tham gia bảo hiểm y tế.

- Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ PHCN theo quy định hiện hành nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho NKT khi tham gia bảo hiểm y tế.

- Tạo điều kiện trong thanh quyết toán các trường hợp NKT khi đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế theo quy định.

7. Các sở, ban, ngành liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có kế hoạch lồng ghép các nội dung về PHCN DVCĐ vào các hoạt động của cơ quan mình để phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo các đoàn, hội cơ sở đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục tư vấn pháp luật, chính sách đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, vận động hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện chương trình phát triển hệ thống PHCN và nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NKT; đồng thời phối hợp với các ngành vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ quỹ giúp đỡ NKT.

9. UBND các huyện, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, NKT và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030 và hàng năm phù hợp với đặc điểm tình hình trên địa bàn.

- Bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất, thực hiện lồng ghép Kế hoạch này với các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án khác để triển khai thực hiện hiệu quả.

- Chỉ đạo TTYT huyện, thành phố triển khai Chương trình PHCN DVCĐ theo hướng dẫn của Sở Y tế; đưa mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình PHCN DVCĐ; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện hoạt động PHCN DVCĐ.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo và kịp thời đề xuất, kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện hàng năm (trước ngày 15/11) hoặc báo cáo đột xuất (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo theo quy định./.


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UB MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- PCVP UBND tỉnh, các phòng CV, TT TT;
- Lưu: VT, KG-VX (NTB).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên



[1] Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

[2] TTYT thành phố Lạng Sơn không có khoa hoặc liên quan đến PHCN.

[3] Các Kế hoạch của UBND tỉnh: số 151/KH-UBND ngày 23/12/2016 thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; số 20/KH-UBND ngày 27/02/2013 thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh; số 33/KH-UBND ngày 29/01/2021 thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; số 179/KH-UBND ngày 09/11/2020 thực hiện Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; số 163/KH- UBND ngày 15/12/2018 triển khai công tác chăm sóc sức khỏe, PHCN cho NKT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.

[4] Khoa PHCN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 24 giường điều trị nội trú; Khoa PHCN, Bệnh viện Y học cổ truyển tỉnh: 20 giường điều trị nội trú.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 224/KH-UBND ngày 06/12/2023 phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


227

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.209.144
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!