ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 156/KH-UBND
|
Bắc Giang, ngày
27 tháng 9 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
THUỘC LĨNH VỰC Y TẾ TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG, GIAI ĐOẠN 2025 -
2030
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm
(ATTP) ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số
15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định thi hành chi tiết một số
điều của Luật ATTP; Nghị định số 155/2018/NĐ- CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
Thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg
ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện
Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về việc tăng cường bảo đảm
an ninh, ATTP trong tình hình mới.
UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển
khai công tác QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực y tế trong các khu công nghiệp (KCN)
trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025 - 2030 như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả
QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực y tế trong các KCN tỉnh nhằm góp phần chủ động
phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm (gọi chung là các
sự cố về ATTP), bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người lao động trong các doanh
nghiệp trên địa bàn các KCN tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2030
- Tỷ lệ người quản lý; người sản
xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các doanh nghiệp trong các KCN có kiến
thức, thực hành đúng về ATTP đạt trên 95%.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt điều
kiện ATTP chiếm trên 95%.
- Duy trì, nhân rộng mô hình
"Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống" bảo đảm ATTP tại các doanh nghiệp
trong các KCN (lũy kế): ≥ 100 cơ sở thực phẩm.
- Triển khai lấy mẫu giám sát mối
nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn xung quanh các KCN: ≥ 60 mẫu/năm; giám sát
chất lượng ATTP tại các doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca cho người lao động: ≥
200 mẫu/năm.
- Tỷ lệ mắc trong các vụ ngộ độc
thực phẩm cấp tính được ghi nhận tại các doanh nghiệp trong các KCN dưới 5 người
mắc/100.000 người lao động.
II. THỜI
GIAN, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Thời gian thực hiện: Từ
năm 2025 đến năm 2030.
2. Phạm vi, đối tượng:
- Phạm vi: Các KCN trên địa bàn
tỉnh.
- Đối tượng: Các tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, cơ sở kinh doanh dịch
vụ ăn uống, các chợ, các sự kiện trên địa bàn các KCN tỉnh.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Giải
pháp về chỉ đạo điều hành
- Tiếp tục triển khai thực hiện
các chỉ tiêu, định hướng đối với công tác QLNN về ATTP trong các KCN tỉnh theo
nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành
Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe
Nhân dân trong tình hình mới, Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/8/2018 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Quyết định số
426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển
khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số
300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc
gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững
ở Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh[1]; Kế hoạch số 95/KH-BCĐLN ngày 01/6/2023 của
BCĐLN về ATTP tỉnh[2].
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo
triển khai, thực hiện công tác QLNN về ATTP trong các KCN tỉnh theo quy định
pháp luật; gắn việc thực hiện nhiệm vụ về bảo đảm ATTP với trách nhiệm của người
đứng đầu các cơ quan chức năng, giám đốc doanh nghiệp trong các KCN.
- Đẩy mạnh phát triển vùng
chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và thực hiện kiểm soát ATTP
ngay từ yếu tố đầu vào; triển khai kết nối cung - cầu thực phẩm an toàn đến các
tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp
trong các KCN để người lao động được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm
an toàn.
- Triển khai hoạt động liên
ngành, chuyên ngành trong QLNN về ATTP; tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên
môn về bảo đảm ATTP tại các doanh nghiệp trong các KCN theo hướng dẫn của Bộ Y
tế; UBND tỉnh, BCĐLN về ATTP tỉnh[3].
- Tăng cường công tác phối hợp
QLNN về ATTP trong việc nắm tình hình, trao đổi thông tin, giám sát, kiểm tra, thanh
tra… giữa cơ quan chủ quản, các ngành đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả;
xây dựng cơ sở dữ liệu chung về ATTP của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa
bàn tỉnh để chia sẻ, cập nhật và trao đổi giữa các ngành, địa phương, giúp nâng
cao hiệu quả QLNN về ATTP.
- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng
kết, đánh giá kết quả triển khai công tác QLNN về ATTP trong các KCN và báo cáo
UBND tỉnh theo quy định.
2. Giải
pháp về chuyên môn kỹ thuật
2.1. Thông tin, truyền
thông về ATTP
- Triển khai tuyên truyền, phổ
biến kiến thức, pháp luật về ATTP cho người quản lý, người sản xuất, chế biến,
kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp; tăng cường triển khai hình thức
tuyên truyền trên các zalo nhóm, tổ chức hội nghị, hội thảo, sử dụng hình ảnh
trực quan (băng rôn, pano, apphich, tờ rơi…), hướng dẫn thực hành đúng về ATTP;
nội dung tuyên truyền thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Hướng dẫn số
4735/HD-BCĐLN ngày 21/8/2023 của BCĐLN về ATTP tỉnh.
- Tăng cường thông tin, cung cấp
đến các doanh nghiệp trong các KCN về địa chỉ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản
phẩm nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn theo chuỗi để doanh nghiệp chủ động
tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn cho hoạt động tổ chức bữa
ăn ca cho người lao động.
- Chủ trì, phối hợp với tổ chức
công đoàn triển khai vận động, giám sát bảo đảm ATTP, tư vấn, tuyên truyền về
ATTP để nâng cao nhận thức của người lao động về an ninh, ATTP; lồng ghép các
hoạt động bảo đảm ATTP với phong trào thi đua trong các doanh nghiệp; tiếp nhận
thông tin phản ánh, kiến nghị, tố giác của người lao động trong các KCN đối với
hành vi vi phạm về an ninh, ATTP.
2.2. Tập huấn, bồi dưỡng
kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng
chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo đảm ATTP cho cán bộ làm ATTP thuộc lĩnh vực
y tế ở tuyến tỉnh, huyện.
- Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến
thức, pháp luật về quản lý, kiểm soát ATTP, chế biến thực phẩm an toàn cho người
quản lý; người trực tiếp chế biến thực phẩm của các doanh nghiệp.
2.3. Cải thiện tình trạng
bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế,
cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các KCN
a) Công tác quản lý cơ sở thực
phẩm: Tổ chức triển khai quản lý ATTP, điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực
phẩm trong các KCN, được UBND tỉnh ủy quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức điều tra, thống kê,
phân loại (A, B, C), lập sổ/ danh sách theo dõi quản lý các cơ sở thực phẩm
trên địa bàn các KCN; triển khai nhập số liệu, cập nhật thông tin của cơ sở thực
phẩm để tổ chức quản lý trên hệ thống thông tin về ATTP được kết nối với hệ thống
cơ sở dữ liệu quốc gia (Đề án 06) theo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh; báo cáo
kết quả theo quy định.
- Triển khai cấp thủ tục hành
chính về ATTP, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm đối với các cơ sở thực phẩm
theo ủy quyền:
+ Tổ chức tiếp nhận và quản lý
hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung
quảng cáo đối với sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý.
+ Tổ chức tiếp nhận bản tự công
bố sản phẩm; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở thực
phẩm thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận theo quy định.
b) Triển khai nhân rộng mô hình
“Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” bảo đảm ATTP:
- Triển khai giám sát, hướng dẫn
việc duy trì các tiêu chí của mô hình bảo đảm ATTP đối với các cơ sở thực phẩm
đã được công nhận từ năm 2019 - 2024.
- Tiếp tục triển khai nhân rộng
mô hình bảo đảm ATTP trong những năm tiếp theo[4]
để cải thiện tình trạng bảo đảm ATTP, chủ động kiểm soát mối nguy ô nhiễm thực
phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm trong quá
trình chế biến, cung cấp bữa ăn ca cho người lao động của các doanh nghiệp.
c) Triển khai giám sát, hướng dẫn
điều kiện ATTP:
Tổ chức giám sát điều kiện ATTP
đối với các cơ sở thực phẩm, hướng dẫn khắc phục kịp thời những điều kiện ATTP
chưa đạt quy định theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; từ đó, nâng cao ý thức,
trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP.
2.4. Triển khai công tác
thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP
- Triển khai thanh tra, kiểm
tra, hậu kiểm liên ngành, chuyên ngành về ATTP theo kế hoạch hoặc đột xuất đối
với cơ sở thực phẩm trong các KCN; nội dung, quy trình kiểm tra thực hiện theo
quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế, Hướng dẫn số 4735/HD-BCĐLN ngày
21/8/2023 của BCĐLN về ATTP tỉnh.
- Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn,
xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch
vụ ăn uống vi phạm quy định về an ninh, ATTP; áp dụng các nguyên tắc, chế tài
theo quy định của pháp luật để xử lý nghiêm các vi phạm về an ninh, ATTP.
- Thực hiện công khai trên
phương tiện thông tin đại chúng theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm
pháp luật về bảo đảm an ninh, ATTP.
2.5. Công tác phòng, chống
các sự cố về ATTP
a) Triển khai giám sát ô nhiễm
thực phẩm:
- Triển khai giám sát mối nguy
ô nhiễm thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm thuộc trách
nhiệm quản lý của ngành y tế và các loại thực phẩm được tiêu dùng nhiều trên địa
bàn xung quanh các KCN; kịp thời cảnh báo, khuyến cáo đến doanh nghiệp, người
lao động, người tiêu dùng áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với thực phẩm
không bảo đảm an toàn.
- Định kỳ, đột xuất tiến hành lấy
mẫu nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mẫu thức ăn của các cơ sở chế biến
suất ăn sẵn/mua suất ăn chế biến sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng…; nước uống dùng
cho người lao động để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật [5]; kịp thời ngăn chặn, truy
xuất nguồn gốc, thu hồi, thiêu hủy các sản phẩm không đạt chất lượng theo quy định.
b) Triển khai phòng, chống các
sự cố về ATTP:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh
nghiệp, chủ động xây dựng phương án giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời khi xảy
ra sự cố về ATTP tại doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tự tổ chức diễn
tập tình huống xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người tại doanh nghiệp.
- Tiếp tục củng cố, duy trì hoạt
động của Đội điều tra, xử trí ngộ độc thực phẩm; Đội cấp cứu cơ động; Đội truy
xuất nguồn gốc thực phẩm; Đội xử lý môi trường ... của các đơn vị trực thuộc Sở
Y tế.
- Chuẩn bị sẵn sàng phương án,
lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời xử trí, can
thiệp khi xảy ra các sự cố về ATTP theo quy định và Hướng dẫn số 4735/HD-BCĐLN
ngày 21/8/2023 của BCĐLN về ATTP tỉnh.
3. Giải
pháp về nhân lực, kỹ thuật
- Tiếp tục đầu tư nhân lực cho
TTYT các khu công nghiệp tỉnh tương xứng với số lượng KCN đang hoạt động trên địa
bàn tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao về cung ứng các dịch vụ
chuyên môn về ATTP trong triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn các KCN.
- Bố trí, phân công cán bộ làm
công tác ATTP theo đề án vị trí việc làm của từng đơn vị để bảo đảm tính ổn định
về nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn,
nghiệp vụ quản lý ATTP để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường đầu tư trang thiết
bị, vật tư, test xét nghiệm nhanh ATTP; tiếp tục nâng cao năng lực phòng thí
nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiến
tới thực hiện kiểm soát chất lượng xét nghiệm bằng thử nghiệm thành thạo và
hình thành hệ thống cảnh báo nhanh, quản lý nguy cơ về ATTP.
IV. KINH PHÍ
1. Nguồn kinh phí: Ngân
sách nhà nước; nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
2. Tổng kinh phí: 3.915.000.000
đồng (có phụ lục đính kèm), trong đó:
- Cơ quan Sở Y tế: 853.000.000
đồng;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh: 696.000.000 đồng;
- Trung tâm Y tế các khu công nghiệp
tỉnh: 2.366.000.000 đồng.
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị
căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch và số lượng doanh nghiệp đi vào
hoạt động trong các KCN đã được quy hoạch, lập dự toán kinh phí gửi Sở Y tế để
tổng hợp chung và phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cấp thẩm quyền xem xét,
quyết định theo quy định.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan triển khai công tác QLNN về ATTP trên địa bàn các KCN theo quy định
và ủy quyền của UBND tỉnh[6]; chỉ đạo TTYT các
KCN tỉnh và các đơn vị chức năng của ngành triển khai thực hiện Kế hoạch này;
triển khai hệ thống thông tin về ATTP đối với cơ sở thực phẩm được ủy quyền quản
lý trong các KCN và kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (Đề án 06) theo chỉ
đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh.
- Hằng năm, xây dựng kế hoạch
và tổ chức triển khai công tác QLNN về ATTP trong các KCN; trong đó, tăng cường
triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về ATTP, nhất là
công tác tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kiến thức, thực hành đúng về
ATTP; tổ chức quản lý cơ sở thực phẩm và kiểm tra, giám sát ATTP, xử lý nghiêm
các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP.
- Tiếp tục nâng cao năng lực
phòng kiểm nghiệm thực phẩm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 của đơn vị trực
thuộc; tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý các sự cố về ATTP.
- Xây dựng dự toán ngân sách hằng
năm để triển khai công tác đảm bảo ATTP trong các KCN; xây dựng hệ thống giám
sát các sự cố về ATTP tại doanh nghiệp trong các KCN và chỉ đạo triển khai, thực
hiện công tác phòng, chống các sự cố về ATTP.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết và
báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
2. Ban Quản lý các khu công
nghiệp tỉnh
- Phối hợp với Sở Y tế và các
đơn vị liên quan triển khai các công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
ATTP, nội dung hoạt động chuyên môn và hướng dẫn cho các doanh nghiệp KCN chấp
hành các quy định pháp luật về ATTP.
- Phối hợp với cơ quan chức
năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn về công tác ATTP,
xử lý và khắc phục các vụ việc và sự cố phát sinh liên quan đến công tác bảo đảm
ATTP xảy ra tại doanh nghiệp KCN.
- Phối hợp nắm bắt tình hình
liên quan đến công tác bảo đảm ATTP trong các doanh nghiệp KCN, kiến nghị Sở Y
tế và cơ quan chức năng xem xét xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm theo
quy định của pháp luật.
3. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo,
triển khai phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, chuỗi
giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc và các chuỗi liên
kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Chỉ đạo triển khai công tác
quản lý, kiểm soát và thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật đối với vật
tư nông nghiệp, điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực
phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành; kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức,
cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Triển khai giám sát mối nguy
ô nhiễm, đánh giá chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước thu hoạch và
khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
- Triển khai các biện pháp
phòng, chống bệnh, dịch cho đàn vật nuôi; kịp thời xử lý thực phẩm không bảo đảm
an toàn thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
4. Sở Công Thương
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo,
triển khai mạng lưới logistics; kết nối cung - cầu thực phẩm an toàn, bảo đảm
chất lượng theo chuỗi; triển khai công tác QLNN về kinh doanh đa cấp, thương mại
điện tử đối với thực phẩm.
- Chỉ đạo triển khai công tác
quản lý, kiểm soát và thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về bảo đảm
ATTP đối với các làng nghề sản xuất thực phẩm, cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực
phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành; kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức,
cá nhân vi phạm về ATTP và sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định.
5. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành liên quan phát hiện, đấu tranh, điều tra, xử lý và hỗ trợ xử lý các vi phạm
pháp luật về ATTP, các vụ việc vi phạm về ATTP có dấu hiệu hình sự, xâm phạm lợi
ích người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác đấu
tranh, phát hiện, điều tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu
cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn các Khu công nghiệp.
6. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát,
đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động sản xuất, kinh
doanh, vận chuyển hàng hóa thực phẩm; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ
chức, cá nhân vi phạm về ATTP theo quy định.
7. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn
ngân sách nhà nước đầu tư hằng năm cho công tác bảo đảm an ninh, ATTP trong các
KCN; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
theo quy định.
8. Các cơ quan khác thuộc
UBND tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an ninh, ATTP theo chỉ đạo, hướng dẫn
của cơ quan Trung ương và nội dung của kế hoạch này bảo đảm thiết thực, hiệu quả;
kịp thời đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các giải pháp phù hợp để góp phần
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, ATTP trong các KCN trên
địa bàn tỉnh.
9. UBND huyện, thị xã, thành
phố
- Phối hợp với Sở Y tế triển
khai công tác QLNN về ATTP trong các KCN trên địa bàn theo nội dung Kế hoạch
này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý, khắc phục vụ
ngộ độc thực phẩm xảy ra tại doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn.
- Hằng năm, xây dựng kế hoạch,
chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác QLNN về ATTP trên địa bàn theo phân cấp
của UBND tỉnh, gắn với thực hiện đề án, kế hoạch quản lý ATTP xung quanh các
khu, cụm công nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm của địa phương.
- Đẩy mạnh việc xây dựng các
chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc;
phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch; kết
nối cung - cầu thực phẩm.
- Chỉ đạo triển khai công tác
quản lý, kiểm soát và thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về bảo đảm
ATTP đối với các cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm trên địa bàn và theo phân
cấp quản lý; kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và
sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định.
- Triển khai các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và các sự cố về ATTP theo quy định.
10. Đề nghị Liên đoàn Lao động
tỉnh
Chỉ đạo Công đoàn các KCN và
công đoàn cơ sở của doanh nghiệp trong các KCN tăng cường tuyên truyền đến người
lao động, đoàn viên về kiến thức, pháp luật, thực hành đúng về ATTP; tích cực
tham gia hoạt động phòng ngừa các sự cố về ATTP, tham gia giám sát ATTP đối với
bữa ăn ca của người lao động; tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của công
nhân đối về ATTP.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
công tác QLNN về ATTP trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025
- 2030. Yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc
triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai, nếu
có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, địa phương phản ánh bằng văn bản gửi về Sở
Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, triển khai cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế (B/cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (B/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh;
- Các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh;
- LĐLĐ tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, các phòng, đơn vị;
+ Lưu: VT, KGVX.Quân.
|
CHỦ TỊCH
Lê Ánh Dương
|
DỰ TOÁN
KINH PHÍ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN
THỰC PHẨM TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH, GIAI ĐOẠN 2025 – 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 27/9/2024 của UBND tỉnh Bắc Giang)
TT
|
Nội dung hoạt động
|
Năm 2025
|
Năm 2026
|
Năm 2027
|
Năm 2028
|
Năm 2029
|
Năm 2030
|
Tổng cộng
|
I
|
Cơ quan Sở Y tế
|
142.250.000
|
142.250.000
|
142.250.000
|
142.250.000
|
142.250.000
|
142.250.000
|
853.500.000
|
1
|
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức,
chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ làm ATTP tuyến tỉnh, huyện, KCN
|
6.250.000
|
6.250.000
|
6.250.000
|
6.250.000
|
6.250.000
|
6.250.000
|
37.500.000
|
2
|
Chi hoạt động kiểm tra, giám
sát ATTP
|
40.000.000
|
40.000.000
|
40.000.000
|
40.000.000
|
40.000.000
|
40.000.000
|
240.000.000
|
3
|
Chi hoạt động truyền thông về
ATTP
|
96.000.000
|
96.000.000
|
96.000.000
|
96.000.000
|
96.000.000
|
96.000.000
|
576.000.000
|
II
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh
|
151.250.000
|
78.710.000
|
87.400.000
|
99.550.000
|
99.550.000
|
179.550.000
|
696.010.000
|
1
|
Triển khai giám sát mối nguy
ô nhiễm thực phẩm (lấy mẫu tại cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh các
KCN tỉnh)
|
47.450.000
|
54.910.000
|
63.600.000
|
75.750.000
|
75.750.000
|
75.750.000
|
393.210.000
|
2
|
Chi mua mẫu, lấy mẫu, kiểm nghiệm
mẫu thực phẩm phục vụ kiểm tra ATTP
|
23.800.000
|
23.800.000
|
23.800.000
|
23.800.000
|
23.800.000
|
23.800.000
|
142.800.000
|
3
|
Điều tra xác định tỷ lệ người
sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng
trên địa bàn tỉnh có kiến thức, thực hành đúng về ATTP
|
80.000.000
|
0
|
0
|
0
|
0
|
80.000.000
|
160.000.000
|
III
|
TTYT các KCN tỉnh
|
303.900.000
|
318.700.000
|
353.500.000
|
377.950.000
|
438.525.000
|
569.050.000
|
2.361.625.000
|
1
|
Chi nhân rộng mô hình bảo đảm
ATTP
|
60.900.000
|
60.900.000
|
60.900.000
|
72.550.000
|
90.025.000
|
119.150.000
|
464.425.000
|
2
|
Tập huấn kiến thức cho người
quản lý, người sản xuất, chế biến thực phẩm của các doanh nghiệp trong các
KCN
|
23.400.000
|
23.400.000
|
23.400.000
|
23.400.000
|
23.400.000
|
44.800.000
|
161.800.000
|
3
|
Chi mua mẫu, lấy mẫu, thuê kiểm
nghiệm mẫu thực phẩm; thuê ô tô, xăng xe phục vụ hoạt động giám sát, hướng dẫn
ATTP tại doanh nghiệp trong các KCN
|
152.800.000
|
187.600.000
|
222.400.000
|
235.200.000
|
250.000.000
|
284.600.000
|
1.332.600.000
|
4
|
Chi mua test nhanh về ATTP phục
vụ công tác kiểm tra, giám sát
|
46.800.000
|
46.800.000
|
46.800.000
|
46.800.000
|
75.100.000
|
100.500.000
|
362.800.000
|
5
|
Điều tra xác định tỷ lệ người
quản lý; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các doanh nghiệp trong
các KCN có kiến thức, thực hành đúng về ATTP
|
20.000.000
|
0
|
0
|
0
|
0
|
20.000.000
|
40.000.000
|
Cộng
|
597.400.000
|
539.660.000
|
583.150.000
|
619.750.000
|
680.325.000
|
890.850.000
|
3.911.135.000
|
Kinh phí làm tròn số
|
600.000.000
|
540.000.000
|
585.000.000
|
620.000.000
|
680.000.000
|
890.000.000
|
3.915.000.000
|
Bằng chữ: Ba tỷ
chín trăm mười lăm triệu đồng./.
[1] Về việc triển
khai thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017, Nghị quyết số 137/NQ-CP
ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 15/3/2018 của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về
tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác
dân số trong tình hình mới.
[2] Triển khai Quyết
định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế
hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn
tỉnh Bắc Giang.
[3] Quyết định số
38/2022/QĐ-UBND ngày 05/10/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp QLNN tại
các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Hướng dẫn số 4735/HD-BCĐLN ngày 21/8/2023
của BCĐLN về ATTP tỉnh về việc triển khai công tác QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực
y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
[4] Theo Hướng dẫn
số 312/HD-SYT ngày 10/11/2023 của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang về việc triển khai
nhân rộng mô hình “cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống” bảo đảm ATTP.
[5] Theo Công văn
số 2912/UBND-KGVX ngày 04/6/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản
lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP.
[6] Quyết định số
836/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 của UBND tỉnh về việc ủy quyền cho Sở Y tế thực hiện
QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực y tế trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.