ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/2018/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày
12 tháng 09 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG VIỆC LẬP HỒ SƠ VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG
BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY KHÔNG
CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12
năm 2000;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét,
quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ngày 20
tháng 01 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng
7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng
12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng
9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện
pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày
19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12
tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành biểu
mẫu về lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành
chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế
đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Công an quy định thẩm
quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy;
Căn cứ Thông tư số 19/2015/TT-BTP ngày 28 tháng
12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc kiểm tra tính pháp lý của
Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử
lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng
12 năm 2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm
soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 952/TTr-SLĐTBXH ngày 06 tháng 7 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế phối hợp trong việc lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không
có nơi cư trú ổn định trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Lao động - Thương binh và
Xã hội; Y tế; Nội vụ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Công an; Chủ tịch
UBMTTQVN tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tỉnh; Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 9
năm 2018./.
Nơi nhận:
- VPCP;
- Bộ LĐTBXH; (Vụ Pháp chế; Cục Phòng chống tệ nạn xã hội);
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản);
- TTTU; TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- LĐVP; các Phòng: KGVX, TH, NC
- Trung tâm TH-CB;
- Lưu: VT(qđ 107-18).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Trăm
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP TRONG VIỆC LẬP HỒ SƠ VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO
CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 32/2018/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2018 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về công tác phối hợp trong việc
lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện
bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn tỉnh
Bình Phước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai
nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện
pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng
biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới
36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1, Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không
xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm
và người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định hoặc trường hợp
xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm
nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.
2. Khu tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi
cư trú ổn định (sau đây gọi là cơ sở xã hội) và khu cai nghiện ma túy bắt buộc
(sau đây gọi là cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc) thuộc cơ sở cai nghiện ma túy
tỉnh Bình Phước. Sử dụng một phần cơ sở vật chất, nhân sự của cơ sở cai nghiện
ma túy tỉnh Bình Phước để thực hiện tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi
cư trú ổn định vào thực hiện cắt cơn, giải độc phục hồi sức khỏe, tư vấn tâm lý
và quản lý trong thời gian các cơ quan chức năng làm hồ sơ, thủ tục áp dụng biện
pháp cai nghiện ma túy bắt buộc.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc tổ chức lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai
nghiện ma túy cho người nghiện ma túy phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời nhằm
chữa bệnh, cắt cơn giải độc, phục hồi, tư vấn tâm lý, điều trị các rối loạn về
tâm thần, ổn định sức khỏe và quản lý theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Đảm bảo kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong công
tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong
việc xem xét hồ sơ, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma
túy bắt buộc: Công an, Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện kiểm
sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ và mở
phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
3. Rút ngắn thời gian, quy trình lập, thẩm định hồ
sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn
phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về biện pháp xử lý vi phạm hành
chính.
4. Có sự phân công, phân định trách nhiệm cụ thể
phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương.
5. Tuân thủ quy trình, thẩm quyền và thành phần hồ
sơ đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp theo quy định của
pháp luật.
Điều 5. Quy trình xác định người
nghiện ma túy, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy và thời gian cai
nghiện ma túy bắt buộc
1. Quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy thực
hiện theo Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA
ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thẩm quyền, thủ tục và quy
trình xác định tình trạng nghiện ma túy.
2. Thẩm quyền xác định người nghiện ma túy thực hiện
theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng
9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở
cai nghiện ma túy được thực hiện theo quy định tại Điều 95 Luật Xử lý vi phạm
hành chính.
Điều 6. Tổ chức quản lý và hỗ
trợ người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ
áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc
1. Cơ sở xã hội tổ chức việc quản lý người nghiện
ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ áp dụng biện
pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc tại xã Minh Lập, huyện Chơn
Thành, tỉnh Bình Phước.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với
các ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chế độ hỗ trợ đối
với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian quản lý tại
cơ sở xã hội.
Chương II
QUY TRÌNH PHỐI HỢP TRONG
VIỆC LẬP HỒ SƠ VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI
NGHIỆN MA TÚY BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY KHÔNG NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Điều 7. Quy trình phối hợp trong
việc lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định
1. Lập hồ sơ và quyết định đưa người nghiện ma túy
vào cơ sở xã hội (thời gian thực hiện 24 giờ kể từ khi lập hồ sơ cho đến khi
ban hành quyết định):
a) Cơ quan Công an (Công an xã, phường, thị trấn; lực
lượng cảnh sát phòng, chống ma túy tỉnh, huyện, thị xã) phát hiện người có hành
vi sử dụng ma túy trái phép không có nơi cư trú ổn định phải tiến hành giúp Chủ
tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi phát hiện hành vi vi phạm thu thập
các tài liệu và lập hồ sơ để ban hành quyết định đưa vào cơ sở xã hội để quản
lý, chữa bệnh, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian làm thủ tục chờ
Tòa án nhân dân huyện, thị xã áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở
cai nghiện ma túy bắt buộc.
Hồ sơ ban đầu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn gồm
- Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái
phép chất ma túy theo mẫu M1 (Sử dụng biên bản vi phạm hành chính theo mẫu số
29BB-VPHC ban hành kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BCA ngày 15/8/2014); hoặc
biên bản xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ
sơ theo mẫu M2 (Sử dụng mẫu số
02 Thông tư liên tịch số 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA).
- Bản tường trình hoặc biên bản ghi lời khai của
người vi phạm về hành vi sử dụng ma túy trái phép (nếu người vi phạm không biết
chữ thì nhờ người viết hộ và điểm chỉ, người viết hộ ký tên và ghi rõ họ tên)
hoặc kết quả xác minh của Công an cấp xã (kể cả qua bản fax) xác nhận không có
cư trú tại nơi khai báo hoặc của người đại diện hợp pháp của họ thừa nhận không
có nơi cư trú ổn định theo mẫu M3 (Sử dụng mẫu số 03a Thông tư số 20/2014/TT-BTP
ngày 25/9/2014).
- Bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo mẫu M4 (Sử dụng mẫu số 01 Thông tư
14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2014).
- Các tài liệu vi phạm pháp luật liên quan đến người
vi phạm (nếu có).
- Đơn vị cấp xã sau khi lập hồ sơ người nghiện ma
túy đề nghị Công an huyện, thị xã tiến hành chụp ảnh, lập danh chỉ bản của người
vi phạm.
Căn cứ để lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy
trái phép bao gồm
- Phát hiện quả tang đang sử dụng ma túy trái phép.
- Có kết quả xét nghiệm dương tính ma túy (trừ trường
hợp được chỉ định điều trị bệnh có sử dụng chất ma túy) trong các trường hợp
không phải bắt quả tang đang sử dụng ma túy trái phép như: phát hiện đang tụ tập
với người đang sử dụng ma túy; qua trình báo, qua phát động phong trào toàn dân
tham gia phát giác, cung cấp thông tin về người nghiện ma túy; qua lời khai của
người liên quan, nhân chứng (người biết sự việc) hoặc cơ sở khác biết được người
vi phạm có sử dụng ma túy trước đó; có các dấu hiệu khác như tàng trữ chất ma
túy hoặc tàng trữ công cụ, phương tiện để sử dụng ma túy...
- Trường hợp tuy kết quả xét nghiệm âm tính ma túy
(do thời điểm xét nghiệm hết chu kỳ bán thải) nhưng người vi phạm thừa nhận đã
từng sử dụng ma túy hoặc người vi phạm đã có tiền sự về việc sử dụng ma túy,
nay phát hiện tàng trữ ma túy hoặc công cụ, phương tiện sử dụng ma túy (áp dụng
đối với trường hợp còn thời hiệu 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối
hành vi vi phạm theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm
hành chính).
Trong quá trình lập hồ sơ, cơ quan Công an lập hồ
sơ chịu trách nhiệm quản lý người vi phạm, đảm bảo an toàn và không để bỏ trốn;
trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng,
gây thương tích cho người khác thì tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo
quy định tại Điều 122 và Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của cơ quan Công an
lập hồ sơ, phải xem xét để ra quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội
theo mẫu M5 (Sử dụng mẫu số 03
Thông tư 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2014).
Khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn, cơ quan Công an lập hồ sơ có trách nhiệm chuyển ngay người
nghiện ma túy và hồ sơ đến cơ sở xã hội theo quyết định. Cơ sở xã hội tiến hành
kiểm tra, đối chiếu và tiếp nhận người nghiện ma túy kèm hồ sơ từ cơ quan Công
an bàn giao (gồm bản sao hồ sơ nêu trên) để lập biên bản giao, nhận hồ sơ và
người nghiện ma túy theo mẫu M6 (mẫu
số 05 Thông tư 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2014).
2. Xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị
áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc
a) Cơ quan Công an lập hồ sơ
Sau khi bàn giao người nghiện ma túy và hồ sơ cho
cơ sở xã hội, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan Công an lập hồ sơ tiếp tục
xác minh, thu thập tài liệu.
Nếu kết quả xác minh người nghiện ma túy không có
nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai
nghiện ma túy bắt buộc. Hồ sơ gồm các tài liệu đã quy định tại Khoản 1, Điều 7
Quy chế này và bổ sung:
- Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn về việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội để tiếp nhận quản lý,
chữa bệnh cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo mẫu M5.
- Phiếu trả lời kết quả về tình trạng nghiện ma túy
hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy
bắt buộc theo mẫu M8 (chưa có mẫu hướng dẫn, sử dụng phụ lục 6 Thông tư liên tịch số
03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/2/2012) do cơ sở xã hội cung cấp.
- Lý lịch người vi phạm đã được xác minh và kết quả
tra cứu tiền án, tiền sự (nếu có).
- Phiếu trả lời kết quả xác minh tình trạng cư trú
không ổn định của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện
ma túy bắt buộc theo mẫu M7 (chưa có mẫu hướng dẫn Sử dụng mẫu số 04 Thông tư liên tịch
số 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA).
- Thông báo của cơ quan lập hồ sơ cho người bị đề
nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Sau khi hoàn thành hồ sơ, cơ quan lập hồ sơ phối hợp
với cơ sở xã hội photo 01 bộ để người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở
cai nghiện ma túy bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ được đọc và ghi
chép hồ sơ (có lập biên bản về việc đọc hồ sơ của người đó). Sau khi người bị đề
nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì cơ quan lập hồ sơ
có văn bản đề nghị xem xét việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma
túy bắt buộc, tập hợp hồ sơ đầy đủ đánh bút lục và lập thành 02 bản. Bản gốc gửi
Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý, bản sao lưu tại cơ
quan lập hồ sơ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Trong trường hợp cơ quan Công an có kết quả xác định
được nơi cư trú ổn định (trong tỉnh hoặc tỉnh, thành khác) của người đang quản
lý tại cơ sở xã hội; kết quả không xác định được tình trạng nghiện ma túy hiện
tại của người đó trong thời gian quản lý tại cơ sở quản lý thì cơ quan Công an
nơi lập hồ sơ phải tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành văn bản hủy
quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội
theo mẫu số 11 (mẫu số 07 Thông tư số 34/2014/TT-BCA ngày 15/8/2014); đồng thời,
gửi cơ sở xã hội để tổ chức triển khai thực hiện.
b) Cơ sở xã hội
Sau khi tiếp nhận người nghiện ma túy và hồ sơ do
cơ quan Công an bàn giao, cơ sở xã hội tiến hành tiếp nhận, phân loại, tổ chức
quản lý, chữa bệnh, cắt cơn giải độc phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người
nghiện ma túy với các nội dung sau:
Giai đoạn tiếp nhận, phân loại (ngày thứ nhất):
- Tư vấn cho người nghiện ma túy về phương pháp cai
nghiện để bản thân họ sẵn sàng phối hợp thực hiện cai nghiện ma túy.
- Khám sức khỏe ban đầu và lập hồ sơ bệnh án theo mẫu
M10 (mẫu số 01 Thông tư liên tịch
số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010).
- Kiểm tra đồ dùng cá nhân; loại trừ các chất ma túy
kể cả thuốc gây nghiện, các thuốc có dẫn suất từ ma túy nhóm chất dạng thuốc
phiện.
- Xét nghiệm, phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm
khác theo chỉ định của bác sỹ.
- Căn cứ hồ sơ bệnh án, các kết quả xét nghiệm và
các tài liệu khác có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số
5075/QĐ-BYT ngày 12 tháng 12 năm 2007 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán người
nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện (Opiats) và Quyết định số 3556/QĐ-BYT
ngày 10 tháng 9 năm 2014 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối
loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine, cán bộ tiếp
nhận phân loại người nghiện ma túy theo mức độ nghiện và loại ma túy sử dụng,
tình trạng sức khỏe để tiếp nhận và bố trí vào các khu cắt cơn, điều trị phù hợp.
- Lập kế hoạch cai nghiện cho từng người nghiện ma
túy dựa trên các căn cứ: loại ma túy sử dụng, thời gian sử dụng ma túy, nguyên
nhân nghiện ma túy và các rối loạn tâm lý của người nghiện ma túy.
- Hướng dẫn người nghiện ma túy chấp hành nội quy,
quy định về khám chữa bệnh, các nội quy sinh hoạt trong thời gian ở Cơ sở xã hội.
- Khám, theo dõi các triệu chứng lâm sàng tổng thể
để làm cơ sở xác định tình trạng nghiện ma túy cho người nghiện ma túy.
Giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các
bệnh nhiễm trùng cơ hội (thực hiện trong thời gian từ 10 - 20 ngày)
- Căn cứ tình trạng sức khỏe, mức độ nghiện, loại
ma túy sử dụng, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng khác, y, bác sỹ cơ sở xã hội
lập kế hoạch điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội
cho người nghiện ma túy.
- Y, bác sỹ cơ sở xã hội căn cứ văn bản hướng dẫn về
thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện để tiến hành xác định
tình trạng nghiện hiện tại của người nghiện ma túy và chuyển gửi kết quả đến cơ
quan Công an lập hồ sơ.
- Áp dụng các bài thuốc Đông y hoặc thuốc từ dược
liệu đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành và hướng dẫn điều trị hỗ trợ cắt cơn hoặc
hướng dẫn điều trị cai nghiện ma túy đã được Bộ Y tế ban hành.
- Thực hiện các biện pháp tâm lý, vật lý trị liệu,
giúp cho người nghiện ma túy bớt lo âu làm giảm hội chứng cai.
- Tổ chức điều trị cho người nghiện ma túy nhiễm
HIV, bệnh lao hoặc các bệnh thông thường khác theo đúng phác đồ do Bộ Y tế quy
định.
- Tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe về các bệnh
nhiễm trùng cơ hội, HIV/AIDS và các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình
dục cho người nghiện ma túy.
- Trong quá trình theo dõi điều trị cắt cơn, giải độc.
Nếu người nghiện ma túy có bất kỳ các bệnh lý khác vượt quá khả năng điều trị của
cơ sở xã hội thì y sỹ, bác sỹ điều trị sẽ tiến hành hội chuẩn và chuyển tuyến
trên để chuẩn đoán và điều trị kịp thời cho người nghiện ma túy.
- Phối hợp với cơ quan Công an lập hồ sơ, Tòa án
nhân dân huyện, thị xã tổ chức cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai
nghiện ma túy bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ được đọc hồ sơ theo
quy định.
Giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân
cách
- Tiến hành phân khu quản lý người nghiện ma túy
theo giới tính; độ tuổi; tình trạng sức khỏe; tình trạng nghiện ma túy; tiền
án; tiền sự để bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt theo yêu cầu điều trị và tình trạng sức
khỏe đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người nghiện ma túy trong thời gian
được quản lý tại cơ sở xã hội.
- Tư vấn cho người nghiện ma túy về điều trị nghiện
ma túy, giúp đỡ họ có cơ hội tìm hiểu về tác hại của ma túy và hậu quả của việc
sử dụng ma túy; đồng thời, thảo luận với từng người nghiện ma túy về kế hoạch
điều trị phù hợp nhất với hoàn cảnh và điều kiện của từng người.
- Thực hiện liệu pháp tâm lý cá nhân: Tổ chức người
nghiện ma túy thành từng nhóm: nhóm cùng hoàn cảnh, nhóm cùng tiến bộ. Tại
nhóm, người nghiện ma túy có thể bày tỏ những tâm tư, vướng mắc, lo âu để mọi
người trong nhóm cùng thảo luận, tìm cách giúp đỡ, xóa bỏ sự cô độc, mặc cảm,
thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau, sự cởi mở và chia sẻ giữa mọi người.
- Thực hiện liệu pháp tâm lý tập thể: Giao ban buổi
sáng; thảo luận về các chủ đề đạo đức, trách nhiệm với gia đình và xã hội về
tác hại của nghiện ma túy. Các hoạt động phong phú, thể hiện tình thương yêu của
tập thể với cá nhân và trách nhiệm của cá nhân với tập thể đó như một gia đình.
Ngoài ra, có thể dùng các phương pháp trị liệu tâm lý khác như tâm năng dưỡng
sinh, thiền trong trị liệu tập thể,
- Liệu pháp thể dục, thể thao, vui chơi giải trí: Tổ
chức cho người nghiện ma túy tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi
giải trí như: Bóng đá, bóng chuyền, văn hóa, văn nghệ, xem tivi và các loại
hình thể thao, giải trí khác.
- Tổ chức quản lý đảm bảo không để người được quản
lý tiếp tục vi phạm pháp luật và có mặt khi Tòa án nhân dân triệu tập xét xử, đảm
bảo thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Lưu ý: Những hoạt động trị liệu trên được lặp
lại hằng ngày, xen kẽ với các hoạt động khác trong giai đoạn 2 và 3.
3. Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị Tòa án
nhân dân xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc.
a) Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện trong thời gian 05
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở
cai nghiện ma túy bắt buộc có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết
quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản và gửi Trưởng phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội cùng cấp.
b) Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng
phòng Tư pháp sẽ tiến hành đối chiếu hồ sơ đề nghị theo khoản 2 Điều 1 Nghị định
136/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ với nội dung văn bản kiểm tra
tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cùng cấp và thực hiện nhiệm vụ sau:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì đánh bút lục và lập
thành hai bản, bản gốc chuyển Tòa án nhân dân đính kèm công văn đề nghị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy
đang được quản lý tại cơ sở xã hội (nêu rõ tên cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc
mà người bị đề nghị áp dụng biện pháp này sẽ phải thi hành), bản sao lưu tại
phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật lưu trữ.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì có văn bản đề
nghị cơ quan lập hồ sơ bổ sung, trong đó nêu rõ lý do và các tài liệu cần bổ
sung vào hồ sơ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu
cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung các tài liệu theo yêu cầu để phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội lập thủ tục hồ sơ chuyển Tòa án nhân dân theo quy định.
4. Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc
Tòa án nhân dân huyện, thị xã thực hiện các trình tự,
thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở
cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định tại Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày
10 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong thời gian Tòa án tiếp
nhận, thụ lý hồ sơ, cơ sở xã hội phối hợp thực hiện các thủ tục sau đây:
a) Trước khi mở phiên họp
- Giao nhận thông báo thụ lý của Tòa án cho người bị
đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt
buộc (sau đây gọi tắt là người bị đề nghị).
- Giao nhận giấy triệu tập và quyết định mở phiên họp
của Tòa án cho người bị đề nghị.
- Giao nhận tài liệu chứng cứ do người bị đề nghị
cung cấp cho Tòa án (nếu có); đơn và tài liệu yêu cầu thay đổi người tiến hành
tố tụng của người bị đề nghị (nếu có).
- Cơ sở xã hội bố trí nơi để người bị đề nghị đọc
và ghi chép những tài liệu trong hồ sơ (nếu họ có yêu cầu).
b) Mở phiên họp
Cơ sở xã hội có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất,
phối hợp với lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại các huyện, thị xã có đối tượng
vi phạm để đảm bảo an ninh trật tự cho cơ quan Tòa án trong quá trình tổ chức
phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào
cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
c) Sau phiên họp
- Giao nhận quyết định áp dụng hoặc không áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; quyết định
đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử
lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc của Tòa án cho người bị
đề nghị.
- Nhận và giao cho Tòa án đơn khiếu nại đối với quyết
định của Tòa án (nếu có) ngay sau khi nhận được đơn của người bị đề nghị.
- Giao nhận văn bản thông báo của Tòa án về việc kiến
nghị, kháng nghị của cơ quan chức năng cho người bị đề nghị.
* Trường hợp trong thời gian quản lý tại cơ sở xã hội
theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng Tòa án có quyết định
đình chỉ; quyết định tạm đình chỉ; quyết định không áp dụng biện pháp xử lý
hành chính hoặc quyết định chuyển đối tượng có dấu hiệu tội phạm theo Điều 116
Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp
huyện phối hợp cơ quan Công an nơi lập hồ sơ và cơ sở xã hội lập thủ tục cho ra
hoặc bàn giao người đó cho cơ quan điều tra theo quyết định của Tòa án.
5. Thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ
sở cai nghiện bắt buộc
- Khi người nghiện ma túy được cai nghiện, chữa bệnh
tại cơ sở xã hội có quyết định của Tòa án nhân dân huyện, thị xã về việc đưa
vào cai nghiện ma túy bắt buộc thì cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ đề
nghị có trách nhiệm phối hợp với cơ sở xã hội lập biên bản bàn giao, chuyển người
đó về cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định của Tòa án.
- Hồ sơ bàn giao người nghiện ma túy có quyết định
của Tòa án từ cơ quan Công an sang cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thực hiện
theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12
năm 2015 của Chính phủ.
- Trường hợp người nghiện ma túy tại cơ sở xã hội
đã có quyết định của Tòa án mà bỏ trốn, cơ sở xã hội có trách nhiệm thông báo bằng
văn bản cho cơ quan Công an cấp huyện nơi Tòa án quyết định áp dụng biện pháp
đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc để ra quyết định truy tìm và áp giải
người có quyết định về cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
- Cơ quan Công an lập hồ sơ có trách nhiệm tổng hợp
quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy
bắt buộc gửi bộ phận tổng hợp Công an tỉnh, huyện, thị xã để bổ sung vào danh
chỉ bản và cơ sở dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các sở,
ban, ngành, đoàn thể
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Thực hiện các thủ tục thành lập Cơ sở xã hội thuộc
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước theo Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 23
tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, cụ thể hóa chức năng, nhiệm
vụ của Cơ sở cai nghiện ma túy về quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định
trong thời gian chờ lập hồ sơ; bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và
kinh phí bảo đảm phục vụ việc tiếp nhận đối tượng khi đưa vào Cơ sở cai nghiện
ma túy tỉnh theo quy định.
b) Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác
cai nghiện ma túy, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hằng năm,
dài hạn về công tác cai nghiện ma túy.
c) Trực tiếp chỉ đạo công tác cai nghiện ma túy tại
cơ sở cai nghiện ma túy; chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
d) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma
túy.
đ) Định kỳ 06 tháng, năm tổng hợp báo cáo và đề xuất
giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này với
Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
e) Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ
năng về tư vấn điều trị nghiện ma túy và dự phòng tái nghiện cho đội ngũ cán bộ
làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện từ tỉnh đến cơ sở.
2. Sở Y tế
a) Tổ chức tập huấn về xác định tình trạng nghiện
ma túy cho nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh được quy định tại khoản 3 Điều 1
Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của
Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc.
b) Chỉ đạo các đơn vị đủ điều kiện xác định tình trạng
nghiện ma túy phối hợp cơ quan Công an triển khai theo trình tự, thủ tục xác định
tình trạng nghiện ma túy.
c) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các hoạt động y tế trong công tác cai nghiện ma túy.
3. Công An tỉnh
a) Chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về
ma túy Công an tỉnh, Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp các ngành chức năng
giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện
pháp cai nghiện ma túy. Đồng thời, tổ chức đưa người đã có quyết định áp dụng
biện pháp cai nghiện bắt buộc vào cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
b) Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng làm
công tác bảo vệ, hướng dẫn sử dụng các loại trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho
cán bộ Cơ sở điều trị nghiện ma túy theo đề nghị của các cơ quan chủ quản.
c) Hỗ trợ lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, phối hợp
các ngành chức năng bảo đảm an toàn, xử lý các tình huống xấu xảy ra trong quá
trình tổ chức, thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, Cơ sở cai
nghiện ma túy tỉnh.
d) Phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, xử lý
người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, học viên tại cơ sở cai nghiện
ma túy, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định đang được quản lý tại
cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Sở Nội vụ
Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh phù hợp với quy định pháp luật.
5. Sở Tài chính
Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử
lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; chế độ chữa trị, cai
nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan,
đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ trong công tác cai nghiện theo phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán và quyết
toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản có liên
quan.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối bố trí kế hoạch
vốn đầu tư phát triển theo quy định Luật Đầu tư công.
7. Sở Tư pháp
a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan trong công tác tập huấn, hướng dẫn, bồi
dưỡng nghiệp vụ lập hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và xem xét, chuyển hồ
sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quy chế này.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
a) Xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách phục vụ
cai nghiện ma túy nói chung trong đó có công tác cai nghiện ma túy tại gia
đình, cộng đồng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác
cai nghiện ma túy.
b) Quyết định thành lập Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ
và chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, Phòng Tư
pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp trong việc lập và thẩm định hồ sơ, thi
hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ công
tác cai nghiện theo quy định của pháp luật. Bố trí ngân sách phục vụ công tác
cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và thông qua các chương trình phát
triển kinh tế - xã hội ở địa phương hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy được
tiếp cận các dịch vụ vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống,
hòa nhập cộng đồng theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tại gia
đình, cộng đồng ở địa phương. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về công tác
cai nghiện ma túy theo quy định.
9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Quyết định thành lập Tổ công tác cai nghiện ma
túy theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức
triển khai các hoạt động cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Tổ công tác cai nghiện tổ chức
cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về
công tác cai nghiện ma túy theo quy định.
c) Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện
ma túy bắt buộc, hướng dẫn gia đình có người nghiện ma túy và đoàn thể xã hội địa
phương tham gia quản lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng
biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc.
d) Thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác nhằm giúp người
cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe, nhân cách và sớm hòa nhập cộng đồng.
đ) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người đã chấp hành
xong quyết định cai nghiện ma túy được học nghề, tìm việc làm, vay vốn sản xuất,
kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội; tích cực phòng, chống tái
nghiện ma túy.
10. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước
Tổ chức, tiếp nhận, quản lý, điệu trị bệnh, cắt cơn
nghiện ma túy, dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách,
phòng, chống tái nghiện, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy theo
đúng quy định của pháp luật và Quy chế này.
Điều 9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm tổ chức và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục cho nhân dân kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy; xây dựng môi
trường xã hội lành mạnh, văn minh; phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình
và mọi công dân tham gia tệ nạn ma túy; giám sát hoạt động phòng, chống ma túy
của địa phương, cơ quan, trường học, các cơ sở giáo dục khác và địa bàn dân cư;
phối hợp với chính quyền các cấp; các cơ quan có thẩm quyền để vận động cai
nghiện ma túy; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã
cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện, tích cực phối hợp
triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 10. Đề nghị Tòa án nhân
dân tỉnh
Chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện đúng
các quy định theo Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét,
quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong việc
xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc; phối hợp Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ và các cơ quan có liên quan trong
việc xử lý các trường hợp còn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục xét xử đưa vào cơ sở
cai nghiện bắt buộc.
Điều 11. Đề nghị Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh
1. Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện thẩm
tra về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành
chính tại Tòa án nhân dân cùng cấp.
2. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa
án cùng cấp, Viện kiểm sát tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ việc đó để phối hợp giải
quyết được nhanh chóng, kịp thời.
Điều 12. Chế độ báo cáo và sửa
đổi, bổ sung Quy chế
1. Định kỳ hằng tháng, quý, năm, các sở, ban, ngành
liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã báo cáo tình hình và kết quả thực
hiện công tác cai nghiện ma túy về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh).
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng
mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp./.