ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 349/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 29
tháng 01 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU TRONG LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN
2024-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Nghị quyết số
06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ
XVI;
Thực hiện Nghị quyết số
06-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
Thực hiện Nghị quyết số
23-NQ/TU ngày 06 tháng 12 năm 2023 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ
kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm
2024;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 152/SNN-CCKL ngày 13 tháng 01 năm 2023, Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các mục tiêu lâm nghiệp giai đoạn
2024-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích: Xác định rõ
các nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các địa
phương để tổ chức triển khai thực hiện đạt và vượt các mục tiêu trong lĩnh vực
lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo các Nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra.
2. Yêu cầu
- Phát triển lâm nghiệp bền vững
phải được thực hiện đồng bộ từ tỉnh, huyện đến xã, có sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp,
các sở, ban ngành, các đơn vị chủ rừng trong việc phát triển lâm nghiệp bền vững.
- Các cơ quan, đơn vị xây dựng
kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch này theo các quy định của pháp
luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào
hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Quản
lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững; đảm bảo có sự tham gia rộng
rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào phát triển lâm nghiệp nhằm
đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh
thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa
đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi và giữ vững
an ninh quốc phòng.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2025
- Tăng độ che phủ rừng lên thêm
0,88% nâng độ che phủ rừng đạt 64%.
- Trồng mới 4.730 ha rừng tập
trung trong đó năm 2024 trồng 3.000 ha (Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
hỗ trợ người dân trồng rừng là 2.790,0 ha và các đơn vị chủ rừng trồng rừng là
210,0 ha); năm 2025 trồng 1.730,0 ha (Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố hỗ trợ người dân trồng rừng là 1.645,0 ha và các đơn vị chủ rừng trồng rừng
là 85,0 ha).
- Khoanh nuôi phục hồi rừng
2.831 ha trong đó: năm 2024 khoanh nuôi mới 1.415,5 ha, năm 2025 khoanh nuôi
1.415,5 ha.
- Nuôi dưỡng làm giàu rừng 918
ha trong đó: năm 2024 nuôi dưỡng 337,26 ha, năm 2025 nuôi dưỡng 581,28
ha.
- Trồng Sâm Ngọc Linh tập trung
khoảng 2.080 ha trong đó: năm 2024 trồng 500 ha, năm 2025 trồng 1.580
ha.
(Chi tiết từng đơn vị như biểu
kèm theo)
- Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện
có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tăng cường công tác khoán bảo vệ
rừng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định
của pháp luật.
- Đẩy mạnh việc cho thuê đất,
thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
- Khai thác, chế biến, sử dụng
hiệu quả bền vững rừng trồng, xúc tiến đầu tư 01 nhà máy chế biến gỗ hiện đại
thân thiện với môi trường.
III. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU NGHỊ QUYẾT
1. Độ che
phủ rừng
a) Nhiệm vụ: Tăng độ che phủ rừng
lên thêm 0,88% có nghĩa diện tích đủ tiêu chí thành rừng phải đạt 8.500 ha. b)
Giải pháp:
- Rà soát diện tích rừng trồng
giai đoạn trước đây đủ tiêu chí thành rừng để cập nhật vào kết quả theo dõi diễn
biến tài nguyên rừng hàng năm.
- Rà soát diện tích đất trống
trạng thái ĐT2 trên kết quả kiểm kê rừng năm 2014 đã phục hồi rừng tự nhiên đủ
tiêu chí thành rừng cập nhật vào kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng
hàng năm.
c) Thời gian thực hiện: Hoàn
thành trước ngày 28 tháng 02 hàng năm[1].
d) Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương.
2. Trồng mới
rừng tập trung (đã đạt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm
2020 của Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI)
a) Nhiệm vụ: Trồng thêm 4.730
ha rừng, trước mắt năm 2024 trồng mới 3.000 ha rừng.
b) Giải pháp:
- Huy động nguồn lực xã hội, vốn
thực hiện các chương trình mục tiêu, ngân sách địa phương hỗ trợ cho Nhân dân
trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2023 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Khẩn trương xây dựng hồ sơ trồng rừng,
hồ sơ mua cây giống cấp cho người dân trồng rừng theo đúng quy định, trong đó
lưu ý nguồn giống để sản xuất cây giống theo quy định tại Nghị định số
27/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng
lâm nghiệp.
- Tổ chức rà soát diện tích đất
trống đúng đối tượng theo quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15
tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi,
bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để xây dựng dự
án trồng rừng thay thế và tổ chức thực hiện theo quy định.
c) Thời gian thực hiện: Hoàn
thành trước tháng 6 năm 2023.
d) Đơn vị thực hiện:
- Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố chủ trì phối hợp với với các đơn vị liên quan thực hiện nội dung hỗ
trợ trồng rừng sản xuất.
- Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk
Hà, Tu Mơ Rông, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô, Kon Rẫy khẩn trương rà soát
đất đai xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng rừng trình cấp thẩm quyền phê
duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Khoanh
nuôi phục hồi rừng
a) Nhiệm vụ: Khoanh nuôi mới
2.831 ha.
b) Giải pháp.
- Rà soát đối tượng rừng để xây
dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán khoanh nuôi phục hồi rừng và tổ chức thực
hiện.
- Nguồn vốn thực hiện: Cân đối
nguồn thu từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị.
c) Thời gian thực hiện: Hàng
năm.
d) Đơn vị thực hiện: Ban quản
lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Ban quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy, Công
ty TNHH MTV lâm nghiệp: Kon Plông và Kon Rẫy.
4. Nuôi dưỡng
làm giàu rừng
a) Nhiệm vụ: Nuôi dưỡng 918 ha.
b) Giải pháp:
- Rà soát đối tượng rừng trồng
cần nuôi dưỡng để nâng cao chất lượng rừng, lập hồ sơ nuôi dưỡng trình cấp có
thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định
- Nguồn vốn: Cân đối thu chi
trong việc tận dụng sản phẩm nuôi dưỡng rừng. c) Thời gian thực hiện: Năm 2024.
d) Đơn vị thực hiện: Ban quản
lý rừng phòng hộ Kon Rẫy, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông.
5. Trồng mới
Sâm Ngọc Linh
a) Nhiệm vụ: Trồng tập trung
2.080 ha; trong đó: Năm 2024 trồng 500 ha; năm 2025 trồng 1.580 ha. b) Giải
pháp:
- Huy động nguồn lực xã hội đặc
biệt là nguồn lực của các doanh nghiệp có dự án trồng Sâm Ngọc Linh trên địa
bàn tỉnh đẩy mạnh tiến độ trồng theo dự án được phê duyệt.
- Lồng ghép vốn Chương trình mục
tiêu quốc gia hỗ trợ cho người dân trồng Sâm theo cơ chế chính sách hiện hành.
- Thực hiện tốt công tác chuẩn
bị giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên tổ
chức tập huấn công tác trồng, chăm sóc Sâm Ngọc Linh đảm bảo sinh trưởng tốt;
theo dõi, kiểm soát tốt sâu bệnh hại;
- Thường xuyên cập nhật diện
tích Sâm Ngọc Linh do đơn vị, địa phương thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi.
c) Thời gian thực hiện: Năm
2024 - 2025.
d) Đơn vị thực hiện: Ủy ban
nhân dân huyện: Đăk Glei và Tu Mơ Rông; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô,
Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty cổ phần VinGin và Công ty cổ phần
Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông.
6. Bảo vệ rừng:
a) Nhiệm vụ: Bảo vệ tốt diện
tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tăng cường công
tác khoán bảo vệ rừng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm
nghiệp.
b) Giải pháp:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa
cháy rừng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, trọng tâm là Kế hoạch
số 117-KH/TU ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết
luận số 61-KL/TW ngày
17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng
01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Thông báo số 8404/TB-VP
ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về kết luận của
lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và
phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm
2024 trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác
tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; Tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, xử lý
nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định; làm tốt công tác phối hợp
giữa chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Bộ đội Biên phòng, cộng
đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết đất ở, đất sản xuất
gắn với đào tạo nghề và tạo sinh kế cho người dân để hạn chế thấp nhất tình trạng
phá rừng trái phép làm nương rẫy; Quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư có chuyển mục
đích sử dụng rừng, giao rừng, cho thuê rừng; xử lý nghiêm các trường hợp có vi
phạm (nếu có)…
c) Thời gian thực hiện: Thường
xuyên
d) Đơn vị thực hiện: Các đơn vị
chủ rừng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị,
địa phương.
7. Đẩy mạnh
giao đất giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển
kinh tế - xã hội.
a) Nhiệm vụ: Đảm bảo 100%
diện tích rừng có chủ quản lý thực sự theo quy định của Luật Lâm nghiệp; đẩy mạnh
cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
b) Giải pháp:
- Hoàn thành việc giao diện
tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý cho các chủ rừng là các Ban quản
lý rừng và các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp để quản lý bảo vệ theo Quyết định số
1047/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các Quyết định
sửa đổi, bổ sung theo quy định.
- Rà soát diện tích rừng và đất
lâm nghiệp trên địa bàn quản lý, xây dựng kế hoạch giao đất, giao rừng cho hộ
gia đình, cộng đồng và tổ chức thực hiện. Cân đối ngân sách địa phương (ngân
sách huyện) bố trí kinh phí để thực hiện. Trường hợp thiếu hụt ngân sách lập hồ
sơ xin bổ sung kinh phí gửi Sở Tài chính xem xét tham mưu trình Ủy ban nhân dân
tỉnh xem xét theo quy định.
- Tập trung triển khai thực hiện
có hiệu quả công tác xác định giá cho thuê rừng, thuê môi trường rừng quy định
tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông
tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để làm cơ sở cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng
theo quy định.
- Đẩy mạnh công tác kêu gọi xúc
tiến đầu tư, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội có cho thuê rừng,
thuê môi trường rừng.
c) Thời gian thực hiện: Năm
2024 - 2025.
d) Đơn vị thực hiện:
- Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố thực hiện giao rừng, cho thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng
dân cư thôn.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cho thuê rừng,
cho thuê môi trường rừng đối với tổ chức và các nội dung liên quan việc giao diện
tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý cho các chủ rừng quản lý, bảo
vệ.
8. Đầu tư
01 nhà máy chế biến gỗ hiện đại thân thiện với môi trường.
a) Nhiệm vụ: Thu hút đầu tư được
ít nhất 01 nhà máy chế biến gỗ công suất trên 50.000 m3/năm
b) Giải pháp:
- Tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu
tư nhà máy chế biến gỗ theo các biên bản ghi nhớ của tỉnh Kon Tum với Tổng công
ty giấy Việt Nam; Công ty cổ phần giấy An Hòa; Công ty cổ phần Sao Việt; Công
ty Cổ phần Woodland.
- Mời các doanh nghiệp đã ký
biên bản ghi nhớ với tỉnh Kon Tum vào làm việc tìm hiểu và xúc tiến đầu tư.
c) Thời gian thực hiện: Quý I
năm 2024.
d) Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các
đơn vị, địa phương liên quan.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, ban ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp thuộc tỉnh, các
Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các đơn vị có liên quan căn cứ chức
năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao xây dựng Kế hoạch để tổ chức thực hiện
có hiệu quả Kế hoạch này; Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch
này; tổng hợp kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử
lý để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tại các phiên họp chuyên đề về lĩnh vực lâm
nghiệp.
3. Trong quá trình tổ chức thực
hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các sở, ban
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp
thuộc tỉnh, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các đơn vị có liên quan
chủ động đề xuất gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
các mục tiêu trong lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn tỉnh
Kon Tum, đề nghị các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện theo quy
định và đạt kết quả./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp;
- Các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NTT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|
[1] Quy định tại khoản 4, Điều 33 Thông tư
số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.