BỘ NỘI VỤ
BAN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2357/HD-BTĐKT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 08 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
KHEN
THƯỞNG THÀNH TÍCH TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ
LẠI PHÍA SAU” GIAI ĐOẠN 2021-2025
Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn
2021 - 2025 (gọi tắt là Phong trào thi đua); Sau khi thống nhất với Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Hướng dẫn khen
thưởng thành tích trong Phong trào thi đua như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập
thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong trào thi
đua.
- Phát hiện, cổ vũ, động viên, tuyên truyền, nhân rộng
các tập thể, hộ gia đình, cá nhân xuất sắc tiêu biểu có mô hình, sáng kiến, giải
pháp sáng tạo, cách làm hiệu quả trong thực hiện Phong trào thi đua.
2. Yêu cầu
- Việc khen thưởng phải đảm bảo đúng quy định, kịp
thời, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan gắn với kết quả thực hiện Phong
trào thi đua.
- Công tác bình chọn, xét đề nghị khen thưởng được
thực hiện đúng quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp
luật. Tập thể, hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, có
nhiều nỗ lực, phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, thực sự có tác dụng giáo dục, nêu
gương, có phạm vi ảnh hưởng, có sức lan tỏa trong ngành, lĩnh vực, địa phương
và trên toàn quốc.
II. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG
1. Tập thể:
Bộ, ban, ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh; phường, xã,
thị trấn, thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc; các doanh nghiệp (tập đoàn kinh
tế, tổng công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác
xã)... có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong trào thi đua.
2. Hộ gia đình:
Hộ gia đình có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong
Phong trào thi đua.
3. Cá nhân:
Cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác giảm
nghèo và các cá nhân khác có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong trào thi
đua.
III. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
- Huân chương Lao động hạng Ba.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
- Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.
- Giấy khen.
IV. TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chuẩn đối với tập thể: Gương mẫu chấp
hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt tiêu
chuẩn sau:
a) Đối với các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội:
- Hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản
hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Tiếp tục hoàn thiện
chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững,
bảo đảm mức sống tối thiểu tăng đần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ
bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ
trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ
giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.
Đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội: Có nhiều nội dung và hình thức tổ chức các
phong trào thi đua, các cuộc vận động để huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực
của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
- Chủ động, tích cực huy động nguồn lực, có nhiều
sáng kiến, giúp cho người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất, kinh
doanh, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
b) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương:
- Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong tổ
chức, triển khai Phong trào thi đua, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo
bền vững trên địa bàn; đề ra các nội dung, giải pháp sáng tạo, đặc thù thiết thực,
phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương; bố trí ngân sách địa phương
ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho huyện nghèo, xã hoặc thôn, làng, ấp, bản, buôn,
phum, sóc đặc biệt khó khăn.
- Phân bổ, sử dụng kinh phí và bố trí nguồn ngân
sách đối ứng của địa phương theo quy định, giải ngân và quyết toán đúng thời
gian quy định; chủ động, tích cực huy động các nguồn lực trong xã hội, có nhiều
sáng kiến, mô hình giảm nghèo bền vững được nhân rộng, giúp cho người nghèo
tham gia lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi, ổn định
cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định
kỳ, đột xuất.
- Giảm tỷ lệ nghèo đa chiều (tổng tỷ lệ hộ nghèo đa
chiều và hộ cận nghèo đa chiều) từ 2%/năm trở lên, trong 3 năm liên tục trước
khi trình khen thưởng; hoặc quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều giảm trên
50% so với năm 2021.
c) Đối với cấp huyện (các quận, huyện, thị xã,
thành phố trực thuộc cấp tỉnh)
- Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, nêu gương, được
bình xét trong Phong trào thi đua cấp tỉnh; Có sáng kiến, mô hình giảm nghèo bền
vững được nhân rộng, giúp cho người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất,
kinh doanh, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Huyện nghèo giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 6%/năm
trở lên, trong 3 năm liên tục trước khi trình khen thưởng.
- Các huyện còn lại giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ
4%/năm trở lên, trong 3 năm liên tục trước khi trình khen thưởng; hoặc quy mô hộ
nghèo và hộ cận nghèo đa chiều giảm trên 50% so với năm 2021.
d) Đối với cấp xã (các xã, phường, thị trấn)
- Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, nêu gương, được
bình xét trong Phong trào thi đua cấp huyện; Có sáng kiến, mô hình giảm nghèo bền
vững, huy động nguồn lực, hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật giúp cho
người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi,
ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và
hải đảo giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 1,5%/năm trở lên, trong 3 năm liên tục trước
khi trình khen thưởng; hoặc quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều giảm trên
50% so với năm 2021.
- Đối với xã khu vực III, xã khu vực II, xã khu vực
I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa
chiều giảm trên 50% so với năm 2021.
đ) Đối với thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc:
- Triển khai có hiệu quả chính sách, chương trình
giảm nghèo trên địa bàn, có thành tích xuất sắc tiêu biểu được bình xét trong
Phong trào thi đua và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -
2025.
- Hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để hộ
nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
- Huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, cộng
đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
- Điều kiện sống, thu nhập của người nghèo trên địa
bàn được cải thiện rõ rệt, tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội
cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
- Quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều giảm
trên 50% so với năm 2021.
e) Đối với các doanh nghiệp (tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) và các
tập thể khác:
- Đóng góp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện
công tác giảm nghèo và hỗ trợ, giúp đỡ các huyện nghèo, xã hoặc thôn, làng, ấp,
bản, buôn, phum, sóc đặc biệt khó khăn đặc biệt khó khăn và người nghèo.
- Tổ chức liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu
thụ sân phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các dự án, mô hình
giảm nghèo phù hợp với người nghèo, nhất là ở địa bàn huyện nghèo.
- Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng
và các ngân hàng khác thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo,
hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp
để tăng nguồn vốn cho vay, ưu tiên bố trí vốn cho vay phát triển sản xuất đối với
hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn
phục vụ sản xuất, kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất,
nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
2. Tiêu chuẩn đối với Hộ gia đình:
- Có ý thức, trách nhiệm tự nguyện đăng ký thoát
nghèo, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả trong lao động, phát triển sản
xuất, làm kinh tế và thoát nghèo bền vững; sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Chính
sách xã hội đúng mục đích, trả lãi, trả gốc đúng hạn, đạt hiệu quả sử dụng; vượt
khó vươn lên thoát nghèo.
- Có nhiều đóng góp, hỗ trợ hiệu quả, sáng tạo cho
các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất, làm kinh
tế, thoát nghèo bền vững.
3. Tiêu chuẩn đối với cá nhân: Gương mẫu chấp
hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt tiêu chuẩn
sau:
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm
công tác giảm nghèo
- Liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua với
những việc làm thiết thực, hiệu quả; có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong triển
khai phong trào thi đua và tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, hướng
dẫn thực hiện về công tác giảm nghèo
b) Đối với các cá nhân khác
- Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, đóng góp cụ thể,
thiết thực trong thực hiện công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo và được bình
xét trong Phong trào thi đua.
V. KHEN THƯỞNG VÀ THỦ TỤC, HỒ SƠ
1. Khen thưởng hàng năm
- Hàng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung
ương lấy kết quả triển khai tổ chức thực hiện Phong trào thi đua là căn cứ để
đánh giá thi đua các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc hàng năm lựa chọn, biểu dương,
khen thưởng kịp thời các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu khen thưởng
theo thẩm quyền (Bằng khen bộ, ban, ngành, tỉnh; Giấy khen...) và phù hợp
với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Khen thưởng sơ kết vào năm 2023
Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương tiến hành sơ kết Phong trào thi đua vào Quý II,
năm 2023 và căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định các tiêu chí khen thưởng
đối với các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu
trong Phong trào thi đua theo thẩm quyền.
3. Khen thưởng tổng kết vào năm 2025
a) Huân chương Lao động hạng Ba:
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương lựa chọn
mỗi cụm, khối thi đua từ 01 đến 02 đơn vị là Bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong
trào thi đua để đề nghị khen thưởng.
b) Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ:
- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn:
01 đơn vị Cấp huyện; 02 đến 03 đơn vị Cấp xã hoặc thôn, làng, ấp, bản, buôn,
phum, sóc; 02 đến 03 hộ tiêu biểu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo
vươn lên trở thành hộ khá; 01 đến 02 doanh nghiệp hoặc các tập thể khác; 02 đến
03 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong trào thi đua.
- Mỗi bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty
nhà nước chọn: 01 đến 02 đơn vị trực thuộc; 02 đến 03 cá nhân có thành tích xuất
sắc tiêu biểu trong thực hiện công tác giảm nghèo và hỗ trợ, giúp đỡ các huyện
nghèo, xã hoặc thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc đặc biệt khó khăn và hỗ trợ
người nghèo để đề nghị khen thưởng.
c) Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và Giấy khen:
Việc xét khen thưởng cho các tập thể, hộ gia đình,
cá nhân đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong trào thi đua ở bộ, ban,
ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do các bộ, ban, ngành, Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn và khen thưởng theo thẩm
quyền.
4. Tiền thưởng
Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về
thi đua, khen thưởng.
5. Thủ tục, hồ sơ khen thưởng
a) Thủ tục:
- Trên cơ sở đối tượng, tiêu chuẩn nêu trên các bộ,
ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị
- xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bình xét, đề nghị khen thưởng
đối với các tập thể, cá nhân theo tuyến trình đúng với quy định pháp luật hiện
hành.
- Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là đầu mối
tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định hồ sơ khen thưởng; phối hợp với Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan cho ý kiến để xét khen thưởng
trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
b) Hồ sơ:
- Tờ trình đề nghị khen thưởng của bộ, ban, ngành, Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh
thành phố trực thuộc Trung ương (kèm theo danh sách tập thể, hộ gia đình và cá
nhân được đề nghị khen thưởng).
- Biên bản họp xét khen thưởng của Hội đồng Thi đua
- Khen thưởng bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Báo cáo thành tích của các tập thể, hộ gia đình
và cá nhân được đề nghị khen thưởng theo Mẫu báo cáo thành tích khen thưởng
chuyên đề.
- Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với
các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có
nghĩa vụ nộp Ngân sách nhà nước, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với
người lao động, đảm bảo môi trường, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm...
- Báo cáo kết quả kiểm toán trong thời gian lập
thành tích đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán
theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Kiểm toán độc lập. Đối với
doanh nghiệp không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán trong báo cáo thành
tích phải nêu căn cứ không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán.
c) Thời gian:
- Thời gian đề nghị khen thưởng cấp tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và
bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quy định
theo thẩm quyền.
- Hồ sơ đề nghị khen thưởng tổng kết Phong trào thi
đua gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp trước ngày
30/9/2025.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Căn cứ Hướng dẫn này các bộ, ban, ngành, Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn khen thưởng thuộc thẩm quyền; căn cứ
kết quả tổ chức thực hiện Phong trào thi đua để khen thưởng và đề nghị cấp trên
khen thưởng cho các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong Phong
trào thi đua.
- Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp
có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan hướng dẫn quy
trình, thủ tục, hồ sơ, tham mưu với cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng
theo quy định.
Trên đây là Hướng dẫn công tác khen thưởng đối với
các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong Phong
trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn
2021-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản
ánh về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp tiếp thu, điều chỉnh bổ
sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực (để b/c);
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ (để b/c);
- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TW;
- Các bộ, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Thường trực BCĐ các CTMTQG;
- Ban TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Vụ (Phòng, Ban) TĐKT các bộ, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội;
- Các vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT TW;
- Lưu: VT, VIII (PTT).
|
TRƯỞNG BAN
Phạm Huy Giang
|