Kính
gửi:
Nhà đầu tư, Hiệu trưởng các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Căn cứ Nghị định số
86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu
tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
Căn cứ Nghị định số
135/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số
04/2020/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy
định chi tiết một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm
2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực
giáo dục;
Căn cứ Thông tư số
40/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban
hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở,
trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư
thục;
Căn cứ Nghị định số
152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao
động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động
Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số
70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP .
Qua kiểm tra thực tế
hoạt động giáo dục của các trường ngoài công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo đề
nghị các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tình hình tổ chức hoạt
động theo các nội dung, cụ thể như sau:
1. Đơn vị chỉ được tổ
chức hoạt động giáo dục sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp quyết định cho
phép hoạt động giáo dục, đảm bảo tổ chức hoạt động đúng với các nội dung được
cấp phép
1.1. Đối với trường mầm
non có vốn đầu tư nước ngoài:
- Khi được cơ quan có
thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục (quy định tại Điều 40 Nghị
định số 86/2018/NĐ-CP); đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục (theo
quy định tại Điều 46 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP). Sau khi được cho phép
hoạt động giáo dục, đơn vị tổ chức hoạt động theo quy định hiện hành.
- Khi có nhu cầu điều
chỉnh, bổ sung, thay đổi về một trong các nội dung được cấp phép (địa điểm
hoạt động giáo dục, nội dung hoạt động giáo dục,…), đơn vị phải thực hiện
hồ sơ đăng ký điều chỉnh và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét và thẩm định
quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
1.2. Đối với trường trung
học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung
học phổ thông loại hình tư thục (vốn trong nước và vốn nước ngoài)
- Đối với trường trung
học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung
học phổ thông loại hình tư thục (vốn trong nước): Khi được cơ quan có
thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục (theo quy định tại Điều
26 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP); đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động
giáo dục (theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP).
Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu
trường trung học (vốn trong nước) không được cho phép hoạt động
giáo dục thì Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố quyết
định hủy bỏ quyết định cho phép thành lập trường (khoản 4 Điều 26 Nghị
định số 46/2017/NĐ-CP).
- Đối với trường phổ
thông có vốn đầu tư nước ngoài: Khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành
lập cơ sở giáo dục (theo Điều 42 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP); đơn
vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục (theo Điều 48 Nghị định
số 86/2018/NĐ-CP). Sau thời hạn 02 năm kể từ ngày quyết định cho phép thành
lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục thì
quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực (theo khoản
3 Điều 42 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP).
- Khi có nhu cầu điều
chỉnh, bổ sung, thay đổi về một trong các nội dung được cấp phép (địa điểm
hoạt động giáo dục, nội dung hoạt động giáo dục…), đơn vị phải thực hiện hồ
sơ đăng ký điều chỉnh và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét và thẩm định
quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
Lưu ý: Nhà đầu tư có trách
nhiệm thực hiện hồ sơ gia hạn thời gian hoạt động giáo dục trong thời hạn 6
tháng trước khi Quyết định cho phép hoạt động giáo dục hết hiệu lực thi hành.
2. Tổ chức hoạt động
sau khi được cấp phép hoạt động giáo dục
2.1. Đối với các trường
trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là
trung học phổ thông loại hình tư thục (có vốn trong nước)
2.1.1. Cơ cấu tổ chức
- Trường phổ thông tư
thục xây dựng cơ cấu tổ chức theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT ngày
30 tháng 12 năm 2021 cụ thể: phải có hội đồng trường, ban kiểm soát, hiệu
trưởng, phó hiệu trưởng, hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỷ luật…
- Hiệu trưởng, phó
hiệu trưởng thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 9
Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT .
2.1.2. Về việc tuyển dụng,
sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động
- Tuyển dụng cán bộ
quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và đạt trình
độ được đào tạo và chuẩn nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học được quy định tại
Điều 11 và Điều 30 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT
(phải bảo đảm tỷ lệ ít nhất 40% giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo
viên theo quy định).
- Thực hiện ký kết
Hợp đồng lao động, Hợp đồng thỉnh giảng, giải quyết các chế độ về ngày nghỉ của
người lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 và Luật Giáo
dục số 43/2019/QH14.
- Thực hiện chế độ
đóng bảo hiểm xã hội, mở, đóng sổ đúng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội
số 58/2014/QH13.
- Đăng ký Giấy phép
lao động đối với người lao động nước ngoài công tác tại đơn vị theo quy định
tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm
2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân
nước ngoài tại Việt Nam.
2.1.3. Về cơ sở vật chất
- Treo biển tên
trường đúng tên được ghi trong Quyết định cho phép thành lập của Ủy ban Nhân
dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đảm bảo điều kiện
cơ sở vật chất được an toàn cho học sinh.
2.1.4. Về liên kết giáo dục
và đào tạo với nước ngoài
Triển khai dạy học
chương trình nước ngoài sau khi nhận được đầy đủ 02 quyết định: Quyết định phê
duyệt chương trình giáo dục tích hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và Quyết
định phê duyệt liên kết giáo dục với nước ngoài do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp
theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Những trường trước đây
được cho thí điểm dạy chương trình nước ngoài phải thực hiện theo văn bản số 90/UBND-VXVP
ngày 09 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
2.1.5. Về công tác tuyển sinh
- Không tổ chức quảng
cáo và tuyển sinh tại địa điểm chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt
động giáo dục.
- Tuyển sinh số lượng
đúng với số lượng Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
- Hội đồng tuyển sinh
chịu trách nhiệm về việc tuyển sinh không đúng quy định.
2.1.6. Về thu, quản lý và sử
dụng học phí
- Thực hiện theo quy
định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy
định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo
dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch
vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
- Thực hiện kê khai giá
dịch vụ giáo dục theo hướng dẫn tại công văn số 5195/SGDĐT-KHTC ngày 23 tháng
12 năm 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
2.1.7. Tách biệt hoạt động của
doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu,
ký hợp tác đầu tư tài chính, thành lập công đoàn cơ sở, sử dụng con dấu nhà
trường đúng mục đích.
2.2. Đối với các trường mầm
non, trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài
2.2.1. Cơ cấu tổ chức
- Trường phổ thông tư
thục có vốn đầu tư nước ngoài xây dựng cơ cấu tổ chức theo quy định tại Thông
tư 40/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2021.
- Hiệu trưởng, phó
hiệu trưởng có giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP
ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về
người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và thực hiện đúng trách nhiệm
theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT. Trường hợp hiệu
trưởng, phó hiệu trưởng là người biệt phái từ các nước phải có đầy đủ hồ sơ
pháp lý theo quy định hiện hành về miễn giấy phép lao động.
2.2.2. Về việc tuyển dụng,
sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động
- Tuyển dụng cán bộ
quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, đạt trình độ
được đào tạo và chuẩn nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học được quy định tại
khoản 2, 3 Điều 38 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP , đảm bảo thực hiện chương trình
giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục.
- Thực hiện ký kết
Hợp đồng lao động, Hợp đồng thỉnh giảng, giải quyết các chế độ về ngày nghỉ của
người lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 và Luật Giáo
dục số 43/2019/QH14; hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
- Thực hiện chế độ
đóng bảo hiểm xã hội; mở, đóng sổ đúng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội
số 58/2014/QH13 đối lao động người nước ngoài.
- Đăng ký Giấy phép
lao động đối với người lao động nước ngoài công tác tại đơn vị theo quy định
tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm
2020 của Chính phủ.
2.2.3. Về cơ sở vật chất
- Treo biển tên
trường đúng tên được ghi trong Quyết định cho phép thành lập cơ quan có thẩm
quyền (Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Cơ sở vật chất đảm
bảo điều kiện an toàn cho học sinh.
2.2.4. Về chương trình giáo dục
- Đảm bảo tổ chức dạy
học đúng với chương trình được ghi tại Quyết định cho phép hoạt động giáo dục
của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Thực hiện đầy đủ
nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập tại
các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài
theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT .
2.2.5. Về tiếp nhận học sinh
Việt Nam
Việc tiếp nhận học sinh
Việt Nam phải tuân thủ Điều 39 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP , cụ thể: học sinh
Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học
sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.
2.2.6. Về thu phí, quản lý và
sử dụng học phí đảm bảo đúng quy định hiện hành
3. Thực hiện công
khai
Đơn vị thực hiện công
khai đúng biểu mẫu, nội dung, hình thức theo quy định tại Điều 3, 5, 9 Thông tư
số 36/2017/TT-BGDĐT .
Lưu ý: Thực hiện công khai
đầy đủ trên trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc niêm yết công khai tại đơn
vị đảm bảo thuận tiện dễ theo dõi.
4. Thực hiện báo cáo
tình hình hoạt động:
Đơn vị thực hiện báo
cáo theo mẫu (file đính kèm); gửi về địa chỉ email: nthy.sgddt@tphcm.gov.vn
thời gian thực hiện báo cáo: trước ngày 25 tháng cuối của một quý (Quý I:
25/3, Quý II: 25/6, Quý III: 25/9, Quý IV: 25/12).
Đơn vị tiếp tục thực
hiện Công văn số 321/SGĐĐT-GDNCL ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Sở Giáo dục và
Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục sau khi
được cấp phép đối với các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Khi có
vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị các đơn vị thông tin về Sở Giáo dục và Đào
tạo, phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập (số điện thoại: 028.38299340)
để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
Trên đây là một số
nội dung chấn chỉnh sau kiểm tra hoạt động của các trường ngoài công lập năm
học 2022-2023. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện,
tự kiểm tra hoạt động nội bộ tại đơn vị mình, đảm bảo hoạt động luôn luôn phù
hợp với quy định hiện hành./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
- Giám đốc (để báo cáo);
- Phòng TCCB, phòng GDTrH, phòng KHTC, VP Sở (để phối hợp);
- Lưu: VT, GDNCL (NĐ).
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Lê Thụy Mỵ Châu
|