Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 5731/KH-UBND 2022 thực hiện Chuyển đổi số Lâm Đồng định hướng đến 2030

Số hiệu: 5731/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Trần Văn Hiệp
Ngày ban hành: 03/08/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5731/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 03 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030; số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Bám sát quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; các quyết định, đề án của Thủ tướng Chính phủ về Chuyển đổi số; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy và các Nghị quyết chuyên đề, định hướng của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan.

2. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị đóng vai trò quyết định trong thúc đẩy chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số và tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số ; đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, ... góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận, thống nhất, tập trung cao trong thực hiện.

3. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người dân cần tận dụng tối đa cơ hội phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; cần xác định rõ lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng doanh nghiệp tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

4. Chuyển đổi số của tỉnh được triển khai toàn diện, kiên quyết, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của việc xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã có, vận dụng phù hợp với đặc thù của tỉnh, thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp, đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính nhằm chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.

5. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức, không để lộ lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh thông tin ngay từ khi thiết kế.

6. Khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, trong đó nguồn lực doanh nghiệp tạo bứt phá; nguồn lực ngân sách đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước; tăng cường, huy động, thúc đẩy hợp tác công - tư; nguồn lực từ các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế là hỗ trợ; nguồn lực trong Nhân dân là yếu tố quyết định sự thành công.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Chính trị - Xã hội; xây dựng Chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ thuận tiện mọi lúc, mọi nơi; phát triển mạnh kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ số, tạo động lực phát triển xã hội số; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh về y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp.

b) Từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội:

+ 100% các văn bản, tài liệu chính thức không mật (theo quy định) trao đổi, xử lý, cập nhật, khai thác văn bản điện tử có chữ ký số trên mạng máy tính giữa các cơ quan đảng và giữa cơ quan đảng với cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, được lưu trữ trong Hệ thông tin điều hành tác nghiệp của cơ quan.

+ 100% cơ quan đảng các cấp của tỉnh sử dụng cổng thông tin điện tử có tích hợp với các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng trên nền Web.

+ 100% tài liệu được số hóa kịp thời và đưa vào khai thác trên mạng máy tính theo quy định số hóa tài liệu.

- Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động:

+ Tối thiểu 80% và phấn đấu 90% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

+ Tối thiểu 80% và phấn đấu 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.

+ Tối thiểu 90% và phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

+ 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế:

+ Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh.

+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%.

+ Năng suất lao động hàng năm tăng bình quân 7%.

- Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số:

+ Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã.

+ Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

+ Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%.

+ Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số cá nhân đạt 50% trở lên.

+ Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%.

+ Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%.

+ Phấn đấu Lâm Đồng vào nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số.

b) Đến năm 2030

- Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động:

+ Tối thiểu 90% và phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

+ 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

+ Tối thiểu 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế:

+ Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh.

+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 20%.

+ Năng suất lao động hàng năm tăng bình quân 8%.

- Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số:

+ Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang và phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

+ Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%.

+ Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số cá nhân đạt trên 70%.

+ Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%.

+ Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ ƯU TIÊN CHUYỂN ĐỔI SỐ

1. Tạo nền tảng chuyển đổi số

a) Thay đổi, nâng cao nhận thức và truyền thông:

- Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành; đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết, tính cấp thiết và lợi ích mang lại của chuyển đổi số; chỉ đạo tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức điều hành, ra quyết định trên nền tảng sử dụng dữ liệu số.

- Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa các hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với các hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác để tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội về chuyển đổi số.

- Thiết lập, triển khai có hiệu quả các chuyên mục về chuyển đổi số trên các kênh truyền thông chính của tỉnh nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về chương trình chuyển đổi số của tỉnh, vai trò của chuyển đổi số tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền, Nhân dân trong tỉnh để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

- Sử dụng hệ thống Tổng đài đường dây nóng của tỉnh và các kênh thông tin để truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ về chuyển đổi số; khuyến khích và tiếp nhận ý kiến, đề xuất đổi mới, sáng tạo của mọi thành phần trong nền kinh tế (bao gồm các cán bộ cơ quan Nhà nước trong khu vực công; các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong khu vực tư nhân).

- Người đứng đầu cấp xã phối hợp với Bí thư đoàn thanh niên cấp xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, chuyển tải các thông điệp thiết thực, gần gũi và các kỹ năng số cơ bản thông qua các ấn phẩm tuyên truyền để người dân thuộc địa bàn quản lý biết về lợi ích mang lại cho người dân để sẵn sàng và tích cực tham gia.

- Ban hành các quy định, quy chế để cán bộ, công chức, viên chức tăng cường sử dụng các nền tảng số, công cụ số để xử lý công việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên môi trường số, từng bước hình thành và duy trì thói quen số cùng với các quy tắc ứng xử trên môi trường số, tạo thành văn hóa số trong hệ thống chính trị và lan tỏa ra cộng đồng xã hội.

b) Xây dựng cơ chế, chính sách:

- Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng, ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn và hàng năm để triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng và các chương trình, đề án, kế hoạch Chuyển đổi số của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

- Ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh trên cơ sở tích hợp bộ chỉ số đánh giá về chính quyền điện tử và phân nhóm đối tượng để thực hiện theo đặc thù và sự tương đồng của các sở, ngành; các huyện, thành phố; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đưa chỉ số chuyển đổi số trở thành một trong những chỉ số thành phần đánh giá về cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân, quản trị cấp huyện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong đó tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực công nghệ thông tin mới tốt nghiệp từ các trường đại học trên địa bàn tỉnh và cả nước.

- Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyển đổi số; ban hành các quy định hoàn thiện quy trình hoạt động, phối hợp của các cơ quan Nhà nước để bảo đảm phù hợp với môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực tư nhân.

- Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử có uy tín trong và ngoài nước. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, đầu tư cung cấp các dịch vụ số trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng Bộ quy chế, quy định về việc quản lý, vận hành, sử dụng, chia sẻ các hệ thống, nền tảng, ứng dụng, dữ liệu số, ... được xây dựng, hình thành trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

c) Phát triển hạ tầng số dùng chung:

- Phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh trên nền tảng điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu có năng lực tính toán cao và được kết nối đồng bộ để phục vụ các hệ thống thông tin của tỉnh, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây.

- Phát triển hạ tầng mạng băng rộng: Internet công cộng thông minh, chất lượng cao để cung cấp các sản phẩm số, dịch vụ số; thiết lập mạng truy cập băng rộng di động tại các vùng lõm sóng; mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã; chuyển đổi mạng Internet của tỉnh sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới; phổ cập điện thoại thông minh toàn dân; ưu tiên phát triển hạ tầng băng thông rộng tại các khu công nghiệp, cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện, bảo đảm sự kết nối, liên thông toàn tỉnh.

- Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) để triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, môi trường, điện, nước, ... Xây dựng, mở rộng mạng lưới thiết bị cảm biến thu thập dữ liệu IoT theo từng ngành, lĩnh vực.

d) Phát triển kho dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh:

- Triển khai kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh đảm bảo cho phép thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa, làm sạch và phân tích, xử lý dữ liệu từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài tỉnh.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng kho dữ liệu dùng chung toàn tỉnh phục vụ khai thác, xử lý, phân tích, hỗ trợ ra quyết định.

- Triển khai cổng dữ liệu mở, tạo lập và cung cấp, công bố dữ liệu mở của tỉnh qua cổng dữ liệu mở để các cơ quan Nhà nước, người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, khai thác, sử dụng; định hướng cung cấp cho người dân và doanh nghiệp kịp thời theo phương thức một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu đến cổng dữ liệu mở quốc gia.

- Chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu nền, chuyên ngành và quản lý Nhà nước, cơ sở dữ liệu về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, doanh nghiệp, đất đai ...tiến hành kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị làm nền tảng hợp nhất các dữ liệu đất đai, quy hoạch, xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, phòng cháy, chữa cháy, viễn thông, lưới điện,...; nâng cấp, mở rộng bản đồ nền GIS áp dụng cho các dữ liệu không gian chuyên ngành.

đ) Phát triển nền tảng số dùng chung:

- Phát triển nền tảng tích hợp, kết nối chia sẻ cấp tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của thông tin và truyền thông; bảo đảm kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

- Triển khai nền tảng định danh và xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh cho phép xác thực truy cập và cấp quyền tập trung khi tham gia sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số của tỉnh; bảo đảm mỗi người dân có một định danh điện tử trên môi trường mạng.

- Triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến theo hướng mở rộng các đối tác, đa dạng hình thức thanh toán và triển khai nhân rộng cho các dịch vụ sự nghiệp công (học phí, viện phí, phí rác thải,...) và các giao dịch dân sự (thương mại điện tử, đấu giá tài sản,...).

- Triển khai nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử bảo đảm thiết thực, hiệu quả; xác định danh sách các nền tảng số dùng chung như: thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, ngân hàng số và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển các hệ thống này.

- Triển khai, áp dụng các nền tảng số doanh nghiệp như: quản trị doanh nghiệp; hoạch định nguồn lực doanh nghiệp tích hợp dữ liệu và phân tích kinh doanh theo nhiều hình thức (nguồn mở, thuê dịch vụ,...) phù hợp từng loại hình doanh nghiệp; thanh toán trực tuyến, mở rộng đa dạng các đối tác, hình thức thanh toán, nhân rộng cho các dịch vụ sự nghiệp công và các giao dịch dân sự.

- Triển khai các nền tảng số quốc gia dùng chung theo ngành, lĩnh vực do các bộ, ngành Trung ương chủ trì và công bố.

e) Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng:

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

- Phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; danh tính số toàn dân để đảm bảo người dân có thể dễ dàng chứng minh danh tính thật trên môi trường số, sử dụng các dịch vụ số một cách trọn vẹn, không cần hiện diện trực tiếp.

- Đảm bảo duy trì hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn an ninh tập trung và Đô thị thông minh của tỉnh kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng quốc gia. Chủ động giám sát các nguy cơ tấn công và mất an toàn thông tin mạng, có hành động ứng phó kịp thời.

- Đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định cấp độ an toàn thông tin; định kỳ tổ chức diễn tập và thực chiến ở cấp tỉnh về ứng cứu sự cố gây mất an toàn thông tin mạng, tiến tới tổ chức diễn tập ở cấp huyện và một số ngành trọng yếu.

- Kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin các hệ thống, nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số của tỉnh trước khi đưa vào sử dụng, khi mở rộng hoặc nâng cấp.

g) Phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo, phát triển kỹ năng số trong các cơ quan Nhà nước hàng năm đưa vào chương trình đào tạo của tỉnh; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể, đội ngũ làm công tác truyền thông. Tập trung đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu; lãnh đạo chuyên trách về công nghệ thông tin; cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản trị cho cán bộ vận hành hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh của tỉnh...

- Xây dựng mô hình tổ công nghệ cộng đồng trong toàn tỉnh (tổ dân phố, khu phố, thôn...), trong đó lực lượng chủ công, nòng cốt đóng vai trò dẫn dắt là đoàn viên thanh niên.

- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến tri thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số cho người lao động trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá và các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng.

- Cập nhật chương trình đào tạo tin học, kỹ năng số tại các trường phổ thông để hình thành thói quen số, văn hóa số.

h) Hợp tác, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số:

- Chủ động, tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn trong nước và quốc tế về chuyển đổi số. Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, mô hình mới theo nhiều hình thức. Ưu tiên triển khai và ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học có sản phẩm phù hợp với định hướng xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu một số công nghệ lõi có thể đi tắt đón đầu, có khả năng bứt phá mạnh mẽ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo.

- Tạo điều kiện, khuyến khích hình thành, mở rộng các vườn ươm doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hình thành, phát triển.

2. Phát triển Chính quyền số

a) Phát triển hạ tầng Chính quyền số:

- Hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng phiên bản 2.0; hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ công dân, doanh nghiệp, nâng cao tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

- Xây dựng Hệ thống phân tích dữ liệu và mô phỏng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hoạt động của đô thị phục vụ chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu; duy trì, nâng cao chất lượng mạng diện rộng của tỉnh trên đường truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo vận hành ổn định, hiệu quả, an toàn.

- Hoàn thành chuyển đổi Ipv6 trong cơ quan Nhà nước; nâng cấp hệ thống mạng nội bộ và các thiết bị đầu cuối cho người dùng tại các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất cho các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.

b) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thông minh, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp:

- Duy trì cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; đảm bảo duy trì kết nối hệ thống một cửa điện tử với cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ban, ngành Trung ương; bảo đảm đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; ứng dụng định danh điện tử quốc gia, tích hợp dữ liệu để người dân, doanh nghiệp chi phải nhập dữ liệu một lần.

- Phát triển nền tảng công dân số và ứng dụng công dân số để cung cấp các tiện ích, dịch vụ số thiết yếu, thông minh cho người dân trên nền tảng thiết bị di động thông minh.

- Hiện đại hóa trang thiết bị trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để xây dựng, triển khai ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

c) Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị toàn tỉnh:

- Duy trì hệ thống quản lý văn bản điều hành và tác nghiệp của các cơ quan khối đảng, chính quyền đảm bảo chuẩn hóa, điện tử hóa các quy trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường số.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung khối đảng - chính quyền - tổ chức đoàn thể.

- Xây dựng và triển khai hệ thống họp không giấy tờ trong toàn tỉnh; công tác thanh, kiểm tra thông qua môi trường số; thí điểm trợ lý ảo hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và tác nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước.

- Triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành, ứng dụng số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ riêng của từng ngành, lĩnh vực theo yêu cầu quản lý.

d) Số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể và các cấp chính quyền:

- Số hóa kết quả thủ tục hành chính còn hiệu lực, văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý, lưu trữ, hồ sơ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức, đoàn thể từ năm 2010 trở lại đây bảo đảm đầy đủ toàn vẹn dữ liệu; sử dụng dữ liệu số chuyên ngành (dân cư, doanh nghiệp, đất đai, giao thông, xây dựng, tài nguyên môi trường, tư pháp, thuế, ...) để thay thế thành phần hồ sơ phải nộp trong cung cấp dịch vụ công.

- Kết nối, liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, ...

- Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian cấp tỉnh, tạo nền tảng số để hình thành bản đồ hợp nhất dữ liệu các ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh, ưu tiên các ngành trọng tâm phải hoàn thành chuyển đổi số trước năm 2025 (y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, công thương, tài nguyên môi trường, quản lý cán bộ).

3. Phát triển kinh tế số

- Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp 4.0, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

- Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, gồm: doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; doanh nghiệp công nghệ thông tin tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số; doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

- Nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ phục vụ nhu cầu của xã hội, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số.

- Phát triển thương mại điện tử: xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị. Các nhà sản xuất lớn, nhà phân phối vừa và nhỏ, nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, công ty thương mại điện tcùng cấu thành nên chuỗi cung ứng; tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.

- Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp công nghệ số: triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp số Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin truyền thông, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ số.

- Ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi mô hình kinh doanh và thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh, lành mạnh (như phát triển thị trường thương mại điện tử; thu thuế thông minh kết nối tích hợp với các hệ thống thuế, hải quan, thanh toán của các ngân hàng..hợp tác, thúc đẩy và hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, ứng dụng thương mại điện tử).

- Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị và cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thanh toán theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

- Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chỉ số về kinh tế số tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các giải pháp chuyển đổi số.

4. Phát triển xã hội số

- Tích cực phổ biến, tuyên truyền các lợi ích chuyển đổi số, nhất là cơ hội bình đẳng về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, góp phần thu hẹp khoảng cách số, tiến đến trở thành công dân số.

- Triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân theo hình thức trực tuyến, thông qua báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo dễ hiểu, dễ tiếp cận; tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức

- Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp các dịch vụ số thiết yếu, thông minh cho người dân. Tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân điện tử, sử dụng hệ thống thông tin chính quyền điện tử và các dịch vụ số của tỉnh. Hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi để người dân, doanh nghiệp, du khách tiếp cận, sử dụng các sản phẩm công nghệ sổ của tỉnh.

- Đảm bảo các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được gắn mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode).

- Đảm bảo việc tiếp cận thông tin của người dân qua nhiều nền tảng truyền thông số hiện đại. Phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn tỉnh với mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ.

- Cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, đô thị, xây dựng, chiếu sáng, giáo dục, y tế, giao thông.

- Cung cấp các dịch vụ số đối với các lĩnh vực thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp như: y tế, giáo dục, môi trường, xây dựng, giao thông, lao động, việc làm, xã hội.

5. Một số lĩnh vực ưu tiên

a) Lĩnh vực y tế:

- Đẩy mạnh triển khai nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa kết nối giữa các bệnh viện ở các tuyến, góp phần cải cách hành chính, giảm tải các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; triển khai các nền tảng: quản lý xét nghiệm, tiêm chủng, trạm y tế, hồ sơ sức khỏe cá nhân, nền tảng số kết nối các chuyên gia lĩnh vực y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, phân tích, chẩn đoán bệnh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu về y tế.

- Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí trực tuyến, hình thành các bệnh viện thông minh; thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế của tỉnh; ưu tiên bố trí ngân sách cho các đề tài nghiên cứu y tế thông minh.

b) Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: triển khai áp dụng công nghệ số, hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số. Tăng cường đưa các hoạt động giáo dục lên môi trường số, hoàn thiện hệ thống học bạ điện tử; số hóa, xây dựng cơ sở tài liệu, giáo trình điện tử; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; triển khai thanh toán học phí, lệ phí qua mạng cho các trường học; triển khai nền tảng số kết nối, phục vụ trực tuyến toàn tỉnh cho công tác tuyển sinh, giảng dạy, học tập, thi cử, xử lý học vụ và cấp bằng, hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số.

c) Lĩnh vực nông nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng:

- Phát triển nông nghiệp số gắn với nông nghiệp sinh thái; nông dân chuyên nghiệp, văn minh; chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế số nông nghiệp, mỗi hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ; phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu người nông dân, kết nối người nông dân và chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, phân tích, phát hiện sớm dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ địa phương khác nhập vào tỉnh bằng tem điện tử, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.; tăng cường kinh doanh qua mạng, phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

- Từng bước thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

- Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Máy bay không người lái (Drone), thiết bị bay không người lái (Flycam), thiết bị giám sát vị trí GPS và cảnh báo tiếng động,...; đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ: GIS, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData), công nghệ viễn thám,... phục vụ chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, hỗ trợ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; đồng bộ hóa việc cập nhật cơ sở dữ liệu về rừng và quy hoạch phát triển rừng trên các hệ thống thông tin quản lý của tỉnh và của Tổng cục Lâm nghiệp.

d) Lĩnh vực du lịch:

- Cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho du khách trước và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực; mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; phát triển các nền tảng số kết nối cung và cầu về du lịch. Triển khai nền tảng dữ liệu số du lịch, cơ quan Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp du lịch làm nòng cốt, khách du lịch tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, cung cấp dữ liệu. Nền tảng du lịch số phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch, kết nối doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch với các nhà phân phối, đại lý du lịch trực tuyến và các sàn giao dịch du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số.

- Xây dựng các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới khác nhằm đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tiện dụng, tăng giá trị và sức hấp dẫn đối với khách du lịch cũng như các điểm đến du lịch; đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến (qua ví, thẻ ngân hàng trực tuyến, QR Code,...) ở tất cả các điểm đến du lịch. 100% công tác quản lý liên quan đến du lịch (các cơ sở cung cấp dịch vụ cho du lịch, hướng dẫn viên, công ty khai thác du lịch...) được điện tử hóa, số hóa.

- Xây dựng các hệ thống giám sát an ninh, an toàn thông minh từ xa, trung tâm thông tin và điều hành du lịch tại tất cả các điểm đến du lịch, đảm bảo hỗ trợ khách du lịch 24/7 trong mọi trường hợp cần sự trợ giúp, khẩn cấp.

đ) Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử:

- Phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng, đưa dịch vụ tài chính, ngân hàng đến gần hơn người dân vùng sâu, vùng xa. Triển khai tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán. Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; hình thành hệ sinh thái gắn kết doanh nghiệp thương mại điện tử với các nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng. Hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm, dịch vụ lên sàn thương mại điện tử.

- Đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng.

- Hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm đáng tin cậy.

e) Lĩnh vực giao thông - vận tải và logistics:

- Phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, đường cao tốc. Triển khai các hệ thống thông minh hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Triển khai cổng thông tin giao thông trực tuyến, hệ thống giám sát, quản lý thu phí đậu đỗ xe thông minh; hệ thống giám sát và điều khiển giao thông qua camera theo thời gian thực. Số hóa hạ tầng giao thông trên bản đồ số phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông, chia sẻ cho các cơ quan liên quan. Hình thành các trung tâm kho bãi, chia chọn tự động dựa trên công nghệ số phục vụ logistics.

- Từng bước chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều khiển phương tiện số.

g) Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch về đất đai; cơ sở dữ liệu quản lý các quy hoạch thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung với các hệ thống thông tin quốc gia và các ngành, lĩnh vực khác; triển khai các giải pháp, ứng dụng thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, phân tích, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, xử lý sự cố môi trường; xây dựng hệ thống tính toán dữ liệu quy hoạch môi trường cho phát triển bền vững, đa dạng sinh học, nguồn thải, biến đổi khí hậu, khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản; xây dựng cổng thông tin không gian địa lý và cổng thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường của tỉnh; hệ thống kho dữ liệu số tài nguyên môi trường.

h) Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng: tăng cường ứng dụng công nghệ số, nền tảng thu thập, phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định tối ưu nguồn lực, hỗ trợ quản lý, điều hành, giám sát, điều khiển tự động các hệ thống, dây chuyền sản xuất công nghiệp. Phát triển kỹ năng số cho người lao động. Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, ưu tiên cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cung ứng điện một cách hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện hạ tầng dữ liệu lưới điện; ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, giám sát việc cung cấp, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện.

i) Lĩnh vực xây dựng: phát triển cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị hướng tới đô thị thông minh bền vững, hợp nhất các cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị, quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, phòng cháy, chữa cháy, viễn thông, lưới điện, ... thống nhất, đồng bộ trên bản đồ nền tảng GIS dùng chung; ứng dụng nền tảng mô hình thông tin công trình cho việc xây dựng quy trình nhận hồ sơ, thẩm định dự án xây dựng, đầu tư xây dựng công trình, số hóa các hồ sơ quy hoạch nhằm cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư theo đúng quy định; tích hợp thông tin pháp lý đối với công tác quản lý dân cư, đất đai, giao thông và các dịch vụ công trong đô thị; cải cách hành chính, hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

a) Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

b) Ưu tiên kinh phí từ ngân sách Nhà nước để phục vụ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nhận thức, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, chuyển đổi kỹ năng trong môi trường số và các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch này do cơ quan Nhà nước chủ trì thực hiện.

c) Các sở, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số, bao gồm sử dụng nguồn lực lồng ghép trong các chương trình, dự án khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh: Đôn đốc, điều phối chung việc triển khai hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết các vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai chuyển đổi số của tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nội dung phát triển chính quyền số; xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại khoản 1, 2, 3, 4 mục III Kế hoạch này.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ (hàng quý, 6 tháng và năm) báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

d) Chủ trì tổ chức cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng và công khai kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch.

đ) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh:

- Tham gia là nòng cốt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong Kế hoạch này.

- Chủ động thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ công nghệ, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

- Phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, công nghệ mới, mô hình mới cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

a) Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trên cơ sở đề xuất dự toán kinh phí thực hiện các nội dung thuộc Kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với vốn chi đầu tư phát triển) và Sở Tài chính (đối với vốn thường xuyên) tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, địa phương thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kế hoạch thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên phân bổ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện chuyển đổi số, chú trọng các nhiệm vụ có kinh phí đối ứng của doanh nghiệp. Tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh.

b) Tham mưu sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính trong nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ gắn với tăng cường thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Kết nối và phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp có quy mô lớn, chuyên sâu về công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh trong tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến, giải pháp về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.

5. Sở Y tế: Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm a khoản 5 mục III Kế hoạch này.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm b khoản 5 mục III Kế hoạch này. Chủ trì, phối hợp với sở Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo và dạy nghề gắn với công nghệ số.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm c khoản 5 mục III Kế hoạch này.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm d khoản 5 mục III Kế hoạch này.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng: Trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu thực hiện cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm đ khoản 5 mục III Kế hoạch này.

10. Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm e khoản 5 mục III Kế hoạch này.

11. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm g khoản 5 mục III Kế hoạch này.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, thực hiện và giải quyết các vấn đề về sử dụng đất xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động, nhằm phát triển các trạm phát sóng di động phục vụ phát triển hạ tầng chuyển đổi số, tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số.

12. Sở Công Thương: Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm h khoản 5 mục III Kế hoạch này.

13. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại điểm i khoản 5 mục III Kế hoạch này.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc cấp phép xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động để triển khai các trạm phát sóng di động phục vụ phát triển hạ tầng chuyển đổi số, tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số.

14. Sở Nội vụ

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu các chính sách, kế hoạch thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao phục vụ chuyển đổi số.

b) Triển khai lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào bộ chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo lực lượng nòng cốt tham mưu công tác quản lý và trực tiếp vận hành các hệ thống thông tin, thực hiện chuyển đổi số.

15. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cơ quan, đơn vị.

b) Rà soát các nhiệm vụ của ngành và căn cứ tình hình cụ thể để đề xuất bổ sung các nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số, đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy và nội dung của Kế hoạch này.

c) Lập danh mục các dự án, nhiệm vụ cần ưu tiên chuyển đổi số hàng năm trong giai đoạn 2021-2025, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Định kỳ (6 tháng và hàng năm) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) tình hình triển khai thực hiện.

16. Đề nghị các tổ chức hội, đoàn thể

a) Tham gia hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số; thực hiện các hoạt động hỗ trợ địa bàn cơ sở và người dân thực hiện chuyển đổi số theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này.

b) Tổ chức kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ số với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành nghề khác, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh.

17. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh: Tuyên truyền chuyển đổi nhận thức của xã hội về chuyển đổi số thông qua các kênh truyền thông, chuyên trang, chuyên mục trên các chương trình truyền thanh, truyền hình.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo nhiệm vụ phân công, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TTTT;
- TT TT; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Đài PTTH tỉnh; Báo LĐ;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT.VX1.

T.M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

TT

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Thời gian thực hiện

A

PHÁT TRIỂN NỀN TẢNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

 

 

I

Phát triển hạ tầng số dùng chung

 

 

1

Phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh trên nền tảng điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Sở TTTT

2023-2024

2

Phát triển hạ tầng mạng băng rộng.

 

 

2.1

Phát triển internet công cộng để cung cấp, triển khai các sản phẩm số.

UBND các huyện, thành phố

2022-2025

2.2

Bố trí mặt bằng xây dựng trạm thu, phát sóng di động để thiết lập mạng truy cập băng rộng di động tại các khu vực đặc biệt khó khăn chưa có mạng, sóng yếu, lõm sóng truy cập băng rộng di động.

2022-2023

2.3

Nâng cấp, phát triển hạ tầng băng rộng, triển khai công nghệ 5G chất lượng cao tập trung và các trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, khu du lịch, khu vui chơi công cộng, ...

Sở TTTT

2022-2023

3

Phát triển hạ tầng mạng Internet vạn vật dùng chung toàn tỉnh.

 

 

3.1

Quy hoạch phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) để triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, môi trường, điện, nước và các đô thị thông minh của tỉnh để hình thành cấu phần quan trọng của hạ tầng số.

Sở TTTT

2022-2025

3.2

Xây dựng, mở rộng mạng lưới các thiết bị/loại cảm biến thu thập dữ liệu Internet vạn vật (IoT)[1] theo các ngành, lĩnh vực và dịch vụ đô thị thông minh bảo đảm hiệu quả, phù hợp nhu cầu, không trùng lặp. Ưu tiên các lĩnh vực: du lịch, giao thông, môi trường, nông nghiệp, chiếu sáng, an ninh thông tin.

Các sở, ban, ngành, địa phương

2022-2025

3.3

Phát triển, hoàn thiện và mở rộng hạ tầng chiếu sáng công cộng trên nền bản đồ có điều khiển đảm bảo có khả năng tích hợp thiết bị cảm biến tạo hạ tầng cho triển khai Internet vạn vật (IoT) phục vụ các lĩnh vực như môi trường, giao thông, an ninh trật tự...

UBND các huyện, thành phố

2022-2025

II

Phát triển kho dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh

 

 

1

Xây dựng, triển khai Kho dữ liệu tập trung dùng chung cấp tỉnh đảm bảo cho phép thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa, làm sạch và phân tích, xử lý dữ liệu từ các nguồn dữ liệu của tỉnh và ngoài tỉnh.

Sở TTTT

2022-2023

2

Xây dựng Cổng dữ liệu mở, tạo lập và cung cấp/công bố dữ liệu mở của tỉnh qua Cổng dữ liệu mở để các cơ quan nhà nước, công dân, doanh nghiệp có thể truy cập, khai thác, sử dụng khi cần thiết theo quyền hạn (ưu tiên cơ sở dữ liệu: đất đai; quản lý cán bộ, công chức; quản lý sáng kiến, đề tài, nhiệm vụ khoa học; doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ; chuyên gia, các nhà khoa học; tài nguyên môi trường; nhà ở; xây dựng; nguồn nước); định hướng cung cấp cho người dân và doanh nghiệp kịp thời theo phương thức một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu đến Cổng dữ liệu mở quốc gia.

Sở TTTT

2023-2025

III

Xây dựng nền tảng số dùng chung

 

 

1

Phát triển, nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh bảo đảm kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Sở TTTT

2022-2023

2

Phát triển, triển khai nền tảng định danh cá nhân và xác thực điện tử của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho phép xác thực truy cập và cấp quyền tập trung khi tham gia sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số của tỉnh; bảo đảm mỗi người dân có một danh tính số trên môi trường mạng.

Công an tỉnh

2023-2025

3

Phát triển nền tảng thanh toán trực tuyến theo hướng mở rộng các đối tác, đa dạng hình thức thanh toán và triển khai nhân rộng cho các dịch vụ sự nghiệp công (học phí, viện phí, phí rác thải,...) và các giao dịch dân sự (thương mại điện tử, đấu giá tài sản,...).

Ngân hàng Nhà nước Việt nam chi nhánh tỉnh

2022-2025

4

Triển khai nền tảng số hóa đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh để phục vụ lưu trữ, quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả trên môi trường số làm cơ sở thiết lập hồ dữ liệu/kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; trong đó, cho phép doanh nghiệp, người dân tham gia số hóa dữ liệu.

Các sở, ban, ngành, địa phương

2023-2025

5

Triển khai các nền tảng công nghệ số dùng chung theo ngành, lĩnh vực: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; nền tảng dữ liệu mở; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp; nền tảng cá nhân hóa thông tin; nền tảng Internet vạn vật kết nối; nền tảng Trí tuệ nhân tạo; nền tảng định vị không gian địa lý; nền tảng phát triển ứng dụng di động; nền tảng blockchain; các nền tảng phát triển các ứng dụng khác (như sinh trắc học, chuỗi khối...).

Các sở, ban, ngành, địa phương

2022-2025

IV

Bảo đảm quốc phòng - an ninh và an toàn, an ninh mạng

 

 

1

Tổ chức kiểm tra, đánh giá và xác định cấp độ an toàn thông tin và xây dựng bổ sung và thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh đảm bảo định kỳ theo quy định.

Sở TTTT

2022-2025

2

Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm kiểm soát an toàn thông tin mạng (Security Operation Center - SOC)

2022-2023

3

Định kỳ đánh giá an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh; diễn tập ứng cứu sự cố gây mất an toàn thông tin, diễn tập thực chiến đối với các hệ thống thông tin đang hoạt động.

Hàng năm

4

Xây dựng, triển khai các hệ thống phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phát hiện vi phạm pháp luật trên không gian mạng để kịp thời xử lý.

Công an tỉnh

2022-2023

5

Phát triển, triển khai các ứng dụng số (lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý xuất nhập cảnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ...) đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

2022-2023

V

Phát triển nguồn nhân lực (Chính quyền, doanh nghiệp, người dân)

 

 

1

Xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu; lãnh đạo chuyên trách về công nghệ thông tin (CIO); cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (IT) tại các cơ quan nhà nước và đội ngũ làm công tác truyền thông; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản trị cho cán bộ vận hành hệ thống.

Sở TTTT

Hàng năm

2

Tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số, ứng dụng số, kỹ năng số cho người dân trên các nền tảng truyền thông của tỉnh.

Hàng năm

3

Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hàng năm

4

Xây dựng chương trình đào tạo về chuyển đổi số để giáo viên và học sinh có các kỹ năng số trong đó, phấn đấu 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy từ bậc tiểu học trở lên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, có kỹ năng số để trở thành lực lượng nòng cốt góp phần hình thành công dân số.

Sở GDĐT

2022-2025

5

Xây dựng tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh

Hàng năm

6

Tổ chức cuộc thi về chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi số đối với toàn bộ các hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật của tỉnh; là một trong những đầu mối của tỉnh tập hợp đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức trẻ về chuyển đổi số.

Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh

2023-2025

B

PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ

 

 

I

Phát triển hạ tầng Chính quyền số

 

 

1

Phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng diện rộng (WAN), mạng Internet của các cơ quan nhà nước, bảo đảm vận hành ổn định, hiệu quả, có tính dự phòng và sẵn sàng cao không bị gián đoạn kết nối và được kiểm soát đến từng nút mạng.

Sở TTTT

2022-2025

2

Tiếp tục chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước tỉnh Lâm Đông; tập trung chuyển đổi mạng lõi của Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và hệ thống chính quyền điện từ.

Sở TTTT

2022-2025

3

Nâng cấp hệ thống mạng nội bộ (LAN) tại các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã và đảm bảo các trang thiết bị đầu cuối (máy tính, máy in, máy scan...) hoạt động ổn định. Đảm bảo cơ sở vật chất cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Các sở, ban, ngành, địa phương

Hàng năm

II

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thông minh, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp

 

 

1

Nâng cấp cổng dịch vụ công, bảo đảm duy trì một cửa điện tử với các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ban, ngành Trung ương, bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

2022-2023

2

Phát triển, triển khai ứng dụng phục vụ cho công dân số để cung cấp các tiện ích, dịch vụ số thiết yếu, thông minh cho người dân trên nền tảng thiết bị di động thông minh, tăng cường tương tác giữa người dân - doanh nghiệp - chính quyền, hướng tới xây dựng công dân số (thông tin từ chính quyền, quản lý thông tin cá nhân, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, đỗ xe, phản ánh hiện trường, việc làm số, an ninh trật tự, trợ lý ảo, thư viện,...).

Văn phòng UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố

2023-2024

3

Xây dựng quy trình kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trong đó đảm bảo đạt 50% hoạt động được thực hiện thông qua môi trường số.

Thanh tra tỉnh

2023-2025

4

Hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (nâng cấp đường truyền, bổ sung các thiết bị ngoại vi, thiết bị quét mã vạch tích hợp với hệ thống phần mềm một cửa điện tử...; thí điểm công nghệ trí tuệ nhân tạo để xây dựng, triển khai ứng dụng Trợ lý ảo hỗ trợ công dân, doanh nghiệp khi tham gia đăng ký thực hiện các dịch vụ công trực tuyến).

Trung tâm phục vụ HCC tỉnh và UBND các huyện, thành phố

2023-2024

III

Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị toàn tỉnh

 

 

1

Phát triển, bổ sung hệ thống quản lý văn bản điều hành và tác nghiệp của các cơ quan khối đảng, chính quyền đảm bảo chuẩn hóa, điện tử hóa các quy trình xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, hồ sơ công việc, chế độ báo cáo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ văn thư, lưu trữ điện tử tại các cơ quan nhà nước của tỉnh theo các quy định mới được ban hành, theo chu kỳ công nghệ.

Sở Nội vụ;

2023

2

Phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo để bảo đảm 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội, báo cáo ngành, lĩnh vực từ cấp xã đến cấp tỉnh phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung khối Đảng - chính quyền - tổ chức đoàn thể.

Văn phòng UBND tỉnh

2023

3

Xây dựng và triển khai hệ thống họp không giấy tờ trong toàn tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố

2023-2024

4

Chuyển đổi số hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư giúp cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (tìm hiểu thông tin, tiến hành các quy trình, triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư,...) được thực hiện trên nền tảng số.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2023-2024

5

Phát triển, triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành/ứng dụng số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, chuyên môn nghiệp vụ riêng của từng, ngành, lĩnh vực.

Các sở, ban, ngành

2023-2025

6

Triển khai thí điểm Trợ lý ảo hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp cho các cán bộ, công chức, viên chức trong các Cơ quan nhà nước sử dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Các sở, ban, ngành

2023-2024

IV

Số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan đảng, mặt trận tổ quốc, tổ chức đoàn thể và các cấp chính quyền

 

 

1

Số hóa kết quả thủ tục hành chính còn hiệu lực; sử dụng ít nhất 10 loại dữ liệu số chuyên ngành (dân cư, doanh nghiệp, đất đai, giao thông, xây dựng, tài nguyên môi trường, tư pháp, thuế,...) để thay thế thành phần hồ sơ phải nộp trong cung cấp dịch vụ công.

Các sở, ban, ngành, địa phương

2023-2025

2

Số hóa toàn bộ các văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý, lưu trữ, hồ sơ của các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể.

Các sở, ban, ngành, địa phương

2023-2025

3

Kết nối, liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm....

Các sở, ban, ngành

2023-2025

4

Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý cấp tỉnh; cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nền không gian địa lý của tỉnh, ưu tiên các ngành trọng tâm ưu tiên chuyển đổi số hoàn thành trước năm 2025 (y tế, giáo dục, du lịch, đất đai, giao thông, công thương, tài chính, tài nguyên môi trường, xúc tiến đầu tư, xây dựng...).

Các sở, ban, ngành

2022-2025

C

PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

 

 

I

Phát triển kinh tế số trong công nghiệp

 

 

1

Xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp và các khu công nghiệp tích hợp công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực công nghiệp có ảnh hưởng lớn để cải thiện năng suất trên quy mô lớn và khai mở các giá trị kinh tế chưa thực hiện được trước đây. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

2023-2024

2

Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý thông minh trong các Khu công nghiệp.

2023-2024

3

Xây dựng các khu công nghiệp thông minh, tích hợp giải pháp chế biến chế tạo thông minh gồm cả giải pháp phần mềm thông minh và thiết bị IoT.

2023-2025

II

Phát triển kinh tế số trong năng lượng

 

 

2

Thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch, công nghệ cao.

Sở Công Thương

2022-2025

3

Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý, điều hành thông minh trong lĩnh vực năng lượng.

2022-2025

III

Phát triển kinh tế số trong nông nghiệp

 

 

1

Quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy thương mại điện tử và cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Sở NNPTNT

2022-2023

2

Phát triển, triển khai các ứng dụng số, bản đồ số để quan sát, giám sát, điều hành thông minh dựa trên dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng các lĩnh vực của ngành nông nghiệp; hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh (quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn và khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử...).

2022-2023

IV

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải

 

 

1

Phát triển hệ thống thông tin quản lý giao thông thông minh trên nền tảng số, trên nền tảng hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh của tỉnh kết nối, tích hợp trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh; số hóa hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Sở GTVT

2023-2025

2

Xây dựng, triển khai Cổng thông tin giao thông trực tuyến tích hợp với các dịch vụ số phục vụ doanh nghiệp, người dân và du khách.

2023-2024

V

Phát triển dịch vụ thương mại cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu logistic

 

 

1

Xây dựng hệ thống cung cấp, vận chuyển hàng hóa logistic để hỗ trợ liên kết vùng trong đó sử dụng liên kết số toàn diện thông qua danh tính số ID, mã vạch QRCode; quản lý toàn diện các thông tin, dữ liệu trên môi trường số.

UBND các huyện, thành phố; Chi cục Hải quan, Sở CT, Chi cục Thuế tỉnh

2022-2025

2

Phối hợp với doanh nghiệp triển khai/thúc đẩy công nghệ số để cải thiện chất lượng dịch vụ logistics theo các tiêu chuẩn quốc tế: Phân tích, xử lý dữ liệu để đánh giá khả năng của chuỗi cung ứng, cảnh báo/dự báo tác động theo điều kiện; Đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng của phương tiện; Tự động hóa quy trình vận tải.

Sở GTVT

2023-2025

VI

Chuyển đổi số trong Du lịch

 

 

1

Phát triển, triển khai các ứng dụng số hướng đến cung cấp dịch vụ du lịch thông minh (Hệ thống thẻ du lịch thông minh, số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn; xây dựng bản đồ số du lịch, phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch trên thiết bị di động thông minh, thí điểm thực tế ảo trên cổng thông tin du lịch cho các khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng; xây dựng App du lịch thông minh cho du khách cung cấp đầy đủ thông tin...).

Sở VHTTDL

2022-2023

2

Triển khai các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số phục vụ quản lý, điều hành trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở kế thừa và phát huy hiệu quả dự án ứng công nghệ thông tin nâng cao hoạt động ngành du lịch Lâm Đồng thuộc Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh (phân tích, xử lý dữ liệu du lịch để báo cáo thống kê và chỉ đạo, điều hành...; quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch thông minh và tăng cường an toàn, an ninh du lịch...).

2022-2025

3

Xây dựng Đề án Di sản số Tỉnh Lâm Đồng, tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu về các giá trị di sản, tài nguyên và môi trường, văn hóa, du lịch tại khu vực di sản thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

2023-2025

VII

Phát triển kinh tế số trong Tài chính - Ngân hàng

 

 

1

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập và thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

2021-2024

2

Triển khai hệ sinh thái tài chính số kết hợp các dịch vụ của chính quyền với các tổ chức tài chính ngân hàng, doanh nghiệp, quỹ đầu tư... để đẩy mạnh thanh toán điện tử, hợp đồng điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử đối với doanh nghiệp và người dân.

Sở TC, Sở KHĐT, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

2023-2025

VIII

Xây dựng hệ sinh thái kinh doanh số lấy doanh nghiệp làm trung tâm

 

 

1

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển, hợp tác về thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của tỉnh.

Hiệp hội doanh nghiệp; Sở Công Thương

2022-2024

2

Duy trì, vận hành và nâng cấp, bổ sung tính năng hoạt động cho Sàn giao dịch thương mại điện từ tỉnh Lâm Đồng hoạt động tốt, ổn định đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Phấn đấu giao dịch thương mại điện tử tỉnh Lâm Đồng đạt từ 350 - 400 doanh nghiệp tham gia và kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trong nước và khu vực.

Sở Công Thương

2022-2023

3

- Cung cấp, hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số.

- Đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nội dung nghiên cứu, phát triển công nghệ nền tảng và công nghệ ứng dụng.

Sở KHĐT; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Sở KHCN

2022-2025

4

Phát triển, hoàn thiện ứng dụng phục vụ công tác quản lý thu thuế, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế tra cứu xác thực dữ liệu hóa đơn điện tử, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế, đồng thời, hỗ trợ kiểm soát, giám sát và thực thi thu thuế để tăng thu ngân sách.

Cục thuế tỉnh

2023-2024

5

- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ (Tem điện tử; hóa đơn điện từ; công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm (mỗi năm dự kiến hỗ trợ 10 đơn vị).

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics; Hỗ trợ tích hợp giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử trên trang website của doanh nghiệp, hợp tác xã... (mỗi năm dự kiến hỗ trợ 10 đơn vị).

Liên minh HTX; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh

2023-2025

IX

Đột phá phát triển ngành công nghiệp ICT và các doanh nghiệp công nghệ số

 

 

1

Hợp tác nghiên cứu và phát triển thu hút các trường đại học, viện nghiên cứu hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu để phát triển công nghệ mới và thử nghiệm tại Lâm Đồng.

Sở KHCN

2022-2025

2

Triển khai sáng kiến đẩy mạnh hợp tác ba bên giữa chính quyền - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu, nhằm hình thành các mô hình kinh tế, quản trị, kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới ứng dụng công nghệ số.

2022-2023

3

Kêu gọi, thu hút các công ty công nghệ số chuyển địa điểm hoạt động về Lâm Đồng; thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số.

Sở KHĐT

2022-2025

D

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI SỐ

 

 

I

Chuyển đổi số trong y tế

 

 

1

Xây dựng hệ thống quản lý y tế thông minh đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và chia sẻ, kết nối thông tin với các hệ thống thông tin của tỉnh và Bộ Y tế.

Sở Y tế

2022-2023

2

Xây dựng thí điểm mô hình bệnh viện thông minh. Phấn đấu, mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trên môi trường số; mỗi cơ sở khám, chữa bệnh có giải pháp số phục vụ nhu cầu nhân dân. Các bệnh viện, trung tâm y tế đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Hoàn thành triển khai hồ sơ số về sức khỏe cá nhân.

2022-2024

3

Xây dựng, phát triển hệ sinh thái các ứng dụng số trong y tế tích hợp trên ứng dụng công dân số để cung cấp thông tin về khám, chữa bệnh phục vụ người dân và du khách.

2023

II

Chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo

 

 

1

Đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, phát triển giáo dục, giáo dục kỹ năng số, giáo dục đổi mới sáng tạo, tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn, số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sở GDĐT và các cơ sở giáo dục, đào tạo

2022-2025

2

Xây dựng hệ thống quản lý giáo dục thông minh trên cơ sở khai thác hiệu quả và đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống các phòng học/trường học thông minh trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư.

2023

3

Phát triển, triển khai hệ sinh thái các ứng dụng số, nền tảng giáo dục trực tuyến để cung cấp các dịch vụ số cho người dân trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mỗi học sinh đều có gia sư số.

2021-2025

4

Nâng cao kỹ năng số, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người lao động và doanh nghiệp; đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

2022-2025

5

Triển khai hoạt động đào tạo và các hoạt động huấn luyện về tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lan tỏa rộng khắp từ học sinh, sinh viên đến các doanh nghiệp.

Tỉnh Đoàn, Sở GDĐT, Sở KHCN

2022-2025

III

Chuyển đổi số trong báo chí truyền thông

 

 

1

Xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với độc giả, đo lường số lượng độc giả.

Báo Lâm Đồng, Đài PTTH tỉnh

2022-2024

2

Ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật... .để giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn hay tin tuyển chọn từ Ban biên tập.

2022-2024

III

Phát triển, triển khai các ứng dụng số trong lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

 

 

1

Triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường sử dụng bản đồ số như: đất đai, nền địa lý, quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, bảo đảm phù hợp với tính đặc thù, đặc điểm địa lý của địa phương.

Sở TNMT

2021-2024

2

Trên cơ sở nền tảng dữ liệu và hạ tầng từ hệ thống quan trắc môi trường đã được đầu tư, tiếp tục phát triển, triển khai các ứng dụng số phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, cảnh báo về môi trường để giúp cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao chất lượng đời sống của người dân như: Quản lý, kiểm soát: ô nhiễm không khí, kiểm soát chất lượng nước, kiểm soát chất lượng môi trường tự nhiên, môi trường công cộng, kiểm soát rác thải, kiểm soát ô nhiễm đất, tài nguyên rừng....

2023-2025

IV

Phát triển, triển khai các ứng dụng số cung cấp tiện ích, phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh

 

 

1

Triển khai hiệu quả ứng dụng công dân số trên nền tảng thiết bị di động với mục tiêu mỗi người dân và du khách có điện thoại di động thông minh đều cài đặt và sử dụng phục vụ nhu cầu cá nhân.

UBND các huyện, thành phố

2022-2024

2

Cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, đô thị, xây dựng, chiếu sáng, giáo dục, y tế, giao thông... tích hợp trên ứng dụng Công dân số.

UBND các huyện thành phố

2022-2025

3

Phát triển, triển khai ứng dụng số quản lý tập trung các thông tin về nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động, nhu cầu việc làm và hỗ trợ mỗi người dân ở độ tuổi lao động đều có khả năng tiếp cận, lựa chọn được việc làm phù hợp theo yêu cầu cá thể hóa.

Sở LĐTBXH

2023

4

Hoàn thành triển khai mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) đến 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Sở TTTT

2022-2023

V

Thúc đẩy chuyển đổi số cho người dân và văn hóa số

 

 

1

Triển khai tổ công nghệ cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh.

Tỉnh Đoàn; Sở TTTT

2022-2023

2

Xây dựng và áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Sở TTTT

2023-2025

3

Phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn tỉnh với mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ.

UBND các huyện, thành phố

2023-2024

 



[1] Bao gồm: các thiết bị IoT/M2M, các cổng thu thập (Gateway), thiết bị RFID, các thiết bị cảm biến đo đạc, thiết bị di động, thiết bị camera giám sát ghi hình, các thiết bị định vị GPS, các mô-đun (nút) thu thập dữ liệu người dùng từ mạng Internet...

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 5731/KH-UBND ngày 03/08/2022 thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.125

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.112.23
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!