ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
29/2018/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày 31
tháng 08 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, CẤP GIẤY
PHÉP XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm
2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng
4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô
thị;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng
5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng
6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng
11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động
xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản
xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở,
quản lý sử dụng nhà và công sở;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này “Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng,
cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2018, thay thế Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND
ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành “Quy định về
lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng
và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam”
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
quyết định này.
Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (để b/c);
- Cục Kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- VPUB: LĐVP(3), GTXD, NN - TNMT, TH;
- Lưu VT, GTXD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đông
|
QUY ĐỊNH
VỀ
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG
VÀ QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2018 của
Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định một số nội dung cụ thể về
lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng
và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
2. Các Sở, Ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); các tổ chức, cá
nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt,
quản lý quy hoạch xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà
Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Quy hoạch xây dựng: Là việc tổ chức không gian của
đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng
kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại
các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng
đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ
môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện
thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
Quy hoạch xây dựng gồm các loại sau: Quy hoạch vùng; Quy hoạch đô thị; Quy hoạch
khu chức năng đặc thù; Quy hoạch nông thôn.
2. Quy hoạch xây dựng vùng: Là việc tổ chức hệ thống
đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật,
hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của tỉnh hoặc một huyện, liên tỉnh,
liên huyện phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
3. Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù: Là việc
tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ
tầng xã hội trong phạm vi một khu chức năng đặc thù. Quy hoạch xây dựng khu chức
năng đặc thù gồm quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy
hoạch chi tiết xây dựng.
4. Quy hoạch xây dựng nông thôn: Là việc tổ chức
không gian, sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của
nông thôn. Quy hoạch xây dựng nông thôn gồm quy hoạch chung xây dựng xã và quy
hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
5. Khu chức năng đặc thù: Các khu vực phát triển
theo chức năng chuyên biệt hoặc hỗn hợp như khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp,
khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch, khu sinh thái; khu bảo tồn, khu
di tích lịch sử - văn hóa; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao; khu vực
đầu mối hạ tầng kỹ thuật (kho tàng, bến bãi, cảng cạn, trạm dừng nghỉ, ga tàu,
bến tàu, bến xe, nghĩa trang, khu xử lý chất thải rắn, khu cấp nước, khu xử lý
nước thải, trạm cung cấp điện); khu chức năng đặc thù khác được xác định theo
quy hoạch xây dựng vùng hoặc quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt hoặc được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.
6. Quy hoạch đô thị: Là việc tổ chức không gian, kiến
trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng
xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong
đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.
7. Đô thị: Là khu vực tập trung dân cư sinh sống có
mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung
tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc
đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa
phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị
xã; thị trấn. Đô thị được phân thành 6 loại gồm: loại đặc biệt, loại I, II,
III, IV, V.
8. Đô thị mới: Là đô thị dự kiến hình thành trong
tương lai theo định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, được đầu
tư xây dựng từng bước đạt các tiêu chí của đô thị theo quy định của pháp luật.
9. Khu đô thị mới: Là một khu vực trong đô thị, được
đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở.
10. Điểm dân cư nông thôn: Là nơi cư trú tập trung
của các hộ gia đình gắn kết với nhau trong sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động
xã hội khác trong phạm vi một khu vực nhất định, được hình thành do điều kiện tự
nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và các yếu tố khác.
11. Giấy phép quy hoạch: Là văn bản do cơ quan có
thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án
đầu tư xây dựng công trình.
12. Chứng chỉ quy hoạch: Là văn bản do cơ quan có
thẩm quyền cấp, xác định các số liệu và thông tin liên quan của một khu vực hoặc
một lô đất theo đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
13. Giấy phép xây dựng: Là văn bản pháp lý do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo,
di dời công trình.
14. Giấy phép xây dựng có thời hạn: Là giấy phép
xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn
nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.
15. Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung: Là
dự án đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của
khu vực dự án, như: khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở, Khu công nghiệp, khu
thương mại, khu thể dục thể thao, khu du lịch...
16. Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ: Là dự
án đầu tư xây dựng một công trình kiến trúc (bao gồm cả chung cư).
Chương II
PHÂN CẤP VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH
VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Điều 3. Lập nhiệm vụ và đồ án
quy hoạch xây dựng
1. Sở Xây dựng:
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phối hợp
với Bộ Xây dựng (đơn vị được giao chủ trì) tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch
xây dựng có liên quan đến tỉnh Hà Nam:
- Quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng chức năng
đặc thù có ý nghĩa quốc gia, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế
liên tỉnh; quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù cấp quốc gia quy định
tại điểm c Khoản 01 Điều 34 Luật Xây dựng;
- Quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi liên quan đến
địa giới hành chính của 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (trong
đó có tỉnh Hà Nam); đô thị mới trong địa bàn tỉnh có quy mô dân số dự báo tương
đương với đô thị loại III trở lên;
- Các quy hoạch xây dựng khác do Chính phủ giao Bộ
Xây dựng chủ trì tổ chức lập có liên quan đến tỉnh Hà Nam.
b) Tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng:
- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch xây dựng
vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng chức năng đặc thù thuộc phạm vi địa giới
hành chính của tỉnh (trừ quy hoạch thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và các Bộ
quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo điểm a, b khoản 3 điều 22 Luật
Xây dựng), vùng dọc các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ thuộc địa giới hành chính
của tỉnh;
- Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù
(trừ các quy hoạch chung xây dựng quy định tại điểm c khoản 1 điều 34 Luật Xây
dựng); Quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù gồm: Khu công nghiệp,
khu công nghệ cao; khu du lịch, khu sinh thái; khu bảo tồn, khu di tích lịch sử
- văn hóa, cách mạng; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao, khu vực đầu
mối hạ tầng kỹ thuật (kho tàng, bến bãi; cảng cạn; khu xử lý chất thải rắn, nước
thải; khu cấp nước; nghĩa trang tập trung cấp vùng tỉnh); Khu chức năng đặc thù
khác xác định theo quy hoạch xây dựng vùng được phê duyệt hoặc theo quy định của
Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự
báo tương đương đô thị loại IV, loại V; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết
các khu vực có phạm vi liên quan đến 2 huyện trở lên, khu vực trong đô thị mới,
khu vực có ý nghĩa quan trọng (về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử
của tỉnh; các khu vực có vai trò là điểm nhấn về không gian, kiến trúc, cảnh quan
đô thị) được xác định trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung
xây dựng hoặc do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;
- Các quy hoạch xây dựng khác do Ủy ban nhân dân tỉnh
giao chủ trì.
2. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:
Tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chuyên ngành theo chức năng quản lý.
3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Tổ chức lập nhiệm
vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp có nhiều chủ đầu tư
tham gia đầu tư xây dựng - kinh doanh kết cấu hạ tầng; tổ chức lập quy hoạch
chi tiết xây dựng đối với các Khu công nghiệp chưa có chủ đầu tư xây dựng kinh
doanh kết cấu hạ tầng.
4. Ban Quản lý Khu đại học Nam Cao: Tổ chức lập nhiệm
vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án
trong Khu Đại học Nam Cao có sử dụng vốn ngân sách nhà nước được Ủy ban nhân
dân tỉnh giao.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý: Tổ chức lập nhiệm
vụ và đồ án quy hoạch chung thành phố; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết
trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý trừ các quy hoạch đô thị quy
định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 Điều này;
- Ủy ban nhân dân các huyện: Tổ chức lập nhiệm vụ
và đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị
trấn; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng có phạm vi quy hoạch liên
quan từ 02 xã trở lên, quy hoạch chi tiết xây dựng trong phạm vi địa giới hành
chính do mình quản lý được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hoặc đầu tư, trừ các quy
hoạch xây dựng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 Điều này;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Phủ Lý: Tổ
chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp thuộc địa
giới hành chính do mình quản lý (đối với cụm công nghiệp chưa có đơn vị kinh
doanh hạ tầng, phải có ý kiến thỏa thuận của Sở Công Thương).
6. Ủy ban nhân dân cấp xã: Tổ chức lập nhiệm vụ và
đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn (gồm: quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch
chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn) thuộc địa giới hành chính do mình quản
lý.
7. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng được Ủy ban
nhân dân tỉnh cho phép nghiên cứu đầu tư dự án thì tổ chức lập nhiệm vụ và đồ
án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao nghiên cứu đầu tư.
Điều 4. Thẩm định, phê duyệt
nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
1. Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có ý
kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng có liên quan do Bộ Xây dựng
chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (nếu được Bộ Xây dựng lấy
ý kiến); tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh;
2. Sở Xây dựng chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch sau:
a) Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch
xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng vùng chức năng đặc thù thuộc phạm vi địa
giới hành chính của tỉnh (trừ quy hoạch thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và các
Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo điểm a, b khoản 3 điều 22 Luật
Xây dựng), vùng dọc các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ thuộc địa giới hành chính
của tỉnh.
b) Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù
(trừ các quy hoạch chung xây dựng quy định tại điểm c khoản 1 điều 34 Luật Xây
dựng); quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù gồm: Khu công nghiệp,
khu công nghệ cao; khu du lịch, khu sinh thái; khu bảo tồn, khu di tích lịch sử
- văn hóa, cách mạng; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao, khu vực đầu
mối hạ tầng kỹ thuật (kho tàng, bến bãi; cảng cạn; khu xử lý chất thải rắn, nước
thải; khu cấp nước; nghĩa trang tập trung cấp vùng tỉnh, cấp vùng liên huyện, cấp
vùng huyện); quy hoạch phân khu xây dựng có phạm vi quy hoạch liên quan từ 2 xã
trở lên; khu chức năng đặc thù khác xác định theo quy hoạch xây dựng vùng được phê
duyệt hoặc theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Quy hoạch chung thành phố Phủ Lý, quy hoạch
chung thị trấn; quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương
với đô thị loại IV, V; đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị
mới trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn
bản của Bộ Xây dựng.
d) Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực
trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của 02 huyện trở lên,
khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng (về chính trị, kinh tế
- xã hội, văn hóa, lịch sử của tỉnh; các khu vực có vai trò là điểm nhấn về
không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị) được xác định trên cơ sở quy hoạch tỉnh,
quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung xây dựng hoặc do Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định.
đ) Quy hoạch chi tiết xây dựng trong Khu đại học
Nam Cao, quy hoạch chi tiết xây dựng trong các Khu công nghiệp, quy hoạch chi
tiết xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
e) Quy hoạch chi tiết xây dựng được Ủy ban nhân dân
tỉnh chấp thuận cho phép Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng được nghiên cứu tổ chức
lập quy hoạch trong khu vực được giao nghiên cứu đầu tư.
e) Các đồ án quy hoạch khác do Ủy ban nhân dân tỉnh
giao.
3. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:
Chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chuyên ngành theo chức năng quản lý sau khi
có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của các Bộ (nếu có quy định phải xin ý kiến),
các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan.
4. Phòng Quản lý đô thị thành phố Phủ Lý, phòng
Kinh tế và Hạ tầng các huyện:
a) Phòng Quản lý đô thị thành phố Phủ Lý chủ trì thẩm
định, trình Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch
phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý
trừ các quy hoạch đô thị quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều
này (trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất của Sở Xây dựng).
b) Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện chủ trì thẩm
định, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết
thị trấn, quy hoạch chi tiết xây dựng có phạm vi quy hoạch liên quan từ 02 xã
trở lên, quy hoạch xây dựng nông thôn (gồm: quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch
chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn), đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu
vực được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý hoặc đầu tư trong phạm vi địa giới
hành chính do mình quản lý trừ các quy hoạch đô thị quy định tại khoản 1, khoản
2, khoản 3 và khoản 5 Điều này (trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất
của Sở Xây dựng).
5. Đối với đồ án quy hoạch xây dựng không thuộc thẩm
quyền chủ trì thẩm định của Sở Xây dựng, đề nghị sau khi đồ án quy hoạch được
phê duyệt trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, các cơ quan tổ chức lập
quy hoạch có trách nhiệm chuyển một bộ hồ sơ hoàn chỉnh (quyết định phê duyệt,
đĩa CD, bản vẽ ký, đóng dấu và văn bản có liên quan) về Sở Xây dựng để phục vụ
công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Điều 5. Trách nhiệm, hình thức,
thời gian lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến về quy hoạch xây dựng
1. Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, tổ
chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa
bàn tỉnh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam.
b) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu
tư dự án đầu tư xây dựng được giao tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm
lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm
vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có liên quan
chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu
tư dự án đầu tư xây dựng trong việc lấy ý kiến.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổng hợp ý
kiến của cộng đồng dân cư (trên cơ sở tập hợp ý kiến của đại diện cộng đồng dân
cư) theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, sau đó gửi về cơ
quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng để tổng hợp.
d) Trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng, tổ
chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tổ
chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về các nội dung
có liên quan đến đồ án quy hoạch xây dựng.
e) Trong quá trình thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy
hoạch xây dựng, trên cơ sở tính chất của đồ án, cơ quan thẩm định có trách nhiệm
lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên hoặc cùng cấp,
hội đồng thẩm định, các hội chuyên ngành và các chuyên gia có liên quan trước
khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hình thức lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng:
a) Việc lấy ý kiến các Sở, ban, ngành, tổ chức, cá
nhân có liên quan được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: gửi hồ sơ,
tài liệu; tổ chức hội nghị, hội thảo. Các Sở, ban, ngành, tổ chức được lấy ý kiến
có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc góp ý trực tiếp tại hội nghị.
b) Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ
án quy hoạch xây dựng được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng
dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn (đối với quy hoạch chung
xây dựng) và trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên
phương tiện thông tin đại chúng tại Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với quy hoạch
phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn).
3. Thời gian lấy ý kiến đồ án quy hoạch xây dựng:
a) Đối với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng
khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn: Thời gian lấy ý kiến là 20
ngày đối với cơ quan, 40 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.
b) Đối với quy hoạch đô thị: Thời gian lấy ý kiến
là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.
4. Tiếp thu ý kiến:
a) Trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng,
các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có
liên quan phải được tổ chức tư vấn lập quy hoạch phối hợp với cơ quan tổ chức lập
quy hoạch tổng hợp, giải trình bằng văn bản, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xem xét, quyết định.
b) Các nội dung góp ý phải được phân tích, giải
trình đầy đủ, làm cơ sở hoàn chỉnh phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự
phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng.
c) Văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến đối với nhiệm
vụ và đồ án quy hoạch xây dựng là một phần của hồ sơ thẩm định và phê duyệt quy
hoạch xây dựng.
Điều 6. Điều chỉnh quy hoạch
xây dựng
1. Điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng:
a) Cơ quan được giao tổ chức lập quy hoạch xây dựng
báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng xin chấp thuận về chủ
trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quy hoạch xây dựng.
b) Việc tổ chức lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt
nhiệm vụ và đồ án quy hoạch điều chỉnh tổng thể các quy hoạch xây dựng, công bố
quy hoạch xây dựng điều chỉnh được thực hiện theo quy định giống như đối với hồ
sơ quy hoạch xây dựng lập mới.
2. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng:
a) Trước khi lập quy hoạch điều chỉnh cục bộ, cơ
quan có trách nhiệm lập quy hoạch tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu
vực điều chỉnh quy hoạch, khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp và phải lập
báo cáo nội dung, kế hoạch điều chỉnh quy hoạch xây dựng với cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt quy hoạch để xin chấp thuận về chủ trương, phạm vi, mức độ, nội
dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng.
b) Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ
và đồ án quy hoạch xây dựng quyết định việc điều chỉnh cục bộ bằng văn bản,
trên cơ sở ý kiến tổng hợp đề xuất của cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng (đối
với quy hoạch xây dựng được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố
phê duyệt, trước khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng phải có ý kiến thống
nhất của Sở Xây dựng).
3. Điều chỉnh đối với một lô đất trong khu vực quy
hoạch:
a) Trong trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới
hoặc điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư
xây dựng công trình tập trung, hoặc công trình riêng lẻ trong khu vực đã có quy
hoạch chi tiết được phê duyệt, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định việc điều
chỉnh thông qua việc cấp giấy phép quy hoạch theo quy định tại điều 71 của Luật
Quy hoạch đô thị.
b) Việc điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử
dụng đất quy hoạch của lô đất phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tính chất,
không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường và khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật,
hạ tầng xã hội của khu vực.
4. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu
đại học Nam Cao phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đối với lô đất
trong Khu công nghiệp, Khu đại học Nam Cao mà không làm thay đổi chức năng sử dụng
khu đất và cơ cấu quy hoạch (sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ
trương cho phép điều chỉnh).
5. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách
nhiệm cập nhật, và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch những nội dung điều chỉnh. Nội
dung điều chỉnh quy hoạch đô thị phải được công bố công khai.
Chương III
PHÂN CẤP VỀ QUẢN LÝ QUY
HOẠCH XÂY DỰNG
Điều 7. Quản lý quy hoạch xây dựng
1. Sở Xây dựng:
ạ) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Sở,
Ngành có liên quan về công bố quy hoạch, hồ sơ cắm mốc và tổ chức triển khai cắm
mốc giới ngoài thực địa, cung cấp thông tin về quy hoạch, giới thiệu địa điểm,
cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch.
b) Tổ chức lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài
thực địa đối với các đồ án quy hoạch: Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân
khu xây dựng khu chức năng đặc thù; Quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số
dự báo tương đương đô thị loại IV, loại V; Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi
tiết khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính từ 02 huyện trở lên,
khu vực trong đô thị mới, khu vực chức năng có ý nghĩa quan trọng, các đồ án
quy hoạch khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch
xây dựng khu chức năng đặc thù thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính
phủ thuộc địa giới hành chính tỉnh.
c) Giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin về quy
hoạch được thực hiện đồng thời, cùng với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của
cấp có thẩm quyền, trừ các dự án do Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Ban Quản
lý Khu đại học Nam Cao trực tiếp quản lý.
d) Cấp chứng chỉ quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng
công trình tại khu vực đã có quy hoạch đô thị được duyệt, và quy định quản lý
theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành để cấp chứng chỉ
cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
đ) Thẩm định, phê duyệt tổng mặt bằng đối với dự án
đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2
ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư), các công trình do Ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định đầu tư trừ các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp do Ban Quản
lý các Khu công nghiệp trực tiếp quản lý.
e) Tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin có liên
quan về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.
f) Soạn thảo các văn bản về quản lý, thực hiện quy
hoạch xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:
a) Giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin về quy
hoạch được thực hiện đồng thời, cùng với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của
cấp có thẩm quyền trong Khu công nghiệp đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
b) Thẩm định và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng đối
với các công trình xây dựng trong Khu công nghiệp đã có quy hoạch chi tiết được
phê duyệt.
c) Tổ chức lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài
thực địa đối với các đồ án quy hoạch chi tiết trong Khu công nghiệp được Ủy ban
nhân dân tỉnh giao.
d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban
nhân dân cấp xã liên quan trong khu vực quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp tổ
chức công bố, công khai quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt trên địa bàn được giao quản lý.
3. Ban Quản lý Khu đại học Nam Cao:
a) Giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin về quy
hoạch được thực hiện đồng thời cùng với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của
cấp có thẩm quyền trong khu vực quản lý đã có quy hoạch chi tiết được duyệt.
b) Thẩm định và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng đối
với các công trình xây dựng trong Khu đại học Nam Cao đã có quy hoạch chi tiết
được duyệt.
c) Tổ chức lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài
thực địa đối với các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong Khu đại
học Nam Cao.
d) Công bố công khai quy hoạch đã được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền phê duyệt trong khu vực được giao quản lý.
4. Ban Quản lý phát triển Khu đô thị mới:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các
nhà cung cấp dịch vụ, các chủ đầu tư, đảm bảo sự kết nối đồng bộ và quản lý hệ
thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án trong
giai đoạn đầu tư xây dựng cho đến khi hoàn thành việc bàn giao cho các cơ quan
quản lý Nhà nước.
b) Công bố công khai quy hoạch đã được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền phê duyệt, cung cấp thông tin về quy hoạch trong khu vực được
giao quản lý.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố
quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công bố điều chỉnh hoặc hủy
bỏ trong trường hợp không thực hiện được thuộc địa giới hành chính do mình quản
lý theo quy định của Nhà nước.
b) Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, hồ
sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa đối với các đồ
án quy hoạch: Đồ án quy hoạch chi tiết thị trấn, quy hoạch chi tiết xây dựng có
phạm vi quy hoạch liên quan từ 02 xã trở lên, quy hoạch chi tiết xây dựng cụm
công nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn (gồm: quy hoạch chung xây dựng xã,
quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn), đồ án quy hoạch chi tiết
xây dựng khu vực được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý hoặc đầu tư trong phạm
vi địa giới hành chính do mình quản lý (trừ các công trình đã phân cấp cho Sở
Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Ban Quản lý Khu đại học Nam Cao).
c) Chủ động và phối hợp với Sở Xây dựng giới thiệu
địa điểm, cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng thuộc địa giới hành chính do
mình quản lý.
d) Thẩm định, phê duyệt tổng mặt bằng đối với các
công trình còn lại (trừ các công trình đã phân cấp cho Sở Xây dựng, Ban Quản lý
các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu đại học Nam Cao) thuộc địa giới do mình quản
lý.
6. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Tổ chức công bố quy hoạch chung xây dựng xã và
quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn thuộc địa giới hành chính do
mình quản lý.
b) Tổ chức lập nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ
chức triển khai cắm mốc giới đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi
tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn do mình quản lý, trình Ủy ban nhân dân cấp
huyện phê duyệt. Chịu trách nhiệm bảo vệ các mốc chỉ giới xây dựng đối với các
đồ án quy hoạch xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.
7. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc
dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh tổ chức lập, phê duyệt
nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
tổ chức triển khai cắm mốc giới đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trong khu vực
dự án. Hồ sơ cắm mốc giới trước khi phê duyệt phải được Sở Xây dựng thẩm định để
đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch chi tiết được duyệt, và phù hợp với hệ thống
hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án.
Điều 8. Thẩm quyền cấp giấy
phép quy hoạch
1. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp
giấy phép quy hoạch:
a) Các dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng đặc
thù cấp quốc gia; các dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực
trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có quy mô trên 50
ha trong phạm vi toàn tỉnh và dự án đầu tư xây dựng có ý nghĩa quan trọng về
chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của tỉnh.
b) Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại
khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị, trừ nhà ở.
c) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung, hoặc
riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được duyệt nhưng cần điều chỉnh
ranh giới, hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất.
d) Dự án đầu tư xây dựng trong khu chức năng đặc
thù cấp quốc gia.
đ) Dự án đầu tư xây dựng nằm trong địa giới hành
chính từ 02 huyện trở lên.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép quy hoạch:
Các dự án không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này
thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Điều 9. Lập, thẩm định và phê
duyệt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và thiết kế đô thị
1. Sở Xây dựng tổ chức lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị các đồ án quy hoạch thuộc
địa giới hành chính từ 02 huyện trở lên.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập, phê duyệt
Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị các đồ án quy hoạch thuộc địa giới
hành chính do mình quản lý sau khi phòng quản lý xây dựng chuyên ngành cấp huyện
thẩm định, và có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập, phê duyệt
đồ án Thiết kế đô thị riêng cho một tuyến phố; cho các ô phố, lô phố trong đô
thị thuộc địa giới hành chính do mình quản lý sau khi phòng quản lý xây dựng
chuyên ngành cấp huyện thẩm định, và có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở
Xây dựng.
Điều 10. Trách nhiệm của các cấp,
các ngành trong quản lý quy hoạch xây dựng:
1. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát
việc thực hiện quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân
tỉnh. Đồng thời kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý quy hoạch xây dựng
của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các địa phương trong tỉnh.
2. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành
chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng chuyên
ngành thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu
đại học Nam Cao, Ban Quản lý phát triển Khu đô thị mới chịu trách nhiệm quản
lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng trong phạm vi đất quy hoạch được
Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản
lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng đối với toàn bộ các
quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn huyện; đồng thời kiểm
tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý quy hoạch xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp
xã thuộc quyền quản lý.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm quản lý,
kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng đối với toàn bộ các quy hoạch
được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn xã.
Chương IV
PHÂN CẤP VỀ CẤP GIẤY
PHÉP XÂY DỰNG
Điều 11. Sở Xây dựng
Cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng cấp
I, cấp II, công trình thuộc dự án nằm ngoài Khu công nghiệp; công trình tôn
giáo (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, tu viện, thánh thất, thánh đường, trụ sở làm
việc của các tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tôn giáo); công trình di
tích lịch sử - văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xếp hạng;
công trình xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt trên 40m2,
công trình theo tuyến thuộc địa bàn từ 02 huyện trở lên; cửa hàng kinh doanh
xăng dầu trên địa bàn tỉnh và các công trình khác do Ủy ban nhân dân tỉnh ủy
quyền.
Điều 12. Sở Giao thông Vận tải
Cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu,
công trình đường bộ, biển quảng cáo tạm trong phạm vi đất dành cho đường bộ và
đấu nối đường nhánh vào hệ thống đường bộ địa phương được quy định tại Thông tư
số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn một số
điều của Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý bảo
vệ kết cấu giao thông; Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 của Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ địa
phương, tỉnh Hà Nam.
Điều 13. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân
tỉnh cấp giấy phép xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, các công trình
nông nghiệp chuyên ngành khác và các công trình khác trong phạm vi hành lang bảo
vệ công trình thuộc phạm vi mình quản lý theo phân cấp (riêng việc cắt xẻ đê để
xây dựng công trình; khoan, đào; xây dựng cống qua đê; xây dựng công trình đặc
biệt trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông đối với đê cấp đặc biệt,
cấp I, cấp II, cấp III phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn trước khi cấp giấy phép xây dựng).
Điều 14. Ban Quản lý các Khu
công nghiệp
Cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trong
các khu công nghiệp trực tiếp quản lý (bao gồm các công trình cấp I, cấp II) trừ
các công trình đã phân cấp cho Sở Xây dựng tại Điều 11 của Quy định này.
Điều 15. Ban Quản lý Khu đại học
Nam Cao
Cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong Khu
đại học Nam Cao trừ các công trình đã phân cấp cho Sở Xây dựng tại Điều 11 của
Quy định này.
Điều 16. Ủy ban nhân dân cấp
huyện
Cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ, trong
khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, công trình tín ngưỡng dân gian,
công trình tôn giáo (trừ các công trình do Sở Xây dựng cấp); công trình xây dựng
màn hình quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo có kết cấu khung kim
loại hoặc vật liệu tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn có diện tích một
mặt trên 20m2; các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước sạch,
giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải); công trình hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động (bao gồm nhà, trạm viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông
công cộng; cột ăngten, cột treo cáp viễn thông; hạ tầng kỹ thuật ngầm) và các
công trình khác thuộc địa giới hành chính do mình quản lý. Đối với các công
trình đi theo tuyến như: đường bộ, đường sắt, đường dây truyền tải điện, đường
cáp viễn thông, đường ống dẫn dầu, dẫn khí, đường ống cấp thoát nước và các
công trình tương tự khác, trước khi cấp phép xây dựng phải có ý kiến thống nhất
bằng văn bản của Sở Xây dựng và Cơ quan quản lý chuyên ngành.
Điều 17. Giấy phép xây dựng có
thời hạn
Giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp cho công
trình có quy mô xây dựng không quá 02 tầng và diện tích nhỏ hơn 100m2.
Công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phải đảm bảo các điều kiện
được quy định tại Điều 94, Luật Xây dựng và các văn bản pháp lý có liên quan.
Điều 18. Điều chỉnh, gia hạn,
cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng
1. Công trình do cơ quan nào cấp giấy phép xây dựng
thì cơ quan đó có quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng
do mình cấp.
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép
xây dựng không thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp không đúng quy định thì Ủy ban
nhân dân tỉnh trực tiếp quyết định thu hồi giấy phép xây dựng.
Chương V
TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP
TRONG CÔNG TÁC CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG
Điều 19. Trách nhiệm của Chủ đầu
tư
1. Trước khi khởi công xây dựng 07 ngày làm việc,
chủ đầu tư công trình phải gửi văn bản thông báo ngày khởi công cho cơ quan cấp
giấy phép xây dựng, đồng thời gửi văn bản thông báo ngày khởi công kèm theo bản
giấy phép xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình biết,
theo dõi thực hiện. Đối với công trình được miễn giấy phép xây dựng thì chủ đầu
tư phải gửi bản sao các bản vẽ thiết kế, gồm: Mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt
chính công trình; mặt bằng, mặt cắt móng; các bản vẽ đấu nối đường giao thông,
cấp thoát nước với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào công trình.
2. Phê duyệt biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho
công trình xây dựng và công trình lân cận; đồng thời gửi văn bản phê duyệt cho Ủy
ban nhân dân cấp xã trước khi khởi công xây dựng công trình.
3. Tổ chức triển khai thực hiện xây dựng công trình
theo giấy phép xây dựng đã được cấp.
4. Bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng cháy
chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng công trình.
5. Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Điều 20. Trách nhiệm của cơ
quan quản lý quy hoạch xây dựng
1. Cung cấp thông tin về quy hoạch chi tiết, thiết
kế đô thị đã được phê duyệt (nếu có), cấp giấy phép quy hoạch (theo quy định)
khi chủ đầu tư có yêu cầu.
2. Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các công việc cần
thiết đối với công trình đầu tư xây dựng trong khu vực chưa có quy hoạch xây dựng
được duyệt.
3. Trả lời bằng văn bản về kiến trúc, quy hoạch thuộc
quyền quản lý đối với các công trình xây dựng khi có văn bản xin ý kiến của Cơ
quan cấp phép xây dựng (kể từ ngày nhận được hồ sơ, trong thời hạn 05 ngày làm
việc đối với dự án công trình và nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 03 ngày làm việc đối
với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn). Quá thời hạn nêu trên nếu không có văn bản
trả lời thì coi như đồng ý, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội
dung quản lý của mình do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trễ.
4. Kiểm tra và kiến nghị với Cơ quan cấp phép xây dựng
không cấp phép đối với các công trình được thiết kế không theo quy hoạch, kiến
trúc được phê duyệt hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm quy hoạch
xây dựng.
Điều 21. Trách nhiệm của cơ
quan cấp giấy phép xây dựng
1. Cử cán bộ, công chức có năng lực, chuyên môn phù
hợp để tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn cho chủ đầu tư lập hồ sơ và thụ lý hồ sơ đề
nghị cấp phép xây dựng đảm bảo đúng các quy định.
2. Niêm yết công khai các điều kiện, thủ tục hành
chính, quy trình, thời gian cấp giấy phép xây dựng tại nơi tiếp nhận hồ sơ theo
đúng bộ thủ tục hành chính của cấp xã, cấp huyện, các sở, ngành đã công bố.
3. Có lịch tiếp dân và giải quyết kịp thời khiếu nại,
tố cáo liên quan đến công tác cấp phép xây dựng.
4. Thực hiện các quy định trong quá trình xem xét cấp
giấy phép xây dựng và chịu trách nhiệm về những nội dung của giấy phép xây dựng
đã cấp; bồi thường thiệt hại do việc cấp phép chậm, cấp phép sai so với quy định.
5. Thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép xây
dựng theo đúng quy định.
6. Không được chỉ định tổ chức, cá nhân thiết kế hoặc
thành lập các đơn vị thiết kế trực thuộc để thực hiện thiết kế cho tổ chức, cá
nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
7. Phối hợp với các Sở, Ngành và các đơn vị quản lý
hạ tầng kỹ thuật có liên quan trong quá trình cấp phép để đảm bảo công trình cấp
phép sau khi xây dựng không vi phạm hành lang an toàn lưới điện, an toàn giao
thông, công trình xăng dầu, hóa chất dễ cháy, nổ, công trình đê điều và các
công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Điều 22. Trách nhiệm của các Sở,
Ngành có liên quan
1. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với cơ quan cấp giấy
phép xây dựng xác định về phạm vi hành lang an toàn giao thông trên các tuyến
đường quốc lộ, tỉnh lộ, điều kiện để được đấu nối vào tuyến đường giao thông và
cơ quan quản lý tuyến đường giao thông. Làm đầu mối hướng dẫn các chủ đầu tư về
thủ tục thỏa thuận cấp phép thi công đấu nối vào các tuyến đường trên địa bàn.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở
Xây dựng trong việc cấp giấy phép thực hiện quảng cáo cho tổ chức, cá nhân.
Cung cấp cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng danh mục các di tích đã được xếp hạng
và phạm vi, ranh giới các khu vực bảo vệ của từng di tích.
3. Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định sự phù hợp
theo quy hoạch đã được phê duyệt đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động (gồm trường hợp quy định phải có giấy phép xây dựng và trường hợp
được miễn giấy phép xây dựng) trước khi Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép
xây dựng và trước khi khởi công xây dựng công trình.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn,
phối hợp với Cơ quan cấp giấy phép xây dựng trong việc cấp giấy phép xây dựng đối
với công trình, nhà ở đã có sẵn, hoặc xây mới ở khu vực nằm ngoài phạm vi bảo vệ
đê điều, ở bãi sông tại các khu vực chưa có quy hoạch hoặc không phù hợp với
quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phòng, chống lũ.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan
cấp giấy phép xây dựng hướng dẫn cụ thể các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất
được xem xét cấp giấy phép xây dựng. Xác định mục đích quy hoạch sử dụng đất đã
được phê duyệt, xác định sự phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp
huyện.
6. Công an tỉnh phối hợp với cơ quan cấp giấy phép
xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục đảm bảo an toàn phòng cháy chữa
cháy, xác định khoảng cách an toàn cháy với các công trình liền kề, thẩm duyệt
thiết kế, nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng
cháy và chữa cháy các dự án, công trình trước khi đưa vào hoạt động theo quy định.
7. Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan cấp
giấy phép xây dựng trong việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý (đặc biệt là Ủy
ban nhân dân cấp xã) và cung cấp thông tin cho các cơ quan cấp giấy phép xây dựng
về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng khi có yêu cầu.
8. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra cơ quan cấp giấy phép xây dựng về nghiệp vụ thu và sử dụng lệ phí
để thực hiện tốt công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý tài chính theo quy
định.
9. Các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban
nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nội dung thuộc phạm vi quản
lý của mình khi Cơ quan cấp giấy phép xây dựng xin ý kiến. Trong thời hạn 05
ngày làm việc đối với dự án công trình, nhà ở riêng lẻ tại đô thị; 03 ngày làm
việc đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến
của Cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Quá thời hạn nêu trên nếu không có văn bản
trả lời thì coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung
quản lý của mình do việc không trả lời, hoặc trả lời muộn.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP
TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG
Điều 23. Nguyên tắc quản lý trật
tự xây dựng
1. Công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các
công trình xây dựng được tiến hành thường xuyên từ khi khởi công đến khi hoàn
thành đưa vào sử dụng, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu
quả các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, bảo đảm ổn định trật tự xây dựng
trên địa bàn tỉnh, hạn chế thiệt hại, tổn thất phát sinh do hành vi vi phạm trật
tự xây dựng gây ra.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng phải
được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và triệt để theo đúng quy tại Nghị định
số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh
khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; quản
lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản
lý sử dụng nhà và công sở; và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, kịp thời,
đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định giữa các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước theo phân cấp về trật
tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
4. Mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật
tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Trách nhiệm chung,
nguyên tắc phối hợp
1. Công tác phối hợp phải kịp thời, thống nhất,
đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân cấp
huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định
của pháp luật, nhằm đảm bảo kịp thời trong quá trình kiểm tra, phát hiện và xử
lý hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng.
2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của
mình Thanh tra Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã;
các Sở, Ban, Ngành, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được
giao, chủ động phối hợp giải quyết, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong
việc quản lý trật tự xây dựng.
3. Cơ quan cấp phép khi ban hành Giấy phép xây dựng
công trình phải gửi 01 bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình được cấp
phép; cung cấp các thông tin, tài liệu các công trình thuộc dự án được miễn giấy
phép xây dựng khi có đề nghị của các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ quản lý trật tự
xây dựng.
4. Các tổ chức quản lý hành lang bảo vệ công trình
quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng; quản lý khu di
tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp
luật, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì xử lý theo thẩm quyền; thông
báo kịp thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xử lý hành vi xây
dựng công trình vi phạm hành lang, công trình do mình quản lý.
Điều 25. Trách nhiệm của Sở
Xây dựng
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản
chỉ đạo, điều hành công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về
kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đối với những công trình cấp đặc biệt do Bộ
Xây dựng cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh.
3. Ban hành văn bản thông báo cho các cơ quan, đơn
vị có liên quan về các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh mà
các cơ quan, đơn vị được giao quản lý chưa kịp thời phát hiện. Trực tiếp kiểm
tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng nếu các cơ quan, đơn vị không xử
lý theo quy định, để vi phạm kéo dài.
4. Kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý trật
tự xây dựng đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ban quản lý các Khu công nghiệp
trên địa bàn tỉnh.
5. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác
quản lý trật tự xây dựng và phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng
khi có đề nghị.
6. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối
với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vượt quá thẩm quyền xử lý của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chánh thanh tra Sở Xây dựng.
7. Tổng hợp tình hình quản lý trật tự xây dựng trên
địa bàn tỉnh định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 26. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc
tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định
của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.
2. Đôn đốc, kiểm tra theo định kỳ, đột xuất đối với
Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị có liên quan thuộc quyền quản lý của mình
việc thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng. Chịu trách nhiệm về tình
hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
3. Trực tiếp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật
tự xây dựng nếu Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý không kịp thời, buông lỏng quản
lý. Xem xét, xử lý theo quy định đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và những
đơn vị, cá nhân được phân công quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm mà
không xử lý kịp thời hoặc bao che cho hành vi vi phạm.
4. Chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện
các kiến nghị xử lý của Sở Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
5. Phân công, chỉ đạo Phòng chuyên môn: trực tiếp
kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình thuộc dự án được miễn
giấy phép xây dựng trên địa bàn; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra,
quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và thường xuyên, liên tục kiểm tra nắm bắt
hoạt động xây dựng trên địa bàn quản lý.
6. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có
đội trật tự xây dựng ngoài việc quản lý trật tự xây dựng theo quy định tại khoản
5 Điều này, tùy thuộc tình hình thực tế Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phân
công thêm việc kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đối với một số công trình thuộc
trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã.
7. Ban hành các quy định, biện pháp quản lý trật tự
xây dựng phù hợp tình hình thực tế tại địa phương do mình quản lý và phù hợp
quy định của pháp luật.
8. Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình
quản lý trật tự xây dựng thuộc phạm vi được giao quản lý trên địa bàn theo (qua
Sở Xây dựng tổng hợp) định kỳ 6 tháng, 01 năm và đột xuất để báo cáo Bộ Xây dựng.
Điều 27. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
1. Chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự
trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, tổng hợp tất cả các hoạt động xây dựng công
trình trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Phối hợp với các cơ
quan, đơn vị khác trong việc kiểm tra trật tự xây dựng khi có yêu cầu.
2. Tổ chức kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng thường
xuyên, định kỳ đối với tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn. Khi kiểm
tra nhận thấy các công trình xây dựng thuộc nhiệm vụ kiểm tra, quản lý của các
đơn vị quy định tại Khoản 2 Điều 25; Khoản 5, 6 Điều 26 Quy định này thì thông
báo bằng văn bản cho các đơn vị trên để tiến hành các bước tiếp theo.
3. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng
thuộc thẩm quyền. Đối với hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt thì thời
hạn 03 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính và hồ sơ vụ việc (nếu
có) đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
4. Ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định cưỡng
chế thi hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm do Ủy
ban nhân dân cấp huyện và Sở Xây dựng đã xử lý mà các đối tượng vi phạm trật tự
xây dựng không chấp hành.
5. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương phân
công nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình xây dựng trên địa bàn cho các tổ chức,
cá nhân do mình quản lý nhằm đảm bảo việc phát hiện kịp thời các hoạt động xây
dựng trên địa bàn. Xử lý, kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm
vụ quản lý trật tự xây dựng nếu không phát hiện kịp thời; bao che các hành vi
vi phạm trật tự xây dựng.
6. Báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất gửi
Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Điều 28. Trách nhiệm của chủ đầu
tư
1. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về
xây dựng.
2. Chấp hành các Quyết định, kiến nghị xử lý của cơ
quan quản lý trật tự xây dựng khi có hành vi vi phạm trật tự xây dựng.
3. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình
gây ra; nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật
hình sự.
4. Chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật
có liên quan.
Điều 29. Trách nhiệm của các Sở,
Ngành có liên quan
1. Chịu trách nhiệm trong việc để công trình xây dựng
vi phạm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi,
đê điều, năng lượng; khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình
khác theo quy định của pháp luật mà mình được giao quản lý.
2. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Ban quản
lý Khu đại học Nam Cao; Ban quản lý phát triển Khu đô thị mới chịu trách nhiệm
kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình trên địa bàn quản lý.
Khi phát hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng thuộc địa bàn được giao quản lý
phải kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xử lý kịp thời.
3. Các tổ chức quản lý công trình chuyên ngành; quản
lý hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều,
năng lượng; quản lý khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình
khác theo quy định của pháp luật chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trật tự
trên phạm vi được giao quản lý.
4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan phải
thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về quản lý trật tự xây dựng. Chịu trách nhiệm
trong việc không phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng
trong lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Xử lý chuyển tiếp
1. Đối với những công việc đang thực hiện trước ngày
Quyết định có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng theo quy định trước đây; các công
việc tiếp theo được thực hiện theo quy định này.
2. Các nội dung khác không quy định tại Quy định
này thì thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
1. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định
này, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời
phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải
quyết.
2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các
ngành, các cấp liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quy định
này; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng định kỳ (06 tháng, 01
năm) và báo cáo đột xuất theo đúng quy định.